ĐTDĐ ở VN: Mua vài phút, chờ bảo hành... một số tháng
- Càng ngày càng dễ mua ĐTDĐ do giá sản phẩm này liên tục giảm nhưng nếu có phải bảo hành thì chắc chắn sẽ phải chờ lâu đến mức chỉ muốn... vứt đi.
ĐTDD: Người nghèo vẫn sắm tốt
Sở hữu một chiếc điện thoại chưa bao giờ dễ dàng hơn thế. Ảnh minh họa: HM. |
Khoảng 90% khách hàng lựa chọn cho mình mẫu điện thoại dưới 3 triệu đồng. Người tiêu dùng quan tâm nhiều đến những model giá rẻ, đa tính năng. Dòng điện thoại thương hiệu Việt như (WellcoM, Mobell, iMobile, Qmobile, ConnSpeed...) với kiểu dáng đẹp mắt, hỗ trợ radio FM, nghe nhạc, camera... "ăn khách" phân khúc dưới 1,5 triệu đồng. Tất cả những nhà sản xuất điện thoại lớn như Nokia, Samsung, LG, Motorola, BenQ-Siemens,... luôn luôn có vài mẫu trong tầm giá dưới 1 triệu đồng.
Nếu so về mặt bằng mức giá, các model dưới 1 triệu đồng của các hãng không giảm nhiều. Tuy nhiên, do chính sách hỗ trợ gói cước của nhà mạng, điện thoại di động thuộc phân khúc nào chưa bao giờ hấp dẫn hơn thế.
"Vô địch" về giá rẻ được trao cho Motorola bởi bộ kit gồm điện thoại W156 và 1 simcard MobiFone (tài khoản có 218.000 đồng và khuyến mãi mỗi tháng 20.000 đồng trong vòng 1 năm) được bán với giá 399.000 đồng. Tiếp theo là bộ sản phẩm Alo cũng có giá bán 399.000 đồng, gồm 1 máy và 1 simcard Vinaphone có 210.000 đồng trong tài khoản và khuyến mãi 21.000 đồng/tháng trong vòng 10 tháng. Điện thoại 3G đi kèm với gói cước của nhà mạng cũng chỉ ở mức giá 1.699.000 đồng với 100.000 đồng trong tài khoản chính, 340.000 đồng trong tài khoản khuyến mãi và hàng tháng được tặng thêm 70.000 đồng.
Trong phân khúc tầm trung, khách hàng dành sự ưu ái cho các thương hiệu điện thoại lớn. LG KP500 - điện thoại cảm ứng giá rẻ, Samsung Star S5233 - Ngôi sao cảm ứng, Nokia 5230 Xpress Music hay Sony F305i - điện thoại chơi game khủng... là những model được khách hàng "rước về dinh" nhiều nhất. Ngoài nhu cầu về nghe nhạc, chụp ảnh, radio FM..., khách hàng còn ưa chuộng tính năng cảm ứng.
Ở phân khúc cao cấp, khách hàng dành sự ủng hộ cho hàng xách tay do chất lượng không chênh lệch so với hàng nhập chính thức nhưng giá bán hấp dẫn và cạnh tranh hơn. Dòng điện thoại hỗ trợ băng tần 3G cũng chưa dành được nhiều sự quan tâm từ phía khách hàng do các nhà mạng chỉ giới thiệu 3G vào cuối năm và khả năng đáp ứng của hạ tầng mạng vẫn chưa tốt.
Trong năm 2009, người tiêu dùng Việt cũng liên tục được hưởng ưu đãi hay quà tặng may mắn khi nhà sản xuất tung model mới hay nhà bán lẻ khai trương cửa hàng, siêu thị. Khách hàng có cơ hội trúng 4 xe ô tô Honda Civic và 4 xe máy Piaggio hay trúng hàng tỉ đồng tiền mặt với Nokia; mua được "dế" xịn giá "bèo" với Crazy Sales hay trúng xe BMW của Samsung. Hoặc khách hàng có thể tiết kiệm hàng trăm ngàn đồng với chương trình bán giá gốc cuối giờ chiều, nhận thêm quà là ly sứ Minh Long hay tài khoản di động khi mua điện thoại tại cửa hàng Viettel.
Các chương trình giờ vàng giá rẻ liên tục được tổ chức tại Pico Plaza, Trần Anh, Thegioididong, Viễn thông A, Anh Vũ Mobile, Viettel... đem đến cho người dùng cơ hội dễ dàng hơn để sở hữu mẫu điện thoại trong mơ.
Việc điều chỉnh thuế GTGT đối với mặt hàng điện tử cuối năm 2009, đầu năm 2010 cũng không ảnh hưởng tới người tiêu dùng khi các hãng và nhà bán lẻ cam kết không tăng giá.
Chen bẹp ruột giờ vàng, bảo hành ắt phải... khổ?
Khách hàng, một mặt hết sức ủng hộ chính sách giờ vàng giá rẻ nhưng mặt khác lại khốn khổ vì sự ủng hộ hết lòng đó.
Trong chương trình Crazy Sales do Samsung Vina tổ chức, để mua được "ngôi sao" Samsung Star S5233, hàng trăm khách hàng đã xếp hàng từ 3 giờ sáng, chen nhau bẹp ruột để chờ được đăng kí phiếu Vip. Trong khi đó, quầy nhận phiếu của Samsung mở cửa lúc 9h và tháo dỡ nham nhở lúc 9h30. Giờ vàng, ngày vàng tại Pico Plaza, Trần Anh, cũng gặp tình cảnh tương tự khi đám đông xếp hàng rồng rắn làm tắc nghẽn cả một quãng đường.
Quầy nhận phiếu tham gia chương trình Crazy Sales của Samsung đã đóng cửa vẫn có khách hàng đến nộp phiếu. Ảnh: VNN. |
Trong lúc điện thoại vẫn "xin nghỉ phép" tại trung tâm bảo hành, khách chỉ còn nước kiếm một điện thoại nào đó dùng tạm bởi thời gian bảo hành có thể kéo dài mà khách hàng không được nhà sản xuất cho mượn một điện thoại khác để sử dụng. Mệt mỏi vì chờ đợi, nhiều khách hàng phải thốt lên rằng "bảo hành phải... khổ".
Tháng 10/2009, việc Nokia tuyên bố thu hồi hàng triệu sạc pin có nguy cơ điện giật cũng làm dấy lên mối lo ngại về an toàn trong sử dụng điện thoại di động.
Giấc mơ "thượng đế"
Dẫu việc chen chân cũng có lỗi của "thượng đế" do sự nhiệt tình thái quá và có vài cá nhân trong số đó không theo hướng dẫn của ban tổ chức thì người tiêu dùng vẫn trách nhà tổ chức không dự liệu hết mọi tình huống. Và khuyến khích mua hàng bỗng phản tác dụng khi người ta phải chen lấn, xô đẩy, thậm chí là đạp lên nhau mới giành được sự ưu đãi đó.
Dẫu trong hàng trăm, hàng ngàn chiếc điện thoại mới có một chiếc gặp trục trặc phải bảo hành thì vị khách hàng không may phải đợi dăm bảy tháng hay bảo hành năm bảy lượt vẫn nói cho 9 người khác nghe rằng mình khổ tới mức nào. Mua dễ, bảo hành khổ, người tiêu dùng dễ cho rằng nhà sản xuất đang đầu tư nhiều hơn vào khâu bán hàng để thu lợi nhuận trong khi số lượng khách hàng tăng nhiều mà không chịu tăng cường số lượng trung tâm bảo hành.
Lợi ích của khách cân bằng với lợi ích của nhà sản xuất nhưng với cương vị "thượng đế", khách hàng vẫn đặt lợi ích của mình lên trước, quan tâm đến chuyện vì sao lợi ích của mình bị xâm phạm và chỉ quyết định mua hàng sau khi đã cân nhắc, chọn lựa và hài lòng. Giữ chân "thượng đế" cũng dễ mà cũng khó là vì vậy.
Bạn mơ ước có chiếc điện thoại của hãng nào? Mời bạn vào địa chỉ:http://vma2009.vietnamnet.vn/ hoặc vma2009@vietnamnet.vn để chia sẻ về chiếc điện thoại mà bạn yêu thích nhất, bầu chọn nhà bán lẻ bạn yêu mến. |
-
HM
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |