(VietNamNet) - Theo khẳng định của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) Phạm Thế Duyệt tại lễ phát động tháng cao điểm "Vì người nghèo" sáng 15/10, nếu chúng ta cùng quyết tâm, đồng lòng, chỉ trong vòng hai năm tới sẽ xoá xong nhà tranh tre dột nát cho người nghèo trong cả nước.
Chủ tịch Phạm Thế Duyệt và các thành viên trong Ban Vận động "Ngày vì người nghèo" tại Hội nghị sơ kết tháng vận động cao điểm "Vì người nghèo" năm 2003. |
Báo cáo của các tỉnh, thành phố trong cả nước cho biết: Đến nay, trên 3.000 xã, phường, 200 quận, huyện; thị xã và hai tỉnh (Hà Tĩnh và Tuyên Quang) đã hoàn thành việc xây dựng "Nhà Đại đoàn kết", xoá xong nhà dột nát cho người nghèo. Tuy vậy, trong số đó chỉ có chín huyện; quận; thị xã và 325 xã; phường; thị trấn của 21 tỉnh; thành được nhận Bằng ghi công của Uỷ ban MTTQVN nhờ có thành tích rõ ràng, cụ thể trong việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng "Nhà Đại đoàn kết", xoá xong nhà dột nát cho người nghèo.
Tại Lễ phát động sáng 15/10, cả nước có thêm 48 xã; phường; thị trấn của chín tỉnh; thành phố vinh dự được nhận Bằng ghi công nói trên. Trước đó, trong dịp Quốc khánh 2/9 và Đại hội MTTQVN lần V, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN đã quyết định trao bằng ghi công đợt I cho 227 xã; phường; thị trấn và 9 huyện; quận; thị xã của 12 tỉnh; thành.
Nói thêm về tiêu chí để được nhận bằng ghi công vừa qua, Chủ tịch MTTQVN Phạm Thế Duyệt lý giải: Bằng ghi công hoàn thành việc xây dựng "Nhà Đại đoàn kết" hay xoá xong nhà tranh tre dột nát cho người nghèo chỉ được trao cho những đơn vị thực hiện đúng như cam kết, đồng thời thành tích trên phải có xác nhận, cam kết bởi chính quyền cấp tỉnh của các địa phương, thành phố đó. Đây vừa là chủ trương, vừa thể hiện quyết tâm của Ban Vận động "Ngày vì người nghèo": Không để làm láo, báo hay.
Cũng tại Lễ phát động, Chủ tịch Phạm Thế Duyệt kêu gọi tất cả các công dân Việt Nam, những người đã ổn định cuộc sống và có thu nhập cao trong xã hội hãy tích cực ủng hộ để hơn 70 vạn ngôi nhà tranh tre dột nát còn lại trong cả nước sớm được thay thế bằng nhà kiên cố, vững chắc.
Chủ tịch Phạm Thế Duyệt nói: "Chúng ta chỉ cần mỗi người góp một tay, ủng hộ dăm ba triệu thì không lý gì lại không xoá xong nhà tranh tre dột nát cho người nghèo trong vòng một-hai năm tới".
Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Chủ tịch Phạm Thế Duyệt và ông Huỳnh Đảm - Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQVN đã nêu gương tại Lễ phát động tháng cao điểm "Vì người nghèo" bằng việc đăng ký ủng hộ 10 triệu đồng/người. Các thành viên khác trong Ban thường trực Mặt trận và lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam cũng ủng hộ từ 5-7 triệu đồng/người.
Ngay sau Lễ phát động tháng cao điểm "Vì người nghèo" (17/10 - 18/11), VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Phạm Thế Duyệt về những vấn đề liên quan đến phân bổ Quỹ "Vì người nghèo" cho các địa phương trong cả nước cũng như làm thế nào để chỉ trong vòng một-hai năm tới sẽ đạt được mục tiêu xoá xong hoàn toàn 70 vạn nhà tạm, nhà tranh tre dột nát....
* Thưa Chủ tịch, kết quả thu được từ cuộc vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" trong bốn năm qua đã giúp cho hơn 216.000 căn nhà cho người nghèo được xây mới và sửa chữa. Ban vận động "Ngày vì người nghèo" dựa trên tiêu chí gì để phân bổ số tiền ủng hộ, và cách thức phân bổ cho các địa phương lâu nay được thực hiện ra sao?
- Chủ tịch Phạm Thế Duyệt: Điều quan trọng là nguồn thu được bao nhiêu thì mới có thể phân bổ được. Vừa rồi, riêng quỹ Trung ương đã phân bổ đến đợt thứ 16 với số tiền ủng hộ khoảng 50 tỷ đồng. Quan điểm phân bổ nguồn quỹ của chúng tôi là những tỉnh nghèo phải được nhiều, những tỉnh đỡ nghèo thì ít hơn còn những tỉnh ít nghèo thì phân bổ có tính chất động viên thôi. Ví dụ như Lai Châu, Cao Bằng đều trên một tỷ đồng nhưng các tỉnh khác thì khoảng năm, sáu trăm triệu đồng. Còn các thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... thì một-hai trăm triệu, để có tính chất động viên. Thế có nghĩa là tuỳ tình hình thực tế, người nghèo các nơi đều được phân bổ hỗ trợ từ Quỹ này chứ không phải phân theo kiểu bình quân.
Chúng tôi không định ra bao lâu thì phân bổ nguồn Quỹ một lần mà cứ có tiền là phân ngay. Thậm chí, hiện giờ còn khoảng một tỷ ở trong Quỹ cộng với nay mai thu được gần mười tỷ do các doanh nhân ủng hộ trong ngày 13/10 vừa qua thì phân ngay luôn. Cứ được dăm bảy tỷ hay một hai tỷ cũng phân.
Về cách thức phân bổ, cả Ban vận động "Ngày vì người nghèo" cùng họp, giao cho các bộ phận chuẩn bị cho sát đúng. Trong Ban vận động có cả Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Uỷ ban dân tộc, các đoàn thể và cả các đồng chí thường trực Mặt trận. Về việc này, chúng tôi không dám nói chủ quan đâu, mà phải cố gắng làm cho đúng đắn, cho tốt để đạt được mục tiêu đề ra.
* Thưa Chủ tịch, cũng có trường hợp một số nơi "làm láo nhưng báo cáo hay", nghĩa là không thực chất hoặc gian lận, như trường hợp ở Nghệ An vừa bị báo chí nêu cách đây không lâu. Những trường hợp đó sẽ xử lý như thế nào?
- Trường hợp như ở huyện nào đó của Nghệ An, lấy nhà người khác mà bảo là nhà xây cho người nghèo như báo chí đã nêu, tôi khẳng định là không phải chuyện tham ô, bỏ túi mà là biểu hiện rõ nhất của căn bệnh thành tích. Chúng tôi đã có công văn ngay lập tức đề nghị với Tỉnh Uỷ, đề nghị với các cấp Mặt trận ở bên dưới xem xét mức độ và xử lý ngay. Sau vụ đó, tôi được biết là những người có liên quan đến việc báo cáo láo đó bị kỷ luật hết, thậm chí có người còn bị khai trừ ra khỏi Đảng.
* Hiện tại vẫn còn khoảng 70 vạn ngôi nhà dột nát, nhà tạm của dân cần được xây mới, sửa chữa. Nếu có sự ủng hộ tích cực từ phía các doanh nghiệp, những người hảo tâm thì liệu trong bao lâu, chúng ta sẽ xoá xong nhà tranh tre, dột nát cho người nghèo?
- Thì nhờ các đồng chí tính hộ. Trong số tất cả các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, cứ cho khoảng tám vạn doanh nghiệp khá giả, chỉ cần mỗi đơn vị ủng hộ ba căn nhà cho người nghèo, chúng ta đã xoá được 24 vạn nhà tranh tre, dột nát.
Trong tổng số 1,4 triệu CNVC và những người đứng đầu doanh nghiệp hiện có, cứ gọi là khoảng 1,2 triệu còn khó khăn, thì chí ít cũng còn khoảng 20 vạn đã được cải thiện cuộc sống, kể cả tôi. Họ có dám bỏ ra dăm triệu, mươi triệu để ủng hộ người nghèo không? Tất nhiên là phải chắt bóp chi tiêu để ủng hộ nhưng sự chắt bóp ấy không hề ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu của từng gia đình. Vậy thì với 20 vạn người khá giả kia, chỉ cần mỗi người ủng hộ khoảng 7 triệu đồng là đã có thêm 14 vạn ngôi nhà nữa cho người nghèo. 14 vạn cộng với 24 vạn thì chỉ trong vòng hai năm, chúng ta chắc chắn xoá xong nhà tranh tre, dột nát cho người nghèo. Vấn đề là có mọi người có dám làm không hay là sợ ủng hộ một vài triệu bị người ta thắc mắc là tham ô, nghi ngờ là tiền tham nhũng...?
Tôi nghĩ việc ủng hộ này phải thực chất. Ngay cả các nhà báo, những ai thu nhập khá, từ dăm bảy triệu trở lên mỗi tháng cũng nên ủng hộ. Nếu ai cũng quyết tâm như vậy thì tôi tin là sức mạnh Điện Biên phủ và tinh thần Cách mạng Tháng 8 trong công cuộc xoá đói giảm nghèo sẽ phát huy tác dụng một cách tối đa nhất.
* Theo Chủ tịch, cần phải làm thế nào để kêu gọi được tinh thần ủng hộ đều khắp của mọi người dân đóng góp cho Quỹ "Vì người nghèo"?
- Cuộc vận động này, tôi nghĩ, có đạo lý đầy đủ rồi. Nó có cơ sở đầy đủ rồi, có kết quả rồi. Làm sao cho người ta hiểu rằng cuộc vận động này chỉ có ý nghĩa tốt đẹp và cũng phải làm cho người ta tin rằng việc ủng hộ này không hề vào túi ai. Thí dụ như trong thời gian này, cả nước ủng hộ cho Trung ương được 50 tỷ đồng, mà Thủ tướng Chính phủ quy định chỉ chi 5% cho việc tuyên truyền, huấn luyện các thứ... nhưng đến giờ phút này tôi khẳng định là mới chi 2,09% thôi. Làm như vậy thì dân tin, người ta sẽ không phải ngần ngại khi bỏ tiền ra ủng hộ người nghèo nữa.
Nhưng cái ý thứ hai, quan trọng hơn, là rất mong các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đều gương mẫu, có hành động ủng hộ rõ ràng theo tinh thần "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Nếu làm được vậy, tôi tin chắc sẽ có kết quả lớn lắm không thể hình dung nổi. Ý tôi là vậy nhưng thành công hay không còn phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo. Tôi tin và nhận thấy các cấp uỷ đang ra quân rất tích cực.
* Ngoài chủ trương xoá nhà tạm, nhà tranh tre dột nát cho người nghèo, Quỹ "Vì người nghèo" có chiếu cố hơn các trường hợp nghèo lại mang bệnh "nan y", không có tiền chữa chạy?
- Những việc đó chúng tôi cũng đã làm, nhưng ít thôi vì cái Quỹ này tập trung cho việc làm nhà. Nhưng không hẳn như thế. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, thiệt hại nặng nề do thiên tai, lũ lụt, mất hết nhà cửa, ruộng vườn thì cũng phải lấy Quỹ "Vì người nghèo" để làm lại nhà cho họ, Mặt trận có sá gì đâu. Chúng tôi cũng đã phân cho Quỹ ủng hộ chất độc da cam hàng trăm triệu, trẻ em tàn tật mồ côi cũng vậy.
Thế nhưng, làm việc gì cũng phải có trọng tâm, trọng điểm chứ việc gì mình cũng tản mạn ra thì sẽ bị phân tán lực lượng. Bởi vì thực tế, vẫn còn nhiều tổ chức, đoàn thể, nhiều Quỹ khác có thể lo được những vấn đề mà các đồng chí vừa đề cập.
-
Nguyệt Minh (thực hiện)