Quyền lợi người tiêu dùng Việt: Bảo vệ ít, xâm hại nhiều
- Việt Nam hiện có hơn 80 nghị định xử phạt hành chính liên quan lĩnh vực tiêu dùng và hơn 20 cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động bảo vệ NTD. Nhưng NTD Việt bị xâm hại quyền lợi vẫn không biết trông cậy vào ai.
Đó là thống kê của Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tại hội thảo “Pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng (NTD) - Kinh nghiệm quốc tế, thực trạng và triển vọng ở Việt Nam” (Hà Nội 12-13/11/2009).
Mỗi năm cơ quan này xử lý hơn 100.000 vụ vi phạm về tiêu dùng; Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ người tiêu dùng cũng tiếp nhận hàng nghìn vụ khiếu nại. Báo chí cũng tiếp nhận từng ấy khiếu nại mỗi năm; thậm chí còn phát hiện nhiều vụ xâm hại quyền lợi NTD nghiêm trọng. Đó là chưa kể tới những vụ việc NTD gặp phải nhưng bỏ qua không khiếu nại.
Sở dĩ NTD Việt khiếu nại nhiều như vậy, theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Như Phát - Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, là do họ thường xuyên bị xâm hại quyền lợi, và họ rất yếu thế so với nhà cung cấp: không có thông tin, không tiềm lực kinh tế, thiếu khả năng tranh tụng tại toà án.
Hoang mang chọn sữa cho con.
Ông Phạm Quang Viễn, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng cho rằng không nước nào mà NTD ít được bảo vệ (mà có được bảo vệ thì hiệu quả cũng thấp) như ở Việt Nam. Sự phân cấp trách nhiệm không rõ ràng giữa các cơ quan tham gia bảo vệ NTD dẫn đến tình trạng dễ thì làm, khó thì bỏ, đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau. NTD cũng vì thế mà lúng túng, không biết tìm cơ quan nào kêu cứu, không biết ai có trách nhiệm để giải quyết vụ việc của mình. Vậy nên mới có chuyện Thứ trưởng một Bộ mua phải hàng nhái không biết đích xác cơ quan nào giải quyết vụ việc của mình, phải nhờ tư vấn mới cầu cứu tới đội quản lý thị trường.
Thế giới: Trao quyền tối thượng
Chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ NTD, ông Amos Helms (Viện KAS, Đức) cho biết, hoạt động bảo vệ NTD và giám sát DN ở nước này do một tổ chức phi chính phủ tiến hành. Tổ chức này thường xuyên kiểm tra mẫu mã, chất lượng sản phẩm và dịch vụ của DN đồng thời định kì xếp hạng sản phẩm, dịch vụ của DN. Việc xếp hạng vừa giúp người dùng tìm được thông tin về sản phẩm, dịch vụ tốt nhất đồng thời cũng trở thành một kênh quảng bá tốt cho DN.
Còn tại Thái Lan, một bộ luật bảo vệ NTD đã được thông qua và có Uỷ ban Bảo vệ NTD trực thuộc văn phòng Thủ tướng Thái. Uỷ ban này tiếp nhận các khiếu nại của NTD, làm đơn vị hoà giải giữa NTD và nhà sản xuất đồng thời đại diện cho NTD khi khiếu nại chuyển thành một vụ kiện. Theo bà Sareeya Galasintu - Chuyên viên pháp lý của Uỷ ban này, khi phát hiện sai phạm hoặc có thông tin sản phẩm gây hại cho sức khoẻ NTD, Ủy ban có thể phối hợp với cảnh sát kiểm tra, tịch thu sản phẩm, phạt DN vi phạm và có thể ra lệnh cấm lưu hành sản phẩm gây nguy hại cho người dùng.
Từ trái qua phải: PGS. TS. Nguyễn Như Phát, ông Amos Helms và bà
Sareeya Galasintu.
Đánh thức quyền tẩy chay
Tại hội thảo các đại biểu thống nhất rằng: sức mạnh to lớn của NTD là quyền tẩy chay sản phẩm. Quyền này chỉ được phát huy khi NTD ý thức được sức mạnh của mình và đoàn kết lại. Hiện tại, NTD Việt đã phát triển thành một lực lượng, sẵn sàng tham gia tổ chức bảo vệ quyền lợi của chính mình. Chỉ cần NTD mạnh lên thì tức khắc số vụ xâm hại quyền lợi NTD sẽ tự động giảm đi.
Để cân bằng vị thế NTD trong tương quan với nhà cung cấp cần tiến tới trao quyền cho NTD, khiến họ tự nhận thức được quyền lực và thức tỉnh sức mạnh sẵn có.
Như vậy, xây dựng luật bảo vệ NTD hay thành lập một tổ chức, uỷ ban đại diện bảo vệ NTD đều cần dẫn dắt NTD tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật bảo vệ quyền lợi của mình; hướng dẫn NTD tạo thói quen thiết lập chứng cứ; quy rõ trách nhiệm cho đơn vị quản lý nhà nước và liên kết các lực lượng xã hội để cùng giải quyết các vấn đề bảo vệ NTD.
-
HM
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |