Cột cờ HN sẽ thế nào nếu sau lưng là công trình Bảo tàng LSQSVN? |
Trong cuộc toạ đàm về việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN (tiền thân là Bảo tàng Quân đội VN) diễn ra ngày 6/4, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT VN nêu ví dụ: "Ngay trong khu Liên hiệp Các hội KHKT VN có ngôi nhà kiến trúc thời Pháp bị nghiêng mà vẫn giữ, thì không có lý gì lại phá bỏ kiến trúc của Cột cờ Hà Nội!".
Theo đề án được Bộ Quốc phòng phê duyệt về việc xây mới Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (LSQSVN), bảo tàng mới sẽ có tổng diện tích khoảng 30.000m2 (Bảo tàng hiện nay có diện tích khoảng 11.000m2 với diện tích trưng bày 3.000m2). Như vậy, để lấy đất xây bảo tàng mới, toàn bộ các công trình kiến trúc trong diện tích này (trừ Cột cờ) sẽ bị phá hủy.
GS.TS.KTS Nguyễn Thế Bá cho rằng, ai cũng ủng hộ việc xây dựng Bảo tàng LSQS VN nhưng dưới góc độ bảo tồn di sản thì không nên xây gì mới trong khu vực này. Ông Bá phân tích, ở nước ngoài họ xây dựng những công trình lịch sử quân sự hết sức quy mô, trên một diện tích vô cùng rộng lớn. Nhưng với diện tích vài hecta trong thành Hà Nội không đủ để thể hiện sự vĩ đại của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND VN). ''Chúng ta cứ bảo tồn những kiến trúc Pháp, tại sao Cột cờ Hà Nội là kiến trúc đích thực của ta mà ta không bảo tồn?'' - GS nói.
GS sử học Phan Huy Lê cũng tán thành giải pháp "trước mắt không có một công trình nào được xây dựng trong khu vực này, chỗ nào chưa xây dựng nên giữ nguyên". ''Chúng ta không bảo vệ được toàn bộ Hoàng thành và thành Hà Nội nhưng cần phải bảo vệ khu vực này, một khu vực được coi là phần quan trọng mà trong đó chứa các tầng văn hoá từ thế kỷ 7 trước CN đến tận ngày nay. Khi chúng ta đã thừa nhận ý nghĩa lịch sử của Cột cờ Hà Nội thì không thể chấp nhận xây dựng công trình nào phá vỡ cảnh quan khu vực này''- ông Lê trăn trở. .
Ông Lê phân tích 3 lý do không thể xây dựng Bảo tàng LSQS VN: công trình kiến trúc dù có như thế nào cũng phá vỡ toàn bộ không gian cổ kính của khu vực này; công trình phá vỡ ý nghĩa thiêng liêng của thành Hà Nội; bản thân bảo tàng LSQS VN nếu có xây dựng ở đây cũng sẽ bị khống chế bởi phần trưng bày ngoài trời quá nhỏ, mà diện tích trưng bày ngoài trời là yếu tố quan trọng nhất của bảo tàng.
Cũng về vấn đề này, Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đưa ra ý kiến phản đối việc xây dựng Bảo tàng LSQS VN ở khu vực hiện tại với hai lý do: "Xây dựng ở đây thì không gian quá nhỏ hẹp không đủ thể hiện cả trường kỳ lịch sử quân sự của nước ta, có lẽ do quá nghĩ đến địa thế mà không nghĩ đến vấn đề trưng bày.Cần phải xây dựng trên một địa thế rộng hơn và chuyển sang chỗ khác, có thể là phía bên kia đường Nguyễn Tri Phương hoặc khu vực Láng Hoà Lạc. Lý do thứ hai là, trên lập trường của người Hà Nội thì Cột cờ Hà Nội rất thiêng liêng, là biểu tượng của quốc gia, là linh hồn của dân tộc. Cả Việt Nam có Thăng Long, cả Thăng Long có khu vực này, bởi vậy sẽ là ''không phải'' nếu phá vỡ nơi được coi là hồn thiêng của Hà Nội, của dân tộc''.
Nhiều nhà khoa học đồng tình với ý kiến của Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Mỗi sự việc cần phải đặt trong thực tiễn. Lịch sử của Viện Bảo tàng LSQS VN suốt 45 năm đã định vị rồi. Đây là khu vực tập kết của lực lượng giải phóng Thủ đô, nhờ vị trí này mà đây là một bảo tàng đông khách nhất hiện nay. Vì vậy làm sao để Bảo tàng quân sự VN tương xứng với vị trí của nó? Chúng ta có thể chia sẻ khó khăn của bảo tàng, nhưng tiêu chí đầu tiên là phải dựa vào Luật Di sản, Luật Xây dựng (trong đó có chương về quy hoạch - NV)".
"Đã đến lúc phải thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch- điều đó có nghĩa phải đảm bảo quy hoạch của Cột cờ Hà Nội. Không khéo việc xây dựng bảo tàng quân sự đồ sộ bên cạnh Cột cờ sẽ biến di tích này thành một ''công trình lịch sử phụ'' - nhà sử học Dương Trung Quốc tiếp tục lên tiếng. Theo ông, nên tìm một phương án khác để xây dựng bảo tàng, tránh tình trạng điều chỉnh hay xây dựng theo kiểu hầm ngầm lại thành ''đối phó''.
GS sử học Phan Huy Lê đưa ra giải pháp: Nên kiến nghị lên cấp trên như Bộ văn hoá Thông tin, UBND TP.Hà Nội nghiên cứu để xây dựng quy hoạch như khu đất hoàng thành. Như vậy còn có thể bảo vệ Cột cờ. "Riêng Bảo tàng LSQS VN, tôi tôn trọng vị trí hiện tại của nó nhưng tương lai xây dựng như thế nào phụ thuộc vào quy hoạch chung'' - ông Lê nói.
Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính thì: "Đáng ra chúng ta nên khôi phục trục không gian duy nhất của thành Hà Nội thì chúng ta lại đòi xây chèn công trình khác lên. Đó là do chỉ nhìn nhận Cột cờ Hà Nội là đơn chiếc mà không đặt nó nằm trong hệ thống. Đây không phải là bảo tồn Cột cờ thuần tuý mà bảo vệ không gian của thành Thăng Long- Hà Nội. Cột cờ Hà Nội đã là hiện vật thì việc xây dựng bảo tàng LSQS VN ở khu vực này sẽ vĩnh viễn xoá bỏ câu chuyện khôi phục lại 1.000 năm Thăng Long Hà Nội!".
"Vấn đề là HN phải xây dựng quy hoạch tổng thể, trong đó, lấy nội dung bảo tồn các di tích đặt lên hàng đầu, bởi chúng ta có thể xây dựng một Hà Nội văn minh hiện đại nhưng chúng ta không thể xây dựng lại công trình kiến trúc của lịch sử mà cha ông để lại" - GS Kính góp ý.
Các ý kiến đều thống nhất, Bảo tàng LSQS VN là công trình quy mô, lớn lao và hết sức xứng đáng, nhưng nếu xây dựng ở vị trí hiện nay thì không phù hợp vì sẽ "tàn phá" khung cảnh của hoàng thành Hà Nội. Trong khi đó, Cột cờ là trục chính của thành Hà Nội, xây dựng bảo tàng ở đây là phá vỡ cảnh quan. Một cột cờ uy nghi không thể để bên cạnh một toà nhà ''át'' cả thế của cột cờ, cũng như không thể xây dựng toà nhà cao tầng bên hồ Gươm. Vì vậy, muốn làm bảo tàng to đẹp, xứng đáng với lịch sử của dân tộc Việt Nam thì cần phải có một phương án khác.
Trong tuần này, các nhà khoa học sẽ làm một văn bản gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Xây dựng, Thành uỷ Hà Nội, Bảo tàng LSQS VN về việc nên tìm một phương án phù hợp cho việc xây dựng Bảo tàng LSQS VN.
-
Kiều Minh