Sữa phình, rỉ nước, có giòi: muôn năm cái lỗi vận chuyển!
- Sữa hộp hỏng trước hạn nhà sản xuất luôn đưa ra lý do "bất biến": vận chuyển và bảo quản không tốt... Không một đền bù, một vấn vương về trách nhiệm đảm bảo an toàn cho khách.
Sữa phình, rỉ nước, có giòi
Tháng 8/2009, VietNamNet nhận được cùng lúc phản ánh của 2 bạn đọc ở TP. Vinh, Nghệ An về hiện tượng sữa Vinamilk bị phình.
Anh Lưu Quang Vũ mua 1 thùng sữa đậu nành Vfresh loại hộp giấy 200ml, hạn dùng tháng 01/2010 nhưng các hộp lần lượt trương phình, tổng cộng cả chục hộp, không thể lưu giữ được nhiều, anh Vũ đành vứt bớt đi chỉ dám để lại 1-2 hộp để phản ánh đến nhà sản xuất.
Sữa phồng (ảnh trái) và có giòi (ảnh phải, dưới), anh Thành đành vứt vào xô để xó. Ảnh bạn đọc cung cấp |
Trường hợp thứ hai, anh Thành mua 1 thùng sữa tươi Vinamilk không đường túi giấy 200ml, hạn dùng tháng 01/2010. "Thùng sữa mới để được 5 ngày đã ướt nhẹp, nhiều túi sữa bắt đầu trương phình lên, đặc biệt là trong thùng xuất hiện giòi. Quá kinh hãi, anh Thành đổ vào xô đem vứt.
Không chỉ sản phẩm sữa Vinamilk, VietNamNet đồng thời nhận được phản ánh của anh Tuấn Anh về sản phẩm sữa Cô gái Hà Lan (Dutch Lady) bị phồng. Anh Tuấn Anh mua cả thùng sữa tươi có đường loại 110ml cho con, các hộp sữa đều có hạn sử dụng đến 26/12/2009 nhưng đã xuất hiện 1 hộp trương phình.
Những lý do "bất biến" của nhà sản xuất
Sữa cô gái Hà Lan căng phồng. Ảnh H.D |
Với hai khách hàng mua phải sữa phình tại TP. Vinh (Nghệ An), Công ty sữa Việt Nam Vinamilk đã đến nhà riêng để đổi lại sản phẩm. Nguyên nhân được Vinamilk đưa ra là "do vận chuyển, bảo quản không được tốt". Vinamilk giải thích: "hàng chất quá cao hoặc quăng nặng tay khi bốc xếp đều dẫn đến tình trạng này".
Nhà sản xuất sữa Cô gái Hà Lan cũng đưa ra giải thích tương tự cho hộp sữa tươi còn hạn dùng nhưng vón đặc, lợn cợn thành cục mà một khách hàng khác, anh Nguyễn Hữu Doanh (Từ Liêm, Hà Nội) mua phải tháng 6/2008. Cùng với thư cho rằng nguyên nhân sữa hỏng là vận chuyển và bảo quản chưa tốt, nhà sản xuất này gửi cho khách hàng tờ chứng nhận chất lượng của lô sữa có hộp sữa hỏng.
Giải thích mà nhà sản xuất tưởng là thoả đáng này khiến khách hàng vốn sợ hộp sữa hỏng mình mua phải trở thành ngại tất cả các thùng sữa xếp cao chất ngất và bán chạy như tôm tươi ở khắp các nẻo đường.
Dù khách hàng có nghĩ gì, làm gì tiếp sau đó, các nhà sản xuất sữa tiếp tục duy trì giải thích "bất biến" này với mọi khách khác, coi đó như "cẩm nang" áp dụng trong mọi trường hợp giải quyết khiếu nại về sữa phình, sữa rỉ nước hoặc nhiễm khuẩn.
Người dùng nào, sản phẩm ấy
Sữa đậu nành Vfresh trương phình. Ảnh bạn đọc cung cấp |
Phần lớn khách hàng khi bỏ công tìm đến nhà sản xuất để phản ánh về sữa phình, sữa rỉ nước hoặc nhiễm khuẩn đều không vì đền bù.
Tất cả khách hàng đều bày tỏ mong mỏi không có sản phẩm lỗi trên thị trường, và con em họ nhờ vậy an toàn về sức khoẻ, tính mạng.
Nhưng rồi những cuộc điện thoại triền miên không có hồi âm, đặc biệt là lý do "vận chuyển, bảo quản" nơi cửa miệng người chăm sóc khách hàng khiến họ không còn muốn báo tin cho nhà sản xuất nữa.
Nếu trước đây, người tiêu dùng gặp sữa hỏng đều yêu cầu nhà sản xuất đem hộp sữa đi kiểm định chất lượng. Đến nay, nhiều khách hàng rút lui khiêú nại ngay nếu nhân viên chăm sóc chịu khó đến nhà và đổi sản phẩm. "Có chất vấn thêm thì vẫn là lý do như vậy thôi, chỉ tốn thời giờ" - tất cả nghĩ vậy rồi... bỏ qua.
Người ta bảo, người dùng nào sẽ có sản phẩm ấy. Khách hàng dễ thì sản phẩm được phép lỗi nữa, hỏng mãi. Và nhà sản xuất cứ "ung dung" đưa ra những lý do "bất biến" để giải quyết khiếu nại của khách. Rồi chỉ cần đổi sản phẩm (tuyệt nhiên không liên quan trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người dùng) là xong nhiệm vụ.
Theo ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban tuyên truyền, Hội Luật gia Tp. HCM, "việc đổi sản phẩm cho người tiêu dùng không chỉ là một hành vi không lành mạnh trong giao dịch với người tiêu dùng mà còn là một hành động thể hiện sự coi thường khách hàng của mình. Thậm chí, người tiêu dùng có thể tẩy chay những sản phẩm của doanh nghiệp không tôn trọng mình."
Luật sư Hậu khẳng định sản phẩm sữa hộp còn hạn phình bất thường cũng bị coi như một sản phẩm "khuyết tật", gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, vì vậy nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Hậu cho rằng, "người tiêu dùng trước hết nên tự bảo vệ mình, cương quyết khiếu nại đến cùng bằng sự trợ giúp của các văn phòng luật sư. Tôi tin là nếu người tiêu dùng kiên trì, cương quyết thì phần thắng là chắc chắn. Bản thân tôi là một luật sư, tôi cũng sẵn sàng xung phong giúp người tiêu dùng tìm lại quyền lợi của mình. Nhiều trường hợp, khách hàng không chỉ được đền sản phẩm mới mà doanh nghiệp còn phải đến tận nhà xin lỗi khách hàng".
Cũng theo ý kiến của luật sư Hậu, có một nguyên nhân khiến cho người tiêu dùng nản lòng trong việc khiếu nại là "các pháp lệnh và văn bản bảo vệ người tiêu dùng vẫn chưa đủ mạnh", quy định và thủ tục khiếu nại phức tạp, tạo ra tâm lý "ngại" cho người tiêu dùng khi đi khiếu kiện các sản phẩm.
"Vì vậy, người tiêu dùng cứ buông xuôi khiến các doanh nghiệp được thể, "thừa thắng" lấn tới. Và hiện nay, quyền lợi của người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị xâm hại một cách nghiêm trọng" - luật sư Hậu kết luận.
-
H.D
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |