DN cầu thị hay chỉ 'sửa sai' do 'sức ép báo chí'?
- "Chúng tôi buồn bởi DN chỉ giải quyết đơn lẻ với những cá nhân người dân dám dũng cảm khiếu kiện mà không có ý thức kiểm tra chất lượng/đo lường sản phẩm/dịch vụ của mình. Giải quyết khiếu nại kiểu ban ơn bố thí cho người mua như thể đó là ân huệ".
Qua một loạt bài viết về việc người dân khiếu nại các doanh nghiệp (DN) có "uy tín", chúng tôi vô cùng cảm ơn sự hỗ trợ của chuyên mục "Bảo vệ người tiêu dùng" của Quý Báo. Nhờ có sự can thiệp tích cực của VietNamNet nên một số ít người tiêu dùng mới được trả lại quyền lợi đáng được hưởng. Tôi thấy cách làm này nên phát huy trên tất cả các loại báo, nhất là báo điện tử. Có vậy người dân mới thấy được mặt trái của những thương hiệu được tặng danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao" hay là hàng loạt danh hiệu cao quý khác mà nhờ cách nào đó một số DN có được.
Tôi thấy buồn 2 điểm như sau:
1. DN chỉ giải quyết đơn lẻ với những cá nhân người dân dám dũng cảm đấu tranh mà không có ý thức kiểm tra lại mình qua mỗi lần có sự cố, DN mang tính ban ơn bố thí cho người tiêu dùng với ý nghĩa phải thấy đó là ân huệ.
Chung cư Mỹ Đình - Sông Đà (HN) được chủ đầu tư khắc phục tình trạng rêu mốc ngay sau khi các hộ dân báo tin cho báo chí. Ảnh: B.D
Tôi thấy ở các nước phát triển, nơi mà quyền lợi người dân được đặt lên trên hết, DN cho ra một sản phẩm chưa đạt chất lượng buộc phải thay thế cả lô hàng (dù mất hàng triệu USD) để bảo vệ uy tín, thu hồi toàn bộ lô sản phẩm để tiêu huỷ tránh gây hại cho xã hội. DN ở Việt Nam thì sao? Phải chăng uy tín hoặc thương hiệu rẻ nên chẳng cần phải làm vậy? Thế thì làm sao có thể "bơi ra biển lớn" để mà cạnh tranh (có khi chết ngay trong chậu rửa mặt rồi!) ?
Thương thay cho người dân khi thấy được giải quyết đôi chút đã thấy thoả mãn. Họ có bao giờ nghĩ: nếu ta vi phạm (như trả cước điện thoại, tiền điện, nước trễ hạn, không hoàn trả tiền vay đúng kỳ hạn...) thì bị DN đối xử ra sao?
Tại sao chỉ người dân bị DN phạt còn các DN vi phạm lại chẳng bao giờ bị người tiêu dùng "bắt đền"? Họ vô can do được các cơ quan chức năng "bảo kê"? Vậy ai nâng đỡ những người dân bị thiệt hại trong các quan hệ mua - bán?
2. Chúng ta có cả một hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, vậy mà hoạt động bao nhiêu lâu rồi cũng không đạt được kết quả như báo đã làm trong thời gian vừa qua. Liệu đây có phải là một tổ chức "buộc phải có" cho phù hợp với hoàn cảnh hội nhập của nước ta? Vì sao tiếng nói của hội quá mờ nhạt, hội không dám dũng cảm đứng ra bảo vệ người dân? Nên chăng để một tổ chức như vậy tồn tại, khi mà lòng tin của người dân vào sự trung thực của mỗi DN đang ngày một xói mòn?
Đây chỉ là đôi điều thiển nghĩ của cá nhân tôi, mong quý vị đọc và góp chung tiếng nói cho xã hội tiêu dùng của ta đổi mới, phát triển lành mạnh.
-
Bạn đọc Trần Lân
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi ! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |