(VietNamNet) - Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (QH) chuyên trách khai mạc sáng 2/8 khi thảo luận Luật phòng chống tham nhũng.
''Lập Ban chỉ đạo, Chủ tịch tỉnh được vào vùng cấm''
Luật phòng chống tham nhũng sẽ dược QH thông qua vào cuối năm nay? |
Sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu QH tại kỳ họp vừa qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển cho biết, về Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, dự luật để ngỏ 2 phương án. Một là chỉ lập Ban chỉ đạo ở Trung ương do Thủ tướng đứng đầu. Hai là lập cả Ban chỉ đạo ở địa phương do chủ tịch tỉnh làm Trưởng ban.
Ông Nguyễn Thạc Nhượng (ĐB Bắc Ninh) phản ánh: ''Từ năm 1997 cho đến khi làm Giám đốc Sở Tư pháp tôi thấy tỉnh có khoảng... 80 ban chỉ đạo. Nào là ban chỉ đạo chống bão lụt, ban chỉ đạo mua công trái... lập ra không dứt! Nhiều ban quá nên có người đến nghe báo cáo chung rồi quên luôn!''. Ông Hoàng Thiện Cát (ĐB Hưng Yên) đồng tình: ''Có đồng chí tham gia hàng chục ban chỉ đạo nhưng có làm được gì đâu''.
Theo ĐB Cát, lập Ban chỉ đạo chống tham nhũng ở địa phương, dư luận rất băn khoăn. ''Chủ tịch tỉnh có thể tham nhũng, nay làm Trưởng ban khác nào được đưa vào vùng cấm''. Ông Nguyễn Minh Thuyết (ĐB Lạng Sơn) nói thẳng: ''Theo logíc này, nếu chủ tịch tỉnh không làm Trưởng ban ở địa phương, thì trên Trung ương cũng không nên giao cho Thủ tướng''.
Giao cho Viện kiểm sát chủ lực chống tham nhũng?
ĐB Nguyễn Thạc Nhượng đi sâu ''mổ xẻ'' những điểm bất hợp lý về mặt luật pháp của việc thành lập Ban chỉ đạo chống tham nhũng. Ban chỉ đạo do Thủ tướng, chủ tịch tỉnh làm trưởng ban thì dẫn đến việc thủ trưởng cơ quan hành chính lại chỉ đạo việc xét xử của cơ quan tư pháp. Điều này là trái với Hiến pháp, vì không bảo đảm tính độc lập xét xử, chỉ tuân theo pháp luật của toà án.
Lối ra cho vấn đề như thế nào? ĐB Nguyễn Minh Thuyết ''hiến kế'': Giao cho Viện kiểm sát chống tham nhũng, điều tra cả vụ việc ở cơ quan thanh tra, công an, toà án. Hiện nay, Trung Quốc giao cho Viện kiểm sát chủ lực chống tham nhũng.
ĐB Vũ Minh Phương đề xuất lập Uỷ ban chống tham nhũng thuộc Thủ tướng. Cơ quan này có nhiệm vụ xác minh, khởi tố, điều tra vụ việc, sau đó chuyển cho toà án xử lý. Theo ông, Uỷ ban này có quyền điều tra cả cơ quan điều tra (công an), kiểm sát, toà án. Để tập trung và giảm gánh nặng, cần giới hạn Uỷ ban này ở những vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên.
Kê khai tài sản: ''Chúng ta vẫn loay hoay...''
Một vấn đề được thảo luận sôi nổi và cũng chưa có hồi kết là kê khai tài sản. Dự luật có 3 phương án: Thứ nhất, người có chức vụ, quyền hạn ngoài kê khai tài sản của mình còn phải kê khai tài sản và thu nhập của vợ (chống), con. Hai là kê khai cả tài sản của vợ (chống), con trong cùng sổ hộ khẩu. Ba là người có chức vụ quyền hạn chỉ phải kê khai tài sản của mình.
''Chúng ta vẫn loay hoay thế nào ấy! Tôi thấy kiểu gì thì quan tham nhũng cũng có thể tẩu tán hoặc hợp thức hoá tài sản. Nếu buộc kê khai tài sản của con thì họ cho cháu, kê khai tài sản của con trong cùng sổ hộ khẩu thì họ chức quyền trong tay cũng dễ dàng tách hộ khẩu cho con...'', ĐB Nguyễn Minh Thuyết lên tiếng.
Theo ông, cần chặn đầur a của tài sản tham nhũng: Đánh thuế tài sản và thuế thu nhập cá nhân. Qua cách này, có thể biết đươc nguồn gốc tài sản và hạn chế việc hợp thức hoá tài sản bất hợp pháp (chống rửa tiền - NV). Ông nói: ''Anh gửi tiền ở nước ngoài, anh phải khai báo. Anh mua nhà mà để không, nhà nước đánh thuế thật nặng, 100%...''.
Góp ý cho Luật phòng chống tham nhũng, ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) không dấu được sự bức xúc trước hàng loạt vụ việc tiêu cực mà báo chí đã đưa. Ông cho rằng, không đợi ra Luật mà cần ''hành động ngay'', xử lý nghiêm vụ việc ở một số tổng công ty, sai phạm về đất đai...
Hội nghị đại biểu QH chuyên trách tiếp tục thảo luận về dự án Luật phòng chống tham nhũng cho đến hết sáng ngày 3/8.
-
Văn Tiến