QH trong tuần đầu: Báo cáo KT-XH của Thủ tướng gây nóng
17:38' 30/10/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, lãng phí... là những chủ đề nóng trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XI. Tuần thứ 2 , Quốc hội sẽ dành thời gian 2 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách, dành 1 ngày thảo luận về báo cáo công tác của các ngành toà án, kiểm sát; báo cáo về thi hành án.

Soạn: AM 183535 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Thủ tướng Phan Văn Khải.

Thứ hai (ngày 25/10), kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XI đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Tại phiên khai mạc, phần trình bày của Thủ tướng với tiêu đề ''Mấy vấn đề lớn về kinh tế - xã hội'' đã thực sự là những vấn đề lớn đặt lên bàn Quốc hội.

Chính phủ dự báo kinh tế cả năm 2004 tăng trưởng 7,6%, đạt ở mức thấp so với mục tiêu 7,5-8%. Giá cả biến động đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng 10 tháng lên 8,6%, gần gấp đôi mức khống chế của Quốc hội (5%). Bên cạnh đó, kinh tế - xã hội còn nhiều vấn đề: thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, chi tiêu ngân sách ngày càng bức xúc, cổ phần hoá, cải cách hành chính chậm...

Điều băn khoăn lớn nhất của Thủ tướng chính là sự hư hỏng của bộ máy hành chính, tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc đối với cử tri. Với thái độ kiên quyết, Thủ tướng đưa ra đề nghị thành lập một cơ quan chỉ đạo phòng chống tham nhũng, để Quốc hội bàn bạc. Ngay lập tức, chống tham nhũng trở thành chủ đề nóng của kỳ họp.

Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, đã trình bày báo cáo về ngân sách. Tổng thể thu, chi ngân sách đều đạt chỉ tiêu nhưng cũng chưa bền vững, thể hiện qua số thu từ dầu thô, đất đai còn lớn.

Trong ngày khai mạc, ba uỷ ban của Quốc hội đã lần lượt thuyết trình về vấn đề cử tuyển; ứng dụng và phát triển công nghệ cao và vấn đề bảo hiểm bắt buộc.

Sáng 26/10, Phó Chủ tịch Đoàn chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm đã trình bày trước Quốc hội báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri. Trong báo cáo này, cử tri đề đạt Quốc hội nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, giải quyết những bất cập trong đền bù giải phóng mặt bằng, vấn đề giá cả tăng và tăng lương, cải thiện chất lượng giáo dục...

Sau đó, lần lượt lãnh đạo Toà án, Viện kiểm sát trình bày báo cáo về công tác của ngành, riêng Bộ Tư pháp trình bày báo cáo về công tác thi hành án. Điểm nổi bật trong các báo cáo này là cảnh báo tội phạm kinh tế và tội phạm chức vụ gia tăng. Đồng thời, chất lượng truy tố, xét xử vẫn còn nhiều hạn chế thể hiện qua số bản án, quyết định phải sửa hoặc huỷ còn cao...

Quốc hội đã dành thời gian trọn 1 ngày để thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội và ngân sách. Các đại biểu vui mừng lần này Thủ tướng đưa ra những vấn đề gai góc nhưng với tinh thần kiên quyết, đột phá. Tuy nhiên, các đại biểu cũng phản ánh thực tế có quá nhiều vấn đề bức xúc ''biết rồi, khổ lắm, nói mãi'' nhưng vẫn không có mấy biến chuyển như thất thoát, lãng phí ngân sách, quan liêu, tham nhũng.

Chuyển sang chương trình xây dựng pháp luật, chiều 27/10, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Điện lực. Mối quan tâm của đại biểu cũng như cử tri là đến bao giờ có thị trường điện cạnh tranh, người dùng điện được lựa chọn người bán điện. Theo Bộ trưởng Hoàng Trung Hải, cần đến 30 năm để xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Sau đó, Quốc hội chuyển sang thảo luận về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).

Ngày 29/10, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật ban hành văn bản pháp luật của HĐND và UBND. Có ý kiến của đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của người ban hành văn bản sai, nếu gây hậu quả phải bồi thường.

Quốc hội vẫn làm việc cả ngày thứ 7, mặc dù cán bộ, công chức theo chế độ được nghỉ ngày này. Buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Luật Xuất bản (sửa đổi). Đa số đều nhất trí cho tư nhân được tham gia vào khâu tổ chức bản thảo trong quá trình xuất bản. Buổi chiều, Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh, sau đó thảo luận về dự luật này.

Tuần làm việc thứ 2 của kỳ họp, Quốc hội sẽ dành thời gian 2 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách, dành 1 ngày thảo luận về báo cáo công tác của các ngành toà án, kiểm sát; báo cáo về thi hành án. Đặc biệt, một vấn đề dư luận rất quan tâm là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đào Đình Bình sẽ trình bày trước Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án tổng thể đường Hồ Chí Minh. Phần thẩm tra báo cáo này do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường Hồ Đức Việt trình bày.

Về xây dựng luật, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh, Luật An ninh quốc gia; cho ý kiến về Luật Thương mại (sửa đổi); nghe tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005.

  • Văn Tiến
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thành lập Ban tổ chức kỷ niệm 60 năm QĐNDVN (30/10/2004)
NXB nước ngoài được xúc tiến giao dịch bản quyền! (29/10/2004)
Văn bản của HĐND phải qua " sơ sơ "... 7 ''cửa''! (29/10/2004)
"Không nên coi cơ quan chống tham nhũng như bùa phép" (28/10/2004)
Khiếu nại hợp đồng điện: Không nên giải quyết bằng hành chính (27/10/2004)
"Quan liêu ôm đồm nguy hiểm hơn quan liêu hách dịch" (27/10/2004)
Chống tham nhũng nóng bỏng tại Quốc hội (27/10/2004)
Có thể thuê chuyên gia quốc tế làm quy hoạch (27/10/2004)
"Chúng ta có dám mổ xẻ không?" (26/10/2004)
Ngành toà án, VKS chưa quan tâm đến yêu cầu chất vấn (26/10/2004)
Sẽ kiểm tra việc sử dụng đất đai KCN 4 địa phương (26/10/2004)
Sẽ hình thành cơ quan chỉ đạo chống tham nhũng (25/10/2004)
"Lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng phải đủ trí, dũng" (25/10/2004)
Hình ảnh khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XI (25/10/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang