221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
30985
Không xem xét đơn thư tố cáo trong thời gian bầu cử HĐND?
1
Article
null
Không xem xét đơn thư tố cáo trong thời gian bầu cử HĐND?
,

(VietNamNet) - Từ 19 đến 21/3, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị HĐND và UBND toàn quốc. Tại Hội nghị này các đại biểu sẽ thảo luận và cho ý kiến về 2 Dự thảo luật quan trọng: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử HĐND (hay còn gọi là Luật Bầu cử HĐND (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức HĐND và UBND (Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội (QH) xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 (dự kiến sẽ khai mạc đầu tháng 5).

Ông Trần Quốc Thuận. Ảnh: N.Vũ

Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Thuận, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, một trong những tác giả chính của 2 dự án luật nói trên.


- Thưa ông, Luật Bầu cử HĐND (sửa đổi) lần này sẽ được điều chỉnh theo hướng nào?
- Dự thảo Luật Bầu cử HĐND (sửa đổi) lần này được điều chỉnh theo hướng tăng số lượng đại biểu HĐND các cấp. Số lượng đại biểu HĐND đã giảm đáng kể so với HĐND nhiệm kỳ 1989-1994. Việc giảm số lượng này dẫn tới hậu quả là thành phần, cơ cấu HĐND không đủ đại diện, trước hết là ở các ban ngành kể cả cấp tỉnh và cấp huyện, tiếp đến là các địa phương. HĐND phải có cơ cấu thích hợp cho các tầng lớp nhân dân tham gia. Có một thực tế là đại biểu HĐND hiện nay đa số là các quan chức, còn đại diện của người dân thì rất ít, nếu không muốn nói là chưa có. Vì vậy hướng điều chỉnh quan trọng nhất của Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này là làm sao tạo cơ chế để đại diện của người dân được tham gia vào HĐND nhiều hơn.

Dự thảo luật (sửa đổi) đề nghị số lượng đại biểu HĐND tăng lên trung bình mỗi cấp từ 10 đến 15 đại biểu. Cụ thể là HĐND cấp xã được luật hiện hành quy định tối thiểu là 19 người, tối đa là 25 người, nay được đề nghị tăng lên tối thiểu là 25 và tối đa là 35. Cũng tương tự như vậy, HĐND cấp huyện hiện nay là 25-35 đại biểu, được đề nghị tăng lên 35-50. Cấp tỉnh hiện nay là 50-70 thì tăng lên70-90. Riêng 2 thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh luật hiện hành quy định là 85 đại biểu, nay được đề nghị tăng lên không quá 110 đại biểu.

- “Ai là người chủ trì bầu cử đại biểu HĐND?” là vấn đề từ lâu đã được bàn tới. Nhiều ý kiến cho rằng chính quyền đứng ra tổ chức bầu cử HĐND sẽ dẫn tới tình trạng không minh bạch, bởi vì “Tôi đứng ra tổ chức bầu ra anh, sau này anh phải bầu lại tôi vào các chức chính quyền chứ”. Vậy Dự thảo luật lần này khắc phục “vấn đề tế nhị” này như thế nào, thưa ông?
- Đúng là có không ít người đặt câu hỏi: chính quyền đứng ra tổ chức bầu cử thì liệu có khách quan hay không? Đây là vấn đề thực sự quan trọng. Vì vậy có ý kiến cho rằng phải có một tổ chức đứng độc lập làm nhiệm vụ tổ chức bầu cử, giới thiệu người ra ứng cử và theo dõi cuộc bầu cử thì mới khách quan và không có gian lận. Vậy thì vấn đề đặt ra ở đây là: Ai sẽ đứng ra chủ trì cái đó? Có ý kiến cho rằng nên để UBND các cấp đứng ra chủ trì. Tuy nhiên nếu để UBND các cấp đứng ra chủ trì thì sẽ lại dẫn tới thực trạng mà chúng ta vừa phân tích ở trên. Vì vậy phải có một tổ chức đứng ra chủ trì. Còn một vấn đề mới nữa là: Ai sẽ ký quyết định thành lập tổ chức này? Trong cuộc bầu cử 1994 vừa qua việc ký thành lập tổ chức bầu cử ở các địa phương cho thấy không có sự thống nhất: nơi thì chủ tịch UBND ký thành lập Hội đồng bầu cử địa phương, nơi thì Thường trực HĐND ký, nơi thì MTTQ ký. Nói tóm lại là rất lung tung. Vì vậy khi thảo luận để đưa vào Dự thảo luật sửa đổi lần này vẫn còn có 3 loại ý kiến: đa số ý kiến cho rằng nên để Thường trực HĐND bởi vì họ cũng là cơ quan giám sát. Cũng có ý kiến đề nghị để UBND. Loại ý kiến thứ 3 đề nghị để MTTQ . Đó là vấn đề mà tới đây QH phải bàn để quyết.

- Giới thiệu người ra ứng cử vẫn cứ là “các tổ chức, đoàn thể giới thiệu, MTTQ hiệp thương, chốt danh sách rồi mới bầu”..., hay có gì thay đổi không, thưa ông?
- Kỳ này mở ra một điểm rất mới: đó là để nhân dân tự giới thiệu. Hiện nay theo quy chế dân chủ cơ sở thì các khối dân cư ở cơ sở có quyền giới thiệu người ra ứng cử. Nhưng ở cuộc bầu cử 1994 nhiều địa phương không làm cái này vì trong luật chưa quy định. Nhiệm kỳ này sẽ cố gắng thực hiện, bước đầu là ở cơ sở. Cụ thể là ở cấp xã, phường: khối dân cư, thôn, bản, làng họp lại giới thiệu đại biểu. Đây là điểm được thể hiện vào trong dự án luật - có thể coi là một điểm mới nhất.

- Thông thường thì vào thời điểm bầu cử có không ít đơn thư khiếu nại tố cáo. Vậy vấn đề này có được quy định trong Dự thảo Luật sửa đổi không?
- Dự thảo luật lần này quy định rõ: trong thời gian ứng cử thì những đơn thư nặc danh không xem xét. Vì muốn tố cáo thì tại sao trước đó không làm đi? Đó cũng là một điểm mới nữa trong Luật bầu cử HĐND (sửa đổi).

- Còn một vấn đề cũng rất quan trọng được đề cập nhiều trong thời gian qua là Văn phòng HĐND. Vấn đề này đang bị thả nổi. HĐND là cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương mà lại không có văn phòng, mặc dù trong quy chế HĐND các cấp thì Thường vụ Quốc hội nói HĐND phải có Văn phòng riêng. Dự thảo luật có điều chỉnh bất hợp lý này không?
- Hiện nay cả nước chỉ có 13 tỉnh, thành phố HĐND có văn phòng riêng, số còn lại là văn phòng chung với UBND. Điều nghịch lý là Chánh văn phòng do Chủ tịch UBND bổ nhiệm. Vì thế mới có chuyện ông Chánh văn phòng này buổi sáng chạy qua Thường trực HĐND bảo: "Anh (chị) tổ chức và làm kế hoạch đi giám sát hoạt động của UBND đi", buổi chiều lại chạy qua UBND bảo: “Anh (chị) chuẩn bị lo đối phó đi". Có lúc ông ấy qua bên HĐND bảo nên chất vấn vấn đề này đi, thì về lại thảo bản trả lời chất vấn thay cho Chủ tịch UBND. Một bộ máy tham mưu giúp việc như vậy là không ổn, nhưng tại sao nó cứ tồn tại mãi? Đây thực sự là vấn đề không dễ giải quyết. Vì vậy vấn đề này còn phải được tiếp tục nghiên cứu.

- Theo ông, Chủ tịch UBND có nhất thiết phải là đại biểu HĐND không?
- Gần đây một câu hỏi được nhiều người đặt ra là Chủ tịch UBND có nhất thiết phải là đại biểu HĐND không, vì nếu cứ để như luật hiện hành thì khi luân chuyển cán bộ sẽ không thực hiện được. Ban soạn thảo Dự án luật có ý kiến ra sao về vấn đề này?

Dự án luật sẽ quy định kỳ họp HĐND đầu tiên mà bầu ra UBND thì Chủ tịch UBND phải là đại biểu HĐND. Trong nhiệm kỳ hoạt động của HĐND, nếu khuyết chức danh Chủ tịch UBND thì Chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm Chủ tịch UBND cấp dưới, riêng Chủ tịch UBND cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương thì do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Ông Chủ tịch UBND được bổ nhiệm này không nhất thiết phải là đại biểu HĐND.

Tuy nhiên khi thảo luận thì có hai loại ý kiến khác nhau : loại ý kiến thứ nhất đồng ý như dự thảo. Loại ý kiến thứ hai đồng ý là Chủ tịch UBND có thể không là đại biểu HĐND, nhưng vẫn phải do HĐND bầu vì Hiến pháp quy định là UBND do HĐND bầu ra, nên ông Chủ tịch UBND mà lại không do HĐND bầu ra thì không đúng luật. Còn một vấn đề rắc rối nữa là ông chủ tịch này có bị HĐND giám sát không? Có bị HĐND chất vấn không? Có bị HĐND bãi miễn không? Ví dụ nếu HĐND cấp tỉnh có quyền bãi nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh (do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm) thì vô hình chung cấp dưới lại bác bỏ một quyết định của cấp trên à? Những vấn đề này cần phải được tiếp tục làm rõ.

- Một trong những trọng tâm của công cuộc cải cách hành chính của chúng ta hiện nay là cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương và Trung ương. Hai Dự thảo luật lần này có đáp ứng được yêu cầu đó không, thưa ông?

- Tôi nhớ cách đây mấy năm muốn mua một chiếc ô tô nhập khẩu một người ở thành phố Hồ Chí Minh đã phải bay ra Hà Nội, đến gặp tôi hỏi nhà ông Thủ tướng ở đâu để đến xin duyệt cho mua ô tô. Duyệt mua một chiếc ô tô mà phải đưa lên Thủ tướng thì quả là không ổn rồi. Đáng ra những việc như vậy nên để địa phương người ta làm. Vì vậy chúng tôi thiết kế luật lần này là theo hướng cần phân cấp ra, cái gì địa phương làm tốt thì giao cho địa phương làm. Nếu cứ để Trung ương can dự vào nhiều quá thì lại trở về cơ chế “xin- cho”. Đây chính là nguồn gốc dẫn đến tham nhũng . Họ đi xin nên họ có mất gì đâu, họ có thể “lại quả” cho người cấp vốn cho họ. Cái mất là dân mất, vì tiền là của dân đóng thuế. Vì thế nên phải tạo ra cơ chế để người dân có thể giám sát được các khoản chi tiêu của chính quyền. Tôi đi nghiên cứu ở một số nước như Australia, NewZealand, người dân bảo ở các địa phương mỗi lần công bố kế hoạch chi tiêu thì chính quyền phải gửi bản kê khai chi tiết trước cho những người đóng thuế nhiều nhất để họ xem trước. Họ phải biết tiền của họ đóng thuế để làm cái gì có lợi cho địa phương này. Nếu không thoả mãn người ta sẽ không đóng thuế nữa. Đương nhiên là bản chất chế độ mỗi nơi một khác, nhưng cái gì hay ta có thể tham khảo để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta

- Xin cám ơn ông!

  • Kiều Minh (thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,