Nhận khuyến mại, trúng thưởng mà... đau
Chị N.T.N.B, nhà ở phường 17, quận Phú Nhuận - TP.HCM, vừa khiếu nại đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM về việc... bỗng dưng trúng thưởng nhưng phải tốn hơn 4 triệu đồng để nhận được món hàng trúng thưởng...
Trúng thưởng mà... đau
Chị N.B kể: Đầu tháng 12, qua đường bưu điện, chị nhận được thư mời đến bốc thăm trúng thưởng một trong 8 món hàng gồm tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, lò vi ba, bình lọc nước, đầu đĩa, máy giặt của Công ty TNHH một thành viên Hồng Du (Thuận Kiều Plaza, cổng số 4, 190 Hồng Bàng, phường 12 quận 5 - TPHCM).
Nội dung thư chúc mừng chị là một trong 150 khách hàng may mắn được lựa chọn ngẫu nhiên, điều kiện để nhận hàng là phải trả 26% giá trị món hàng. Ngày 14/12, chị tìm đến Công ty Hồng Du bốc thăm thì mới biết đó chỉ là một gian hàng bé xíu ở Thuận Kiều Plaza.
Nhân viên bán hàng ở đây giao ước: “Bốc thăm trúng sản phẩm nào cũng phải nhận hàng, không được trả lại và phải trả 26%”. Kết quả, chị N.B bốc trúng bình lọc nước hiệu Dauer với giá 16 triệu đồng, số tiền chị phải trả 26% là 4,16 triệu đồng.
Chị N.B và chiếc bình lọc nước trúng thưởng được "hét" giá 16 triệu đồng. |
Bình lọc nước này được giới thiệu là sản phẩm của Đức, lắp ráp tại Đài Loan nhưng chỉ có một tờ giới thiệu sơ sài bằng tiếng Anh, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt nhưng được các nhân viên bán hàng quảng cáo là bình lọc nước sử dụng than hoạt tính, dùng uống trực tiếp hoặc để rửa rau (không cần thuốc tím hoặc muối), giúp nhuận trường và có tác dụng chữa bệnh...
Mang về sử dụng thử, thấy không khác gì các bình lọc nước thông thường trên thị trường (có giá rẻ hơn rất nhiều). Không an tâm về chất lượng của máy nên chị N.B khiếu nại với hy vọng có thể trả lại hàng và lấy lại tiền.
Giá bán trên trời
Chị T.Y, nhà ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh - TPHCM, cho biết: Mới đây, gia đình chị suýt bị lừa mua bếp điện từ với giá gần 2 triệu đồng. Chị Y. kể: Hôm đó, một thanh niên khoảng 30 tuổi xưng là nhân viên của Công ty TNHH SX - TM Queen, chào bán “bếp điện từ hồng ngoại cao cấp” hiệu Ruby giá 1.950.000 đồng, trả trước 750.000 đồng, còn lại 1.200.000 đồng sẽ trả góp trong 12 tháng, mỗi tháng 100.000 đồng.
Nếu người mua trả tiền một lần sẽ được khuyến mãi bộ thau inox 10 cái (nhập khẩu từ Đức) trị giá 530.000 đồng. Theo thanh niên này, bếp điện từ là hàng Nhật, được một công ty thuộc Bộ Quốc phòng nhập khẩu, không có thuế nên mới bán giá rẻ vậy; nếu mua ở các siêu thị điện máy thì giá lên đến 6-7 triệu đồng/cái...
Tuy nhiên, khi mở hộp kiểm tra bếp, chị T.Y thấy bên trong chỉ trơ trọi một bếp điện và một tờ hướng dẫn sử dụng, trên bề mặt bếp có dòng chữ “Technology from Japan” còn không có gì chứng minh đây là sản phẩm nhập khẩu từ Nhật. Sản phẩm thau “nhập từ Đức” cũng chỉ in dòng chữ “Design Germany” ở đáy thau. Thấy khả nghi, chị T.Y từ chối mua hàng...
Lật tẩy
Trong vai chủ một cửa hàng điện máy muốn phân phối bếp điện từ Ruby, chúng tôi liên lạc với số điện thoại hotline 0918246... ghi trên tờ bướm quảng cáo của Công ty Queen. Tiếp chuyện chúng tôi là một người tên Mỹ, tự xưng là nhân viên kinh doanh của một công ty thuộc Bộ Quốc phòng và khẳng định bếp điện từ Ruby do chính công ty này nhập khẩu trực tiếp từ Nhật.
Chúng tôi hỏi địa chỉ, số điện thoại liên lạc của đơn vị này để làm việc trực tiếp thì người này quay ngược lại yêu cầu chúng tôi cung cấp địa chỉ cửa hàng để cho người đến tư vấn trực tiếp. Vòng vo một hồi, người này cũng cho một địa chỉ ở đường Thăng Long, phường 4, quận Bình Thạnh, bảo rằng đó là địa chỉ công ty và hẹn chúng tôi đến đó. Kiểm tra qua tổng đài 1080, hóa ra đây là địa chỉ nhà riêng và cả 2 số điện thoại tại đây đều “đang tạm ngưng”...
Nghi ngờ tính xác thực của bếp điện từ nhập từ Nhật, chúng tôi lên mạng tìm thử. Gõ từ khóa “bếp điện từ Ruby”, màn hình hiện lên hàng loạt kết quả. Vào một gian hàng ở trang web rongbay.com, chúng tôi thật ngạc nhiên khi thấy loại bếp điện từ mà chị T.Y đã được chào bán giá 1.950.000 đồng nhưng ở đây giá 840.000 đồng/cái (người bán giới thiệu là “Technology from Japan, lắp ráp tại Việt Nam”).
Còn khảo sát trên thị trường, các loại bếp điện từ do Trung Quốc sản xuất có mẫu mã, tính năng gần như y chang loại “bếp cao cấp” kể trên nhưng giá chỉ 350.000 - 400.000 đồng/cái...
Theo hồ sơ của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cách đây vài năm, hội đã tiếp nhận nhiều vụ khiếu nại liên quan đến bình lọc nước chất lượng kém (giá bán trên 10 triệu đồng/cái, cũng bán hàng kèm quà tặng, bốc thăm trúng thưởng), địa chỉ nơi bán cũng đặt tại Thuận Kiều Plaza...
Không chỉ ở TPHCM, hình thức bán hàng lừa đảo, khuyến mãi dỏm cũng đang xuất hiện ở nhiều địa phương khác. Mới đây, ở Đà Nẵng, một số sinh viên đã bị lừa lấy hết tài sản, nữ trang vì... rút thăm trúng thưởng.
Cảnh giác khuyến mãi dạo Ông Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cảnh báo hình thức rút thăm trúng thưởng tại nhà, thư mời nhận thưởng “trên trời rơi xuống” và bán hàng khuyến mãi, hàng trả góp dạo... đa phần là kiểu bán hàng lừa đảo. Bài bản cũ, mánh khóe cũ nhưng vẫn lừa được nhiều người tiêu dùng nhẹ dạ, cả tin. Người tiêu dùng nghe được trúng thưởng, mua hàng kèm quà tặng thì bùi tai mà không biết rằng đó là hàng kém chất lượng, hàng lậu đã được đẩy giá cao gấp nhiều lần giá gốc. Cho nên, người tiêu dùng, đặc biệt là người dân ngoại thành, nông thôn, cần cảnh giác với những kiểu bán hàng này.
|
(Theo NLĐO)
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |