221
1682
Đối ngoại
doingoai
/chinhtri/doingoai/
558238
WTO: Không phải nơi trông chờ lòng hảo tâm của nước lớn
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
WTO: Không phải nơi trông chờ lòng hảo tâm của nước lớn
,

(VietNamNet) - Bởi đó là những cuộc đấu trí căng thẳng mà các nước tham gia đàm phán bằng mọi giá phải đem lợi ích về cho DN của mình, vì thế, không quốc gia nào vào WTO với giá cho không. Ông Fukahori, Trưởng ban Kinh tế Đại sứ quán Nhật Bản không ngần ngại đưa ra quan điểm của mình khi trao đổi với VietNamNet.

Mặc dù trong những năm gần đây, Nhật Bản luôn giữ vị trí là một nhà viện trợ lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên, theo ông Fukahori, trong những cuộc đàm phán tay đôi Việt - Nhật để tìm kiếm sự thoả hiệp cho việc VN gia nhập WTO, Nhật Bản vẫn luôn giữ nguyên tắc: đặt lợi ích của DN Nhật Bản lên hàng đầu. Ông Fukahori cho rằng, đó mới thực sự là bản chất của WTO.

Ông Fukahori:  Đàm phán sẽ kết thúc nếu bạn nói: Vâng! Chúng tôi đồng ý với những yêu cầu của bạn!

Đàm phán Việt - Nhật có thể kéo dài hơn các nước khác

- Hồi tháng 11, VN và Nhật Bản đã tiến hành đàm phán cấp chuyên viên. Dư luận mong đợi hai bên sẽ có cuộc đàm phán bên lề phiên họp nhiều bên tại Geneva. Tại sao vòng đàm phán này lại không diễn ra, thưa ông?

- Nhật Bản vẫn luôn bày tỏ ủng hộ VN gia nhập WTO càng sớm càng tốt. Việc Nhật Bản và VN không tiến hành các cuộc gặp tại Geneva là do thoả thuận từ phiên đàm phán hồi cuối tháng 11 vừa qua tại Hà Nội. Theo đó, vòng đàm phán tiếp theo giữa VN và NB sẽ diễn ra vào tháng 1.2005 tại Tokyo hoặc Hà Nội.

Mặt khác, chúng tôi cũng thống nhất rằng nếu tổ chức cuộc gặp tiếp theo chỉ trong khoảng thời gian 2 tuần sẽ không mang lại hiệu quả tốt. Hồi tháng 9, Nhật Bản đã đưa ra bản yêu cầu với VN. Hiện chúng tôi đang chờ bản chào mới từ phía VN, nhưng vẫn chưa nhận được. Chúng tôi không thể cứ tiếp tục đưa ra yêu cầu trong khi chưa nhận được tín hiệu phản hồi từ đối tác đàm phán. Và chúng tôi hiểu rằng VN cần có thời gian chuẩn bị.

Phía VN nói rằng họ muốn kết thúc đàm phán sớm nhất có thể. Vậy "có thể" cho cái gì? Đàm phán sẽ kết thúc nếu bạn nói: Vâng! Chúng tôi đồng ý với những yêu cầu của bạn.

- Để gia nhập WTO, VN phải được sự chấp thuận của "tứ trụ triều đình" là EU, Mỹ, Nhật, Canada. Các ý kiến trước đây đều cho rằng tiến trình đàm phán giữa VN và Nhật Bản khả quan hơn nhiều so với EU. Nhưng chung cuộc EU và VN đã kết thúc đàm phán hồi tháng 9 vừa qua, trong khi đến nay Nhật Bản vẫn "im hơi lặng tiếng". Vì sao vậy thưa ông?

- Bản thân tôi cũng ngạc nhiên không kém về việc kết thúc sớm đàm phán VN-EU. Tôi đã hỏi một số đối tác tại EU và được biết, nguyên nhân là do EU đã kết thúc đàm phán WTO với Nga - một đối tác hết sức quan trọng với EU hồi tháng 5 - sớm hơn các nước khác. Chính vì vậy, EU có thể dễ dàng đi đến một thoả thuận với VN.

Hiện Nhật đang đồng thời đàm phán với Nga và VN. Nga là một đối tác cực kỳ quan trọng đối với Nhật. Chính vì thế, chúng tôi không thể tập trung quá nhiều sức lực vào đàm phán với VN. Nhật mong muốn có thể kết thúc với Nga vào tháng 1 tới, để dồn toàn bộ nỗ lực cho đàm phán với VN.

Nhật muốn mức thuế hàng hoá bằng 1/2 mức VN đưa ra

- Ông có thể cho biết rõ hơn về một số lĩnh vực mà VN và Nhật Bản chưa tiếp cận được nhau?

- Chẳng hạn về mức thuế đối với hàng hoá. VN đưa ra mức thuế là 18%, còn Nhật yêu cầu 10% vì chúng tôi nhận thấy mức cam kết của một số nước, chẳng hạn như Trung Quốc khi vào WTO là 10%. Rõ ràng, giữa 10% và 18% là một khoảng cách khá xa. Tất nhiên chúng ta sẽ còn tiến hành nhiều vòng đàm phán để đưa ra được một tỉ lệ hợp lý mà hai bên cùng chấp nhận. Nhưng tôi không mấy lo ngại về vấn đề thuế. Mặc dù đây luôn là lĩnh vực đàm phán căng thẳng khi gia nhập WTO, nhưng chưa bao giờ xảy ra bế tắc.

Hay như lĩnh vực dịch vụ, còn rất nhiều vấn đề cần bàn thảo về ngân hàng, vận tải hay phân phối hàng hoá... Khoảng cách về yêu cầu trong lĩnh vực dịch vụ giữa Nhật và VN thực ra không lớn. Đôi lúc đó chỉ là bất đồng nhỏ về một số khái niệm giữa Tokyo và Hà Nội. Tôi cho rằng lĩnh vực này không khó vượt qua.

Vấn đề mà Nhật Bản rất quan tâm là sở hữu trí tuệ. Nhật Bản và VN sẽ phải tiến hành thêm nhiều phiên đàm phán về lĩnh vực này.

Có thể nói Nhật có mối quan hệ rất chặt chẽ với VN. Các công ty Nhật luôn nhìn nhận VN là một thị trường quan trọng trong tương lai. Vì vậy, chúng tôi cần phải tiến hành các cuộc đàm phán với VN một cách nghiêm túc và chặt chẽ hơn các nước khác. Cá nhân tôi cho rằng, có thể tiến trình đàm phán  này sẽ kéo dài hơn một số nước khác.

- Thế nhưng, khoảng cách giữa mức cam kết 18% và 10% mà Nhật đòi hỏi dường như khá lớn. Theo ông, hai bên có thể tiến đến một điểm cân bằng như thế nào để đạt được một thoả thuận chung?

- Thực ra, sẽ không có mức nào làm hài lòng cả hai. Nhưng vấn đề của đàm phán là thương thảo trên từng danh mục hàng hoá một. VN đưa ra mức cam kết 18% nhưng Nhật Bản đòi hỏi phải hạ thấp mức này xuống hơn nữa. Rất có thể là 16 hay 17%. Cá nhân tôi hiểu rằng yêu cầu 10% đối với VN là một mục tiêu tham vọng. Nhưng đàm phán chỉ có thể được đẩy nhanh nếu cả hai tiến được đến một điểm cân bằng lợi ích nào đó. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng đàm phán và vào khối lượng trao đổi thương mại giữa hai bên.

Nhật yêu cầu VN nâng mức phạt liên quan sở hữu trí tuệ

- Ông có nói là Nhật Bản quan ngại nhiều nhất đến vấn đề sở hữu trí tuệ ?

- Đây là lĩnh vực vô cùng quan trọng đối với các nước phát triển. Có thể nói hầu hết các đối tác quan trọng đều tỏ ra quan tâm tới vấn đề này. Cho dù VN đã ban hành một số điều luật liên quan đến sở hữu trí tuệ song việc thực thi không mấy hiệu quả. Chẳng hạn như các công ty vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bị phạt 1 tỷ đồng. Mức phạt như vậy có thể là lớn đối với một cá nhân nhưng không có ý nghĩa gì cả đối với các công ty.

Yêu cầu của chúng tôi là VN cần sửa đổi lại sắc luật này, sao cho mức phạt phải lớn hơn lợi nhuận mà các công ty thu được từ việc sao chép. Nếu không, tệ nạn này sẽ không bao giờ ngăn chặn được.

VN không thể trông chờ vào WTO với giá cho không!

- Một số ý kiến cho rằng Nhật đang đặt ra những yêu cầu quá cao so với khả năng thực tế của VN. Ông bình luận như thế nào về nhận xét này?

- Tuỳ theo cách nói của mỗi bên mà đưa ra nhận định như vây. Theo tôi, yêu cầu của Nhật không cao. Ngược lại, chúng tôi hoàn toàn đã tính đến mọi điều kiện về trình độ phát triển kinh tế chưa cao của VN. Nhật là nhà đầu tư lớn nhất vào VN, nên chúng tôi hiểu rất rõ đâu là yêu cầu nên đưa ra, và điều gì không nên. Nếu chưa hài lòng điều gì, chúng ta có thể đàm phán với nhau. Đó là công việc tất yếu của mọi tiến trình gia nhập WTO.

Tuy nhiên, không nên quên một thực tế rằng WTO không phải là một tổ chức hợp tác hay viện trợ phát triển mà là một tổ chức thương mại, là một thực thể kinh doanh. Khi đã là một lĩnh vực kinh doanh thì người ta đều cố gắng kiếm tiền. Các công ty của Nhật, cũng như của Mỹ đều muốn tìm kiếm lợi nhuận từ các cuộc đàm phán. Những yêu cầu của họ là điểm khởi đầu để từ đó các chính phủ tiến hành đàm phán.

Vì thế, VN không thể trông đợi trở thành thành viên WTO với cái giá cho không được!

- Vấn đề quan trọng với các nước đang phát triển, trong đó có VN là họ được dành thời gian quá độ bao nhiêu năm để điều chỉnh và thích ứng với các luật chơi của WTO. Vấn đề này đã được thảo luận như thế nào trong các cuộc đàm phán song phương?

- Nhật bảo lưu quan điểm rằng VN, với tư cách là một nước đang phát triển, cần phải được trao cho một thời gian quá độ phù hợp. Thời gian đó là bao nhiêu năm thì phụ thuộc vào đàm phán. Có thể là 5 hay 3 năm, tuỳ theo từng lĩnh vực cụ thể.

- Xin cảm ơn ông!

  • Việt Lâm
    thực hiện
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,