,
221
10704
Tư vấn tiêu dùng
tuvantieudung
/bvkh/tuvantieudung/
1215600
Quảng cáo nước giải khát: "Một tấc đến... vũ trụ"
1
Article
10701
Bảo vệ Người tiêu dùng bằng Thông tin
bvkh
/bvkh/
,

Quảng cáo nước giải khát: 'Một tấc đến... vũ trụ'

Cập nhật lúc 07:17, Thứ Ba, 15/09/2009 (GMT+7)
,

 - Trên thị trường hiện có khoảng 300 loại nước giải khát các loại. Bao nhiêu loại là bấy nhiêu các hình thức quảng cáo câu khách với những công dụng tuyệt vời như giải nhiệt, đẹp da, giảm béo, chữa bệnh... Nhưng trên thực tế liệu chất lượng có đúng như những lời quảng cáo?

Chất lượng có như quảng cáo?

Chị Trần Thuý Hường ở phố Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, Hà Nội kể, hồi tháng 1/2009 chị ra cửa hàng tạp hoá gần nhà mua 3 chai Trà xanh Lipton Pure Green vị mật ong. "Tôi mở 1 chai và ngay lập tức thấy dưới đáy của cả 3 chai nước đều có những vệt màu nâu dài khoảng 1cm. Do nghĩ rằng đó có thể là vết nhựa lỗi của vỏ chai nên tôi đổ hết nước trong chai đi, cắt rời phần đáy để nhìn cho rõ, thì thấy một lớp cặn màu nâu. Phần cặn này khá nhớt, có mùi lạ nên tôi không dám uống".

Chị Hường đã tìm số điện thoại chăm sóc khách hàng của nhà sản xuất (PepsiCo) trên vỏ chai để phản ánh nhưng không thấy, nên đã báo tin về chuyên mục Bảo vệ khách hàng trên VietNamNet. Sau khi làm việc với nhà sản xuất là Công ty PepsiCo Việt Nam, mọi người nhận được một lời giải thích đó chỉ là xác nhuyễn của lá trà non, chất lượng nước chai vẫn ổn. Đại diện của nhà sản xuất cho biết: "Do Lipton Pure Green được sản xuất và chế biến từ lá trà non nên khi đóng chai, có một phần xác nhuyễn của lá trà non có màu hơi sậm ở bên trong".

Về giải thích trên của nhà sản xuất, chị Hường cho biết: "Nước đóng chai mà còn bã, nói là an toàn đấy, nhưng mà khó có thể yên tâm uống!". Còn các ý kiến khác thì thắc mắc, quảng cáo về sản phẩm của họ nói là: "Thanh khiết như sương mai", nhưng không hiểu thanh khiết kiểu gì mà lại có bã trong chai?

Nhiều DN vẫn sử dụng hình ảnh trái cây tươi để quảng cáo cho sản phẩm nước giải khát, nhưng sự thật có được bao nhiêu phần trăm?

Bên cạnh đó, hiện nay trên thị trường có hàng chục sản phẩm trà đóng chai được sản xuất thủ công nhái theo những sản phẩm ăn khách. Với các DN lớn dây chuyền hiện đại thì trà xanh khi đóng vào chai nhựa phải ở nhiệt độ 100oC, đóng vào chai nhựa nhưng chai vẫn phải chịu được nhiệt độ cao, không bị biến dạng. Các vỏ chai này chỉ dùng 1 lần, nhưng với trà thủ công thường sử dụng vỏ chai nhiều lần và đóng với nước nguội. Sản xuất thủ công thì  hoàn toàn không có trà xanh tự nhiên mà chủ yếu là nước, đường và hương liệu, nhưng quảng cáo thì  khác hẳn nào là  giải nhiệt, bổ sung vitamin, tăng cường hệ miễn dịch hay hỗ trợ chữa bệnh... điều này hoàn toàn không đúng sự thật.

Quảng cáo về nước tăng lực hiện nay cũng rất khủng khiếp. Nhiều quảng cáo nước tăng lực đều ngụ ý rằng  uống loại nước này vào sức mạnh sẽ được tăng cường đáng kể có khả năng làm được những việc mà không uống nó không thể làm được. Đây là quảng cáo hoàn toàn sai sự thật. Theo các chuyên gia thì thành phần chính của nước tăng lực chỉ là đường (khoảng 15%) và caffeine, nếu uống quá nhiều sẽ gây cảm giác no ảo, biếng ăn. Khi  liều lượng caffeine vào cơ thể nhiều có thể gây ngộ độc (các chuyên gia khuyến cáo không nên dùng quá 200mg caffeine/ngày). Tuy nhiên những điều này đã không được các nhà sản xuất giải thích rõ.

Cách đây chưa lâu, trong tháng 1/2009, lực lượng QLTT Hà Nội và  công an đã đột xuất kiểm tra Công ty TNHH Tân Tiến Phát, có địa chỉ tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội chuyên sản xuất các loại nước giải khát bao gồm: Trà xanh vị chanh loại 500ml, trà bí đao, nước tăng lực. Qua quá trình lấy mẫu kiểm tra các loại nước giải khát do công ty sản xuất, đơn vị xét nghiệm đã phát hiện trong mặt hàng nước tăng lực và trà bí đao có chứa chất phụ gia là đường Cyclamat. Đây là chất  bị cấm sử dụng.

Các quảng cáo nước giải khát từ trái cây với những ngôn từ như bổ dưỡng, có lợi cho sức khoẻ cũng đang bị đặt vấn đề liệu sự thực có được bao nhiêu phần trăm? Trên các phương tiện truyền thông, qua những hình ảnh quảng cáo hết sức sinh động về nước giải khát  được sản xuất từ các nguyên liệu là những trái cây tươi no tròn, chín mọng, nhiều hãng nước giải khát đã làm người tiêu dùng tưởng rằng sản phẩm của họ hoàn toàn là nước cốt cam, chanh... nguyên chất.

Theo các chuyên gia y tế, một sản phẩm nước ép trái cây chỉ được coi là nguyên chất khi trong sản phẩm chỉ có một thành phần hóa học. Còn nếu gọi là nước cốt thì bắt buộc phải được chắt ra từ một loại lá, hoa, quả nào đó, không được hòa lẫn với một chất khác. Do đó, rất nhiều loại nước giải khát được quảng cáo là “nguyên chất, nước ép, nước cốt trái cây…” đang được bày bán trên thị trường được sản xuất ra từ hương liệu nhân tạo, phẩm màu và đường hóa học. Bởi nếu chúng được chế biến từ nguyên liệu thật như công bố, thì chắc chắn nguồn cung cấp nguyên liệu không thể đáp ứng cùng lúc cho việc sản xuất hàng trăm ngàn lít  mỗi ngày. 

Hiện nay với nước giải khát sản xuất từ trái cây thì vùng nguyên liệu là vấn đề quan trọng. Trái cây tại Việt Nam tuy phong phú nhưng vùng nguyên liệu thì không ổn định và sản lượng, chất lượng trái cây không cao chính vì vậy sản lượng nước giải khát từ trái cây hàng năm rất thấp. Theo số liệu của Bộ Công thương, trong tổng số 1,7 tỷ lít nước giải khát sản xuất năm 2008 thì sản lượng nước giải khát từ trái cây chỉ chiếm 6%. Nhưng trong số này tất cả không phải là nước trái cây nguyên chất. Nước trái cây nguyên chất chỉ chiếm 1 phần rất nhỏ trong 6% kể trên.

Mới đây Chi cục QLTT Hà Nội  có chương trình kiểm tra mặt hàng nước uống giải khát bổ dưỡng. Qua kiểm tra đã phát hiện được một số vi phạm như trong sản phẩm không có thành phần được ghi trên bao bì (như có loại nước trong thành phần ghi có đường kính nhưng kiểm tra thì chỉ có đường hóa học), sử dụng công bố chất lượng đã hết hạn, sử dụng hóa chất không được phép…

Nhu cầu sử dụng các loại nước yến đóng lon hiện nay khá cao, trong đó  nhiều người bệnh, thể trạng yếu rất thích mua dùng. Nhiều người vẫn nghĩ rằng yến sào là một trong những loại rất bổ dưỡng, thì chắc nước yến đóng lon cũng sẽ có tác dụng bồi bổ rất cao. Bản thân nhiều quảng cáo của nhà sản xuất cũng nói đến sự bổ dưỡng khi sử dụng nước yến. Nhưng rất nhiều sản phẩm nước yến lại do cơ sở thủ công sản xuất và ở những cơ sở này chẳng bao giờ sử dụng tổ yến bởi  giá trên thị trường hiện nay không dưới 45 triệu đồng/kg, trong khi mỗi lon nước yến có giá từ 4.800 đồng-6.000 đồng. Chất lợn cợn, dai dai giống như tổ chim yến, vốn là nguyên liệu chính, thực ra chỉ là một nấm tuyết có giá vài ngàn đồng/bó.

Nguồn tin từ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, vừa qua đơn vị này đã kiểm tra một số cơ sở nhỏ sản xuất nước giải khát có sản xuất mặt hàng nước yến đóng lon đã phát hiện một số sản phẩm không đảm bảo chất lượng, có sử dụng đường hoá học, phẩm màu. Riêng mặt hàng nước yến thì cơ sở khai nhận là không có thành phần yến sào bên trong sản phẩm.

Red Bull, nước tăng lực đã bị cấm tiêu thụ tại Đài Loan và Hồng Kông vì nghi có chứa cocaine.

Red Bull, nước tăng lực đã bị cấm tiêu thụ tại Đài Loan và Hồng Kông vì nghi có chứa cocaine.

Kiểm soát quảng cáo nước giải khát thiếu chặt chẽ

Trên đây chỉ là một vài ví dụ về nước giải khát chất lượng không như quảng cáo. Trên thực tế còn nhiều hơn rất nhiều. Một chuyên gia ngành công nghiệp thực phẩm cho biết, phần lớn các quảng cáo về nước giải khát hiện nay không đúng sự thật. Rất nhiều sản phẩm tác dụng có ít nhưng được thổi phồng lên làm cho người tiêu dùng bị lầm tưởng. 

Chẳng hạn, trong một số loại nước giải khát có thảo dược có tác dụng  chữa bệnh nhưng khi kết hợp với hương liệu và nguyên liệu trong sản phẩm thì liệu nó còn tác dụng hay không và tác dụng đến đâu thì không thể khẳng định được. Mặc dù biết điều này, nhưng nhà sản xuất  nào có chấp nhận, người ta cứ dựa vào 1 ít sự thật nhỏ nhoi để nói tốt về sản phẩm của mình nhằm mục đích bán được nhiều hàng và hưởng lợi.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Rượu Bia và Nước giải khát Việt Nam cho biết, quảng cáo về nước giải khát hiện nay chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều DN thường nói quá về sản phẩm của mình mà không bị xử lý.

Theo ông Hùng, nếu đã gọi là nước giải khát thì nó chỉ có tác dụng là giải khát,  không thể nói nó có công dụng chữa bệnh được. Ví dụ nước giải khát chất lượng tốt sẽ cung cấp vitamin cho cơ thể là hiển nhiên nhưng không phải là để chữa bệnh. 

Các nhà sản xuất Việt Nam khi quảng cáo sản phẩm thường sử dụng 2 "chiêu" là  đưa các yếu tố nước ngoài vào quảng cáo nhằm đánh vào tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng và tạo ra một nhóm người uống để lôi kéo những người khác hưởng ứng theo. Người tiêu dùng cần tỉnh táo để tránh ngộ nhận về những quảng cáo của các nhà sản xuất.

Ông Hùng cho biết, Hiệp hội Rượu Bia và Nước Giải khát Việt Nam đang soạn thảo quy chế tiếp thị sản phẩm và quy tắc đạo đức trong nghề nghiệp nhằm đảm bảo kinh doanh lành mạnh hướng tới người tiêu dùng. Các quảng cáo phải đúng sự thật, tránh nói quá về các giá trị của sản phẩm. Hiện quy chế này đang được các DN thành viên thảo luận.  Khi tất cả  thống nhất sẽ cùng thực hiện. 

Nhưng quy chế này chỉ có tác dụng với các DN là thành viên Hiệp hội, còn bên ngoài Hiệp hội thì không thể bắt ép được. Vấn đề này cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, kiểm soát chặt chẽ, tránh gây những hiểu nhầm và thiệt hại cho người tiêu dùng.

  •  Trần Thuỷ

Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
 hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !

Đường dây nóng:  (092)345-7799 hoặc (04)3772-2729
Email: bvkh@vietnamnet.vn

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,