Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM nhận xét: Hàng gian, hàng giả xuất hiện nhan nhản khắp mọi nơi mà không sao ngăn chặn được.
TIN LIÊN QUAN
Tại cuộc hội thảo “Chống hàng nhái, hàng giả và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng” vừa được tổ chức tại TPHCM, Trưởng văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại TPHCM Nguyễn Thanh Bình nhận xét: Nạn kinh doanh hàng gian, hàng giả ngày càng phổ biến. Nghiêm trọng hơn là hàng giả xuất hiện nhan nhản khắp mọi nơi mà không sao ngăn chặn được.
Hàng giả bày bán công khai từ chợ đến trung tâm thương mại.
Nhiều người tiêu dùng mua hàng dỏm
Qua thực tế ghi nhận thị trường của chúng tôi cho thấy việc mua hàng giả hiện nay còn dễ hơn mua hàng thật. Không chỉ tại chợ, shop bán lẻ mà ngay cả trong các trung tâm thương mại lớn tại TPHCM, hàng giả cũng được bày bán công khai.
Mới đây, Công ty TNHH Toàn Thạnh, đơn vị nhập khẩu sữa tắm White Care phát hiện hàng giả nhãn hiệu White Care được bày bán công khai tại một số siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện dụng, tiệm tạp hóa. Công ty SHTT Winco, đại diện ủy quyền của Công ty Homeland (đơn vị quản lý nhãn hiệu Magic Bullet, Mỹ) tại VN, cũng phát hiện máy xay đa năng Magic Bullet giả xuất hiện tại một cửa hàng điện máy trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội) và quận 10 (TPHCM)...
Theo nhận xét của đại diện một đơn vị chuyên nhập khẩu các nhãn hiệu thời trang quốc tế, gần 90% hàng hiệu bán trên thị trường hiện nay là hàng giả. Gần đây, ngoài việc kinh doanh hàng giả các thương hiệu nước ngoài, thị trường còn xuất hiện hàng giả các thương hiệu trong nước, phổ biến nhất là hàng thời trang. Các thương hiệu như Việt Thy, FOCI, Ninomaxx... cứ vừa tung ra bộ sưu tập mới thì chỉ vài ngày sau, tại các chợ Tân Bình, An Đông, Bà Chiểu... (TPHCM) đã xuất hiện những sản phẩm nhái tương tự từ kiểu dáng đến nhãn hiệu với giá bán rẻ hơn một nửa so với hàng chính hãng.
Số liệu từ Chi cục QLTT TPHCM cũng cho thấy lượng hàng giả, hàng vi phạm SHTT trong 4 tháng đầu năm nay tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, báo động tình hình sản xuất và kinh doanh hàng giả rất đáng lo ngại. Và kết quả khảo sát mới đây của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN thì có đến 62% người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Hàng nào cũng bị làm giả
Mỹ phẩm là một trong những mặt hàng bị làm giả nhiều nhất trong thời gian gần đây, cao điểm có tháng Chi cục QLTT TPHCM phát hiện được hơn 300.000 sản phẩm mỹ phẩm vi phạm. Hà Nội là nơi kinh doanh mỹ phẩm giả nhiều nhất cả nước. Theo kết quả khảo sát thị trường về hàng giả do Nielsen và Tổ đặc quyền SHTT Ý tại VN thực hiện, có đến 47% dược, mỹ phẩm ở Hà Nội là hàng giả. Một đại diện của Công ty L’Oreal VN cho biết: Có khi chỉ trên một con phố ở Hà Nội xuất hiện 2-3 cửa hàng kinh doanh hàng giả công khai với chiêu thức quảng cáo đợt bán hàng khuyến mãi với giá rẻ 50% nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Hàng giả bày bán công khai từ chợ đến trung tâm thương mại.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, trước đây hàng giả thường tập trung ở những nhóm hàng thời trang và mỹ phẩm thì nay xuất hiện nhiều mặt hàng khác nhau. Vào tháng 4, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 4.000 đơn vị sản phẩm giả nhãn hiệu HP ở Hà Nội và TPHCM.
Trước đó, QLTT huyện Bình Chánh - TPHCM cũng phát hiện một địa điểm làm giả sản phẩm nước xả Comfort, trên bao bì ghi dòng chữ “Công ty LD Unilever VN” và tạm giữ hơn 23.000 gói sản phẩm Comfort 24 ml, thùng giấy ghi thương hiệu dầu gội X-Men. Cơ quan chức năng còn phát hiện hàng loạt sản phẩm như Trà xanh không độ, mì ăn liền Good, dây điện, két sắt... cũng bị làm giả.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa miền Nam: Hàng giả, hàng kém chất lượng có từ nguyên liệu sản xuất, hàng vật tư, hàng tiêu dùng và có cả các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng như thuốc tây, đồ chơi trẻ em, xăng dầu, mũ bảo hiểm, dụng cụ điện.
Nên từ chối hàng giả Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) Bạch Văn Mừng cho rằng: Một trong những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là từ ý thức của người tiêu dùng. Theo ông Mừng, chủ đề năm nay dành cho người tiêu dùng là “Tiền của chúng ta, quyền của chúng ta”. Người tiêu dùng ý thức được mình có quyền từ chối sản phẩm kém chất lượng, không mua hàng giả, nghĩa là đang bảo vệ quyền lợi của chính mình, nâng cao tiêu dùng thông minh và góp phần ổn định thị trường hàng hóa trong nước. |
(Theo NLĐ)
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |