'Bắt mạch' taxi gian
Giấu trong túi quần hoặc gói thuốc lá một thiết bị điện tử chỉ bằng ngón tay trỏ, lái xe nhấn nhẹ vào công tắc bé tí khi cần, đồng hồ tính cước lập tức phi nước đại.
Nhận diện taxi rởm
Trước đây đi taxi được coi là tiêu hoang thì hiện nay di chuyển bằng loại hình dịch vụ này càng trở nên phổ biến. Không cần bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sắm xe nhưng hành khách vẫn có thể được phục vụ riêng bằng những chiếc ôtô hạng sang trong mọi thời điểm trên hầu hết các thành phố, thị xã lớn nhỏ trên toàn quốc.
Chiếc taxi bị "tóm" do hoạt động sai phép. |
Không ít người cho rằng, sau thời hoàng kim của xe ôm thì taxi vươn lên soán ngôi "đế". Trên phạm vi toàn quốc có cả nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động taxi. Nhiều thương hiệu taxi lớn đã có tầm phủ sóng toàn quốc thay vì gói gọn trong một thành phố, khu vực như trước đây.
Chỉ tính riêng tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, toàn thành phố có trên 100 doanh nghiệp với gần 1.000 xe taxi hoạt động ngày đêm. Sự bùng nổ loại hình dịch vụ này phần nào đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội, tuy nhiên việc phát triển "nóng" của taxi cũng để lại nhiều hệ lụy không mong muốn. Điển hình là tình trạng hoạt động của lực lượng taxi dù.
Cổng bệnh viện, trung tâm thương mại, nhà ga, bến xe, nhà hàng, khách sạn lớn chính là những mỏ vàng của những lái taxi gian. Tại những khu vực này thường tập trung đông người có nhu cầu đi lại lớn đã thu hút một lượng không nhỏ taxi dù trú ngụ. Được biết, taxi dù chỉ hoạt động trong một vài cung giờ vàng nhất định trong ngày.
Chiếc taxi bị "tóm" do hoạt động sai phép
Nếu như lái xe taxi chính hãng chọn cung giờ an toàn từ 6h sáng đến 11h đêm thì lái xe taxi gian chọn cung giờ còn lại làm thời gian hoạt động. Trong cung giờ này, sự kiểm soát của lực lượng chức năng như Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông rất hạn chế. Taxi dù có thể hoạt động mà ít bị "sờ gáy".
Cũng trong khoảng thời gian này, do ít xe nên việc làm ăn của xế gian càng thuận lợi hơn, hành khách ít sự lựa chọn hơn. Sau những giờ vàng này, tài xế taxi gian đánh xe về gara hay một nơi nào đó tháo lô gô, nhãn mác, phù hiệu trở thành chiếc ôtô bình thường.
Taxi dù được chia làm nhiều loại, bao gồm taxi rởm gắn mác taxi thật, hoạt động một cách công khai. Với nhóm taxi gian này, thủ thuật để hô biến "công" thành "phượng" chính là cách dùng hệ thống nhãn mác, phù hiệu, lô gô rởm có phủ nam châm. Bắt đầu ca tác nghiệp, xế gian chỉ cần đính nhãn mác, phù hiệu, lô gô được scan giống hệt taxi chính hiệu, lắp thêm đèn hiệu, và đồng hồ tính cước rởm là có thể lên đường hành nghề một cách nhanh chóng.
Theo các Thanh tra giao thông (TTGT) thuộc TTGT Vận tải Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) hành khách có thể bắt mạch loại xe gian này bằng nhiều cách. Do nhãn mác, phù hiệu, lô gô được phủ thêm lớp nam châm nên thường dày hơn, thô hơn và thiếu sắc nét hơn so với taxi xịn. Sự khác biệt này hành khách hoàn toàn có thể nhận biết bằng mắt thường nếu tinh ý quan sát. Tuy nhiên, cũng có nhiều taxi rởm sử dụng lô gô, phù hiệu được chế tác một cách tinh vi, đường nét, màu sắc giống thật như đúc, mắt thường không thể nào phân biệt được thật - giả.
Với kinh nghiệm nhiều năm chống taxi gian, các chuyên gia TTGT chống xế gian bật mí cách để đối phó với dạng taxi giả… như thật này. Theo đó, khi phát hiện các dấu hiệu khả nghi, hành khách chỉ cần miết tay lên lô gô, phù hiệu taxi ngay lập tức sẽ phân biệt được xe gian hay xe chính hãng. Với lô gô chính hãng được ngành giao thông cấp, khi miết sẽ có những gờ nổi, đây chính là những "chiếc khoá" được in ấn đặc biệt để chống làm giả. Với lô gô rởm, khi miết tay, tuyệt nhiên không có những gờ nổi này mà trơn như gương.
Kết quả đấu tranh chống taxi gian hàng năm của Đội TTGT vận tải Hà Nội cho thấy, rất nhiều xe taxi gian sử dụng hình thức này để bịp khách hàng. Nhãn hiệu hay bị xế gian làm giả là những thương hiệu taxi nhỏ, hoạt động yếu kém, quản lý lỏng lẻo nên không kiểm tra, kiểm soát được việc bị ăn cắp thương hiệu trên thị trường. Với hình thức đánh cắp thương hiệu này, không chỉ khách hàng mà những doanh nghiệp bị ăn cắp cũng là đối tượng phải chịu thiệt. Người hưởng lợi chính là các tay xế gian, hàng tháng nghiễm nhiên có cả chục triệu đồng bỏ túi mà không phải đóng thuế hay ăn chia với doanh nghiệp như taxi chính hãng.
Loại xe dù thứ hai chính là những chiếc taxi chính hãng đã hết hợp đồng với hãng. Loại xe này hình thành từ phương pháp góp cổ phần trong hoạt động taxi. Theo đó, để trở thành tài xế taxi, lái xe phải mua xe của hãng theo hình thức trả góp từng tháng, tiền thu về trong ngày ăn chia với hãng theo tỷ lệ thoả thuận.
Sau khi trả hết tiền xe cho hãng vài năm, cũng là lúc lái xe hoàn thành hợp đồng với hãng. Lúc này xe thuộc quyền sở hữu của lái xe. Lái xe có thể vẫn sử dụng xe và ăn chia bình thường với hãng, hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng, tách ra hoạt động độc lập, không phụ thuộc sự điều phối của hãng. Đây là điều kiện để xế gian, xe dù phát triển một cách nhanh chóng. Không chịu sự quản lý của doanh nghiệp, lái xe toàn quyền áp giá với khách hàng.
Với nhóm xe dù này, khách hàng không thể nhận biết và phòng tránh. Chỉ có cơ quan chức năng chuyên ngành mới có đủ thẩm quyền, biện pháp và nghiệp vụ để bắt mạch đối tượng này thông qua kiểm tra các giấy tờ liên quan.
Trộm cước bằng công nghệ cao
Phương cách hoá trang nhằm biến taxi dù thành xe chính hãng đã trở nên lỗi mốt. Hiện nay, nhiều tài xế đã sử dụng đến công nghệ cao để cắp cước, ăn tiền khách hàng một cách tinh vi. Với nhiều hình thức, tài xế tác động vào đồng hồ tính cước, làm sai lệch thiết bị này để hưởng lợi bất chính. Cách thức đơn giản, tác động trực tiếp vào dây dẫn xung nối bộ phận phát xung với đồng hồ tính cước.
Thiết bị kích xung được ngụy trang bằng nhiều cách.. |
Dựa trên đặc thù hoạt động của đồng hồ taxi vốn phụ thuộc vào dòng xung phát ra khi xe lăn bánh, nhiều lái xe đã chọc thủng dây dẫn xung, dẫn thêm một nguồn điện từ ngoài vào. Đồng hồ tính cước nhận được dòng xung lớn, các chỉ số đo đếm tăng vùn vụt trong tích tắc. Khi phát hiện ra phương cách cắp cước này, nhiều hãng taxi đã phòng tránh bằng cách sử dụng dây dẫn xung được bọc bố thép. Tất thảy các điểm đấu nối đều được niêm phong cẩn thận. Biện pháp này đã triệt được quái chiêu chọc thủng dây xung của xế gian.
Khi bị bắt bài, xế gian không chịu bó tay mà vận tới những biện pháp ăn cắp tinh vi hơn. Cũng tác động thay đổi các chỉ số trên đồng hồ tính cước nhưng không chọc thủng dây xung mà đánh vào đầu não của đồng hồ bằng thiết bị điều khiển từ xa.
Đây là một thiết bị điện tử cực kỳ nhỏ gọn, chỉ bằng ngón tay trỏ, điểm điều khiển chỉ bằng đầu hạt gạo nên khách hàng, lực lượng chức năng rất khó phát hiện. Thiết bị này xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc. Giá cả tuỳ loại, càng nhỏ, càng tinh vi giá càng cao, dao động từ 700.000đ đến 1,5 triệu đồng/bộ kể cả công lắp đặt. Khi cần, lái xe chỉ nhấn nhẹ vào công tắc bé tí được ngụy trang kín đáo, đồng hồ tính cước ngay lập tức phi nước đại tăng vùn vụt cả về số tiền lẫn số km đường đi.
Để ngụy trang thiết bị tinh vi này, lái xe có vô vàn cách. Phổ biến nhất là gắn trong khoá từ ôtô. Cách thứ hai là gắn chìm sau lớp da bọc ôtô ở bất kỳ vị trí nào mà lái xe có thể với tới. Những điểm vàng được xế gian gắn thiết bị cắp cước chính là sau cổ vô lăng, trên tay vô lăng, tay cần số, điểm giữa chân côn và ga.
Không ít tài xế giấu thiết bị này trong túi quần, túi áo hay trong gói thuốc lá đặt ở bàn điều khiển. Cá biệt, có tài xế chỉ bọc sơ sài thiết bị cắp xung trong một mảnh túi bóng màu đen vứt lăn lóc ở đầu xe trông như rác. Khi cần, lái xe chỉ nhấp nhẹ vào "rác" vài lần là có thể móc túi của khách hàng vài chục ngàn, thậm chí đến trăm ngàn nếu chạy đường xa.
Thiết bị kích xung được ngụy trang bằng nhiều cách
Để đối phó với taxi gian sử dụng công nghệ cao, các TTGT đã phải thành lập một tổ chuyên ngành. Tổ trưởng tổ chuyên ngành, thanh tra Tưởng Đỗ Hiển cho biết, đấu tranh với các đối tượng này rất khó. Với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại được ngụy trang hết sức tinh vi nên nhiều khách hàng bị móc túi công khai mà vẫn không biết. Kết quả đấu tranh, bắt quả tang những đối tượng lái xe gian dối này chủ yếu dựa vào phản ánh của khách hàng.
Nhiều khách hàng thường xuyên di chuyển trên một cung đường bỗng dưng phải thanh toán một khoản tiền cao bất thường đã tìm cách phản ánh với TTGT. Biện pháp nữa đó là tăng cường kiểm tra trực tiếp những đối tượng khả nghi. Nhiều tài xế đã bị bắt quả tang, bị tạm giữ phương tiện và phạt tiền tới 5-7 triệu đồng.
Trong đợt kiểm tra gần đây, có hãng taxi đã bị tước giấy phép kinh doanh vì quản lý kém, lái xe vi phạm liên tục. Với khách hàng, các TTGT cho rằng nên chọn những hãng taxi đã có thương hiệu tại địa phương để đi. Nên tham khảo quãng đường đi, giá cả phù hợp để tránh bị lừa. Từ chối đi taxi khi nhận thấy hệ thống tem niêm phong đồng hồ có dấu hiệu bị bóc gỡ, lem nhem hoặc không còn niêm phong. Khi phát hiện những dấu hiệu khả nghi nên tìm cách báo cho các lực lượng như TTGT, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Công an phường… để được can thiệp kịp thời.
(Theo CAND)
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |