(VietNamNet) - Với hai dự án đang triển khai tại Hà Nội, Ấn Độ hy vọng sẽ giúp VN phát triển hơn nữa về CNTT, không loại trừ một Bangalore VN. Ngoại trưởng Ấn Độ Natwar Singh khẳng định.
Ngoại trưởng Ấn Độ Natwar Singh |
Ngay trước giờ ra sân bay lên đường tới Bangkok, kết thúc chuyến thăm và làm việc 4 ngày tại VN, Ngoại trưởng Singh đã dành cho VietNamNet một cuộc phỏng vấn.
Xây dựng một Bangalore VN, tại sao không?
- Thưa Ngoại trưởng, trong bài phát biểu của ngài hôm qua tại Học viện QHQT, ngài có nói tới hợp tác công nghệ như một điểm sáng trong quan hệ hai nước. Vậy Ấn Độ đã và sẽ có những dự án hỗ trợ nào dành cho VN trong việc phát triển lĩnh vực này?
- Tôi có thể tự hào mà nói rằng, khoa học công nghệ là một thế mạnh và là lĩnh vực hợp tác lâu đời nhất giữa Việt Nam và Ấn Độ. Hai nước đã có những hiệp định cấp chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực này. Ngoài việc cấp học bổng cho sinh viên VN sang Ấn Độ, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với VN thành lập một chuỗi các phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học trong rất nhiều lĩnh vực.
Chẳng hạn như Công nghệ Thông tin, hiện có 35 cơ sở đào tạo công nghệ thông tin do các DN Ấn Độ và Việt Nam lập ra. (Điển hình là trung tâm FPT APTECH liên doanh giữa FPT của VN và APTECH của Ấn Độ nhằm đào tạo các chuyên gia CNTT cho VN tại Ấn Độ - NV).
Trong cuộc gặp vừa rồi với Thủ tướng Phan Văn Khải và cuộc họp của Uỷ ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ, tôi cũng đề nghị Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ việc thành lập một viện đào tạo và nghiên cứu đa ngành tại VN. Ngoài các lĩnh vực như cơ khí, công nghệ thông tin và quản lý, các môn chuyên ngành khác ứng dụng ngay các thành tựu của kỷ nguyên hiện đại cũng có thể được giảng dạy tại đây. Tôi tin rằng một trung tâm đào tạo như vậy sẽ đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế tại đất nước các bạn.
- Nói về CNTT, người Ấn Độ đã làm cả thế giới sửng sốt về trình độ CNTT của mình, với một Bangalore được ví như Thung lũng Silicon của Mỹ. Từ kinh nghiệm của Ấn Độ, ngài có nghĩ rằng Việt Nam có khả năng vươn tới đẳng cấp như Ấn Độ hay không?
- Tôi nghĩ các bạn đang phát triển rất mạnh về CNTT, đặc biệt là về phát triển phần mềm. Hai nước chúng ta có thể phát huy và tận dụng những thế mạnh của nhau trong lĩnh vực này. Hiện Ấn Độ rất nổi tiếng về CNTT, nhưng chúng tôi không muốn dừng lại tại đó, mà muốn vươn tới đột phá về công nghệ ổ cứng tương tự như Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo tôi Ấn Độ và Việt Nam nên cùng hướng tới tương lai đó
Chìa khoá của Ấn Độ là phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và cung cấp một đội ngũ đông đảo các kỹ sư CNTT trình độ cao. Và tôi thấy rằng, tại VN hiện nay, tiếng Anh đang ngày càng được sử dụng rộng rãi, trình độ của thế hệ trẻ về khoa học và công nghệ ngày càng tiên tiến.
- Liệu VN có thể hy vọng với sự giúp đỡ của ÂĐ sẽ xây dựng được một thung lũng silicon như tại Bangalore không, thưa Ngoại trưởng?
- Tại sao lại không? Tôi đã đề cập về điều này trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên. Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ đang triển khai 2 dự án về CNTT tại Việt Nam, gồm Trung tâm Nguồn lực cao Việt Nam - Ấn Độ với sự giúp đỡ của UBND TP Hà Nội. Và dự án thứ hai, cũng là dự án lớn nhất: Trung tâm Phát triển nguồn lực con người Việt - Ấn về lĩnh vực CNTT với sự tham gia của 6 trường đại học trên khắp Việt Nam. Trong dự án này, chúng tôi mời các giảng viên tới Ấn Độ để tham gia các khoá đào tạo về CNTT. Khi trở lại Việt Nam, họ đã là những người hết sức thuần thục, nắm bắt được các công nghệ hiện đại của Ấn Độ để truyền lại cho các sinh viên.
Việt - Ấn có thể đạt kim ngạch thương mại 5 tỷ USD?
- Theo ngài, con số 500 triệu USD trao đổi thương mại giữa hai nước trong năm vừa qua đã phản ánh đúng mối quan hệ và tiềm năng của hai nước?
- Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phan Văn Khải, chúng tôi đã đi tới thống nhất rằng, quan hệ chính trị giữa hai nước rất tuyệt vời. Tuy nhiên, hai nước cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác, nhất là kinh tế để tương xứng với tầm mức của mối quan hệ chính trị tốt đẹp đó. Chúng ta không thể hài lòng với con số 500 triệu USD trao đổi thương mại hàng năm với một thị trường 80 triệu dân ở Việt Nam và 1 tỷ dân ở Ấn Độ.
Hiện nay, thương mại giữa VN và Trung Quốc là khoảng 5 tỉ USD, và tôi nghĩ rằng chúng ta nên nghĩ tới một con số tương tự trong quan hệ hai nước.
- Nhưng từ 500 triệu USD lên 5 tỷ USD dường như sẽ rất khó khăn. Theo Ngoại trưởng, những biện pháp cụ thể nào sẽ được triển khai để đạt được mục tiêu đó?
- Tôi cho rằng việc nâng con số trao đổi thương mại hai nước lên hàng tỉ USD không phải là điều xa vời. Tuy VN là một nước đang phát triển, nhưng các bạn đã đạt được một chỉ số tăng trưởng tuyệt vời là hơn 7%. Và cứ nhìn vào con số tăng trưởng 30% kim ngạch thương mại hai chiều mỗi năm, chúng ta có cơ sở để tin tưởng.
Trong cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên, tôi đã đưa ra ý kiến là thành lập các phái đoàn thương mại, bao gồm các nhà doanh nghiệp, các đại diện công nghiệp tới VN để tìm hiểu thêm về thị trường và tiềm năng giữa hai nước.
Cuộc họp của Uỷ ban Hỗn hợp Việt - Ấn cũng đã thông qua một Chương trình Hành động giai đoạn 2004 -2006 nhằm cụ thể hoá các mục tiêu đề ra trong Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hợp tác toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trong thế kỷ 21. Trong đó có các biện pháp tăng cường trao đổi thương mại như tổ chức các hội chợ thương mại ở mỗi nước, trao đổi các phái đoàn DN và giải quyết vấn đề mất cân đối trong thương mại song phương thông qua đa dạng hoá các mặt hàng buôn bán.
Du lịch cũng là một lĩnh vực đầy tiềm năng trong quan hệ hai nước. Các bạn biết đấy, hàng năm có tới 8 triệu người Ấn đi du lịch nước ngoài, nhưng số du khách Ấn Độ tới VN mới dừng ở con số hơn 6 nghìn người. Hiện Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch VN đang ở thăm Ấn Độ để tìm biện pháp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này. Và Chính phủ Ấn Độ cũng vừa thông qua đề xuất lập các đường bay thẳng tới VN.
(Theo Đại sứ VN tại Ấn Độ Trần Trọng Khánh, VN đã xác định Ấn Độ như một trọng điểm để xúc tiến du lịch. Trong thời gian tới có thể có 20 chuyến bay mỗi tháng từ VN đến Ấn Độ và ngược lại - NV)
- Xin cảm ơn Ngoại trưởng!
- Việt Lâm (thực hiện)