(VietNamNet) - Luật Đất đai năm 2003 sẽ có hiệu lực từ 1/7/2004, hứa hẹn thay đổi nhiều mặt trong đời sống kinh tế, xã hội. UBND TP. Hà Nội vừa chỉ thị các đơn vị triển khai nghiêm túc luật này.
Chỉ thị số 16/2004/CT-UB được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hoàng Văn Nghiên ký ngày 5/5/2004, đã nhận định rõ việc triển khai Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý đất đai của Thủ đô trong năm 2004.
Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên đất đai của thành phố, nhanh chóng đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, UBND TP vạch ra 5 nội dung cơ bản mà các ngành, các cấp cần tập trung triển khai thời gian tới.
Những việc cần làm ngay bao gồm: 1) Khẩn trương xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thi hành Luật Đất đai; 2) Cần đi trước 1 bước trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục luật này; 3) Kiện toàn hệ thống quản lý tài nguyên nhà đất theo Luật Đất đai năm 2003, coi đây là bước cải cách hành chính trong quản lý Nhà nước về đất đai của thành phố; 4) Tổ chức thực hiện Luật Đất đai, tạo ra những chuyển biến tích cực về quản lý, sử dụng đất; 5) Làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Theo đó, Sở Tài nguyên Môi trường và nhà đất chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành trên cơ sở Luật Đất đai, Nghị định của Chính phủ xác định điều kiện thực tế ở Thủ đô để đề xuất cơ chế, chính sách khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất; điều kiện để được giao đất, cho thuê đất; xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các tổ chức khi được giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất và được thuê đất, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Các quy chế quản lý, xác định giá trị đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các tổ chức, làm cơ sở để xác định trách nhiệm và xử lý khi để xảy ra tình trạng lấn chiếm, thất thoát đất đai cũng được xây dựng. Việc sử dụng đất ở đô thị, các khu công nghiệp được chú ý xây dựng chính sách, chế độ quản lý.
Cùng phối hợp với các ngành, Sở Tài chính có nhiệm vụ nghiên cứu chính sách tài chính về đất đai như: chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, tiền thu từ xử phạt vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; định giá trị đất khi cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước; định giá trị đất trong quản lý nhà, đất là công sản. Khung giá các loại đất trên địa bàn thành phố cũng sẽ được Sở Tài chính chủ động nghiên cứu, xây dựng theo nguyên tắc: phù hợp với giá chuyển nhượng thực tế trong điều kiện bình thường để kịp thời áp dụng ngay sau khi Chính phủ ban hành khung giá các loại đất.
-
Hoàng Huy