Kì nghỉ lễ 30/4 kéo dài những tưởng mang lại cảm giác thư thái, thế nhưng không ít người trở về từ các điểm du lịch trong trạng thái mệt mỏi, bực bội… Một số "thượng đế" phải nằm nhà thêm vài ngày để dưỡng sức.
TIN LIÊN QUAN
Đường "hành xác" tới điểm vui chơi
Nhiều xe khách thường xuyên trong tình trạng quá tải vào dịp lễ 30/4-1/5
Bước chân xuống khỏi chiếc xe du lịch từ Nha Trang về, mặt mũi anh Huy, chị Ngọc (Q.9, TP.HCM) bơ phờ, mệt mỏi. Dịp này được nghỉ dài ngày, anh Huy muốn đưa người yêu đi du lịch cho thoải mái đầu óc vì trước đó cả hai đều đã bù đầu với công việc.
Thế nhưng chuyến nghỉ lễ đã trở thành cuộc hành xác với hai anh chị. “Lúc đi đã khổ, chen lấn mãi mới kiếm được hai tấm vé. Ra đến Nha Trang tưởng thảnh thơi, ai dè người đông như kiến cỏ, đi đâu cũng cảm thấy bức bối chật chội”.
Chị Lưu Thủy, (nhân viên Bộ Tư Pháp, Hà Nội) cũng bơ phờ sau chuyến du lịch Hạ Long. 2h chiều 29/4, chị Thủy cùng 2 người bạn đến Bến xe Lương Yên (Hà Nội) nhưng không mua được vé. Nhóm bạn của chị Thủy đành phải bắt ô tô khách ở bên ngoài.
Cố gắng tìm một chỗ ngồi nhưng không sao chen chân được, chị Thủy đành chịu cảnh đi “ghế đứng”. Khoảng gần 2 tiếng sau do một số khách có con nhỏ không chịu nổi cảnh xe quá tải đã xin xuống giữa đường, chị Thủy mới kiếm được một chỗ ngồi trên cabin cùng một đống balô, túi xách lèn cứng xung quanh.
Trên suốt dọc đường đi, mặc dù số lượng khách trên xe đã chở gấp đôi quy định nhưng lơ xe vẫn tiếp tục bắt khách. Do bị nhồi nhét, trong xe lúc nào cũng như thiếu khí, đường lại ùn tắc tại nhiều nơi nên hầu hết hành khách đều kêu chóng mặt, váng đầu. Quá nửa số khách trên xe đã… ói mửa.
“Người lớn thì còn “nghiến răng” chịu đựng được, khổ nhất là mấy trẻ nhỏ do không chịu được cảnh ngột ngạt cứ khóc ầm lên. 11h đêm, chị Thủy và nhóm bạn mới tới được khách sạn.
Khốn khổ thuê nhà nghỉ
Anh Huy cho biết, 7h sáng 30/4 hai anh chị có mặt ở Nha Trang nhưng đến tận 12h trưa lang thang vẫn không hỏi được nhà nghỉ. Hai anh chị đành chấp nhận kiếm chỗ ở xa trung tâm thành phố nhưng kết quả cũng chẳng hơn gì.
“Chủ khách sạn giới thiệu là khách sạn 2 sao nhưng vào phòng thì không có máy lạnh, chỉ có cái quạt treo tường, phòng tắm cũng không có máy nước nóng. Phòng khách sạn mà như phòng nghỉ bình dân. Phòng 2 giường, 500.000đồng/ngày. Bực bội vì dịch vụ ở đây nhưng đành cắn răng chịu”.
Dễ tính hơn anh Huy, chị Mai (Q.5, TP.HCM) hài lòng với chuyện thuê được phòng nghỉ tại thị xã Bà Rịa với giá cắt cổ. Ngày thường, nhà nghỉ phòng quạt máy chỉ 80.000 đồng/ngày, máy lạnh là 160.000 đồng/ngày, nhưng mấy ngày lễ, nhà nghỉ nào cũng ra giá 300.000 đồng/ngày (phòng quạt máy), 600.000 đồng/ngày (phòng máy lạnh).
“Như vậy là vẫn còn may, có người còn không thuê được chỗ nghỉ, đành bỏ dở kì nghỉ quay trở về thành phố” - chị Mai vẫn lấy làm mừng.
Còn chị Thủy, dù đã đặt 2 phòng trước đó một tuần nhưng đến nơi, cả nhóm bạn 4 người của chị Thủy phải nhồi nhét vào một phòng đôi với giá 800.000 đồng (tăng 300.000 đồng so với khi đặt). Theo lý giải của nhân viên khách sạn thì do số lượng khách tăng đột biến, ngoài dự đoán nên phải nhường bớt phòng cho khách khác và tăng giá phòng.
Nhà nghỉ, khách sạn hết phòng, nhiều người phải chấp nhận thuê nhà dân với giá ngang giá khách sạn. Gia đình anh Hân thuê xe ô tô từ Hà Nội đi Đồ Sơn. Đến Đồ Sơn, chạy lòng vòng qua rất nhiều khách sạn, nhưng gia đình anh Hân không thuê nổi phòng, đành phải thuê nhà dân ở gần đấy với giá “cắt cổ”, 300.000đồng/phòng 20m2.
Các loại dịch vụ kỳ nghỉ lễ đều tăng 3-5 lần so với ngày thường
"Phòng trọ thì xập xệ, không có nhà tắm, phải tắm chung với nhà tắm của chủ nhà. Không điều hòa, máy lạnh, chăn đắp cũ kỹ, ít được dùng nên có mùi hôi, rất khó chịu. Mặt khác tiếng máy bơm nước của chủ nhà chạy cả đêm kêu inh tai khiến tôi không thể nào chợp mắt được".
Dịch vụ: Giá tăng chóng mặt
Tâm - SV Trường ĐH GTVT TP.HCM cùng đám bạn rủ nhau đi xe máy ra Vũng Tàu chơi nhân mấy ngày nghỉ. Cả nhóm tính xuống Vũng Tàu thuê nhà nghỉ, chơi hết mấy ngày lễ mới về, nhưng sáng 30/4 đi thì chiều tối cùng ngày, cả nhóm đã phải chuồn về.
"Người thì đông mà phòng thì ít. Hỏi chỗ nào cũng bảo hết phòng, trong khi các dịch vụ ăn uống thì tăng giá đến chóng mặt. Cảm thấy đi du lịch mà ngột ngạt quá nên cả đám kéo nhau về cho khỏe" - Tâm kể.
Vẫn chưa hết bực, Tâm tiếp: “Xe máy của mình bị lủng phải vào tiệm vá xe. Có mỗi miếng vá người ta cũng lấy 15.000 đồng. Đúng là đủ các kiểu chặt chém. Từ nay có đi du lịch tụi mình cũng không đi vào mấy ngày lễ nữa”.
Chị Mai Xuân, một nhân viên du lịch ở Hà Nội cho biết, năm nay giá phòng khách sạn hầu hết đều tăng 2-3 lần, Đặc biệt, nếu khách không đặt phòng trước thì giá có thể thay đổi theo từng giờ. Còn các dịch vụ khác như: phao bơi, áo tắm, giải khát thì đều tăng từ 3-5 lần.
Các nhà hàng hải sản cũng được dịp để “chặt, chém” khách. “Nếu như năm trước, một suất ăn chỉ 100.000 đồng thì năm nay phải 150.000 – 200.000 đồng mới có thể ăn được. Đồ biển giá cả cắt cổ, 200.000 đồng được một đĩa chả mực lèo tèo vài miếng”.
Sau những ngày nghỉ xả stress, không ít người trở về từ các điểm du lịch trong trạng thái mệt mỏi, bực bội… Một số "thượng đế" sau chuyến nghỉ mát dịp 1/5 đã phải nằm nhà vài ngày để dưỡng sức.
(Theo Bee.net.vn)
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |