Tham nhũng đã từng "đe dọa sự sống còn của nhà nước Trung Quốc", biểu lộ ý chí quyết tâm đấu tranh chống tệ nạn này, Tổng Bí thư Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố: "Đảng không được mềm lòng trước những cán bộ tham nhũng".
Sáu đặc điểm của tệ tham nhũng
Yang Qianxian Cục trưởng Hải quan (ảnh trên) và Lan Fu, Phó Thị trưởng (ảnh duới) thành phố Hạ Môn (Phúc Kiến), cùng lĩnh án tử hình về tội tham nhũng. |
Theo góc độ của giới nghiên cứu, tệ tham nhũng ở Trung Quốc được khái quát như sau: Lãnh đạo, đảng viên tham nhũng lan tràn làm cho đạo đức xã hội bị xói mòn. Đảng xa rời quần chúng, cơ sở đảng yếu kém, có nơi rệu rã. Trị an xã hội ngày càng xấu, quần chúng kém tin tưởng vào Đảng Cộng sản; tình trạng chạy theo lợi ích vật chất trong xã hội (trong đó có đảng viên) làm cho lý tưởng cộng sản bị lu mờ, tệ tham nhũng cùng một số biến đổi xã hội khác làm cho xã hội Trung Quốc mất ổn định.
Theo số liệu thống kê, hằng năm chỉ riêng khoản tiền nhà nước do cán bộ, đảng viên dùng vào việc ăn chơi xa xỉ cũng mất khoảng 200 tỉ nhân dân tệ (tương đương 400.000 tỉ đồng Việt Nam, bằng 2/3 GDP của nước ta), riêng tiền mát-sa, trên 100 tỉ nhân dân tệ. Tham nhũng kìm hãm khoảng 0,5% tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Theo đánh giá năm 2001, tham nhũng làm thất thoát 10% GDP, bằng 2 lần tổng thu nhập quốc nội của nước này những năm sáu mươi của thế kỷ trước.
Với cách nhìn dân gian, tình trạng tham nhũng tràn lan, gây bức xúc trong xã hội Trung Quốc thể hiện bằng việc lưu truyền nhiều châm ngôn chua xót. Thí dụ, như: "Có quyền phải lộng quyền"; "Lừa gạt được chừng nào hay chừng ấy"; "Có xác bán xác, có hồn bán hồn"; "Phạm pháp lớn mới giàu to, phạm pháp nhỏ kiếm đôi chút, không phạm pháp thì nghỉ xơi"; "Có lợi mới có nghĩa, lấy nghĩa để mưu lợi"; "Quan to ăn to, quan nhỏ ăn nhỏ, không ai không ăn". Từ truyền thống tôn sùng triết lý "Yên phận với bần hàn", một số kẻ chuyển sang triết lý "Quân tử ham tiền mới tìm được lối đi".
Người ta đã tổng kết 6 đặc điểm của tệ tham nhũng ở Trung Quốc, như sau: 1 - Quy mô tham nhũng trong quan chức đảng có xu hướng phát triển; 2 - Những kẻ tham nhũng phần lớn là những cán bộ chủ chốt trong đảng và chính quyền; 3- Phần lớn các vụ án tham nhũng là "xuyên án", "ổ án"; 4 - Những vụ án về thoái hóa biến chất, suy đồi đạo đức ngày càng tăng; 5 - Quan chức tham nhũng "người trước ngã, người sau tiến"; 6 - Chợ đen quyền lực, bán quan có giá.
Tuy nhiên, thực trạng nêu trên ở Trung Quốc hiện đang lùi về quá khứ. So với năm 1992, được coi là mốc thời gian Trung Quốc chính thức có chiến lược chống tham nhũng, khi Chu Dung Cơ tuyên bố thành lập Ban Chỉ đạo chống tham nhũng do Ôn Gia Bảo làm Trưởng Ban, đến nay tệ tham nhũng ở Trung Quốc đã bị kiềm chế đáng kể. Theo cách đánh giá của tổ chức Trong sáng thế giới, Trung Quốc hiện đã được xếp vào một trong 20 nước ít tham nhũng nhất thế giới.
Đến nay, tệ tham nhũng ở Trung Quốc đã không còn quá bức xúc và không còn là mối quan tâm hàng đầu của dư luận như trước, nhường chỗ cho vấn đề việc làm đang nổi lên bức xúc nhất. Nhân dân Trung Quốc đã yên lòng hơn về kết quả đấu tranh chống tham nhũng. Theo số liệu công bố năm 2003 của nước này, có 74,44% số người được hỏi thừa nhận việc chống tham nhũng ở Trung Quốc có kết quả; 69,36% cho là tệ tham nhũng đã được hạn chế với mức độ nhất định; 68,86% tin tưởng vào sự thắng lợi của cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Nếu năm 1996 chỉ có 30% dư luận đánh giá cao kết quả chống tham nhũng, thì năm 2003 đã tăng lên 51%.
Chiến lược bài bản
Mu Shuixin, Thị trưởng thành phố Shenyang bị kết án tử hình cũng vì tội tham nhũng. |
Trong những năm qua Trung Quốc đã tiến hành cuộc đấu tranh chống tham nhũng như thế nào? Trước hết, Trung Quốc đã kiên trì triển khai chiến lược chống tham nhũng một cách bài bản, hành động có chủ thuyết, mang đậm truyền thống và bản sắc chính trị Trung Hoa. Từ ngàn năm trước, đất nước này còn lưu truyền đến nay những chủ thuyết nổi tiếng khi thực hiện những mục tiêu chiến lược cụ thể, với những danh nhân được nhân loại tôn vinh.
Thí dụ, chủ thuyết của Quản Di Ngô giúp Tề Hoàn Công, Thương Ưởng giúp Tần Hiếu Công giành nghiệp bá; chủ thuyết của Lý Tư giúp Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa... Thời kỳ cải cách Đặng Tiểu Bình đã đưa ra những chủ thuyết độc đáo, đầy sáng tạo, thực hiện sách lược "vu hồi" (quay lại sau), bỏ qua nhiều cản trở không cơ bản để đạt mục tiêu lớn, không mất thời gian dừng lại giải quyết.
Chẳng hạn, thuyết: "Họ Xã, họ Tư", "mèo trắng, mèo đen". Để thực hiện mục tiêu xa là đổi mới, phát triển kinh tế, chủ thuyết này đã tạm bỏ qua, chưa cần quan tâm đến vấn đề không cơ bản là thành phần kinh tế, hợp tác xã hay tư nhân. Chủ thuyết "một quốc gia hai chế độ", vì mục tiêu tối thượng là thống nhất đất nước Trung Hoa, vấn đề chế độ xã hội chỗ này, chỗ khác tạm thời được giữ nguyên, coi đó là sách lược.
Với chống tham nhũng, theo thực tiễn cải cách, chủ thuyết được xây dựng từng bước uyển chuyển, được điều chỉnh, hoàn thiện không ngừng.
Lúc đầu, Đặng Tiểu Bình chủ trương "dùng luật trị nước" để kiềm chế tham nhũng. Nhưng, thực tế là Trung Quốc mới từ quan liêu, hành chính chuyển sang kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, dân lại chưa có thói quen tuân theo luật pháp, nên tệ tham nhũng, tiêu cực đã không bị kiềm chế mà vẫn phát triển ngày càng nghiêm trọng.
Từ đó, tháng 1/1995, Giang Trạch Dân đã điều chỉnh chủ thuyết này và đưa ra lý luận: "Ba chú trọng" - tam giảng, (giảng học tập, giảng chính trị, giảng chính khí), nghĩa là chú trọng học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác; chú trọng chính trị, nâng cao lập trường tư tưởng chính trị (chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình), và chú trọng về đạo đức, lối sống và đức liêm chính.
Chủ thuyết này thực hiện từ 1997 cũng vẫn chưa đủ mạnh, chưa đem lại chuyển biến theo yêu cầu. Tiến thêm một bước, tháng 2/2000, Giang Trạch Dân đã bổ sung, đưa ra tư tưởng "ba đại diện" làm cơ sở trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng của Trung Quốc. Một lần nữa chưa tạo được sự chuyển biến cần thiết, tệ tham nhũng chưa bị ngăn chặn và vẫn nghiêm trọng, "đe dọa sự sống còn của nhà nước Trung Quốc".
Vì thế, tháng 10/2000, Giang Trạch Dân lại chủ trương thực hành chủ thuyết "đức trị" song hành với "pháp trị". Theo đó, để chống tham nhũng, nếu chỉ theo luật pháp thì chưa đủ. Thứ nhất, vì Trung Quốc mặc dù có hệ thống cả ngàn luật, nhưng vẫn chưa thể hoàn chỉnh. Thứ hai, dù luật pháp có hoàn chỉnh, nhưng con người đạo đức không tốt, không có thói quen tôn trọng và sống theo pháp luật thì cũng không thể kiềm chế được tham nhũng.
Ông đã khai thác mối quan hệ biện chứng giữa đức trị và pháp trị trong đấu tranh chống tham nhũng như sau: "Pháp luật và đạo đức là hai bộ phận hợp thành trong thượng tầng kiến trúc, đều là biện pháp quan trọng bảo vệ trật tự xã hội và quy phạm tư tưởng, hành vi của con người". Ở đây, đức trị là sự thuyết phục, giáo dục, còn pháp trị thể hiện quyền uy và cưỡng chế. Ông nêu mục tiêu mang tính bản chất khách quan: "Lấy pháp trị gần, lấy đức trị xa"; "lấy pháp trị thân, lấy đức trị tâm".
Theo ông, phải nắm chắc và thực thi tốt cả đức trị và pháp trị, pháp trị trên nền tảng đức trị, "nắm hai tay, hai tay đều phải rắn".
Coi trọng những phương châm hành động cụ thể
Triển khai chủ trương đức trị, Trung Quốc chỉ rõ, coi quan đức (đạo đức cán bộ) giữ vị trí chủ đạo trong hệ thống tổ chức xã hội. Lấy sức mạnh đạo đức, nhân cách liêm chính của cán bộ, đảng viên để thúc đẩy, giáo huấn đạo đức toàn xã hội. Trên cơ sở đó, nêu chủ trương: "muốn trị dân, trước hết phải trị quan, muốn trị quan nhỏ trước hết phải trị quan to, quan đứng đầu".
Để thực hiện đức trị, Trung Quốc tập trung xây dựng chuẩn mực đạo đức mới, cụ thể để chỉ đạo lời nói và hành động, coi trọng kinh nghiệm của các nước (chẳng hạn, Mỹ khi xây dựng "Luật Đạo đức chính quyền" (năm 1978), đã quy chuẩn đạo đức từ Tổng thống đến nhân viên cấp thấp nhất hoặc "Luật Đạo đức" của I-ta-li-a, quy định những chuẩn mực chỉ đạo mọi hành động của các công vụ viên). Các chế độ, cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành về chuẩn mực đạo đức cũng được sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới để phù hợp, đồng bộ điều chỉnh hành vi và đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Để thực hành pháp trị, Trung Quốc coi trọng kiện toàn hệ thống pháp quy nhằm hạn chế quyền lực cán bộ và cơ quan chấp pháp tương ứng.
Trên cơ sở yêu cầu và thực tiễn trong nước, họ tham khảo rộng rãi kinh nghiệm của nhiều nước đi trước như Nhật, Đức, Pháp, Áo, Thụy Sĩ với "Luật công vụ viên", của Anh, Ấn Độ với "Các quy định quan chức phải tuân theo"; của Hà Lan với "Luật Công vụ"; của Canada với "Điều lệ xung đột lợi ích"... Khi cho rằng, hiện tượng tham nhũng trong cán bộ lãnh đạo hoàn toàn có thể giải quyết bằng việc tăng cường quyền lực giám đốc, để trừng trị quan chức tham nhũng, Trung Quốc đã cho xây dựng thêm nhiều rào cản pháp luật và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đồng thời, kiện toàn cơ chế quyền lực giám đốc.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Đánh giá kết quả việc tự phê bình và phê bình, Trung Quốc đã nhận định: Chỉ qua tự phê bình và phê bình thì không tìm ra được tham nhũng, tình trạng phổ biến vẫn là, "anh không tố tôi, tôi không tố anh; anh tố tôi thì tôi tố anh. Rốt cuộc chẳng ai tố ai, và mọi chuyện như nước đổ lá khoai, làm cho qua chuyện".
Vì thế, để nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình, Trung Quốc đã tăng cường công tác giám sát cán bộ, đảng viên. Giám sát trong nội bộ Đảng, giám sát từ bên ngoài Đảng, bao gồm cả dư luận xã hội. Ngày 18/2/2004, Trung Quốc đã chính thức ban hành và thi hành thử "Điều lệ giám sát nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc", gồm 41 điều, 5 chương.
Cùng ngày, Trung Quốc còn công bố "Điều lệ xử lý kỷ luật Đảng Cộng sản Trung Quốc", gồm 3 phần, 15 chương, 178 điều. Theo đó, cán bộ tiến hành kê khai tài sản, quà cáp, con cái, người thân liên quan, chủ yếu là tự kê khai, tự đánh giá. Phương châm chung "Hai mươi bốn chữ" được quán triệt trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực: "Thống nhất tư tưởng, kiên định lòng tin, bình tĩnh đối phó, giành lợi tránh hại, chuyển biến tác phong, thực sự làm việc".
Việc đẩy mạnh chỉnh đốn tác phong Đảng chú trọng hơn vào tìm nguyên nhân và xử lý tận gốc các nguyên nhân tham nhũng, cải cách thể chế, xóa bỏ dần môi trường phát sinh tham nhũng. Thực hiện giám sát dân chủ, lấy phiếu tín nhiệm cán bộ khi bổ nhiệm. Tăng cường kiểm tra từ trên xuống do Ủy ban Kiểm tra các cấp của Đảng và của Nhà nước thực hiện. Riêng năm 2003, thành lập 11 đoàn kiểm tra của Đảng để kiểm tra các đầu tỉnh. Mỗi năm chọn 10 tỉnh để kiểm tra toàn diện. Việc kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới cũng được coi trọng, thông qua việc lập ra nhiều đoàn kiểm tra.
Từ tháng 10/1992 đến tháng 10/2002 (10 năm), Trung Quốc đã xử 1.590.000 vụ án; xử lý 176 thứ, bộ trưởng (trong đó có những tội tham nhũng). Đẩy mạnh việc chỉnh đốn tác phong Đảng. Từ 1997, đã xóa bỏ chế độ làm kinh tế trong quân đội, là một trong những khâu phát sinh tham nhũng; thực hiện cải cách hành chính, cải cách công tác cán bộ, thực hiện đấu thầu đất đai.
Kiên quyết nhưng bình tĩnh, chủ động
Mặc dù đã đạt được những bước tiến rõ rệt trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nhưng Đảng và Nhà nước Trung Quốc vẫn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm ở vị trí hàng đầu trong 6 vấn đề lớn của đất nước này. Trung Quốc tuyên bố: Tham nhũng là kẻ thù đối mặt trực tiếp của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, nó không thể hòa nhập vào tính chất và tôn chỉ của Đảng được. Chống tham nhũng, xây dựng tác phong liêm chính là bảo đảm quan trọng cho sự nghiệp vĩ đại xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Trong Hội nghị Ủy ban Kiểm tra, Kỷ luật Đảng của Trung Quốc mới họp vào đầu tháng 1-2004, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đã biểu lộ ý chí quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng đó qua lời tuyên bố: "Đảng không được mềm lòng trước những cán bộ tham nhũng".
Trung Quốc cho rằng, muốn chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả phải đồng thời coi trọng cả 4 mặt: giáo dục tư tưởng, đạo đức liêm chính; tăng cường giám sát cán bộ trên cơ sở qui phạm các hành vi của cán bộ lãnh đạo (quy định trách nhiệm và những điều không được làm); xử lý và trừng trị kịp thời, nghiêm minh các vi phạm; xây dựng và thực hiện các cơ chế và pháp chế.
Cuối tháng 12/2003, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã họp đánh giá lại tình hình tham nhũng trong cán bộ, đảng viên đã nhận định: việc kiểm soát quyền lực, đặc biệt là với các bí thư đảng và quan chức chính quyền tới nay vẫn còn yếu. Nhiều người trong số các quan chức bị kỷ luật đã không hề bị kiểm tra, thanh tra khi họ đương chức. Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào khẳng định, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ có bước đột phá mới mạnh mẽ hơn trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, trọng tâm hướng vào đội ngũ cán bộ cấp cao, cấp lãnh đạo, sẽ không có tình trạng "nhẹ trên, nặng dưới".
Trông người mà nghĩ đến ta
Qua thực tiễn chống tham nhũng ở Trung Quốc, đối với Việt Nam, chúng tôi nêu một số kiến nghị sau:
Một là, xây dựng chủ thuyết chống tham nhũng mang tính chiến lược. Nghiên cứu kinh nghiệm này của Trung Quốc, chủ thuyết chống tham nhũng của Việt Nam cần kết hợp biện chứng giữa xây và chống, lấy mục tiêu "xây dựng" làm nền móng, hướng đến pháp trị, trên nền tảng đức trị. Đức là bản chất truyền thống của dân tộc ta, phải lấy đạo đức truyền thống để định hướng đạo đức, lối sống và hành động cho hiện tại. Không ngừng hoàn thiện chủ thuyết; rà soát, đánh giá lại các chủ trương, cơ chế, biện pháp,... và cách tổ chức việc triển khai thực hiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua, tổng kết thành lý luận, từ đó bổ sung chủ thuyết. Phải thể hiện được thái độ kiên trì, xác định rõ tính chất gian khổ, lâu dài không có điểm dừng, trong mọi điều kiện không được phép chủ quan, lơi lỏng cảnh giác.
Cần xem xét tính hiệu quả để đổi mới việc thực hiện một số nguyên tắc đã có như: tự phê bình và phê bình, dựa vào nhân dân để ngăn chặn và kiềm chế tham nhũng, mối quan hệ giữa tập trung và dân chủ, giữa vai trò, trách nhiệm tập thể và cá nhân... chống tham nhũng, tiêu cực. Cũng cần xem xét, đánh giá đúng việc tổ chức thực hiện qui định về những điều đảng viên không được làm, tìm tòi những cách làm mới, giải pháp mới bổ sung để đem lại sức sống cho những biện pháp này.
Quan tâm đặc biệt đến đặc điểm truyền thống nhân văn, đạo lý nhân nghĩa, truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mà đặc trưng là một xã hội vốn căm ghét, không chấp nhận tham nhũng. Vì vậy, trong quá trình tiến đến pháp trị, cũng như Trung Quốc, chiến lược của chúng ta luôn phải dựa trên nền đức trị để thực hiện pháp trị. Đức trị là chiến lược lâu bền, thể hiện đặc biệt trong giáo dục, đào tạo, trong văn hóa, văn nghệ, trong việc tạo dựng một xã hội lành mạnh, không có chỗ dành cho tệ tham nhũng. Tất cả các lĩnh vực xã hội, nhân văn quyết định một xã hội liêm chính, nhất là có các lĩnh vực vừa nêu, cần được xem xét lại, có sự điều chỉnh một cách cơ bản, định hướng trở về nhân văn truyền thống.
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức mẫu mực, trước hết là người đứng đầu, nhất là người đứng đầu bộ máy của Đảng và Nhà nước các cấp cần phải là hiện thân cụ thể và thuyết phục của ý chí quyết tâm chống tham nhũng, dám xả thân vì sự nghiệp cao cả chống tham nhũng. Trước hết, người đứng đầu phải thực sự trong sáng, liêm chính, là tấm gương sáng về đạo đức lối sống, không chấp nhận tham nhũng. Sự trong sáng, liêm chính đó bắt đầu từ bản thân, tới tập thể những người thân xung quanh, gần nhất: vợ, chồng, con, bố, mẹ, anh, chị, em, tạo thành tấm gương tập thể, chiếu vào cộng đồng xung quanh, tạo những vùng sáng liêm chính liên tục trong toàn xã hội. Chấn chỉnh một cách căn bản công tác cán bộ: từ đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đến kiên trì xây dựng các thế hệ công dân của xã hội mình vì mọi người, mọi người vì mình. Xử lý nghiêm, dứt điểm những vi phạm, dù vi phạm đó là của ai, ở bất kỳ cương vị nào.
Ba là, đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, thanh tra, đưa việc kiểm tra, thanh tra thành một nếp sống xã hội. Ngoài việc tăng cường vai trò, hiệu lực cho các tổ chức kiểm tra, thanh tra truyền thống, cần thực hiện các hình thức kiểm tra, giám sát, thanh tra nhân dân, coi việc dựa vào nhân dân để chống tham nhũng, tiêu cực là giải pháp đột phá, là động lực góp phần khắc phục những trì trệ trong tự phê bình và phê bình. Mạnh dạn thí điểm và nhân rộng các hình thức động viên nhân dân tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý mọi thông tin của nhân dân cung cấp; nâng cao trình độ hiểu biết, ý thức trách nhiệm và tinh thần tự giác của nhân dân đối với sự nghiệp lành mạnh hóa, trong sạch hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên và trong sạch xã hội. Có những quy định, cơ chế bảo vệ nhân dân trong cuộc đấu tranh này. Tổ chức tốt việc thanh tra nhân dân, việc giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên.
Bốn là, tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn, cụ thể hơn, cập nhật hơn các kinh nghiệm của Trung Quốc trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng để vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tăng cường mối quan hệ phối hợp, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với một số nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... nghiên cứu từng bước làm trong sạch các lĩnh vực cụ thể, nhất là các lĩnh vực mà chúng ta đang có nhiều bức xúc, như trong quản lý và sử dụng đất đai, trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng ngân sách công, quản lý và đổi mới các doanh nghiệp nhà nước.
-
Nguyễn Văn Thuỵ
Vụ trưởng, Bộ phận thường trực Trung ương 6 (2)
(Theo Tạp chí Cộng sản, số 61)