VN không phải "nước cần quan tâm đặc biệt" về tôn giáo
12:01' 04/11/2004 (GMT+7)

Bàn tròn trực tuyến cùng các ông Lương Phan Cừ, Phó CN UB các vấn đề xã hội của QH, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầy kịch tính vừa kết thúc. Nửa đêm 3/11 (giờ VN), Ứng viên đảng  chủ J.Kerry đã gọi điện thừa nhận thất bại của mình và chúc mừng đối thủ G. Bush giành chiến thắng. "Xin chúc mừng ông, ngài tổng thống", vị TNS nói. Còn ông Bush đã gọi Kerry là một đối thủ xứng tầm và đáng trân trọng. Nhớ lại  sự quyết liệt đến cùng trong cuộc đấu giữa hai ứng viên này cách đây vài ngày mới thấy khâm phục thái độ của người thắng kẻ thua. Biết tôn trọng chiến thắng của đối thủ, "tiêu hoá" sự cay đắng thất bại của mình, đó cũng là một điều mà các nhà lãnh đạo Mỹ làm cho thế giới kính nể. Giữa người Mỹ với nhau thì như vậy. Tuy nhiên, với  những các quốc gia khác, do thiếu thông tin, hoặc do thông tin sai lệch nên có khi các nhà lãnh đạo Mỹ tỏ thái độ hình như không được "hào hiệp" như vậy.

Ngày 15/9/2004, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố danh sách "các nước cần quan tâm đặc biệt" (Countries of Particular Concern, hay gọi tắt là CPC), bao gồm các quốc gia mà theo luật của Mỹ, có liên quan tới các hành động vi phạm tự do tôn giáo một cách "nghiêm trọng". Năm ngoái trong danh sách này có các nước Myanmar, Trung Quốc, Iran, CHDCND Triều Tiên và Sudan. Năm nay, ngoài Việt Nam, hai nước khác là A rập Xêút và Eritrea cũng bị xếp vào hàng các nước CPC.

Trả lời phỏng vấn sau khi công bố danh sách, ông  Hanford - Đại sứ lưu động phụ trách về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích: "Việt Nam là một nước mà chúng tôi đã có những cuộc trao đổi trong thời gian dài. Tôi đã đến đó hai lần, các nhân viên dưới quyền của tôi còn đến đó nhiều hơn tôi. Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để tránh việc đưa (Việt Nam ) vào danh sách. Mục tiêu của chúng tôi không phải chỉ là kéo dài bản danh sách CPC mà là thúc đẩy tự do tôn giáo". Ông Hanford thừa nhận: "Chúng tôi ghi nhận một số bước đi tích cực mà Việt Nam đã làm được."

Tuy nhiên ông này lại đưa ra những lý do rất mơ hồ, không có cơ sở để đưa Việt Nam vào danh sách CPC: " Điều làm cho chúng tôi cảm thấy Việt Nam đáng bị đưa vào danh sách bao gồm việc có một số tín đồ các tôn giáo khác nhau: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, Hoà hảo, Cao đài bị bỏ tù. Hiện chúng tôi biết có 45 trường hợp như vậy. Có hàng trăm nhà thờ, nhà nguyện bị đóng cửa và trong đại đa số các trường hợp chính quyền đã từ chối cho mở cửa trở lại... Còn có cả những báo cáo về việc những tín đồ bị đánh đập thường xuyên, thậm chí bị hãm hiếp, bị sát hại".

Câu trả lời của vị quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy  thái độ  thiếu khách quan, áp đặt trong về việc đánh giá tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam. Trong trường hợp này, chỉ có thể nói rằng, những người có trách nhiệm của một nền dân chủ tự coi là lớn nhất thế giới lại hành xử một cách không dân chủ chút nào: chỉ vì những điều cảm thấy mà họ đã quy kết rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo.

Vậy thực tế thế nào? Những năm gần đây, người dân Việt Nam và những người nước ngoài có dịp đến Việt Nam đều nhận thấy rằng, sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo thật sôi động. Nhiều cơ sở thờ tự như nhà thờ, chùa chiền, nhà nguyện, thánh đường hoành tráng, khang trang mọc lên khắp nơi. Các lễ hội tôn giáo được tổ chức long trọng thu hút sự tham gia của rất nhiều người. Các trường đào tạo chức sắc tôn giáo được mở rộng hoặc xây mới, kinh sách được xuất bản rộng rãi...Tôn giáo Việt Nam đang đồng hành với sự nghiệp đổi mới của toàn dân. Đổi mới thắng lợi, quyền tự do tôn giáo ngày càng được mở rộng. Tự do tôn giáo được phát huy, càng góp phần để công cuộc đổi mới thành công. Tất nhiên còn rất nhiều việc phải làm để cho sự tự do ấy ngày càng hoàn thiện hơn, nhưng tuyệt đối không thể nói, ở Việt Nam tôn giáo bị đàn áp, chèn ép.

Chính vì vậy, người dân Việt Nam, kể cả tín đồ các tôn giáo và người không có tôn giáo đều cảm thấy bất bình và tỏ thái độ phản đối trước việc làm thiếu thiện chí của phía Hoa Kỳ trong vấn đề này. Để làm rõ hơn quan điểm và chính sách của Nhà nước Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tìm hiểu thực tiễn hoạt động tôn giáo ở Việt Nam, VietNamNet xin mời bạn đọc tham gia Bàn tròn trực tuyến về chủ đề này cùng với các ông Lương Phan Cừ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng ban, Ban Tôn giáo Chính phủ. Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập báo VietNamNet dẫn chương trình.

Mời quý vị theo dõi nội dung cuộc Bàn tròn

Tổng biên tập Báo điện tử VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn:

Kính thưa quý vị và các bạn,

 
 

Hôm qua chúng ta đã có một ngày hồi hộp  theo dõi về kết quả bầu cử Tổng thống ở nước Mỹ, và hôm nay, trước khi nói về vấn đề tôn giáo, chúng ta chúc mừng Tổng thống Bush tái đắc cử và sẽ lãnh đạo nước Mỹ thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa. Trong lịch sử nước Mỹ cũng ít khi có trường hợp một Đảng có thể nắm trọn vẹn cả cơ quan lập pháp (Quốc hội), cả bên hành pháp.

Tôi xin nhắc lại, VietNamNet, đã mạnh dạn đưa ra đánh giá tình hình cuộc bầu cử kịch tính này. Theo dõi kết quả kiểm phiếu ở bang Ohio trong ngày bầu cử hôm qua, khi thấy phần thắng có khả năng nghiêng về Tổng thống Bush (Tổng thống Bush chiếm 51% số phiếu và Thượng nghị sỹ John Kerry đạt 49% số phiếu kiểm, trong khi chỉ còn khoảng 4% phiếu của bang Ohio chưa được kiểm), chúng tôi đã nhận định một cách chắc chắn là Tổng thống Bush sẽ chiến thắng. Nhiều bạn đọc ngày hôm qua cũng đã  gửi mail về hỏi, tại sao trong thời điểm đó VietNamNet đã khẳng định kết quả như vậy liệu có sớm quá hay không. Chúng tôi tin vào dự báo của mình trên cơ sở phép toán: với 4% số phiếu còn lại, khó có thể để TNS John Kerry lật ngược lại số phiếu của mình để thắng TT Bush. Chúng tôi cho nhận định đó là chính xác.

Chúc mừng Tổng thống Mỹ Bush chính thức bước vào một nhiệm kỳ mới chuẩn bị vào tháng 1 tới, hôm nay, chúng ta ngồi đây để bàn về vấn đề ứng xử giữa hai nước liên quan đến vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Ngày 15/9 vừa qua, chính ông Hanford - Đại sứ lưu động phụ trách về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo với báo giới: Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách CPC (các nước cần quan tâm đặc biệt về vấn đề tôn giáo). Chúng tôi đánh giá rằng, chính là do những thông tin lệch lạc, không đúng đắn, không đầy đủ hoặc chưa toàn diện mà báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thực sự chưa phản ánh chính xác về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam.

Báo VietNamNet muốn chúng ta cùng nhau thảo luận về vấn đề này, vấn đề rất nhạy cảm trong quan hệ hai nước. Hôm nay khách mời của chúng tôi gồm có ông Lương Phan Cừ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ.

Trước hết, chúng tôi xin hỏi hai ông là, chính sách, đường lối tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta từ trước tới nay như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ:

Ông Nguyễn Thanh Xuân.

Từ rất sớm chúng ta đã chú ý đến chính sách tôn giáo. Có thể nói, nền móng cho chính sách đó là từ ngay sau khi Nhà nước VNDCCH ra đời. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ VNDCCH, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một tuyên bố quan trọng. Tại phiên họp này có 6 vấn đề lớn được Chính phủ bàn đến, trong đó có vấn đề tôn giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói : "Thực dân đế quốc tìm cách chia rẽ đồng bào Lương, đồng bào Giáo để cai trị, tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố Lương Giáo đoàn kết và tín ngưỡng tự do".

Chúng tôi coi, tuyên bố  đó là nền móng, cơ sở đầu tiên đặt nền tảng cho đường lối chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Sau đó, các bản Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam DCCH, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và gần đây sửa đổi năm 2002 đều trước sau như một khẳng định chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Có nghĩa là, xuyên suốt trong quá trình vận động cách mạng, quản lý đất nước, Đảng và Nhà nước ta đều có chính sách trên căn bản là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân.

Điều đó càng được thể hiện rõ nét trong thời gian gần đây, khi ra đời Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa IX về công tác tôn giáo. Gần đây nhất, UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh về Tín ngưỡng tôn giáo. Pháp lệnh này được ban hành ngày 18/6/2004, Pháp lệnh này một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân.

Ông Lương Phan Cừ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội:

 
 

Như ông Xuân đã trình bày, chính sách tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta có từ rất sớm và chúng ta nhất quán thực hiện cho đến tận bây giờ. Pháp lệnh về Tín ngưỡng tôn giáo thể chế hóa tất cả nguyên tắc của Hiến pháp về tự do tín ngưỡng tôn giáo, cũng như quyền tự do không theo một tôn giáo nào. Đây là cơ sở pháp lý thể hiện đường lối, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước, qua đó, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân ngày càng được thực hiện tốt hơn.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:

Vậy là cả hai ý kiến của 2 vị đại biểu, một bên là đại diện cho Quốc hội, là cơ quan lập pháp và một bên là Chính phủ - cơ quan hành pháp - đều khẳng định rằng,  tín ngưỡng và tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo đã được tôn trọng ngay từ ngày thành lập nước Việt Nam DCCH đến nay. Tôi muốn hỏi, ở đây có một vấn đề là, giữa Trung ương và địa phương, chính sách tôn giáo của chúng ta có thống nhất trong cả nước từ trên xuống dưới hay không? Bởi đối với một số quốc gia khác, chẳng hạn như ở nước Mỹ, nhiều khi Chính quyền Trung ương (Liên bang) có một chính sách khác, còn ở các tiểu bang có chính sách khác. Ở Việt Nam có tình trạng đó hay không?

Ông Lương Phan Cừ:

Việt Nam là một nước thống nhất nên chính sách tôn giáo của chúng ta giữa Trung ương và địa phương cũng thống nhất. Không như ở một số nước, có chính sách của Liên bang, rồi lại có chính sách tiểu bang... có những điểm khác nhau, nhưng đối với chúng ta thì chính sách và pháp luật về tự do tín ngưỡng về tôn giáo là nhất quán từ trên xuống dưới.

Tất nhiên, cũng như các nước, trong quá trình thi hành cũng có chỗ này chỗ khác khiếm khuyết nên chúng ta mới có bộ máy thanh tra, bộ máy kiểm tra. Quốc hội, rồi HĐND các cấp đều có chức năng giám sát làm sao để đưa chính sách pháp luật của chúng ta vào cuộc sống. Tôi cho đó là điều hoàn toàn nhất quán, không có gì trái nhau cả.

Ông Nguyễn Thanh Xuân:

Tôi cũng chia sẻ ý kiến của ông Lương Phan Cừ. Chúng ta là một quốc gia thống nhất. Tất cả chính sách, trong đó có chính sách tôn giáo đều thực hiện nhất quán từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, khi thực hiện, phải thừa nhận rằng có một số địa phương, rất ít thôi, có vi phạm và chưa thực hiện tốt chính sách chung. Đôi khi người ta cứ nhìn vào cái sự thực hiện chưa tốt đó, một số sai phạm nhất định nào đó mà tưởng rằng đó là một chính sách riêng thì điều đó là không phải. Trước hết, chúng tôi phải khẳng định chính sách tôn giáo của chúng ta nhất quán từ Trung ương đến địa phương.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:

Chủ trương, chính sách của mình là như vậy. Tuy nhiên, xin được hỏi, chúng ta có điều khoản, điều luật nào cụ thể ghi trong văn bản theo đúng cơ chế pháp lý không? Vì ngoài những câu tuyên bố của Bác Hồ như anh Xuân đã nêu, những lời kêu gọi tự do tôn giáo, lương giáo đoàn kết trong một đất nước, chúng ta có văn bản luật nào khẳng định điều đó hay không?

Ông Nguyễn Thanh Xuân:

Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta, ngoài tuyên bố nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được coi như Tuyên bố của Chính phủ,  thì trong tất cả các bản Hiến pháp như vừa kể (Hiến pháp 46, 54, 80 và gần đây) đều có chương Quyền và Nghĩa vụ công dân. Chẳng hạn như Hiến pháp 46 quy định 6 quyền cơ bản của công dân thì trong đó đã có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Sau này, khi mở rộng ra thành 10, 12, 15, 20 quyền thì trong đó, bao giờ  cũng có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Như vậy, cái mà chúng tôi gọi là "luật mẹ" (Hiến pháp) đều luôn khẳng định quyền này.

Về hệ thống quy phạm pháp luật, nói  riêng về tôn giáo, chúng ta có Sắc lệnh 234 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành năm 1955. Đó chính là sắc lệnh đầu tiên nói riêng về vấn đề tôn giáo của nước ta. Đây là văn bản rất quan trọng, trong đó ghi nhận quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng và là cơ sở để ban hành một loạt chính sách tiếp sau nhằm đảm bảo một môi trường pháp lý cho các tín đồ, chức sắc tôn giáo thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mình.

Sau khi đất nước thống nhất, Chính phủ ban hành Nghị quyết 297 năm 1977 có vai trò làm khung pháp lý để thực hiện việc quản lý tôn giáo.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hoạt động quản lý tôn giáo được đẩy nhanh hơn. Vào đầu những năm 1990. Đảng ban hành Nghị quyết đổi mới quản lý hoạt động tôn giáo, sau đó được Chính phủ thể chế hóa bằng Nghị định số 69 năm 1991. Sau một thời gian thực hiện, đến năm 1999 được điều chỉnh, thay bằng Nghị định số 26. Đây là những văn bản, quy phạm riêng để điều chỉnh hoạt động tôn giáo.

Chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về tôn giáo. Với chính sách cởi mở về tôn giáo, đặc biệt là qua Nghị quyết của TW7 lần 2 BCH TW Đảng khóa 9 về công tác tôn giáo, Thường vụ QH đã thể chế hóa tinh thần này bằng Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo ban hành tháng 6/2004.

Như vậy, kể từ khi lập quốc đến nay, chúng ta luôn có những hệ thống quy phạm pháp luật riêng để điều chỉnh hoạt động tôn giáo. Dùng từ điều chỉnh ở đây là theo khái niệm pháp luật còn thực chất chính là nhằm tạo môi trường pháp lý thông thoáng để các tín đồ, chức sắc tôn giáo thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:

Như vậy rõ ràng là chủ trương nhất quán trong chính sách về tôn giáo của Nhà nước ta, ngoài những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã có những hệ thống pháp lý, pháp quy (tuy chưa toàn diện về luật như các quốc gia phát triển lâu đời khác) để khẳng định có tín ngưỡng, tự do tôn giáo ở Việt Nam . Điều này thể hiện rõ trong chính sách từ Chính phủ đến UBND tỉnh, các địa phương thuộc phạm vi, lãnh thổ quốc gia Việt Nam. Tôi muốn hỏi anh Cừ là trong thời gian tới, Quốc hội có dự định xây dựng những luật mới hay những văn bản nào đó quy định đầy đủ và chặt chẽ hơn về vấn đề tôn giáo không?

Ông Lương Phan Cừ:

Ông Lương Phan Cừ.

Về vấn đề này thì chúng tôi xin được nêu như thế này: Vừa qua, UB thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo với 6 chương, 41 điều, thể hiện toàn bộ chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo của chúng ta, trong đó có quy định rất chi tiết. Nội dung Pháp lệnh còn có phần quy định liên quan đến những người không tôn giáo, đến công dân.

Trong quá trình xây dựng các điều luật, liên quan đến việc thể chế hoá Bộ luật Hình sự cũng như trong quan hệ hành chính, quan hệ dân sự, Quốc hội luôn cân nhắc đến vấn đề tôn giáo. Khi xây dựng pháp lệnh này cũng có ý kiến cho rằng, phải đưa ra Quốc hội để  ban hành thành Luật. Tất nhiên, Quốc hội, như các đồng chí biết, vẫn đang trong quá trình đổi mới, đội ngũ chuyên trách còn hạn chế. Sắp tới, hy vọng đội ngũ chuyên trách đó lớn mạnh hơn, tốc độ xây dựng luật chúng ta sẽ cao hơn. Sẽ tới lúc chúng ta hoàn thiện Pháp lệnh thành dự thảo Luật để đưa ra Quốc hội thông qua. Khi đó sẽ giải quyết được một số vấn đề cơ bản trong chính sách tín ngưỡng tôn giáo.

Hiện nay, Pháp lệnh này là khung cơ bản nhất về chính sách tín ngưỡng tôn giáo, thể hiện trọng trách của đại biểu dân cử trước dân với trách nhiệm của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng như Quốc hội đối với vấn đề đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của  nhân dân mà Hiến pháp chúng ta đã khẳng định.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:

Quay trở lại về luật pháp, tôi muốn hỏi thêm rằng, chúng ta rất tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, vậy ta có những điều luật, chế tài để trừng phạt những đối tượng xâm phạm đến tự do tín ngưỡng tôn giáo của người Việt Nam hay không?

Ông Nguyễn Thanh Xuân:

Trước khi trả lời câu hỏi của anh, tôi xin nói thêm một chút về Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo để có dịp thông tin thêm cho các bạn hiểu rõ hơn về Pháp lệnh này. Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất từ trước đến nay về lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo. Khi xây dựng Pháp lệnh này, chúng tôi cùng với cơ quan anh Lương Phan Cừ đây dựa vào các cơ sở giúp cho Quốc hội, Chính phủ soạn thảo. Cơ sở đầu tiên, dựa vào đó để xây dựng Pháp lệnh là phải thể chế hoá được chủ trương của Đảng đối với tôn giáo trên quan điểm đổi mới và trên tinh thần căn bản là tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân.

Cơ sở thứ hai là phải dựa vào tình hình thực tiễn tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam. Chúng ta có 80% dân số có đời sống về tín ngưỡng tôn giáo, trong đó, 20 triệu người  theo các tôn giáo cụ thể, tức là tín đồ tôn giáo cụ thể. Như vậy, Pháp lệnh phải được xây dựng dựa trên nhu cầu và tình cảm tôn giáo của nhân dân.

Cơ sở thứ ba mà Pháp lệnh dựa vào để xây dựng là quá trình tổng kết những thành tựu trong công tác của chúng ta trong lĩnh vực tôn giáo, trong đó có công tác quản lý của Nhà nước đối với tôn giáo.

Cơ sở thứ tư của Pháp lệnh lần này là sự tiếp nối, truyền thừa những văn bản quy phạm pháp luật từ trước đến nay, đồng thời có sự tương thích, sự tương đồng với luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật pháp liên quan đến nhân quyền, đến tôn giáo mà Việt Nam đã ký kết và tham gia. Xây dựng Pháp lệnh lần này cần có quá trình tham khảo, rút kinh nghiệm ý kiến những quy phạm pháp luật của một số nước trên thế giới và khu vực. 

Khi giúp cho Chính phủ, giúp cho Quốc hội biên soạn dự thảo Pháp lệnh nà, chúng tôi đã có trong tay 18 văn bản quy phạm của các nước trên thế giới về tôn giáo, trong đó có Pháp vốn được coi là một chuẩn mực về vấn đề này, có Liên bang Nga, Trung Quốc, Singapore, Lào.... Từ đó, chúng tôi tham chiếu, rút kinh nghiệm để làm sao Pháp lệnh lần này ra đời vừa có cơ sở lý luận, vừa có cơ sở thực tiễn, lại vừa tiếp nối được cái cũ nhưng đồng thời vừa thích ứng được cái mặt bằng chung của thế giới, đặc biệt khi chúng ta đang trong quá trình hội nhập, mở rộng quan hệ giao lưu với bên ngoài. Nói như vậy để các bạn thấy Pháp lệnh này có cơ sở vững chắc.

Pháp lệnh lần này có rất nhiều tiến bộ, nhiểu điểm mới so với quy phạm pháp luật trước. Chúng tôi chọn ra 12 điểm mới. Điểm mới đầu tiên là Pháp lệnh lần này bao gồm cả nội dung tín ngưỡng nữa, nghĩa là đã bao quát được cả khu vực đời sống tâm linh của đại đa số người Việt Nam, bên cạnh hoạt động tôn giáo của 20 triệu tín đồ tôn giáo trong nước.

Điểm mới tiếp theo, Pháp lệnh đặt vấn đề chính thức công nhận về mặt tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo mà các văn bản quy phạm pháp luật trước đây chưa có. Trong phần này, Nhà nước có nêu rõ: các tổ chức tôn giáo hoạt động tại Việt Nam được Nhà nước nhìn nhận và được đăng ký hoạt động cho đến khi đủ các điều kiện thì sẽ được công nhận về mặt tổ chức. Điều này  rất là mới vì thứ nhất là nó tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, không gò ép trong 6 tôn giáo lớn, thứ hai là nó phù hợp với điều kiện một xã hội hiện đại, xã hội phát triển. 

Một điểm mới đáng chú ý nữa về mặt tổ chức là các tôn giáo được sát nhập, thành lập đơn vị trực thuộc của mình. Trước đây điều này  hầu như không có. Mặt khác, việc phong chức, bổ nhiệm hay thuyên chuyển của các chức sắc, nhà tu hành của những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp cũng thông thoáng hơn nhiều. Trước đây, tất cả những việc như vậy đều phải xin phép chính quyền, nhưng lần này thì khác.

Các tôn giáo được tự do thực hiện việc phong chức, bổ nhiệm đúng theo Hiến chương, điều lệ của mình và Nhà nước không can thiệp. Tất nhiên, hiến chương, điều lệ ấy phải được Nhà nước thừa nhận. Người được phong chức phải đảm bảo trên cơ sở tiêu chí về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của họ với tư cách là một công dân để làm sao người ta chọn được những người vừa tốt đời, vừa đẹp đạo.

Thể thức quan hệ giữa chính quyền và các cấp tổ chức tôn giáo được đổi mới. Trong hình thức quản lý nhà nước có ba cấp độ: thông báo, đăng ký, xin phép (cơ chế xin -cho), thì trước đây chủ yếu là mối quan hệ xin -cho, nay theo Pháp lệnh, thì mối quan hệ chủ yếu là đăng ký, thông báo, tức là cấp độ quản lý thấp hơn.

Chúng tôi cũng muốn nói thêm rằng, khi Pháp lệnh ra đời thì cả nước sẽ phải thực hiện, không phân biệt vùng này, miền kia, đối tượng này hay đối tượng khác. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng nơi nào đó, chỗ nào đó còn có sự không đồng đều trong việc thực hiện chính sách.

Câu hỏi nữa mà anh Tuấn vừa đưa ra về chế tài đối với những hành vi vi phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo, tôi khẳng định luôn là Pháp lệnh lần này cũng nêu chế tài được áp dụng đối với những trường hợp vi phạm chính sách tôn giáo.

Ông Lương Phan Cừ:

Điều 8 Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo vừa được UBTVQH ban hành nói rõ: Các tổ chức chính quyền và các tổ chức xã hội phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân, không được phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng tôn giáo, không được vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân... Nguyên tắc này sẽ tạo tiền đề cho các văn bản khác trong việc quy định về những vấn đề tôn giáo.

Tôi muốn nói thêm, Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo là trí tuệ của cả nhân dân. Trong quá trình xây dựng Pháp lệnh này, ngoài việc thông qua kênh của Chính phủ lấy ý kiến của nhân dân, của các nhà chức sắc tôn giáo,  các ngành, các cấp;  với tư cách là cơ quan thẩm tra Pháp lệnh, chúng tôi đã thay mặt Quốc hội đi lấy ý kiến của rất nhiều người dân và các vị chức sắc tôn giáo.

Với tính chất đặc biệt, Pháp lệnh được xây dựng với quy trình hết sức dân chủ và cẩn trọng. Ngay từ những kỳ họp của QH khoá X, Pháp lệnh đã được đưa ra xem xét, đến QH khoá XI lại tiếp tục đưa ra thảo luận, cho ý kiến.

Tiến tới, QH sẽ có chủ trương đưa pháp lệnh này lên luật. Trước mắt, chúng ta sẽ dần dần hoàn thiện Pháp lệnh dựa trên thực tiễn, trên sự đóng góp của nhân dân cũng như các vị chức sắc tôn giáo.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:

Như vậy, có thể khái quát về một bức tranh rất đẹp về tôn giáo Việt Nam, đó là: chúng ta có tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng cho mọi người. Tôi nghĩ, không chỉ chúng ta có chuyện xin - cho mà thực ra, bất kỳ một đất nước nào cũng cần quản lý thôi. Ngay cả ở nước Mỹ,  khi muốn mở một nhà thờ ở một vùng nào cũng phải xin phép thị trưởng của thành phố, vùng đó chứ không thể cứ muốn là xây, không cần xin phép được. Đó là quy định về quản lý Nhà nước, nếu không có sẽ không phải là tự do nữa mà là vô tổ chức, vô chính phủ, không phải là một xã hội. Có thể thấy, chúng ta có cả một hệ thống pháp lý rất chặt chẽ, đầy đủ và như đã trao đổi, trình bày, ta còn có cả chế tài đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm đến luật tự do tôn giáo, Pháp lệnh về tự do tôn giáo.

Đúng là tỷ lệ người tham gia hoạt động tôn giáo ở Việt Nam rất đông. Chẳng hạn, có rất nhiều dân chúng thờ Phật, cúng Phật ở nhà ... Ngày Rằm tháng 7, ngày Phật Đản, ngày tuần tiết... tôi thấy nghi ngút khói hương mà chẳng thấy ai cấm đoán gì cả. Rồi đêm Noel, các nhà thờ tấp nập tín đồ, công dân đến dự hội. Đó đúng là bức tranh đẹp, nếu không có chính sách tự do tôn giáo chắc chúng ta không thể có được những điều như vậy.

Quay trở lại vấn đề trong Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, họ đề cập đến hiện tượng rất cụ thể. Còn về phía chúng ta, hệ thống pháp lý về tôn giáo có đủ cả rồi, vấn đề là khâu thực thi. Trong khâu này để đạt điều mà chúng ta mong muốn, các ông thấy có vấn đề gì hay không? Bởi trong Báo cáo đó, phía Mỹ nêu những vấn đề mà theo họ đánh giá, chúng ta có vi phạm tự do tôn giáo!?

Ông Nguyễn Thanh Xuân

Ngày 15/9/2004, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ đưa VN vào diện các nước cần quan tâm đặc biệt. Về vấn đề này, Chính phủ VN đã có tuyên bố bày tỏ thái độ. Các giới chức tôn giáo cũng đã có ý kiến. Chúng tôi cho rằng việc Mỹ đưa VN vào danh sách CPC là không đúng. Bởi vì họ đã dựa trên những thông tin một chiều, sai lạc và những thông tin mà chúng tôi vẫn gọi là thông tin "cá biệt". Ở một số nơi này, nơi kia, có thể xảy ra điều này, điều kia nhưng dựa vào đó mà nâng lên để đưa VN vào diện các nước cần quan tâm đặc biệt là hết sức phi lý. Phía Mỹ đã không nhìn thấy cái toàn cục, diện rộng của VN trong việc thực hiện chính sách tôn giáo và không nhìn thấy những nỗ lực của VN để thực hiện chính sách tôn giáo mà chỉ nhìn thấy một vài hiện tượng cá biệt, cụ thể.

Tôi có thể đưa ra những số liệu. Tính từ thời kỳ đổi mới đến nay, riêng về phần đào tạo, Nhà nước đã cho 6 chủng viện của công giáo được hoạt động và chiêu sinh như chủng viện Hà Nội, chủng viện Vinh Thanh, chủng viện Huế, Sao Biển (Nha Trang), Tp HCM, chủng viện Thanh Quý (Cần Thơ). Hiện đã có 1084 chủng sinh đang theo học. Như vậy, số linh mục phục vụ cho sinh hoạt công giáo căn bản đã được đáp ứng. Chính phủ cũng cho thành lập 3 Học viện Phật giáo ở Hà Nội, Huế, Tp. HCM, mở 5 lớp cao đẳng Phật học. Các tỉnh đều có trường trung cấp Phật học và hiện nay theo con số chúng tôi nắm được, có hơn 3.000 tăng ni sinh đang theo học ở các cơ sở đào tạo này.

Đối với Tin lành Miền Nam, gần đây Chính phủ cũng cho thành lập Viện Thánh kinh Thần học, đã chiêu sinh một khóa và năm nay chuẩn bị chiêu sinh khóa thứ 2 với 100 chủng sinh đang theo học.

Hay là vấn đề kinh sách. 5 năm gần đây, NXB Tôn giáo đã xuất bản được trên 1000 kinh sách, ấn phẩm tôn giáo với 5 triệu bản in. Đây là một số lượng khá lớn. Tôi là Giám đốc NXB Tôn giáo và tôi thấy NXB của tôi cũng tương đương hoặc lớn hơn các NXB khác. Nếu có dịp đến các nhà thờ, chùa chiền, mọi người có thể thấy rất nhiều các kinh sách. Điều ấy đáp ứng được nhu cầu rất căn bản trong sinh hoạt tôn giáo của nhân dân.

Một nỗ lực nữa là gần đây Chính phủ đã công nhận chính thức về mặt tổ chức 9 hệ phái Cao Đài, theo đó các tổ chức này có tư cách pháp nhân đầy đủ, có quyền hoạt động như một tổ chức như đào tạo, phong chức, lập trường, xây dựng, tổ chức nơi hoạt động...Chính phủ cũng công nhận tư cách pháp nhân về mặt tổ chức đối với Phật Giáo Hòa Hảo phía Nam, Hội Thánh Tin lành Miền Nam, Hồi giáo. Các tôn giáo đều được hoạt động bình thường trong môi trường pháp luật và các tín đồ, chức sắc tôn giáo đều được tự do sinh hoạt trong môi trường pháp lý Việt Nam. Những điều đó chúng tôi cho là nỗ lực rất lớn của VN trong việc thực hiện chính sách tôn giáo. Với Pháp lệnh mới, tới đây càng tạo điều kiện để thực hiện chính sách tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Những người có trách nhiệm của Bộ Ngoại giao và Uỷ ban Tự do tôn giáo Quốc tế Mỹ đôi lần vào VN hoặc là chỉ dựa vào những thông tin sai lệch, hoặc chỉ nhìn một cách phiến diện, một chiều nên đã dẫn đến những xuyên tạc, đưa ra một hình ảnh không xác thực về hoạt động  tôn giáo ở Việt Nam. Đó là điều hết sức sai lầm.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói thêm là, hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta còn có điểm chậm so với các nước khác, đang trong giai đoạn hoàn thiện nên chưa thể có những quy phạm, hướng dẫn thực hiện đầy đủ. Vì thế một số địa phương, một số cơ sở đây đó chưa thực sự hiểu hết dẫn đến có thể có những vi phạm. Nhưng những vi phạm ấy chỉ là cá biệt. Cái toàn cục, cái phổ biến là chính, còn cái cá biệt không đáng kể

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đề cập đến một số trường hợp mà họ cho là vi phạm. Đời sống tâm linh bản địa của đa số người VN (khoảng 80%) là thờ cúng ông bà. Con người VN có hai tư cách tôn giáo và công dân. Những người mà báo cáo đề cập là những người có sai phạm về tư cách công dân và dĩ nhiên anh ta phải bị xử lý theo pháp luật cho dù anh ta có là chức sắc tôn giáo. Nếu chỉ vì giới hạn là tôn giáo mà không xử lý thì pháp luật không còn tác dụng nữa. Ví dụ như tôi là công chức Nhà nước nhưng không lẽ tôi ra đường vi phạm Luật Giao thông lại không bị xử lý? Là tín đồ, chức sắc tôn giáo nhưng nếu anh vi phạm với tư cách công dân thì cần phải xử lý theo pháp luật. Đó là lẽ đương nhiên.

Ông Lương Phan Cừ:

Tôi cho rằng, Chính phủ Mỹ cũng như Bộ Ngoại giao Mỹ, Uỷ ban về tự do tôn giáo của Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về vấn đề tôn giáo là do thông tin đến với họ chưa chính xác, không đúng bản chất về quyền tự do tín ngưỡng ở Việt Nam. Hiểu không hết, rồi đưa một vài cái dẫn chứng cụ thể  để rồi quy chụp,  khái quát lên thành tình hình về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam, tôi cho là sai lệch, chưa chính xác.

Tất nhiên, như ông Xuân nói, việc thi hành pháp luật của chúng ta ở chỗ này, chỗ khác còn có sai phạm nên mới cần có kiểm tra, giám sát. Quốc hội ban hành ra luật thì phải có giám sát việc thực thi. Uỷ ban chúng tôi được giao trách nhiệm phụ trách chuyên môn về tôn giáo nên chúng tôi xây dựng kế hoạch để giám sát thực thi Pháp lệnh cũng như chính sách và pháp luật về tôn giáo.

Ở lĩnh vực nào cũng thế, sẽ không tránh khỏi những sai sót do trình độ, do nhận thức hạn chế về những luật định. Bộ máy kiểm tra, giám sát, thanh tra sẽ giúp việc thực hiện chính sách hoàn thiện hơn. Còn chỉ lấy một vài cá biệt mà áp đặt thành một chính sách, quan điểm để nói rằng không có tự do tín ngưỡng ở Việt Nam  thì thực sự hoàn toàn không chính xác.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:

Như vậy, trong quá trình xây dựng đường lối, quy định và thực thi chính sách về tôn giáo cho thấy, trên cơ bản chúng ta thực hiện rất tốt, ngoại trừ đôi lúc có sơ suất. Điều này thì ở đâu cũng có. Ngay nước Mỹ - quốc gia nổi tiếng tôn trọng pháp luật thì cũng có trường hợp cảnh sát bắn người dân vô cớ, vi phạm pháp luật. Tất nhiên, không vì thế mà chúng ta đánh giá nước Mỹ không có tự do, không thực hiện nghiêm minh pháp luật.

Vấn đề ở đây là giữa 2 đất nước chưa có sự trao đổi thông tin đầy đủ, chưa hiểu rõ và không nắm được những thông tin thực chất về nhau. Có thể bài học của chúng ta ở đây là vấn đề thông tin. Một điều cần phải nhìn nhận khách quan là  bất cứ cá nhân nào - dù theo tôn giáo nào đi nữa - khi vi phạm pháp luật thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, có thể có những nơi, những lúc người thi hành công vụ của chúng ta xử lý chưa tế nhị hoặc chưa hiểu rõ những quy định của từng tôn giáo nên có những cách ứng xử gây hiểu lầm. Ví dụ, có thể có trường hợp cán bộ của ta không biết tránh xử lý người vi phạm lúc họ đang làm lễ tại các nơi thờ tự hoặc tham gia các hoạt động tôn giáo khác. Từ đó, những quốc gia như Hoà Kỳ có những đánh giá sai lầm về ta và  liệt chúng ta vào danh sách CPC. Giả sử có những vấn đề như vậy thì chúng ta xử lý thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Xuân:

Về việc này, chúng tôi có thể đi vào một sự kiện cụ thể. Ngày 10/4/2004 vừa rồi, một nhóm người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đi theo sự dụ dỗ của tổ chức Fulrro, là tổ chức phản động về mặt chính trị. Bị kích động, những người dân này đã tụ tập, gây rối trật tự ở một số địa bàn khu vực Tây Nguyên. Đó là sự vi phạm pháp luật trực tiếp gồm biểu tình, gây rối và tất nhiên phải bị xử lý... Chỉ có điều, vụ việc này xảy ra đúng vào thời điểm Lễ Phục sinh.

Ngay sau đó, do không mục sở thị, dư luận bên ngoài cho rằng tín đồ tôn giáo Tây Nguyên đã bị chính quyền xử lý và gây sự hiểu lầm tai hại. Bản chất của sự việc là gì? Là gây rối trật tự nhưng lại rơi vào thời điểm nhạy cảm, đó là Lễ Phục sinh, vào không gian, thời gian sinh hoạt tôn giáo và gây nên sự hiểu lầm. Một số nơi cũng có thể xảy ra những trường hợp tương tự, nhưng về căn bản, chính sách của Nhà nước không bao giờ xử lý mà có sự hướng dẫn, uốn nắn, cố gắng làm sao để thực hiện tốt chính sách, tránh sự hiểu lầm từ phía bên ngoài.

Nhân đây chúng tôi cũng muốn nói thêm, trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ có đề cập rất nhiều đến vấn đề Tây Nguyên. Chúng tôi đã thông tin với đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên là tháng 12/2003, Ban Tôn giáo Chính phủ được Thủ tướng uỷ quyền đã có một thông tin chính thức đối với Tổng Liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam về quá trình bình thường hoá sinh hoạt Tin Lành của Tây Nguyên. Hiện nay đang bước sang một giai đoạn mới rất tiến bộ. Do đó, đạo Tin Lành ở Tây Nguyên trong thời gian gần đây phát triển rất nhanh. Tin Lành ở Tây Nguyên đã tham gia Hội thánh Tin Lành ở miền Nam, trong một tổ chức chung. Và Đại hội  đồng năm 2001 đã có 58 mục sư truyền đạo và tín đồ tiêu biểu khu vực Tây Nguyên là người dân tộc thiểu số tham dự.

Ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đã thành lập các Ban đại diện của Tin Lành ở Tây Nguyên, tức là một cơ cấu tổ chức của Tin Lành ở các tỉnh. Nhà nước sẽ giúp cho các địa phương ở Tây Nguyên cử học sinh người dân tộc thiểu số đi học ở Học viện Thần học TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời còn giúp cho giáo phái này chính thức thành lập hơn 30 chi hội hoạt động ở địa bàn Tây Nguyên, một tư cách pháp nhân đầy đủ hoạt động ở cơ sở. Rồi cho phục chức, phong chức cho hơn 30 các mục sư truyền đạo Tin Lành ở Tây Nguyên. Đấy là một loạt động thái đối với khu vực Tin Lành ở Tây Nguyên.

Chúng tôi đã có văn thư trả lời Tổng Liên hội là những nơi đang là điểm nhóm của Tin Lành thì sẽ đăng ký với chính quyền cơ sở và theo đó thì chính quyền sẽ hướng dẫn giúp đỡ để họ sinh hoạt tôn giáo.

Như vậy, những hoạt động của đạo Tin Lành ở Tây Nguyên đã trở lại bình thường và được thực hiện đúng theo tinh thần của Pháp lệnh tôn giáo. Đấy là điều đáng mừng. Chúng tôi đã có tiếp xúc với các mục sư truyền đạo, các vị ở trong Tổng Liên hội... và thấy các vị mục sư truyền đạo là người dân tộc thiểu số rất phấn khởi. Chúng tôi cũng được biết, sắp tới đây ở các tỉnh Tây Nguyên có tổ chức các lớp Thần học để đào tạo các mục sư truyền đạo giúp cho việc trông coi làm công việc mục vụ đối với số đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:

Như vậy có thể thấy, chúng ta luôn đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được thực hiện một cách tốt nhất. Nhưng  tiếc rằng cũng có những vị lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để vi phạm pháp luật. Những đối tượng đó phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Qua những chủ trương vừa được trình bày cho thấy, chúng ta phải tôn trọng các không gian tôn giáo, thời gian các tín đồ đang thực hiện hoạt động tín ngưỡng. Có điều, một vài cá nhân nào đó đã sơ suất trong quá trình thực hiện  gây ra hiểu lầm rằng, trong khung cảnh đó, chúng ta đã cản trở hoạt động tôn giáo. Tôi nghĩ rằng, đấy cũng là bài học chúng ta nên rút kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Thanh Xuân:

Phải nói thêm là, đôi khi những người xấu lại lợi dụng không gian đó, thời gian đó để thực hiện ý đồ của mình và cố tình tạo ra sự hiểu lầm. Tôi lấy ví dụ như ngày 10/4/2004, đó là ngày Lễ Phục sinh, ngày lễ rất quan trọng đối với giới Kyto giáo. Thế nhưng người ta lại cố tình lái xe công nông, dùng vũ khí (chằng gạc, đá, gạch...) để gây rối.  Tôi nghĩ đấy cũng là cái mà bên ngoài phải lưu ý và nếu không có mục sở thị, chưa nắm được đầy đủ thông tin thì phải xem nó thế nào đã chứ không nên có phản ứng ngay. Nhận xét ngay thì đôi khi không đúng với thực tế đâu.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:

Tôi cũng nghĩ thế. Trong chuyện này, giả sử mà tại nước Mỹ là nước tự do tôn giáo, vào ngày Easter Day chẳng hạn, có một nhóm Hồi giáo cực đoan vào phá huỷ một cái nhà ga, xe điện ngầm nào đó thì rõ ràng, lúc ấy nước Mỹ chắc chắn cũng phải hành động để bảo vệ an ninh cho nước Mỹ cũng như quyền tự do, yên bình cho người dân thôi. Tôi nghĩ rằng đó cũng là chuyện bình thường.

Giả sử, một vị linh mục nào đó muốn xây nhà thờ. Mặc dù chưa được pháp luật đồng ý hoặc chưa thông qua chính quyền sở tại nhưng vẫn cứ xây. Trong trường hợp đó thì chúng ta sẽ phải xử lý, nhưng bên ngoài, người ta lại loan tin rằng, chúng ta không cho xây nhà thờ, rồi đập phá nhà thờ hay là nhà chùa đó thì lại bảo rằng đấy là vi phạm tôn giáo. Giả sử có chuyện này xảy ra thì chúng ta sẽ phải xử lý như thế nào để người ta thấy rằng, chúng ta không hề cấm đoán hay đàn áp tôn giáo?

Ông Nguyễn Thanh Xuân:

Ở đây tôi cho rằng cũng là một sự lầm lẫn nữa.  Đã có một số trường hợp, một cá nhân nào đó xây một cái nhà không phép, bị xử lý. Mặc dù đó chỉ là ngôi nhà đơn thuần để ở nhưng khi bị xử lý, anh ta lại gán cho nó là nơi thờ tự, làm nhiều người tưởng lầm. Tôi được biết,  nhiều trường hợp trong báo cáo này cũng bị nhầm như thế. Trong khi  một công dân A hay B nào đó, có đạo hay không có đạo xây dựng nhà, nếu vi phạm đều bị xử lý theo pháp luật. Do thông tin không đầy đủ hoặc bản thân người bị xử lý vin vào cớ đây là nơi thờ tự để tìm kiếm sự ủng hộ, nên bên ngoài, nhiều người không nhận ra vấn đề và đã hiểu sai lệch hoàn toàn..

Tôi lấy ví dụ trường hợp xử lý của ông Chính ở Kon Tum. Ông ta không phải là mục sư. Ông xây nhà ở trên đất bất hợp pháp nhưng lại nói đấy là nhà thờ. Rất nhiều trường hợp khác cũng như vậy. Bản báo cáo này dựa vào những thông tin phiến diện như vậy nên không thể khách quan được.  Nó chỉ nhìn thấy hình thức bên ngoài mà không hiểu được bản chất bên trong và như thế là sai lầm.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:

Có lẽ đây cũng là vấn đề mà trong thông tin báo chí chúng tôi gọi là đưa chưa hết sự thật. Chẳng hạn như chúng ta chỉ sờ thấy chân voi nhưng bảo con voi to như cái cột đình. Trong khi, trong thông tin phải thể hiện một bức tranh đầy đủ, không cắt xén. Đó cũng là bài học thông tin. Vậy các anh có chính sách thông tin nào không để sau này giữa hai bên có được thông tin đầy đủ, tránh những nhận thức lầm lẫn như vậy?

Ông Nguyễn Thanh Xuân:

Để thực hiện được điều đó, trước hết những người đưa tin phải hết sức bình tĩnh. Đầu tiên, khi sự việc xảy ra chúng ta phải bình tĩnh nhìn nhận, xem xét xem thông tin sai lệch ở mức nào. Còn về phía chúng tôi, bên cạnh việc thông tin giữa các cơ quan quản lý hoạt động tôn giáo với bên ngoài qua nhiều kênh (các anh hôm nay cũng là một kênh để chúng tôi có dịp trao đổi và nói về vấn đề này) và nếu ai quan tâm đến tình hình tôn giáo ở Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện để họ được "mục sở thị" tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Tất nhiên, nếu người đó vào với một thái độ thiện chí, không áp đặt thì sự trao đổi thông tin qua lại lẫn nhau mới thực sự có ích, tránh được những hiểu lầm.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:

Vì luồng thông tin họ nhận mới là một chiều, như vậy thì chắc chắn người ta không có thiện chí với chúng ta. Theo chúng tôi, chúng ta, và chính các anh nữa, phải chủ động thông tin để cho người ta hiểu mình. Lúc đó, từ một người không thiện chí, thiếu thông tin và nhìn phiến diện thiên lệch đi, họ sẽ hiểu đúng chúng ta và trở thành bạn, có thiện chí với chúng ta. Ông có nghĩ như vậy không?

Ông Nguyễn Thanh Xuân:

Chúng tôi cũng hy vọng như thế và rất mong như vậy.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:

Theo các anh, liệu có khả năng các chính sách, chủ trương chung là đúng, nhưng một số cán bộ cơ sở lại có những vi phạm. Bởi lẽ nhân vô thập toàn, ngay cả cảnh sát Mỹ cũng có những người vi phạm. Giả sử phát hiện ra trường hợp vi phạm thì chúng ta xử lý như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Xuân: 

Việc đó như chúng ta đã nói, hệ thống pháp luật của chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ có những bổ sung. Với Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo này, chúng tôi đang thực hiện một chương trình cố gắng làm sao để cho địa phương, đặc biệt là cơ sở cũng hiểu một cách đầy đủ về chính sách. Chúng tôi sẽ có một chương trình phổ biến chính sách tới tận cơ sở để cho cán bộ biết và làm theo đúng chính sách. Đối với các chức sắc, chúng tôi cũng có chương trình phổ biến pháp luật tới các vị này để họ nắm được.

Điểm mới của Pháp lệnh Tôn giáo lần này so với các văn bản pháp luật trước đây là có những điều quy định bất cứ ai vi phạm pháp lệnh này đều bị xử lý kể cả các chức sắc tôn giáo hay các cán bộ cơ quan công quyền. Điều ấy thể hiện sự minh bạch về pháp luật. Cùng với chương trình tuyên truyền pháp luật, cùng với những nỗ lực của Pháp lệnh, tôi tin rằng tình trạng ấy sẽ được khắc phục ở cơ sở.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:

Luật của chúng ta khẳng định rất rõ, những người dân, những người đang thực thi tôn giáo, tín ngưỡng mà sai phạm  thì phải xử lý theo pháp luật, đồng thời những cán bộ thi hành công vụ của Nhà nước thực thi chính sách tôn giáo mà có những sai phạm, xâm phạm đến tự do tôn giáo của người dân cũng bị xử lý thích đáng. Rõ ràng, đó là chủ trương nhất quán và không phải chúng ta nương che cho những người vi phạm chính sách đúng đắn của chúng ta ở dưới. Có thể thời gian vừa qua chúng ta chưa nhiều người sai phạm nên  chưa có ai bị xử lý, đúng không ông?

Ông Lương Phan Cừ:

Vẫn có trường hợp vi phạm  và bị xử lý.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:

Vâng, đúng là vi phạm thì chắc chắn xử lý nhưng chắc là hiện nay chưa có nhiều, hay nói cách khác là chưa phát hiện ra sai phạm nên là chúng ta chưa xử lý.

Ông Lương Phan Cừ:

Có một vấn đề tôi muốn bổ sung, tức là việc thi hành pháp luật thì bao giờ cũng thế. Như tôi nói lúc nãy, chúng ta có hệ thống kiểm tra cấp trên, cấp dưới theo hệ thống hành chính. Chúng ta có giám sát và chính cơ quan giám sát đó sẽ uốn nắn được cán bộ vi phạm pháp luật trong khi thi hành bởi trình độ cán bộ không phải là đồng nhất, cũng có chỗ này chỗ khác như anh Xuân nói.

Ngoài ra, có thể công tác tuyên truyền, giải thích pháp luật của chúng ta chưa thấu đáo. Theo ý kiến Quốc hội, chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra và giám sát Chính phủ, chính quyền các cấp tổ chức thực thi Pháp lệnh này như thế nào, thực thi chính sách và pháp luật tự do tín ngưỡng tôn giáo như thế nào...

Chúng tôi không những chỉ nghe báo cáo không mà còn đi đối chứng ở ngay tại địa phương. Cán bộ Uỷ ban chúng tôi cũng đã đi khá nhiều, đã nhiều lần tiếp xúc trực tiếp với các chức sắc tôn giáo ở nhiều tổ chức tôn giáo khác nhau. Ngay ở cấp Uỷ ban, chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp xúc với các vị chức sắc các tôn giáo khác nhau. Thậm chí ở nước ngoài, khi cần có trao đổi, chúng tôi cũng sẵn sàng, với tư cách là một Uỷ ban chuyên trách của Quốc hội cũng như là một đại biểu của dân cử.

Tôi nghĩ rằng, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra cũng như công tác giám sát thì chắc chắn Pháp lệnh chúng ta đi vào cuộc sống tốt hơn, đúng hơn. Chúng ta khắc phục được những tồn tại ở dưới như anh vừa nêu.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:

Nhà nước Việt Nam không chỉ có những văn bản pháp quy về vấn đề tôn giáo mà còn có cơ quan giám sát cơ quan hành pháp để đảm bảo các văn bản đó được thực hiện một cách đầy đủ. Đây là khẳng định từ vị Phó chủ nhiệm UBQH về vấn đề tôn giáo. Điều đó cũng cho thấy chủ trương nhất quán của Nhà nước, Chính phủ và xã hội là tự do tôn giáo. Còn nếu đây đó có hiện tượng này hiện tượng khác thì cũng không thể từ một vài cá nhân, một vài hiện tượng cá biệt mà quy về bản chất xã hội là không có tự do tôn giáo.

Trong chuyện này, chúng tôi cho rằng cũng cần quay trở lại vấn đề thông tin. Có lẽ nước Mỹ ở xa Việt Nam quá, nhiều mối quan tâm quá nên việc thu lượm thông tin có thể không đầy đủ, dẫn tới sự phiến diện trong nhận thức. Thời gian tới, có lẽ chính VietNamNet cũng sẽ chủ động thông tin ra đại chúng. Không biết các cơ quan hành pháp và QH về vấn đề này có sẵn sàng hợp tác với chúng tôi để làm sao thông tin hai chiều, nhất là việc chủ động thông tin từ phía chúng ta làm cho nước Mỹ hiểu VN hơn?

Ông Lương Phan Cừ:

Về vấn đề này tôi rất nhất trí với anh, tức là chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác, sẵn sàng cung cấp thông tin, trao đổi thông tin để làm sao chúng ta hiểu rõ hơn cũng như là trao đổi với phía Mỹ cũng như nước khác để họ hiểu hơn vấn đề tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng ở Việt Nam. 

Ông Nguyễn Thanh Xuân:

Chúng tôi cũng nhất trí với ý kiến của anh Cừ. Muốn mong là hợp tác với Báo điện tử VietNamNet, với các cơ quan truyền thông đưa thông tin ra bên ngoài. Bấy lâu nay, quả thật việc thông tin ra bên ngoài để cho bạn bè thế giới hiểu cũng còn ít, coi như một sự khiếm khuyết của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ khắc phục được vấn đề này. Mong là cũng có sự giúp đỡ của các anh bên báo điện tử.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:

Bạn đọc cũng rất quan tâm gửi về nhiều câu hỏi nhưng do thời gian có hạn chúng tôi không thể trả lời hết được. Nhưng tôi thấy có một câu hỏi rất đáng chú ý của bạn Minh Lê từ Carlifornia (Mỹ): "Việt Nam có khả năng chứng minh mình không vi phạm tự do tôn giáo bằng cách để cho tất cả các phái đoàn ngoại giao phương Tây tới gặp những vị chức sắc tôn giáo bất đồng chính kiến không. Các ông dám làm chuyện đó hay không?". Xin ý kiến của các ông.

Ông Nguyễn Thanh Xuân:

Thì chúng ta đã có tiếp xúc những nhân vật này rồi. Việc này không có gì trở ngại và không có gì khó.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:

Phía Quốc hội cũng thế phải không anh?

Ông Lương Phan Cừ:

Phía Quốc hội cũng thế thôi. Chúng tôi cũng thống nhất là những vấn đề bất đồng chính kiến một số nhân vật bất đồng chính kiến thì về phía Việt Nam qua con đường ngoại giao là vẫn cho các đoàn đó gặp gỡ và trao đổi một cách thẳng thắn. Như điều mà bạn đọc ở Carlifornia nêu thì Việt Nam làm lâu rồi. Tôi nghĩ là không phải bây giờ,  mà chúng ta làm điều này đã từ khá lâu rồi. Nhiều đoàn đã tiếp xúc với các vị chức sắc bất đồng chính kiến, có nêu vấn đề ấy rồi.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:

Soạn: AM 187940 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
 

Cảm ơn các ông. Do thời gian có hạn, cũng đã gần tiếng rưỡi đồng hồ thảo luận về vấn đề này. Có lẽ chúng ta đã thấy khá rõ và đầy đủ thông tin từ việc hành lang pháp lý, thể chế, Hiến pháp cũng như Nghị định, Pháp lệnh, Hiến pháp rồi Nghị quyết của Đảng đều rất tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nói chung, Nhà nước chúng ta là Nhà nước hỗ trợ và bảo vệ tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Công tác hành pháp, thực thi ở cấp dưới, như các ông đã trình bày và chúng ta đều thấy, đa phần là rất tốt. Có như thế, tôn giáo ở VN mới có sự phát triển như thế này. Lễ hội tôn giáo như ngày Phật đản mới đông vui, chùa chiền nghi ngút khói, đêm Noel cả nước đổ ra đường như ngày hội lớn.

Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp,  ở các địa phương có những cán bộ  chưa được tế nhị trong việc thi hành thì cũng không thể đánh giá chúng ta vi phạm tự do tôn giáo. Như các anh đã nói, những cán bộ thi hành công vụ nếu có sai, có sơ xuất thì chính chúng ta cũng xử lý chứ không bao che.

Có một số câu hỏi của độc giả mà tôi thấy do thời gian có hạn nên không muốn phiền các vị khách của chúng ta. Chẳng hạn có bạn hỏi là liệu việc Tổng thống  Bush tái đắc cử có làm tình hình dịu đi không? Tôi thấy, Tổng thống Bush đắc cử là niềm vui rất lớn của ông ấy, nhưng còn liệu tình hình có dịu đi hay không là do ở chính chúng ta. Chúng ta cần chủ động hoàn toàn và có thể nói với thế giới rằng, các bạn nên hiểu chúng tôi hơn và chúng tôi là một nước tôn trọng tự do tôn giáo. Mới đây (tháng 6/2004) chính Tổng thống Bush đã khẳng định trong một tuyên bố "You've got a friend in America." (Các bạn có một bằng hữu tại Mỹ). Đây là lần đầu tiên, sau 60 năm,  một Tổng thống Mỹ tuyên bố Việt Nam bạn. đó là cả một giai đoạn lịch sử rất dài, từ năm 45 khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, sau đó  đã tìm cách làm sao để hai quốc gia từng có quan hệ tốt với nhau trở thành những người bạn của nhau. Tiếc rằng lịch sử lại không được như vậy..

Hôm qua, sau khi biết Tổng thống Bush tái đắc cử, VietNamNet đã phỏng vấn nhanh Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Marine và Tham tán Văn hóa Thông tin Louis Lantner. Cả hai ông này đều khẳng định một điều, Tổng thống Bush sẽ tiếp tục phát triển quan hệ với Việt Nam. Tổng thống Bush và cả TNS Kerry đều là những người bạn của VN và đều mong muốn phát triển quan hệ với VN. Chắc chắn quan hệ Việt - Mỹ sẽ ngày càng tốt hơn. Chúng ta hy vọng qua những buổi trao đổi như thế này, những người bạn Mỹ sẽ hiểu chúng ta hơn và những vấn đề nhạy cảm, gây cản trở cho quan hệ hai nước sẽ được gỡ bỏ. Chắc chắn người dân Việt Nam và nhân dân Mỹ đều mong muốn gỡ bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo.

Xin cảm ơn!

  • VietNamNet
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Trọng tâm tuần 2: QH thảo luận dự toán ngân sách 2005 (01/11/2004)
Đẩy mạnh ''khoán 10'' vào trồng và bảo vệ rừng! (28/10/2004)
Đánh giá năng lực CB qua giải quyết khiếu nại tố cáo (28/10/2004)
Cử tri kiến nghị lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng (23/10/2004)
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chống tham nhũng! (22/10/2004)
Ấn Độ sẵn sàng giúp VN xây dựng một Bangalore về CNTT (18/10/2004)
22.000 thanh niên tham gia "Tôn vinh nghề nghiệp" (18/10/2004)
Khoảng 20% đại biểu Quốc hội của Hà Nội là nữ (17/10/2004)
Xử phạt gần 1,8 triệu trường hợp vi phạm hành chính (16/10/2004)
2006, xoá hết nhà tạm cho người nghèo, nếu... (16/10/2004)
Kỷ niệm ngày truyền thống công tác dân vận (15/10/2004)
Sẽ truyền hình trực tiếp thảo luận của QH về giáo dục! (15/10/2004)
Hội Nông dân phải tự tạo nguồn lực đủ mạnh (14/10/2004)
Thăm TP HCM, TT Hàn Quốc kết thúc chuyến thăm VN (12/10/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang