Sáng 5/7, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã khai mạc trọng thể Hội nghị thượng đỉnh về hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng lần thứ 2 (GMS 2). Hội nghị kết thúc cùng ngày.
Lễ ký các văn kiện hợp tác về giao thông vận tải giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông |
Tham dự hội nghị có Thủ tướng nước CHND Trung Hoa Ôn Gia Bảo, Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Phan Văn Khải, Thủ tướng nước CHDCND Lào Bounnhang Volachit, Thủ tướng Liên bang Myanmar Soe Win, Thủ tướng Vương Quốc Thái Lan Thaksin Shinawatra và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhiệt liệt chào mừng các vị Thủ tướng, Chủ tịch ADB và đoàn đại biểu của các nước đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh về hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần thứ hai.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng: “Hơn mười năm trước đây, ADB đã đưa ra sáng kiến về Chương trình hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), trong thực tế đã chứng minh là một chương trình hết sức quan trọng về sự hợp tác quốc tế trong khu vực. Tháng 11/2002, tại Phnom Penh, lần đầu tiên lãnh đạo của 6 nước đã nhóm họp và cùng nhau đưa ra cam kết chung về thúc đẩy sự hợp tác trong Tiểu vùng GMS. Hôm nay một lần nữa các nhà lãnh đạo nhóm họp để bàn về quá trình hợp tác trước đây và tương lai của quan hệ đối tác giữa các nước chúng ta; làm thế nào để củng cố mối quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng chung của các nước trong vùng. Các nước trong tiểu vùng đã hợp tác trên các lĩnh vực giao thông-vận tải, năng lượng, môi trường, du lịch, bưu chính viễn thông, thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hơn mười năm qua, quá trình hợp tác của các nước trong tiểu cùng đã góp phần cải thiện đời sống cho hàng triệu người nghèo". Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng nêu lên sự cần thiết phải tăng cường hợp tác hơn nữa trong GMS và vai trò, đóng góp của Trung Quốc trong khuôn khổ Chương trình hợp tác này.
Cũng trong sáng 5/7 diễn ra Lễ ký các văn kiện hợp tác giữa các nước trong tiểu vùng. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Thế Minh ký 3 phụ lục và 1 Nghị định thư của Hiệp định GMS, bao gồm: Phụ lục 3 về chuyển chở hàng mau hỏng, Phụ lục 5 về vận chuyển hành khách qua biên giới, Phụ lục 10 về các điều kiện vận tải, Nghị định thư 2 về phí vận tải quá cảnh; Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Đỗ Hữu Hào ký Bản ghi nhớ về hướng dẫn thực hiện Hiệp định vận hành mua bán điện năm tiểu vùng (PTOA giai đoạn 1); Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng ký Bản ghi nhớ xây dựng hệ thống phòng và kiểm soát lây lan đột biến và rộng khắp của bệnh dịch động vật trong tiểu vùng GMS; Phó Tổng giám đốc VNPT ký Bản ghi nhớ nhằm hợp tác thúc đẩy việc xây dựng siêu xa lộ thông tin các nước GMS.
Sau lễ khai mạc, Thủ tướng các nước đã có cuộc họp kín, tại cuộc họp này Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát biểu về tăng cường hạ tầng cơ sở trong tiểu vùng. Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được tiểu vùng Mê Kông đang đứng trước những thách thức to lớn đó là tình trạng đói nghèo, kém phát triển, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Do đó, theo Thủ tướng các nước trong tiểu vùng Mê Kông cần phối hợp tìm kiếm các giải pháp khắc phục đói nghèo, lạc hậu, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phát triển cơ sở hạ tầng trong tiểu vùng Mê Kông là một tiền đề quan trọng để thúc đẩy thương mại đầu tư và nâng cao khả năng cạnh tranh của từng nền kinh tế và của cả tiểu vùng. Thủ tướng Phan Văn Khải đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường cơ sở hạ tầng về giao thông vận tải, công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông, phát triển năng lượng, mua bán điện.
Trong bài phát biểu của mình Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết, trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã dành một phần vốn rất lớn để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế nhờ vậy điều kiện sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt. Về tăng cường cơ sở hạ tầng nỗ lực của mỗi nước trong tiểu vùng là rất quan trọng. Tuy nhiên, theo Thủ tướng đa số các nước trong tiểu vùng còn nghèo nên rất cần sự tài trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển châu Á, tổ chức đã khởi xướng và hỗ trợ to lớn cho chương trình hợp tác trong Tiểu vùng suốt 12 năm qua. Thủ tướng Phan Văn Khải nói rằng, vấn đề quan trọng là xây dựng các chương trình hành động cụ thể, huy động các nguồn lực trong tiểu vùng và sự hỗ trợ quốc tế để phát triển vì lợi ích lâu dài của các bên.
Cũng tại phiên họp kín, Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã phát biểu về cải thiện môi trường đầu tư, thương mại; Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào phát biểu về huy động kinh phí, đưa quan hệ đối tác đi vào chiều sâu; Thủ tướng Myanmar phát biểu về tăng cường phát triển xã hội.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông đã ra Tuyên bố chung. Trong bản tuyên bố này, các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết thực hiện tầm nhìn của hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Các nhà lãnh đạo xác định thực hiện chương trình phát triển nhằm phát huy hết tiềm năng to lớn tạo ra sự phát triển bền vững cho tất cả các nước trong khu vực. Các nhà lãnh đạo bày tỏ quyết tâm đạt được tầm nhìn chung của tiểu vùng thông qua việc tăng cường hơn nữa tính liên kết, khả năng cạnh tranh, tính cộng đồng để tăng cường quan hệ đối tác vì sự phồn vinh thịnh vượng chung.
** Trước đó, chiều 4/7, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến dự cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các nước với cộng đồng doanh nghiệp GMS. Thủ tướng Phan Văn Khải đã chuyển đến cộng đồng doanh nghiệp thông điệp Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư, thương mại có thể kinh doanh thành đạt tại Việt Nam. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã đến thăm Triển lãm viễn thông của các nước GMS.
(Theo VOV)