Sữa phình-chua-có giòi, nhà sản xuất vô can?
Liên tiếp những sản phẩm sữa bị lỗi
Có lẽ sản phẩm mà VietNamNet nhận được phản ánh nhiều nhất và phải xử lý nhiều nhất từ đầu năm 2009 đến nay chính là về chất lượng sữa các loại. Các sản phẩm sữa tươi đóng trong hộp giấy, túi giấy bị phồng căng, vón đặc, lợn cợn thành cục, bị thủng, bị rò rỉ, bị mốc, có giòi bọ... được khách hàng tới tấp gửi về cùng với những bức xúc và lo lắng.
Từ nhiều địa phương trên cả nước, khách hàng đã gửi khiếu nại phản ánh về việc họ mua phải sữa hỏng. Có những người không chỉ mua phải sữa hỏng 1 lần mà tới 2-3 lần. Không ít khách hàng phát hoảng khi thấy sữa có giòi như chị Nguyễn Thị Thu Thủy (Hà Nội), anh Thành ở thành phố Vinh (Nghệ An).
Các sản phẩm sữa (thường là sữa nước đóng hộp giấy) bị hỏng và bị phản ánh nhiều nhất thuộc về các nhà sản xuất sữa hàng đầu ở Việt Nam: Cô gái Hà Lan (Dutch Lady), Mộc châu, Nutifood.
Không chỉ VietNamNet nhận được những phản ánh trên mà trong thời gian qua các phương tiện truyền thông đại chúng khác cũng liên tiếp nhận được và đăng tải những thông tin về sữa tươi bị phồng bị rò rỉ, có dòi, bị vón cục và uống vào bị dị ứng phải đi viện... Điều đáng nói là sự cố sữa hỏng ngày càng nhiều lên chứ không hề giảm đi và câu hỏi về chất lượng sữa lại nóng rẫy trong dư luận người tiêu dùng cả nước.
Hộp sữa bị phồng.
Lỗi do vận chuyển và bảo quản
Có điều hết sức lạ là tất cả các DN khi nhận được phản hồi từ báo chí và khách hàng về hiện tượng sữa bị phồng, chua, vón cục, có giòi... đều đưa ra lý do "đúc khuôn" là lỗi vận chuyển và bảo quản. Sữa bị căng phồng do vận chuyển bảo quản, sữa bị chua lỗi do vận chuyển bảo quản, sữa bi vón cục, lợn cợn lỗi cũng do vận chuyển bảo quản...
"Bao bì giấy bị tổn thương trong quá trình vận chuyển khiến vi khuẩn xâm nhập vào và làm hỏng chất lượng sữa" là câu trả lời mà khách hàng khiếu nại nào cũng nhận được và lần nào cũng vẫn những trả lời kiểu như vậy. Thậm chí về sau này có DN còn chẳng tìm hiểu nguyên nhân nữa, sữa có giòi thì nghe điện thoại xong là đưa ra kết luận luôn như trường hợp chị Nguyễn Thị Thu Thủy gặp phải: "Lỗi này có thể do quá trình vận chuyển khiến một túi sữa bị vỡ và dẫn đến hiện tượng có giòi".
Trả lời báo chí về sự cố sữa tươi căng phồng bất thường, bị chua khi còn hạn dùng..., lãnh đạo một hãng sữa cho biết: Theo quy định về vận chuyển sữa thì chỉ được chất tối đa là 8 thùng chồng lên nhau, nhưng nhiều đại lý nhỏ lẻ lại chất đến 15 thùng. Chưa kể việc bốc dỡ, quăng quật làm tổn thương bao bì.
Nhìn bằng mắt đủ biết sữa còn an toàn hay không. |
Vị này cũng đồng thời đưa ra nguyên nhân sản phẩm lạnh bị chua trước hạn là việc bảo quản sai nhiệt độ ở các đại lý nhỏ (các sản phẩm lạnh phải đảm bảo trong nhiệt độ dưới 6 độ C thì bảo quản được 45 ngày, 15 độ C thì được 20 ngày. Ở nhiệt độ thông thường (30 đến 37 độ C) thì để 2 hoặc 3 ngày sữa sẽ chua).
Mà các đại lý nhỏ lẻ xa xôi khắp đất nước thì các hãng sữa không thể "với" tới được - vị này phân bua.
Nhà sản xuất chịu... "một nửa trách nhiệm"
Nói như vậy cũng có nghĩa là các DN đã không chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm của mình. Sữa chỉ được quản lý giám sát đến nhà phân phối, đại lý chính còn sau đó nó muốn như thế nào thì mặc kệ? Trên thực tế những cửa hàng nhỏ lẻ chắc chắn sẽ thiếu những thiết bị bảo quản vận chuyển chuyên dùng cũng như thực hiện không theo quy định. Nhưng đây mới chính là những cửa hàng phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nếu không có hệ thống này chắc chắn DN sữa sẽ khó lòng có thể phân phối đến tận tay người tiêu dùng.
Các DN đều biết vai trò của hệ thống này, nhưng họ đã không quản lý và bỏ mặc sản phẩm của mình cho những nhà phân phối nhỏ lẻ và như vậy tất yếu chất lượng sữa đã không được đảm bảo, đúng như lãnh đạo hãng sữa nói trên thừa nhận: Các sản phẩm bị khiếu nại đa phần do không bảo quản đúng nhiệt độ.
Với DN, câu trả lời trên hình như được cho là đã ổn thoả, đấy là lỗi do khách quan, không phải do sản xuất và như vậy cũng không cần phải thay đổi gì nữa? Nhưng hiện tượng này như đã nói không phải là hiếm gặp mà đã khá phổ biến, như vậy chứng tỏ hệ thống phân phối sữa đang có vấn đề và nhà sản xuất đã thiếu các biện pháp để giải quyết. Việc yêu cầu các nhà phân phối thực hiện theo 1 quy trình vận chuyển và bảo quản đúng quy định là điều đáng ra DN phải làm đến cùng không chỉ dừng lại ở các đại lý chính, những nhà phân phối có uy tín.
Với người tiêu dùng thì câu trả lời trên của các hãng sữa là thiếu thuyết phục, không thể chấp nhận được. Các khách hàng bức xúc đặt câu hỏi: Sữa hỏng do vận chuyển, bảo quản không phải hiếm, vậy tại sao nhà sản xuất không thay đổi công nghệ bao bì của họ? Người tiêu dùng, mua sản phẩm để sử dụng chứ đâu có trách nhiệm để gìn giữ sản phẩm cho nhà sản xuất? Nếu bao bì dễ bị tác động như vậy thì nhà sản xuất nên thay đổi. Họ giải thích như vậy là vẫn chưa nhìn nhận thực tế lỗi sản phẩm của mình là không đạt, họ cần phải chỉ ra là sẽ thay đổi bao bì như thế nào người tiêu dùng mới có thể yên tâm được.
Người tiêu dùng khi phản ánh hiện tượng này, họ không mong muốn để được đổi sản phẩm. Điều họ cần hơn là chất lượng sản phẩm được đảm bảo để khi mua về hoàn toàn yên tâm, không phải lo lắng gì. Cho đến nay trả lời của nhà sản xuất đã không làm yên lòng khách hàng. Những băn khoăn vẫn còn nguyên đó: "Đáng ngại là không phải lúc nào cũng kiểm tra trước được sữa khi mua về. Trẻ nhỏ thường tự lấy sữa uống, sữa có thể đã nhiễm khuẩn từ lúc nào và nguy cơ thật khó lường". Chị Thanh một khách hàng tại Hải Dương khi mua phải thùng sữa có những hộp bị chua và phồng lo lắng cho biết.
Rõ ràng, từ khâu vận chuyển cho đến bảo quản sữa không được đảm bảo, thế nhưng nhà sản xuất lại không có 1 phương án nào mới hơn để thay đổi hiện trạng, mà chịu thiệt hại cuối cùng vẫn là người tiêu dùng, vậy trách nhiệm của nhà sản xuất ở đâu?
-
Trần Thuỷ
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |