(VietNamNet) - "Việc dân sự cốt ở đôi bên, nên phát huy quyền tự định đoạt của đương sự. Sự can thiệp của quyền lực Nhà nước vào quan hệ dân sự càng ít càng tốt...". Trừ một số đại biểu của Viện KS, đa phần các đại biểu tham gia Hội nghị đại biểu QH chuyên trách lần thứ ba đều có chung quan điểm này khi cho ý kiến về quyền khởi tố vụ án dân sự của Viện KS.
Tham gia thảo luận về dự thảo Bộ luật TTDS, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến mang tính giải pháp cho việc hoàn thiện dự án luật này.
Toà cũng phải... hội nhập
Việc xem xét giao thêm thẩm quyền cho Toà án cấp huyện đã từng gây ra khá nhiều cuộc tranh cãi tại nghị trường. Trong Hội nghị chuyên trách lần này, các đại biểu chuyên trách tiếp tục cho ý kiến để phân định thẩm quyền Toà án cấp huyện.
Đối với các vụ án kinh tế, ban soạn thảo dự án luật chọn phương án giao cho toà án cấp huyện xét xử sơ thẩm tất cả các vụ án kinh tế, trừ những vụ án phức tạp. Nhiều đại biểu nhất trí với phương án này nhưng đều lưu ý đến việc nên cụ thể hoá thế nào là "vụ án phức tạp" để phân định rạch ròi công việc giữa toà án các cấp huyện và tỉnh. Một số ý kiến khác cho rằng nên quy định toà án cấp huyện xét xử những vụ án kinh tế mà giá trị tranh chấp dưới 500 triệu đồng. Tuy nhiên phương án này cũng bị "vướng" khi nhiều đại biểu nhắc nhở: "Thực tế xét xử cho thấy có những vụ án giá trị tranh chấp chỉ trên dưới 100 triệu đồng nhưng lại rất phức tạp".
Đối với các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài, trong khi còn một số đại biểu vẫn tỏ ý nghi ngờ về "năng lực" của toà án huyện thì nhiều đại biểu vẫn cương quyết bảo vệ quan điểm giao cho toà án huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án loại này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cũng bày tỏ quan điểm: "Chúng ta đang phấn đấu gia nhập WTO nên hoạt động làm luật và thực thi pháp luật cũng cần phải đi theo hướng phù hợp với tiến trình này. Trong một vài năm tới đây, các quan hệ dân sự mang yếu tố nước ngoài chắc chắn sẽ gia tăng nhiều. Vậy có nên cứ vụ án dân sự nào mang yếu tố nước ngoài dù là đơn giản hay phức tạp cũng phải mang lên toà án quận xét xử sơ thẩm không? Toà án huyện phải cố gắng thôi...".
"Nhà nước không nên can thiệp sâu vào quan hệ dân sự"
Một trong những vấn đề được thảo luận gay gắt nhất trong hội nghị là nên hay không nên giữ nguyên thẩm quyền khởi tố vụ án của Viện KS. Trong khi đại diện Viện KS tỏ ra khó "dứt bỏ" quyền năng này của mình thì nhiều ý kiến ủng hộ việc không nên quy định Viện KS có quyền khởi tố vụ án.
Đại biểu Trần Ngọc Đường (tỉnh Kiên Giang) lên tiếng: "Tôi quan niệm Viện KS không có vai trò công tố trong các vụ án dân sự. Việc dân sự cốt ở đôi bên, sự can thiệp của quyền lực nhà nước vào mối quan hệ này càng ít càng tốt, như vậy sẽ đảm bảo tư tưởng nhà nước pháp quyền. Viện KS chỉ nên giữ vai trò kiểm sát việc tuân theo pháp luật chứ không nên làm vai trò công tố". Đại biểu Đường góp ý thêm: "Viện KS không tham gia công tố thì cũng không nhất thiết phải có mặt trong tất cả các vụ án dân sự. Viện KS có thể kiểm sát hoạt động xét xử của toà án qua nhiều kênh khác nhau như nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, các quyết định của toà án...".
Đại biểu Lê Kim Toàn (tỉnh Bình Định) tán đồng: "Viện KS không nên khởi tố vụ án dân sự. Theo luật hiện hành, Viện KS được quyền khởi tố các vụ án dân sự liên quan đến quyền lợi nhà nước, người chưa thành niên, người tàn tật, các vi phạm pháp luật lao động nghiêm trọng... Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng là quyền lợi, tài sản của nhà nước thì đã có các cơ quan cụ thể được phân công quản lý, bảo vệ - nếu bảo vệ không được thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp trên, pháp luật. Còn với trẻ chưa thành niên, người tàn tật, người lao động... thì đã có các tổ chức, hiệp hội như Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên... theo dõi và chịu trách nhiệm bảo vệ. Viện KS không nên tác động vào...".
Mặc dù đã có những ý kiến như trên, đại biểu Hà Mạnh Trí (Viện trưởng Viện KSND tối cao) vẫn giữ nguyên quan điểm: "Viện KS làm chức năng công tố và giám sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực tố tụng dân sự với mục đích không bảo vệ riêng một bên đương sự nào mà để đảm bảo tính công bằng, trật tự an toàn xã hội. Theo tôi thì Viện KS không nên tập trung vào nhiệm vụ kiểm sát việc thụ lý của toà án, mà chỉ nên bắt đầu thực hiện chức năng này từ giai đoạn toà án lập hồ sơ. Với thẩm quyền khởi tố, tôi nghĩ nên để Viện KS khởi tố những vụ án dân sự liên quan đến lĩnh vực nhà nước thôi, bởi từ trước đến nay chẳng có cơ quan nào làm việc này ngoài Viện KS".
Một đại diện khác của ngành Viện KS lại thận trọng: "Việc hạn chế hay cắt bớt một số thẩm quyền của Viện KS khi thực hiện chức năng là một vấn đề hệ trọng, cần nghiên cứu kỹ".
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Văn An phát biểu: "Ở các nước, Viện KS không tham gia giải quyết các vụ án dân sự. Tôi thì cho rằng Nhà nước chỉ cần tổ chức thế nào để thuận tiện cho người dân chứ không nên can thiệp"...
Kháng nghị giám đốc thẩm: Nhất thiết phải theo yêu cầu của đương sự!
Nhất trí đa số với phương án để các đương sự tự định đoạt, tự chứng minh - toà và các cơ quan hữu quan chỉ hỗ trợ các đương sự thu thập chứng cứ theo yêu cầu, các đại biểu chuyên trách đều cho rằng thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm chỉ nên được tiến hành trên cơ sở có yêu cầu của đương sự. Nêu ra những bất cập đối với việc cơ quan tố tụng cố tình "làm rắc rối" vụ việc ngay cả khi không có đơn kháng nghị của đương sự, đại biểu Hà Đức Lệnh (Bắc Cạn) cho rằng: "Giám đốc thẩm phải có sự tự nguyện của đương sự. Nhỡ đương sự 2 bên đều không yêu cầu mà toá vẫn bới ra thì có phải làm cho tình hình rắc rối thêm không?". Đại biểu Hoàng Văn Minh (Nghệ An) cùng chia sẻ: "Nếu các bên đương sự không có yêu cầu khởi kiện vì họ muốn yên ổn, sợ ảnh hưởng đến tài chính, uy tín hoặc cảm thấy không cần thiết... mà chúng ta vẫn cố tình giải quyết theo giám đốc thẩm thì cũng để làm gì, cơ quan tố tụng có đạt được mục đích gì?".
Viện trưởng Hà Mạnh Trí cũng đóng góp thêm giải pháp tăng tính khả thi cho việc thực hiện quyền tự chứng minh của đương sự: "Để các đương sự thực hiện được quyền này ngay bây giờ là không phải dễ dàng mà cần cả một tiến trình, giải quyết được các cơ chế ràng buộc nó như đảm bảo được trách nhiệm của đương sự đối với quyền lợi, tài sản của mình (việc giao dịch những tài sản có giá trị lớn phải được cơ quan nhà nước chứng nhận...) và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong vai trò hỗ trợ nhân dân tài liệu, chứng từ để làm chứng cứ của vụ án...
Những ý kiến trong 2 ngày thảo luận về dự án Bộ luật tố tụng dân sự sẽ được ghi nhận, tiếp thu để cơ quan soạn thảo tiến hành chỉnh lý, sửa đổi, sớm trình ra Quốc hội. Trong những ngày tiếp theo, Hội nghị sẽ tiếp tục thảo luận về dự án Luật giao thông đường thuỷ nội địa.
-
L.Anh