- Có một nghịch lý tiêu dùng: khách thiếu tiền miễn mua sản phẩm/ dịch vụ nhưng nếu sản phẩm/ dịch vụ trục trặc thì doanh nghiệp dễ dàng bỏ mặc khách "tự bơi".
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bán hàng kiểu... “bịt tai”
Giữa thủ đô, hàng trăm người dân khu vực phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội đã phải sống trong cảnh tivi “đắp chiếu” chờ tín hiệu.
Người dân Ngọc Lâm, Long Biên trong cảnh mất tín hiệu truyền hình cáp. Ảnh: T.Lan |
Chị Vũ Ánh Nhật (số 61, Nguyễn Sơn) cho biết: từ ngày 29/7/2010, nhà chị đã không xem được ti vi do mất tín hiệu cáp. Không nhận được một thông báo chính thức nào từ phía VCTV (Truyền hình Cáp Việt Nam), chị Nhật và các nhà hàng xóm đã liên tục gọi điện tới số máy VCTV tại Long Biên, đường Nguyễn Văn Cừ (04-36503295) nhưng đều gặp phải hứa hẹn suông và chưa có một sự hỗ trợ nào.
Người dân trên đường Nguyễn Sơn còn phải vận dụng đến cả “chiêu” dọa cắt hợp đồng với hy vọng nhân viên VCTV xuất hiện do sợ mất khách hàng. Nhưng “chiêu” này cũng vô tác dụng!
Chị Nhi ở cùng tuyến phố Nguyễn Sơn còn cho biết: khi chị hỏi mã số nhân viên trực tổng đài vì cảm thấy câu trả lời không thỏa đáng thì “nghe cụp một cái, thế là hết cả hỏi”!
Anh Tuấn Vũ (Ngọc Lâm, Long Biên) lọ mọ tìm website của VCTV thì mới thấy thông báo “Từ nay đến ngày 7/8, VCTV sẽ tiến hành hạ ngầm cáp tại xã Ngọc Hồi (Thanh Trì)... Ngay sau khi hoàn thành, tín hiệu truyền hình cáp sẽ được khôi phục lại phục vụ khán giả.” Thông báo đề ngày 04/8/2010, ngày hạn chót được thông báo là 07/8/2010, đến 12/8, người dân vẫn sống trong cảnh thiếu thông tin truyền hình.
Anh Phạm Trọng Quý (Vĩnh Hồ, Đống Đa) cũng gặp cảnh nhân viên Xí nghiệp nước sạch Hà Nội tùy tiện đến thay mới đồng hồ nước cho gia đình không hề thông báo trong khi đó đồng hồ cũ vẫn chạy tốt. Không hài lòng với việc lắp đặt mới do thiếu mỹ quan nên anh đã đề nghị thợ lắp đặt lại. Tuy nhiên, người thợ dửng dưng bảo “chỉ lắp được như vậy, chủ nhà có nghiệm thu hay không thì cũng không quan tâm”.
Mua hàng của “ông Kễnh”, đố dám tẩy chay
Các khách hàng của VCTV đều không biết một thông báo chính thức nào về việc mất tín hiệu cáp. Anh Quý cũng không hề nhận được thông báo nào từ đơn vị cung cấp nước. Trong khi đó, hàng tháng, các khách hàng này vẫn thấy người thu cước cho doanh nghiệp đến thu tiền đều đều.
Khách "tự bơi" bằng cách câu trộm cáp. Ảnh minh họa: T.Lan |
Một câu hỏi đặt ra, tại sao nhiều đơn vị (nhất là những DN lớn) không thể thực hiện những việc đơn giản như gửi thông báo tới khách hàng mỗi khi có thay đổi?
Tại Ngọc Lâm, Long Biên, khi tình trạng mất tín hiệu kéo dài, người dân mất cáp có ý chờ người nhà đài đến thu tiền để hỏi thì người này “bỗng dưng” bặt vô âm tín. Khách xài “chiêu” dọa cắt hợp đồng nhưng trên thực tế, nhà đài đang nắm đằng chuôi. Nhiều khách hàng đã lỡ thanh toán tiền trước tiền thuê bao từ 3 tháng đến 1 năm cho VCTV thì cố nghiến răng mà dùng tiếp. Người khác sẵn sàng mất tiền để tìm một nhà cung cấp khác tốt hơn thì lại gặp cảnh hết cáp, hết đường truyền.
Còn anh Quý, nếu muốn tẩy chay “ông” nước một đường ống, anh chỉ còn cách đào giếng khoan và trang bị cho mình hệ thống lọc riêng.
Trong khi chủ tịch tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Wal Mart sợ hãi quyền lực đem tiền đi tiêu chỗ khác của khách hàng thì tại Việt Nam, một nhân viên “quèn” của doanh nghiệp vẫn có thể tỏ thái độ thách thức “muốn dùng thì dùng, không dùng thì… biến”.
“Tái ông thất mã”… mà đau
Xưa kia có chuyện Tái ông thất mã, Tái ông cứ mất ngựa rồi ngựa lại về. Mỗi lần hàng xóm đến chia buồn về chuyện mất ngựa, ông đều bảo biết đâu mất ngựa là một điều may. Câu chuyện diễn tiến đúng như lời Tái ông nói. Tái ông thất mã vẫn vui bởi ông nhận được nhiều giá trị quan trọng hơn trong cái mất.
Người dân tại Ngọc Lâm, Long Biên cũng đang mất tín hiệu truyền hình cáp. Nhưng họ là những Tái ông thất mã… mà đau.
Không có truyền hình cáp, nhà thì mất tiền sắm thêm ăng-ten râu có truyền hình cho trẻ con xem hoặc chỉ là để mở tivi cho có tiếng trong nhà cho bớt hiu quạnh tuổi già. Người khác thì mua tạm chiếc đài radio.
Còn có nhà lại chọn phương cách… câu trộm đường truyền cáp của nhà cung cấp khác. Thế nên mới xảy ra nhiều tình huống dở khóc dở cười: liều mạng, mất công cả buổi câu trộm cáp nhưng cuối cùng lại câu… nhầm sang nhà khác. Hoặc đơn vị cung cấp phát hiện, cử người đến xem xét, dứt dây nối ra, người dân lại nối vào, rồi hai bên cãi nhau…
Mất tín hiệu tivi, người dân mất một kênh văn hóa giải trí quan trọng đồng thời mất thêm các giá trị vật chất, tinh thần khác. Bởi nhà đài để mặc khách hàng của mình tự bơi nên khiến nhiều người bơi sai hướng, trở thành những kẻ "câu trộm". Dẫu là "ăn trộm văn hóa lành mạnh" như một người dân bao biện thì đây vẫn là một hành động vi phạm pháp luật.
Người dùng cảm thấy trong nhà bắt buộc phải có truyền hình cáp, mất cáp không chịu được và không có một lựa chọn nào khác, hiển nhiên, nhân viên nhà cung cấp dịch vụ tự thấy mình quá quan trọng và có thể chọn cách cư xử chẳng ra gì. Ngược lại, khách hàng thấy truyền hình cáp có cũng được, không có cũng chẳng sao và có nhiều thú vui khác để lựa chọn, để thuyết phục người dùng lựa chọn, nhà cung cấp dịch vụ phải có thái độ phục vụ tốt nhất.
Nếu người dùng một lần thử thoát khỏi sự lệ thuộc vào cái tivi: người lớn đưa trẻ con đi vui chơi, giải trí bên ngoài; con cái về thăm bố mẹ già và người lớn đi tìm thú vui khác thì "ông Kễnh" bán hàng cũng chẳng thể làm kiêu. Và biết đâu đó một ngày, nhờ mất cáp, sẽ có người nào đó mỉm cười vì không chỉ tiết kiệm được tiền thuê bao truyền hình cáp hàng tháng mà còn nhận ra trong cuộc sống còn có có những giá trị khác đáng trân trọng hơn.
-
Tuyết Lan - H.My
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |