221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
716958
Khiếu nại tố cáo chưa dứt vì còn lãnh đạo quan liêu
1
Article
null
Khiếu nại tố cáo chưa dứt vì còn lãnh đạo quan liêu
,

(VietNamNet) - ''Có đồng chí (Bí thư tỉnh uỷ) quan liêu, thiếu trách nhiệm, không trực tiếp về cơ sở nắm tình hình cụ thể để chỉ đạo giải quyết dứt điểm các khiếu kiện xảy ra từ nhiều năm, rất bức xúc''. Tổng thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh phát biểu như vậy tại hội nghị tổng kết Chỉ thị 09-CT/TW của Ban Bí thư về pháp lệnh khiếu nại tố cáo, do Ban Nội chính Trung ương tổ chức.

"Khiếu nại tố cáo đang có chiều hướng lắng dịu"

Phát biểu khai mạc hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, ông Phan Diễn chỉ rõ: Hội nghị cần tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW và Pháp luật về khiếu nại tố cáo, phân tích rõ tình hình thực tế, nguyên nhân phát sinh khiếu nại tố cáo và tồn tại, hạn chế... để công tác giải quyết khiếu nại tố cáo hiệu quả hơn, dân chủ và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. 

Soạn: AM 580221 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Khiếu kiện đông người tuy giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Ảnh: Tùng Duy

Bên cạnh đó, kiên quyết không để đối tượng xấu, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng khiếu nại tố cáo để kích động gây rối, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.

Ông Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành nêu rõ: Phần lớn các cấp uỷ Đảng đã xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo là một trong những nhiệm vụ chính trị thường xuyên của địa phương. 

Do vậy, theo ông Trọng, tình hình khiếu nại tố cáo đang có chiều hướng lắng dịu (năm 2001 có 142.281 vụ, năm 2004 có 81.329 vụ). Tỷ lệ khiếu nại vượt cấp, đông người giảm rõ rệt...

Ông Trọng lý giải về nguyên nhân của tình trạng khiếu nại tố cáo một phần do chính sách còn nhiều bất cập, việc xử lý một số vụ tranh chấp nhà ở, đất đai chưa được dư luận đồng tình. 

Ông cũng chỉ rõ, việc thực hiện các văn bản pháp luật có nơi còn tuỳ tiện, thiếu thống nhất, chưa quan tâm đến lợi ích của dân, nhất là trong đền bù, hỗ trợ, giải quyết tái định cư... Công tác quản lý Nhà nước trên nhiều lĩnh vực bị buông lỏng, còn nhiều vi phạm; nhất là lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, nhà ở; quy hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

"Cụ thể, nhiều dự án thu hồi đất nhiều năm nhưng không sử dụng. Có nơi một số cán bộ, đảng viên lợi dụng giao, cấp đất cho người dân trái pháp luật, dành phần đất có vị trí tốt cho mình hoặc làm quà biếu, gây bất bình trong nhân dân. Đây là những vấn đề cần xem xét kỹ, xác định trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan chức năng và cá nhân được giao nhiệm vụ trên từng lĩnh vực, phần việc". Ông Trương Vĩnh Trọng phê phán.

''Có đồng chí còn quan liêu, thiếu trách nhiệm...''

Tổng thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh cũng có bản báo cáo tổng kết thực hiện Chỉ thị 09 của Ban Bí thư.

Ông Quách Lê Thanh chỉ rõ: Người giải quyết khiếu kiện không đúng pháp luật, vi phạm quyền lợi của công dân, không thực hiện việc đối thoại công khai, dân chủ với dân, công tác tiếp dân còn hình thức... Có tình trạng cùng một khiếu nại nhưng có tới 5, 6 quyết định giải quyết cuối cùng của một cơ quan có thẩm quyền.

''Ở nhiều nơi (Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Bình Dương, Hà Nam, Hải Dương, Thanh Hoá...), các tỉnh uỷ, thành uỷ đã quy định kết quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là một tiêu chuẩn để đánh giá, kiểm điểm nhận xét cuối năm, cuối nhiệm kỳ đối với cấp uỷ Đảng, đảng viên. Một số nơi đã xác định kết quả này là một tiêu chuẩn để bình xét thi đua.

Ở đâu cấp uỷ Đảng, trước hết là Ban thường vụ và đồng chí Bí thư cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát thì ở đó công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu quả; tình hình xã hội ổn định.''

Đặc biệt, ông nhấn mạnh trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, Bí thư các địa phương: ''chưa nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 09 của Ban Bí thư; chưa coi trọng chỉ đạo, lãnh đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đó là nhiệm vụ của chính quyền''.

" Có đồng chí quan liêu, thiếu trách nhiệm, không trực tiếp về cơ sở nắm tình hình cụ thể để chỉ đạo giải quyết dứt điểm các khiếu kiện xẩy ra từ nhiều năm, rất bức xúc'', ông Thanh nói thẳng.

Một số cán bộ lãnh đạo chưa lắng nghe ý kiến của dân, không thừa nhận sai phạm của mình trong giải quyết một số vụ việc, ngay cả khi có ý kiến chỉ đạo, kết luận kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh khâu thực hiện, ông Thanh cũng đồng tình, cơ chế pháp luật giải quyết khiếu nại cũng còn nhiều nhược điểm: chưa có điểm dừng trong khiếu nại, tố cáo; chưa xác định rõ trách nhiệm của cán bộ có thẩm quyết giải quyết khiếu nại, trách nhiệm thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại; cơ quan hành chính bị khiếu nại nhưng cũng chính là cơ quan giải quyết khiếu nại.

Người khiếu nại không có điều kiện tranh luận, đối thoại một cách công khai, dân chủ với cơ quan, cán bộ giải quyết khiếu nại về nội dung vụ việc, không được cung cấp thông tin về chứng cứ của các bên và nhất là về hướng giải quyết khiếu nại...

Sẽ chọn ''điểm nóng'' khiếu kiện để kiểm tra, xử lý

Đại diện cho Ban chỉ đạo liên ngành tổng kết Chỉ thị 09, ông Quách Lê Thanh đã đưa ra những biện pháp cụ thể trước mắt:

Viện kiểm sát, Toà án, các bộ, ngành, địa phương cần tiến hành rà soát các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng cả trong lĩnh vực hành chính, cả trong lĩnh vực tư pháp để tập trung giải quyết; có kế hoạch, lộ trình để giải quyết những khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, trước hết là các khiếu nại về đất đai xẩy ra trước ngày 1/7/2004 cũng như các vụ khiếu nại về việc bị xử lý oan sai trước đây.

Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn một số nơi có tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp để kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể; đôn đốc việc giải quyết và kiến nghị xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật trong công tác này.

Cấp uỷ Đảng và chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với Trụ sở tiếp dân của Đảng và Nhà nước ở Trung ương để vận động thuyết phục những người khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài tại Hà Nội và TP.HCM trở về địa phương chờ các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Khi chính quyền địa phương đã xem xét lại nhưng người dân vẫn khiếu nại thì cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương sẽ kiểm tra, xác minh và ra quyết định giải quyết.

Theo ông Quách Lê Thanh, từ năm 2002 đến 2004 có 4.666 đơn gửi đến Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ khiếu nại quyết định giải quyết cuối cùng của các bộ, ngành, địa phương. Chỉ tính riêng 64 vụ việc có quyết định cuối cùng được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, xem xét thì có dến 34 quyết định phải sửa (chiếm tỷ lệ 53%). Trong năm 2005, Thanh tra Chính phủ kiểm tra lại 21 vụ việc đã được UBND tỉnh An Giang kết luận thì có đến 12 quyết định cuối cùng cần xem xét lại; ở Vĩnh Long, kiểm tra lại 47 vụ việc thì có 18 quyết định cuối cùng phải sửa.
  • Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,