221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
10185
''Ngành tư pháp phải sòng phẳng với dân''
1
Article
null
''Ngành tư pháp phải sòng phẳng với dân''
,
 
Chủ tịch Trần Đức Lương phát biểu tại Hội nghị

(VietNamNet) - ''Phải sòng phẳng với dân. Dân bị oan sai thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải bồi thường vật chất và phục hồi danh dự, uy tín cho người bị oan sai''. Đó là một trong những yêu cầu đối với ngành tư pháp vừa được Chủ tịch nước Trần Đức Lương chỉ đạo trong Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 2002 sáng qua (7/1).

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp - ông Uông Chu Lưu, trong năm 2002, ngành tư pháp đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản pháp luật; quản lý thi hành án dân sự; giải quyết khiếu nại tố cáo... Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành tư pháp còn ngổn ngang khá nhiều bấp cập, chưa làm được một số nhiệm vụ quan trọng của ngành được Đảng và Nhà nước giao cho.

Thi hành án dân sự - ''rất không bình thường''!

Đó là nhận xét của Chủ tịch Trần Đức Lương về tình trạng ''đông cứng'' của công tác thi hành án dân sự thời gian qua. Chủ tịch cho rằng, hiện nay, số lượng bản án còn tồn đọng chưa được thi hành quá nhiều; hiện tượng tiêu cực trong thi hành án, cán bộ tư pháp sa ngã, tham nhũng vẫn còn xảy ra ở nhiều cơ quan tiến hành tố tụng, gây mất lòng tin đối với nhân dân. Chủ tịch Trần Đức Lương đã chỉ đạo, năm 2003, ngành tư pháp phải có giải pháp cụ thể tạo chuyển biến rõ nét trong thi hành án dân sự.

Báo cáo của ngành tư pháp cho thấy: trong năm 2002, ngành tư pháp phải tổ chức thi hành 450.971 bản án dân sự (trong đó 264.243 vụ từ năm 2001 chuyển sang), đã thực hiện được 246.945 vụ. Số án còn lại chưa được thi hành một phần vì chưa có điều kiện thi hành, một phần vì bị tạm hoãn, tạm đình chỉ. Tổng số tiền ngành tư pháp phải cưỡng chế thi hành trong năm 2002 là 12.735.538.941.000 đồng, đã thu được 851.454.127.000 đồng.

Qua đó, Bộ trưởng Uông Chu Lưu cũng nhìn nhận, mặc dù so với năm 2001, công tác thi hành án năm vừa qua có nhiều nét khả quan hơn, nhưng việc xây dựng và hoàn thiện quy phạm văn bản pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa khả thi nên cơ quan thi hành án vẫn phải chờ đợi các văn bản pháp luật có hiệu lực cao hơn. Thêm vào đó, nhiều địa phương chưa linh hoạt trong việc triển khai thành lập ban chỉ đạo thi hành án và chuyển giao loại án có giá trị 500.000 đồng về UBND xã; đội ngũ cán bộ thi hành án còn thiếu và yếu...

Làm thế nào để pháp luật ''ngấm'' vào dân?

Năm 2002 là năm đầu tiên ngành tư pháp triển khai thi hành các quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) và các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, năm 2002 cũng là năm ngành tư pháp bắt tay thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới. Đánh giá thành tựu đạt được của ngành trong năm qua, Chủ tịch Trần Đức Lương nhận định: ''Ngành tư pháp năm qua đã tiến một bước, mà là tiến thật''.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật tới nhân dân đã có tiến bộ song chưa hiệu quả. Vì trên thực tế, việc vận dụng luật pháp vào đời sống nhân dân hầu như chỉ thông qua việc xét xử các vụ án, vậy mà khi xét xử lại không quan tâm đến việc cho nhiều người dân tham dự để qua đó họ có thể nhận thức được thế nào là đúng, sai... Ngành tư pháp luôn gặp phải khó khăn, bức xúc trong giải quyết đơn thư khiếu nại, thế nhưng lại không chú trọng đến việc tiếp cận sâu sát nhân dân để phân tích, giúp người dân hiểu thế nào là quyền lợi và nghĩa vụ chính đáng của mình để không có tình trạng khiếu kiện bừa bãi...

Riêng đối với những trường hợp xét xử oan sai, theo Chủ tịch nước, việc sửa đổi, hoàn thiện các Bộ luật tố tụng Hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng Dân sự cần làm rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan tiến hành tố tụng. ''Ai sai ở khâu nào trong tố tụng thì phải chịu trách nhiệm về khâu đó, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trước dân'' - Chủ tịch phát biểu.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của Chủ tịch Trần Đức Lương, đội ngũ luật sư còn thiếu và hạn chế về năng lực, chuyên môn, do vậy cần tăng cường đội ngũ luật sư cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu tranh tụng dân chủ tại phiên toà. Các văn bản quy phạm pháp luật vẫn thiếu đồng bộ, chồng chéo, thiếu khả thi và chậm.

Năm 2003: Ngành tư pháp sẽ còn nhiều việc?

Với 9 nhiệm vụ cụ thể đề ra làm phương hướng hoạt động cho toàn ngành tư pháp năm 2003, Bộ trưởng Uông Chu Lưu đã nhấn mạnh đến việc nâng cao trách nhiệm, năng lực của ngành trong công tác xây dựng thể chế, cụ thể, sẽ soạn thảo, hoàn thành các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: Pháp lệnh Giám định tư pháp; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thi hành án dân sự; Nghị quyết về bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra; Bộ luật Thi hành án; Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Xử lý vi phạm hành chính...

Đề cập tới nhiệm vụ ''tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự'', ngành đã đề ra một số nhiệm vụ sẽ phải thực hiện để khắc phục tình trạng tồn đọng, tiêu cực trong thi hành án, tuy nhiên, chưa đưa rõ mục tiêu cụ thể về số vụ án dân sự sẽ được thi hành là bao nhiêu. Nhiệm vụ đẩy mạnh rà soát, tổ chức hệ thống văn bản quy phạm pháp luật một cách thống nhất, tránh chồng chéo vẫn chưa được đề cập rõ nét, trong khi đó, theo Chủ tịch Trần Đức Lương: ''việc khắc phục tình trạng này còn chậm, mà khối lượng công việc thì đồ sộ...''.

Mục tiêu của công tác tư pháp năm 2003

1. Nâng cao trách nhiệm, năng lực của ngành tư pháp trong công tác xây dựng thể chế
2. Tiếp tục tạo sự chuyển biến cơ bản công tác thi hành án dân sự, nâng cao hiệu quả công tác trong thi hành án
3. Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế pháp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp và hoạt động hành chính tư pháp
4. Tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trợ giúp pháp lý
5. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác hoà giải ở cơ sở, hướng mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến tận người dân
6. Tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật
7. Kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức, bộ máy đội ngũ cán bộ tư pháp ngang tầm nhiệm vụ
8. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
9. Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp, đào tạo cử nhân luật, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho những người có chức năng tư pháp. Đổi mới công tác nghiên cứu khoa học pháp lý.
 

  • Lan Nhi
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,