Từ chối tin nhắn rác: Mỡ ta rán ta
- 10 tin nhắn cùng nội dung nhưng có cú pháp từ chối khác biệt tới tấp "dội bom" 1 thuê bao. Muốn yên thân phải từ chối từng tin nhắn và trả cước cho tất cả các tin này.
Từ chối tin nhắn rác phải móc ví chi tiền
Ngày 17/1/2010, trong vòng 15 phút, liên tục 10 tin rác có nội dung giống nhau từ 1 số trả trước cùng đổ bộ vào số 09093423xxxx của chị Phượng.
Nhận được tin nhắn quảng cáo từ số trả trước về dịch vụ soi cầu của đầu số 6x61 lúc 1 giờ chiều ngày 15/1, chị Huyền (090210xxxx) đã thực hiện việc từ chối theo cú pháp được cung cấp ở cuối tin nhắn vào khoảng 10 giờ tối cùng ngày.
Ngay sau đó, chị đã nhận được phản hồi từ 6061 việc từ chối đã thành công. Tuy nhiên, đến ngày 17/1, số thuê bao của chị vẫn liên tiếp nhận được hai tin nhắn quảng cáo về dịch vụ xổ số và soi cầu xổ số. Như vậy, việc chị từ chối tin nhắn vào ngày 15/1 không mang lại kết quả gì.
Tin rác dội bom số thuê bao của chị Phượng và chị Huyền. Ảnh: HM |
Xem kĩ lại tin nhắn quảng cáo, chị thấy cuối hai tin này là hai cú pháp hướng dẫn từ chối khác nhau. Gửi từ chối thêm một lần nữa, chị lại nhận được tin nhắn là đã từ chối thành công nhưng hôm sau, chị lại thấy một tin quảng cáo về dịch vụ soi cầu của đầu số này từ một số di động khác. Mỗi lần gửi tin từ chối tới 6061, tài khoản chính của chị giảm 500 đồng.
Chị chia sẻ: “Không biết có phải các nhà cung cấp dịch vụ nội dung lách luật bằng cách quảng cáo nhiều nội dung mà mỗi nội dung là một cú pháp từ chối khác nhau hay không. Như vậy, khách hàng chúng tôi từ chối đến khi nào cho hết. Mà mỗi lần nhắn tin từ chối là một lần mất tiền chứ có phải miễn phí đâu. Không biết tôi phải mất thêm bao nhiêu tiền nữa mới được yên ổn với các thể loại tin rác này.”
Chị Liễu (098935xxxx) cho biết, chị còn thấy một dạng tin quảng cáo khác: khi vừa được gửi đến thuê bao của người dùng liền bung nội dung chiếm hết màn hình điện thoại. Khi ấn nút thoát, tin nhắn quảng cáo đó cũng biến mất không còn dấu vết. Mới đây, chị còn nhận được một tin nhắn quảng cáo từ Sunsilk, không hiển thị số gửi đến cũng như không có phần từ chối tin nhắn.
Phát tài nhờ kinh doanh tin rác
Khi tin rác lan tràn như một thứ “đại dịch” thì tất yếu dịch vụ ăn theo tin rác ra đời. Trong chương trình quảng cáo trên VTV3 trong một thời gian liên tục xuất hiện quảng cáo về phần mềm chống tin nhắn rác do công ty sở hữu đầu số 8733 cung cấp.
Tin nhắn báo từ chối thành công từ 6061 nhưng sau đó, chị Huyền vẫn nhận được tin quảng cáo. Ảnh: HM |
Nhà mạng Viettel cũng đã chính thức cho ra mắt dịch vụ SMS Blocking từ 15/1/2010 với mức cước 5.000 đồng/ tháng cho 5 số trong black list. Với mỗi số đăng kí thêm, khách hàng phải trả thêm 500 đồng.
Bên cạnh đó, việc từ chối tin rác cũng “móc túi” của người tiêu dùng 500 đồng/tin nhắn từ chối do phải gửi đến đầu số 80xx - 60xx (theo như nội dung nghị định chống tin rác, việc từ chối tin rác là miễn phí). Với cách phân chia QC nhiều loại dịch vụ, mỗi loại lại có cú pháp từ chối riêng, người dùng mất vô số tiền cho CPs để được ghi nhận cái lắc đầu từ chối tin rác.
Người tiêu dùng bị xâm hại về quyền riêng tư, quyền được từ chối tin rác lại phải bỏ tiền ra để mua một dịch vụ, một phần mềm bảo vệ mình khỏi sự phiền nhiễu mà lẽ ra không có hoặc phải “xì” tiền từ chối để không bị làm phiền. Như vậy rõ ràng các CPs đang chơi một trò chơi hai mặt khi mà vừa phát tán tin rác, vừa ung dung thu tiền từ trò kinh doanh tin rác. Cách làm này rõ ràng là kiểu làm ăn chụp giật “lấy mỡ nó rán nó”, coi thường khách hàng.
-
HM
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |