221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
216224
Báo điện tử là một "trận địa" rất được coi trọng
1
Article
null
Thứ trưởng Bộ VH-TT Đỗ Quý Doãn:
Báo điện tử là một 'trận địa' rất được coi trọng
,

(VietNamNet) - Tới đây, hệ thống báo chí sẽ được sắp xếp lại như thế nào? Tình trạng mỗi tỉnh mỗi đài truyền hình và một tờ báo có phải là mô hình trong tương lai? Cơ quan chủ quản và quản lý sẽ ứng xử như thế nào trước những cơ quan báo chí hoạt động không hiệu quả?... Đó là những vấn đề mà VietNamNet đã đặt ra với Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin Đỗ Quý Doãn. 

Thứ trưởng Đỗ Quý  Doãn.

- Thưa Thứ trưởng, ông nhìn nhận như thế nào về nền báo chí nước ta hiện nay?

- Đánh giá về nền báo chí nước nhà trong những năm qua, phải thấy cả điểm tích cực và hạn chế. Về mặt tích cực: điều ghi nhận đầu tiên là báo chí đã làm tốt chức năng tuyên truyền các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

 Thứ hai là, chất lượng thông tin đã có một bước phát triển mới; tính hai chiều của thông tin ngày càng được mở rộng hơn.Trước đây thuần tuý chỉ là truyền bá, phổ biến các chính sách, nay báo chí không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền mà còn phản ánh tâm tư nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, và nhất là tính diễn đàn rất mạnh. Có thể nói báo chí thực sự đã trở thành phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu của xã hội, là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp..., đồng thời là diễn đàn của nhân dân.

Thứ ba, báo chí đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện, giới thiệu, cổ vũ cho những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, những mô hình mới xuất hiện trong sản xuất, kinh doanh và nhiều lĩnh vực khác. Điểm nữa cần khẳng định là báo chí đã góp phần tích cực trong đấu tranh chống tiêu cực xã hội, giúp hội nhập giao lưu quốc tế, đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động. Nói cách khác, những năm qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã thực sự trở thành một kênh trong việc quản lý, điều hành đất nước. Rất nhiều vấn đề mà báo chí nêu ra Chính phủ căn cứ vào đó để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để từ đó đưa ra một quyết sách kịp thời đúng đắn.

Tuy nhiên báo chí cũng đã bộc lộ những mặt hạn chế. Đó là tác động của mặt trái cơ chế thị trường đến hoạt động thông tin. Một số tờ báo đã đưa tin theo lối giật gân câu khách, chạy theo thị hiếu của một bộ phận công chúng. Nhiều người lập luận: “Tờ báo của chúng tôi bán chạy, công chúng vẫn đọc”. Tuy nhiên phải thấy rằng báo chí đáp ứng nhu cầu của công chúng đã đành, nhưng báo chí cũng còn có thiên chức định hướng thông tin. Nhiều tờ báo quên đi nhiệm vụ đó, dẫn tới nói quá liều lượng, mô tả quá chi tiết các vụ án rùng rợn...; sa đà vào những việc vụn vặt, giật gân mà không cân nhắc thiệt hơn. Rồi tình trạng đưa thông tin thiếu chính xác vẫn chưa được khắc phục. Trong một năm mà Bộ VH-TT đã phải... có khoảng 150 lần yêu cầu các cơ quan báo chí giải trình về việc đưa thông tin sai lệch và phải cải chính. Đó là chưa nói đến việc tiết lộ bí mật quốc gia. 

- Thế còn bản thân các nhà báo thì sao, thưa Thứ trưởng? 

- Làng báo nước ta hiện nay có khoảng 12.000 nhà báo chuyên nghiệp được cấp thẻ, chưa kể các nhà báo bán chuyên nghiệp. Phần lớn trong số họ tích cực, nhiệt tình, xông xáo, sẵn sàng đi vào các điểm nóng của cuộc sống để thông tin. Ví dụ dịch SARS, cúm gà, lũ lụt, thiên tai... Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận rất nhỏ lại vi phạm Luật Báo chí và đáng tiếc là có người đã bị đưa ra xét xử.  Những hiện tượng đó đã làm cho giảm sút uy tín và lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với báo giới. Rồi sự nhạy bén về xử lý thông tin, bản lĩnh của người làm báo... vẫn còn có nhiều vấn đề cần phải bàn.  

- Thưa Thứ trưởng, có thể nói chưa bao giờ báo chí nước ta lại phát triển mạnh như hiện nay, nhưng có một nghịch lý là nhiều nơi vẫn kêu là “đói thông tin”. Vì sao lại có sự bất cập đó? 

- Điều quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là đang có sự mất cân đối giữa số lượng và chất lượng thông tin; mức hưởng thụ về mặt thông tin; giữa phát triển của báo chí và công tác quản lý báo chí. Chúng ta hiện có hơn 500 cơ quan báo chí với khoảng trên 650 ấn phẩm. Một hệ thống phát thanh truyền hình từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố và cấp huyện hết sức hùng mạnh. Chỉ tính riêng cấp huyện đã có trên có 600 đài phát thanh, trong đó gần 300 cái phát sóng FM. Hệ thống báo điện tử và các nhà cung cấp thông tin và các trang điện tử của các báo in phát triển rất rầm rộ: Hiện có 3 báo điện tử và trên 50 nhà cung cấp thông tin trên mạng Internet với khoảng 2.500 trang web.

Với sự phát triển như vậy đã tạo ra sự mất cân đối giữa khả năng quản lý và số lượng cơ quan báo chí. Rồi sự mất cân đối về vùng miền: chúng ta có 600 triệu bản báo in/năm, với xấp xỉ 8 bản báo/người/năm, nhưng mức hưởng thụ đó chủ yếu nằm ở thành phố, thị xã còn vùng sâu vùng xa lại rất “đói thông tin”. Sự mất cân đối giữa đào tạo và sử dụng cũng rất rõ rệt: 300 nhà báo/năm được đào tạo chính quy, nhưng số lượng nhà báo tăng cường cho đội ngũ cơ quan báo chí thì được bao nhiêu? - Rất thấp. Một vấn đề cũng cần phải nói nữa là đang có sự bao cấp rất lớn đối với báo chí. Trong số 500 cơ quan chí thì thực chất chỉ có khoảng 50 tờ báo là có thể tự chủ được về mặt tài chính, còn lại là ngân sách cấp, và mỗi năm con số này lên đến hơn 40 tỷ đồng! 

- Sự mất cân đối này sẽ được “cân đối” ra sao trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng? 

- Trong chiến lược thông tin của chúng ta, trước hết phải quán triệt quan điểm chỉ đạo là thông tin báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Thứ hai, phát triển phải đi đôi với quản lý, nhưng công tác quản lý cũng phải theo cho kịp sự phát triển của báo chí. Trước đây quản lý được đến đâu thì cho phát triển đến đấy. Nghị định 55 ra đời (năm 2001) đã đánh dấu một bước phát triển mới trong tư duy phát triển: đó là công tác quản lý phải theo cho kịp sự phát triển. Điều quan trọng nữa là thông tin phải đi trước một bước, thông tin không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển mà còn dự báo. Tuy nhiên phát triển thông tin nhưng cũng đảm bảo an ninh quốc gia.  

- Như vậy có nghĩa là sẽ có sự sắp xếp lại hệ thống báo chí? 

- Từ nay đến năm 2005 chúng ta sẽ củng cố, kiện toàn và sắp xếp lại những đơn vị báo chí hiện có, nghĩa là xác định rõ tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ của các cơ quan báo chí; sắp xếp lại những trường hợp chồng chéo về tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ và kiên quyết xử lý những tờ báo sai có nhiều sai phạm và sai phạm liên tục, chất lượng kém, cơ quan chủ quản buông lỏng hoàn toàn cho cơ quan báo chí muốn làm gì thì làm. Còn từ năm 2005 - 2007 đến 2010 việc phát triển các đầu mối cơ quan báo chí cũng phải cân nhắc. Theo quan điểm của cá nhân tôi thì cần phải giảm bớt số đầu mối cơ quan báo chí và tăng mô hình một cơ quan báo chí trong đó có một vài ấn phẩm theo kiểu phát triển quy tụ như báo Công an nhân dân làm vừa rồi. An ninh thế giới, Văn hoá - văn nghệ công an, An ninh thế giới cuối tháng đều quy tụ về một cơ quan là Báo Công an nhân dân.

Thứ hai, những tờ báo ra đời để phục vụ những nhiệm vụ tuyên truyền mà đôi khi phải bán với giá thấp hơn giá thành thì phải có chính sách hỗ trợ. Còn những tờ báo thuần túy là giải trí như Thời trang, Tư vấn tiêu dùng, Tiếp thị gia đình, Đẹp, Người đẹp Việt Nam, Mốt... có thể xem xét để nó có thể hoạt động theo cơ chế thị trường. Có nghĩa là phải làm nghĩa vụ một cách đầy đủ như các đơn vị kinh doanh khác.  

- Còn hệ thống phát thanh, truyền hình thì sao, thưa Thứ trưởng? 

- Mọi sự phát triển đều có nguyên nhân và thời điểm lịch sử của nó. Trước đây VTV phủ sóng rất thấp: phạm vi chỉ xung quanh Hà Nội thôi, nên các đài truyền hình địa phương đóng vai trò lớn trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trên địa bàn. Tuy nhiên giờ VTV đã phủ sóng cả nước rồi, thì vai trò của các đài địa phương đúng là cần phải tính toán cân nhắc lại . Phải tính toán thế nào đó để phát huy hiệu quả, tránh chồng chéo về thời lượng phát sóng, can nhiễu sóng, tần số, công suất... Tất cả những cái đó đòi hỏi phải quy hoạch lại. Hiện chúng tôi đang xem xét để có một quy chế cụ thể như đài địa phương phát sóng thì thời lượng bao nhiêu, tiếp đài Trung ương thì thời lượng bao nhiêu, chương trình nào... Nói tóm lại là quy hoạch cả về công suất, về tần số. Ví dụ ngay trong khu vực ĐBSCL bằng phẳng nên sự can nhiễu sóng là chuyện dễ xảy ra; vậy thì đài địa phương được phát trên tần số nào... Nếu chúng ta làm được những việc như vậy thì có thể giải quyết được tình trạng hiện nay, vừa đảm bảo không lãng phí. Chính phủ đang giao bộ VH-TT có phương án quy hoạch các đài địa phương và chúng tôi đang tiến hành xây dựng đề án quy hoạch này trên phương châm chỉ đạo như vậy. 

- Tức là Chính phủ chủ trương thu hẹp lại hệ thống báo chí? 

- Nói như vậy không có nghĩa là Chính phủ chủ trương thu hẹp lại hệ thống báo chí mà vẫn chủ trương phát triển, nhưng là phát triển có trọng điểm. Ví dụ phát triển báo điện tử trên Internet tới đây sẽ được Chính phủ rất coi trọng. Đây là một trong những xu hướng phát triển rất lớn, là xu hướng hội tụ thông tin: tin học, cả truyền hình, viễn thông, tất cả trên Internet, thuận lợi, nhanh, không bị hạn chế về thời gian, không gian, biên giới... Nếu bảo đảm đúng những yêu cầu đặt ra thì có thể nói báo điện tử là một trận địa rất quan trọng. Xu hướng hội tụ này diễn ra rất nhanh. Vì vậy công tác quản lý phải cố gắng để theo kịp cho kịp.  

- Xin cám ơn Thứ trưởng! 

  • Bích Ngọc - Diễm Huyền (Thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,