Sát rằm tháng Giêng, nhiều mặt hàng chưa 'cắt cơn' tăng giá
Quá mùng 10 Âm lịch, nhiều mặt hàng thực phẩm ở các chợ không còn "sốt nóng, sốt rét" nhưng ở các nhà hàng, quán ăn giá vẫn "lên 5 xuống 1".
Hàng ăn sáng: "đội" giá
Những ngày sau Tết, người Hà Nội chán ngấy các món ăn giầu chất đạm đã đi tìm món ăn đồng quê. Hàng bún ốc, riêu cua đông nghịt nghịt, thường ngày chỉ 8 đến 12 nghìn đồng một bát thì ngày Tết bị đội lên 40 nghìn/một bát bún ốc ở Phủ Tây Hồ. Quá đắt đỏ nhưng khách vẫn lùng ăn khiến phố nào cũng mọc lên một vài quán bún ốc, riêu cua.
Đến bây giờ, khi cả Hà Nội đã bước vào guồng quay làm việc, vấn đề ăn sáng với người dân cũng trở thành một yếu tố quan trọng. Tất cả các hàng ăn sáng đều tăng giá đến chóng mặt. Bún, phở bình dân, nằm trong ngõ cũng có giá 20 nghìn đồng/bát (tăng từ 5 đến 7 nghìn đồng/bát so với trong năm). Hàng xôi, bánh mì, bánh cuốn, bánh bao, trứng vịt lộn, bún đậu đều tăng giá từ 3 đến 5 nghìn đồng/suất. Tưởng rằng việc tăng giá cỏn con này chẳng đáng là bao nhưng không phải thế, nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của từng người, từng gia đình.
Đã quá mùng 10 âm lịch, giá nhiều mặt hàng thực phẩm ở các chợ không còn "sốt nóng, sốt rét" nữa, nhưng vẫn lấy lý do giá thực phẩm ngày Tết tăng, nhà hàng, quán ăn tiếp tục đội giá. Ngày làm việc đầu năm, người lao động tá hoả đi tìm quán ăn và cũng tá hoả vì phải trả tiền quá đắt. Cái bình dân nhất là cơm bụi cũng bị đội lên gấp rưỡi chứ chưa nói đến các món ăn khó kiếm trong những ngày sau Tết.
Và sự đội giá này theo dự đoán là "bất di bất dịch" vì đã lên là không có xuống. Bằng chứng là năm nào cũng vậy, qua một cái Tết giá nhiều mặt hàng đều tăng và giữ nguyên như thế cho đến năm sau. Sự vô lý này người tiêu dùng nào cũng biết, nhưng vì nhu cầu mà vẫn phải chấp nhận. Hàng ăn "đội" giá cao sau Tết.
Đắt đỏ sau Tết
Không chỉ có đồ ăn, thức uống đắt đỏ sau Tết mà nhiều dịch vụ khác ở Hà Nội cũng tăng giá. Mặc dù đã hết Tết, nhưng dịch vụ xe ôm vẫn bám vào Tết để đội giá. Chưa hết, mấy ngày qua giá xăng tăng càng khiến mỗi km xe ôm đã tăng thêm 1 đến 2 nghìn đồng. Các dịch vụ làm đẹp như làm tóc, chăm sóc da mặt cũng tăng gấp rưỡi với lý do… Tết.
Việc bình ổn giá trước và sau Tết ở Hà Nội chỉ diễn ra được ở một số địa điểm như siêu thị, cửa hàng tiện ích. Còn đến 80% các loại hàng hoá ở thị trường tự do là do cung - cầu quyết định giá nên chưa thể kiểm soát được. Việc lợi dụng vào chữ "Tết" để một số tiểu thương nâng giá hàng hoá và nhiều loại dịch vụ đã khiến cơn khát leo thang giá khó quay đầu trở lại. Giá thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, hoa quả không còn sốt như dịp Tết nhưng vẫn còn tăng nhẹ so với trong Tết.
Theo ông Trịnh Văn Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, không chỉ trước Tết mà sau Tết lực lượng QLTT vẫn phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra việc bình ổn giá, nâng giá vô tội vạ nhiều mặt hàng của các đơn vị, cá nhân, đặc biệt kiểm tra ở các cửa hàng nhỏ lẻ. Thành phố có quỹ bình ổn giá, các doanh nghiệp được vay vốn phải có trách nhiệm bình ổn giá. Tuy nhiên, giá cả nhảy múa sau Tết, đặc biệt là ở các chợ cóc, chợ tạm và hàng nghìn quán ăn, cửa hàng nhỏ lẻ hiện nay còn rất khó kiểm soát. Thiết nghĩ, cần phải có chiến dịch người tiêu dùng tẩy chay với những nơi nào còn "chặt chém", bắt chẹt khách.
(Theo CAND)
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |