Tránh thực phẩm độc hại ngày Tết
- Một vài lời khuyên giúp NTD lựa chọn thực phẩm những ngày cận Tết...
Hoa quả được ngâm tẩm trong thuốc bảo quản sẽ bóng đẹp lâu ngày - Ảnh minh hoạ: B.D |
Khi tết đã về gần, thông tin về những vụ thực phẩm bẩn lại càng nóng và xuất hiện dồn dập, người dân càng hoang mang không biết ăn gì mà không độc hại.
Trên thị trường, không khó để bắt gặp các loại thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhái nhãn mác được bày bán. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, để sản phẩm bắt mắt NTD, bảo quản được trong thời gian dài, nhiều loại chất tạo màu và thuốc bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật đã được sử dụng.
Theo T.S Nguyễn Văn Khải, để cam, bưởi xanh trắng bóng nhiều người bán đã ngâm hoa quả trong nước rửa chén hoặc ngâm thuốc diệt cỏ hay xông lưu huỳnh. Củ tỏi, hành, kiệu, giá đỗ ngâm hoá chất làm trắng. Cá cơm dùng bột giặt rửa rồi lấy rượu dội qua, dùng hàn the cho dai. Tôm tươi được tiêm nước để tăng trọng lượng. Mực bẩn đông lạnh được bóc sạch cho vào thùng có chứa nước rồi đổ muối, đá và hoá chất hydrogen peroxider vào ngâm sau đó đựơc quay ly tâm làm trắng..v.v
Theo TS. Khải, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 4000 hoá chất mới được sáng chế, nên việc đặt tên và tìm hiểu các hoá chất này không thể kiểm soát được. Thậm chí có nhiều hoá chất ban đầu các nhà khoa học cho rằng không độc hại nhưng hàng chục năm sau mới phát hiện là có hại, dù loại thuốc đó đã được sử dụng phổ biến. Thuốc càng độc, khả năng bảo quản càng lâu.
TS. Khải khuyến cáo, khi lựa chọn hoa quả, NTD nên chọn quả chọn quả tươi, có cuống, cuống và lá còn xanh, chắc (tránh tình trạng gắn keo). Không mua, sử dụng rau quả có mùi, vị lạ, khác thường, màu sắc hoa quả ngâm thuốc bảo quản thường nhạt hơn, vỏ khô, mất mùi. Ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ các loại rau quả ăn tươi. Nên ngâm rau quả trong nước muối loãng vì muối làm tăng quá trình hoà tan, khuyếch tán các chất độc, đẩy chất độc ra theo nước.
TS. Phạm Văn Thành (Viện Công nghiệp Thực phẩm) cho rằng ngoài các vấn đề về thức ăn đường phố, thuốc bản quản, thuốc bảo vệ thực vật, khi sắm Tết NTD cùng cần chú ý khi mua rượu, tránh những loại rượu chưng cất kém, hàm lượng vượt quá mức độ cho phép. Chú ý khi chọn mua mứt thủ công vì loại mứt này thường được ngâm đường hoá học, với công nghệ bảo quản độc hại.
Việc phát hiện bánh chưng nhiễm chì từ pin không dễ dàng - Ảnh: B.D |
Một số chất độc cho sức khoẻ được sử dụng nhiều trong thực phẩm ngày Tết như hàn the, muối diêm, chì trong pin, lưu huỳnh....
Người làm giò chả thường sử dụng hàn the để giò chả được dai. Muốn Jambon, xúc xích, lạp xưởng có thịt màu hồng, bảo quản được lâu, người chế biến thường cho muối diêm. Đây là một loại muối nitrat, nitrit, trong điều kiện nhiệt độ cao sẽ kết hợp với các gốc amin có trong thịt tạo nên hợp chất nitrosamin, là chất có khả năng gây ung thư. Nhiệt độ cao do chiên nướng tạo ra chất này nhiều hơn so với xào, nấu.
Nếu đun bánh chưng trong nồi áp suất cho thêm pin chỉ mất khoảng một tiếng rưỡi là bánh chín và có màu xanh bắt mắt. Hoá chất làm tăng nhiệt độ sôi của nước, làm bánh mau chín, tuy nhiên pin có thể ngâm sang bánh, gây ung thư cho người sử dụng. Việc phát hiện bánh chưng nhiễm chì từ pin không dễ dàng. vì sau khi vớt bánh, người làm bánh thường bỏ bớt lớp lá ngoài, sau đó gói lại bằng lớp lá mới phơi héo buộc dây và hấp lại.
Để có những ngày Tết an toàn và khoẻ mạnh, NTD cần cân nhắc và lựa chọn thực phẩm kỹ càng.
-
B.D
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |