(VietNamNet) - ''Muốn bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả cần đưa tinh thần ''khoán 10'' trong nông nghiệp vào việc trồng và bảo vệ rừng''.
ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đăk Nông) đã tâm huyết nói như vậy tại buổi góp ý cho dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) của Quốc hội chiều 28/10.
Theo ông Nguyễn Lân Dũng, điều này có nghĩa các cơ quan quản lý cần chủ động giao rừng cho các đối tượng đủ điều kiện, gắn quyền lợi và trách nhiệm của họ với mảnh rừng được giao.
''Chuyển mục đích sử dụng đất rừng không thấy nói rõ trong khi điều này rất quan trọng'', Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân (ĐB An Giang) lên tiếng. Ông dẫn chứng chuyện ''bức tử'' rừng U Minh Hạ mới đây. ''Cần có chế định nguyên tắc chuyển đổi, quy định rõ ai có thẩm quyền chuyển đổi đất rừng'', ông Trân đề nghị.
Xuất phát từ mối quan hệ gắn bó ''đất và rừng'', theo ông Trân, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (quản lý đất rừng) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (lập quy hoạch, kế hoạch phát triển rừng). Ông phản ánh Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện còn thiếu nhiều dữ liệu, chưa có bản đồ về đất rừng.
Có lẽ xuất phát từ vụ đóng cửa rừng ở Tuyên Quang gần đây, ĐB Mai Quốc Bình (TP.HCM) đề nghị bổ sung vào dự luật cấm hành vi cản trở quyền khai thác hợp pháp của chủ rừng. Về việc cho thuê rừng, theo ông, cần quy định người thuê rừng cũng phải đáp ứng các điều kiện như đối với người được giao rừng.
- Văn Tiến