221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
99094
Việt Nam sẽ có ''Quốc hội điện tử'' vào năm 2012
1
Article
null
Việt Nam sẽ có ''Quốc hội điện tử'' vào năm 2012
,

(VietNamNet) - Đề án đầu tiên về tin học hoá hoạt động của Quốc hội Việt Nam vừa được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 21/8, trong phiên họp thứ 11 của UBTV Quốc hội. ''Hệ thống mạng LAN cho 61 đoàn đại biểu Quốc hội địa phương; kết nối mạng LAN của các cơ quan Quốc hội thành mạng WAN thống nhất trên toàn quốc, tính bảo mật cao, tốc độ nhanh, sẵn sàng hoạt động 24/24'' - Đó là chân dung của ''Quốc hội điện tử'' vào năm 2010.

 

Ngay đầu tháng 9 này, Quốc hội sẽ khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo CNTT của Quốc hội; đồng thời chỉ đạo hoàn chỉnh đề án trên và ra Nghị quyết ban hành đề án tin học hóa hoạt động của Quốc hội.

Mở lớp sử dụng ... email cho đại biểu

Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng - Giám đốc Trung tâm Thông tin và nghiên cứu khoa học của Quốc hội đã nêu ra những bước đi đầu tiên cho dự án này bằng việc ''mở lớp hướng dẫn sử dụng email, truy nhập cơ sở dữ liệu cho các đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu chuyên trách''.

Thời gian tới, Văn phòng Quốc hội sẽ tập trung tập huấn, bồi dưỡng và nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin cho đại biểu Quốc hội và cán bộ trong hệ thống cơ quan của Quốc hội; đảm bảo các đại biểu, chuyên viên nghiên cứu và cán bộ nghiệp vụ ở Văn phòng Quốc hội và các đoàn đại biểu có khả năng khai thác thông tin trên mạng, sử dụng thư điện tử và có kiến thức nhất định về tin học văn phòng.

Bên cạnh đó, dự án sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu, các chương trình ứng dụng phục vụ cho hoạt động của Quốc hội; nâng cấp website thông tin Quốc hội theo hướng tăng cường trao đổi thông tin hai chiều với nhân dân. Giai đoạn từ 2005 đến 2007 sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết lập mạng LAN ở các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và giai đoạn 2007-2012 sẽ hoàn thiện mạng và cơ sở kỹ thuật ứng dụng CNTT trên cơ sở lấy nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới làm trung tâm.

Ông Hồ Đức Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, đề án này đã đáp ứng được cơ bản những yêu cầu về  ứng dụng CNTT trong các cơ quan của Quốc hội.

90 tỷ đồng cho Quốc hội điện tử Việt Nam

Số kinh phí đầu tư thiết bị và đào tạo này sẽ giúp ít nhất 70% các vị lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu chuyên trách sử dụng thành thạo công cụ khai thác thông tin trên mạng, sử dụng thư điện tử... giai đoạn từ 2004 đến 2006. Mỗi văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội sẽ có ít nhất từ 1 đến 2 cán bộ được đào tạo các kiến thức tin học văn phòng và sử dụng hệ thống thư điện tử của Quốc hội.

Dự kiến Quốc hội sẽ trang bị thêm 300 máy vi tính và 150 máy in cho các đại biểu chuyên trách, các chuyên viên tại các đơn vị trong Văn phòng Quốc hội. Đảm bảo tỷ lệ: mỗi đại biểu chuyên trách có một máy tính và một máy in, 3 chuyên viên phục vụ sẽ được trang bị 2 máy tính, hai phòng làm việc có một máy in. 61 máy tính và máy in trang bị cho các Văn phòng đoàn đại biểu tại  tỉnh.

Tổng cộng số thiết bị tin học trang bị trong giai đoạn này là 361 máy tính và 211 máy in bổ sung cho các ĐBQH chuyên trách, các chuyên viên phục vụ trong Văn phòng Quốc hội. Ngoài ra, dự án sẽ trang bị cho mỗi đại biểu Quốc hội chuyên trách một máy tính xách tay để phục vụ đi công tác và làm việc tại nhà riêng, tổng cộng 125 máy tính xách tay.

Phòng máy tính mới tập trung vào... ghi âm và gỡ băng

Ông Hồ Đức Việt chiều 21/8 cũng thẳng thắn thừa nhận rằng ''Nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong hệ thống các cơ quan của Quốc hội còn rất hạn chế; Hệ thống máy móc thiết bị chậm được đổi mới, nhiều thiết bị đã hết thời hạn sử dụng, chất lượng giảm sút; Các phần mềm ứng dụng vừa chưa đầy đủ vừa mang tính tản mạn, cục bộ và hầu hết đang chạy trên các máy lẻ nên không thể dùng chung cho toàn bộ hệ thống các cơ quan của Quốc hội; Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban cũng như tại các đoàn Đại biểu Quốc hội chưa được hình thành''.

Bên cạnh đó, việc trao đổi thông tin điện tử và ứng dụng những lợi thế của CNTT để khai thác thông tin trong các cơ quan của Quốc hội còn ở mức rất thấp; Nền nếp làm việc, các thủ tục hành chính, chất lượng cán bộ cần phải được nâng cao và đổi mới cho phù hợp với đặc thù của việc ứng dụng CNTT; Thiếu trầm trọng cán bộ chủ chốt về công nghệ thông tin, trình độ sử dụng máy tính của đội ngũ chuyên viên trong các cơ quan quốc hội còn yếu; Sự lẫn lộn giữa chức năng ghi âm, gỡ băng với chức năng ứng dụng CNTT cũng gây ra nhiều khó khăn cho sự phát triển ứng dụng CNTT trong Văn phòng Quốc hội.

Toàn bộ số máy tính hiện có tại các cơ quan của Quốc hội ở Trung ương là 396 máy, gồm 17 máy chủ và 379 máy trạm. Nhưng 116 máy trạm và 5 máy chủ... hỏng không sử dụng được, 81 máy trạm thế hệ Pentium II mua trước năm 1998 phần lớn màn hình bị mờ, CPU đã sửa chữa nhiều lần. Như vậy, tổng số PC từ thế hệ Pentium III trở lên đang được sử dụng khá tốt là 182 chiếc. Trong vòng từ 3 đến 5 năm nữa thì số máy tính này cũng sẽ dần hư hỏng và trở nên lạc hậu...
  • Hồng Phúc

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,