Hiện nay tại Việt Nam hàng trang trí nội thất (rèm cửa, vải bọc sofa, sofa thành phẩm và mền, vải trải (drap) có sử dụng nguồn vải nhập khẩu từ Trung Quốc. Chất lượng các loại hàng này không rõ ràng, hàng được nhập vào bằng con đường chính ngạch và tiểu ngạch.
TIN LIÊN QUAN
Người tiêu dùng cần phải yêu cầu người bán chứng minh nguồn gốc sản phẩm đã qua kiểm định.
Hàng nhập theo chính ngạch được kiểm tra với các tiêu chuẩn quy định trong đó có quy định về thành phần hoá chất an toàn cho các mặt hàng như nguyên liệu vải. Ông Quang, một người kinh doanh hàng sofa khu vực đường Bạch Đằng cho biết: “Khi nhập vải về để sản xuất, chúng tôi gửi mẫu đi kiểm tra trước để khi hàng về cứ theo các giấy tờ có sẵn mà làm thủ tục”.
Nhập nhằng xuất xứ
Còn vải tiểu ngạch lại được nhập khẩu thoải mái không có sự kiểm tra nào cả, nên vấn đề an toàn không đảm bảo. Ông Thành, một người kinh doanh vải nội thất ở Hà Nội cho biết: “Tôi mua hàng theo dạng tiểu ngạch chỉ làm thủ tục hải quan và đóng thuế, không phải qua kiểm tra về chất lượng nào cả”. Hàng theo dạng tiểu ngạch, hàng lậu giá rẻ hơn từ 10 – 20% so với chính ngạch, nên dạng hàng này tràn lan trên thị trường.
Khi vào thị trường Việt Nam, hàng được bán lẫn lộn trên thật giả rất khó phân biệt.
Một kẽ hở nữa là hàng sofa được nhập nguyên chiếc không hề bị kiểm định về chất lượng hoá chất. Ông Lâm, một người kinh doanh sofa trên đường Ngô Gia Tự cho biết: “Khi nhập sản phẩm nguyên chiếc, hải quan chỉ kiểm tra xem hàng có đúng như khai báo hay không rồi làm thủ tục nhập thông thường”.
Cũng tương tự như sofa, ghế bọc vải nhập tiểu ngạch vượt qua cửa khẩu một cách dễ dàng và không có sự kiểm tra nào về chất lượng an toàn.
Sự nhập nhằng như vậy nên ngay chính người kinh doanh cũng có người khi được hỏi cũng không biết rõ về các tiêu chuẩn an toàn, vì khi nhập hàng đã có các công ty dịch vụ lo giùm thủ tục nhập khẩu.
Những người bán hàng lại càng không được biết. Để thuyết phục người mua, khi bán họ luôn nói hàng được làm theo tiêu chuẩn châu Âu. Đây là tiêu chuẩn khắt khe để khách hàng có lòng tin, hoặc luôn nói sai về xuất xứ hàng.
May nhờ, rủi chịu
Về phía người mua lại càng không biết hoặc không cần biết. Bà Ngọc, một người mới làm nhà bên quận 7 cho biết: “ Khi làm nhà xong tôi đi chọn mua đồ thì cũng biết hàng sofa bán trên thị trường rất nhiều hàng Trung Quốc nhưng tôi chỉ để ý đến mẫu mã vừa mắt, giá cả hợp lý là mua”.
Ông Quang, một khách hàng có nhà ở quận 2 cho biết: “Tôi cũng nghe thông tin là mặt hàng quần áo Trung Quốc có hoá chất không tốt, nhưng về mặt hàng trang trí nội thất thì không hề biết. Có lẽ khi mua hàng tôi sẽ thận trọng hơn với hàng Trung Quốc. Tuy nhiên để nhận biết hàng nào có chất lượng an toàn thì tôi cũng không thể phân biệt được”.
Cũng có khách hàng rất hiểu biết, ông Dũng, một nhà kinh doanh vải rèm cửa cho biết: “Khách hàng của tôi khi sử dụng hàng xuất xứ Trung quốc họ đòi xem giấy kiểm định của Việt Nam và giấy phép lưu hành sản phẩm hàng hoá trên thị trường của Trung Quốc, như vậy họ mới yên tâm. Việc làm này là cần thiết và tôi cũng ủng hộ việc này. Khi họ đã tin tưởng, họ sẽ trở thành khách hàng trung thành của mình. Đó chính là lợi thế cho công ty tôi để đối phó với hàng trôi nổi trên thị trường”.
Ngay trong giới thiết kế nhà cũng ít để ý đến yếu tố an toàn, với họ mẫu mã đẹp là ưu tiên đầu tiên. Những người có ý thức hơn thì tẩy chay không tư vấn cho khách hàng mua hàng Trung Quốc.
Nhiều nguyên vật liệu chứa chất độc hại Hãng tin AFP dẫn lại thông tin từ China News Service cho biết nghiên cứu do trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Trung Quốc (CCDCP) thực hiện, cho thấy mức độ ô nhiễm trong nhà cao hơn từ 5 – 10 lần so với khu vực ngoài trời. Ô nhiễm trong nhà bao gồm hoá chất như formaldehyde, benzene, amoniac và radon, trong đó mối đe doạ lớn nhất là fomaldehyde. Chất này thường thấy trong vật liệu xây nhà và trong đồ nội thất, thường toả ra và hoà vào trong môi trường kín trong nhà trong thời gian dài. Chất formaldehyde, vào năm 2009 đã phát hiện có trong mặt hàng vải sản xuất từ Trung Quốc. Trong các căn nhà mới, nhu cầu sử dụng màn rèm, bọc ghế, mền, drap, thảm ngày càng nhiều, thì càng có nguy cơ nhiễm độc. “Nguyên liệu nhập từ Trung Quốc như ván ép, ván okal đều sử dụng loại keo rẻ tiền UF (Ure Formaldehyde) – thuộc dạng chất độc hại”, ông Trần Tuấn Hải, giám đốc công ty xuất nhập khẩu vật liệu xây dựng Tân Y cho biết vậy. Những loại keo cao cấp như keo melamine và một vài loại khác nữa ứng dụng trong sản xuất các loại ván nhân tạo “nhưng vì lợi nhuận nên nhiều doanh nghiệp không sử dụng”, ông Hải nhận định. Chục năm về trước, Nhà nước đã khuyến cáo không dùng chất amiăng làm tôn fibrociment nhưng chưa rốt ráo, vẫn còn nhiều đơn vị sản xuất và bán ở thị trường các tỉnh, vùng quê. |
(Theo SGTT)
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |