Thực tế, so với mức cam kết giảm thuế 22% mà nước ta đưa ra trong phiên họp lần 7 diễn ra tháng 12 năm ngoái thì mức 18% lần này là một bước "đột phá" (mức cam kết trung bình của các nước gia nhập WTO là 16,5%). Về dịch vụ, lĩnh vực mà nhiều nước phàn nàn là chúng ta còn "gói kín" cũng có nhiều tiến bộ, với cam kết mở cửa 10 nhóm, với gần 100 mặt hàng.
Thực chất của các phiên đàm phán WTO là một cuộc mặc cả "cò kè bớt một thêm hai", trong đó, các thành viên WTO thì đòi hỏi "lính mới" muốn "vào sân" phải mở cửa thị trường của mình càng "thoáng" càng tốt, nước muốn gia nhập thì lại cố gắng thuyết phục các đối tác hạ thấp yêu cầu xuống. Nhưng không đối tác nào muốn đàm phán khi mà khoảng cách giữa hai bên quá xa, nói cách khác, yêu cầu của các thành viên quá cao mà cam kết của chúng ta lại quá thấp.
Vì thế, không khó hiểu khi lần "tự nâng mình lên" của chúng ta đã nhận được những tín hiệu tích cực từ phía các đối tác. Trong cuộc trả lời phỏng vấn VietNamNet mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Khoan lý giải, những đề nghị rất mạnh mẽ về cam kết hội nhập tại phiên đàm phán thứ 8 này đã "đánh tín hiệu cho cộng đồng quốc tế biết VN muốn vào WTO thật sự bằng hành động chứ không chỉ trên lời nói. Từ đó, mới “lôi” họ vào đàm phán thực".
Nói cách khác, với bản chào lần này, giai đoạn "thăm dò" lẫn nhau đã qua. Bắt đầu từ đây, quá trình đàm phán đã đi vào thực chất. Cũng vì thế, theo các chuyên gia, đề nghị của ban Thư ký WTO rằng VN cần tiến hành đàm phán trên bản báo cáo của ban thư ký WTO bắt đầu từ những phiên đàm phán tiếp theo như "tín hiệu ngầm" mở ra giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán. Bởi khi đó bản dự thảo báo cáo này đi kèm với nghị định thư gia nhập WTO sẽ đưa ra một loạt nội dung mà chúng ta cần phải cam kết để trở thành thành viên, cụ thể như thương mại hàng hóa, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, tiến trình xây dựng luật pháp...
Cái "chốt" để chúng ta tiến hành đàm phán là quan điểm "VN là nền kinh tế có trình độ thấp". Nếu giành được sự ủng hộ của các thành viên WTO, chúng ta sẽ được nhận một số ưu đãi theo quy định của tổ chức này. Đa số các nước đang phát triển đều ủng hộ quan điểm này. Tuy nhiên, đại diện nhóm nước "giàu" vẫn bảo lưu quan điểm "VN là nền kinh tế giàu tiềm năng phát triển mạnh mẽ". Và như thế, đó vẫn là cuộc đấu tranh kiên trì để có thể thuyết phục các đối tác chấp nhận.
Liệu chúng ta có kịp tới đích năm 2005?
Trên website của WTO chỉ rõ, đến thời điểm này, Việt Nam chưa thể gia nhập WTO vào 1/1/2005 như mục tiêu đã đặt ra. Theo đó, bản dự thảo báo cáo của ban Thư ký WTO sẽ được chuẩn bị vào tháng 10 hoặc 11 năm nay và đưa ra thảo luận tại phiên đàm phán thứ 9 diễn ra vào tháng 12/2004.
Các nước trong nhóm công tác cũng cho rằng, vẫn còn một khối lượng công việc khổng lồ như tiếp tục đàm phán về mở cửa thị trường và các điều kiện khác đối với việc gia nhập của VN, làm rõ hơn các chính sách và quy định của VN cũng như đưa những luật lệ, quy định cần thiết vào thực tiễn.
"Tôi tin rằng trách nhiệm của tôi là phải nhấn mạnh với phái đoàn VN về sự tuyệt đối cần thiết của việc thúc đẩy thực thi luật pháp" - ông Seung Ho, Chủ tịch nhóm công tác VN gia nhập WTO nói. "Tiến độ gia nhập nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào tốc độ thực hiện công việc này của Chính phủ VN".
Ngay đối với bản chào được đánh giá là "đột phá" này, các nước bày tỏ mối quan ngại về cách áp dụng một số loạt thuế nhập khẩu "đặc biệt" của VN, hạn ngạch thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp cũng như giai đoạn quá độ thực hiện từng phần trong Hiệp định về Các biện pháp vệ sinh. Họ cũng cho rằng bản chào lần này chưa cho thấy bước tiến nào trong lộ trình thực thi Hiệp định về Sở hữu trí tuệ của chúng ta.
Tuy nhiên, VN cũng tỏ ra thực tế và "khiêm tốn" hơn khi Trưởng đoàn đàm phán, Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự cho biết tại phiên họp rằng "VN sẽ cố gắng gia nhập WTO càng sớm càng tốt". Trước đó, trong một lần trao đổi với VietNamNet, Đại sứ VN tại WTO, ông Ngô Quang Xuân lưu ý "gia nhập WTO nhưng không phải bằng mọi giá".
Đương nhiên, không ai muốn vội vã như Campuchia, vội vàng chấp nhận tất cả đòi hỏi của đối tác để gia nhập WTO. Một nền kinh tế bé nhỏ với GDP 2 tỷ USD và đã "bung mở" hết cỡ như Campuchia có thể làm được điều đó. Với VN, như lời tâm sự của ông Nguyễn Đình Lương, một "lão làng" đàm phán, "chỉ một sơ xuất trong đàm phán sẽ phải trả một cái giá nghiệt ngã".
Mặt khác, VN cũng hiểu rằng sẽ rất nguy hiểm nếu VN không gia nhập WTO kịp trước thời điểm kết thúc vòng đàm phán Doha. Một khi vòng đàm phán này chấm dứt, việc tham gia tổ chức Thương mại Thế giới của VN sẽ khó khăn gấp bội bởi những quy định, luật chơi mới đưa ra sau Doha "hà khắc" hơn nhiều với các nước đang phát triển. Trong khi đó, theo dự đoán của nhiều chuyên gia quốc tế, Doha có thể kết thúc nửa đầu năm 2005.
Và như thế thì nước đã thực sự đến chân... Năm 2005 không còn xa nữa.
Cuộc chơi nào cũng có cái giá của nó. "Đấu trường" WTO vốn nghiệt ngã với các cuộc giằng co lợi ích quyết liệt. Nhưng như Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nói "cứ đẩy người ta xuống ao, người ta sẽ tự khắc biết bơi".
-
Minh Huy