(VietNamNet) - Mặc dù phía Chính phủ đã đưa ra những nhìn nhận đầy khả quan về tình hình kinh tế-xã hội, sáng 18/10, thay mặt QH, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên vẫn đánh giá: năm 2005 còn bộc lộ nhiều tồn tại và yếu kém.
Kỷ luật đầu tư không nghiêm
Ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ qua những chỉ tiêu khả quan, nhưng Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách cũng chỉ rõ tình hình kinh tế xã hội năm 2005 bộc lộ nhiều tồn tại và yếu kém.
Nhịp độ tăng trưởng kinh tế tăng cao (dự kiến 8,4%), đuổi sát mục tiêu đề ra (8,5%) nhưng chất lượng và hiệu quả chưa cao. Đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng vẫn là vốn và lao động; hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm, trong nền kinh tế còn ít, năng suất lao động xã hội thấp...
Quốc hội năm vừa qua đã ra nghị quyết chống đầu tư dàn trải, chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng, lấy năm 2005 làm năm ''điểm'' thực hiện. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Đức Kiên, chấp hành kỷ luật trong đầu tư chưa nghiêm, hiệu quả đầu tư chưa được cải thiện rõ nét.
Ông dẫn chứng: Năm 2005, dự kiến hoàn thành 600 công trình, dự án nhưng lại tăng trên 600 dự án, công trình mới. Công tác xử lý nợ đọng XDCB từ năm 2004 trở về trước đối với phần của Trung ương cơ bản đã được thanh toán từ tạm ứng ngân sách (4.278 tỷ đồng), số nợ thuộc trách nhiệm của địa phương theo báo cáo đã xử lý được trên 50% (3.698 tỷ đồng). Tuy nhiên, xét kỹ thì số nợ đọng trên thực tế của không ít địa phương còn cao hơn nhiều số đã báo cáo.
Vốn đầu tư vẫn dàn trải cho quá nhiều dự án, mục tiêu, còn phân bổ vốn cho các dự án chưa được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, bố trí kế hoạch vốn vượt quá khả năng của nguồn vốn, tình trạng công trình dự án bị rút ruột xẩy ra nghiêm trọng tại một số ngành địa phương...
Đất đai vẫn là vấn đề nỏng bỏng...
Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách cũng phản ánh đất đai là vấn đề phức tạp, bộc lộ nhiều tốn tại trong chính sách và quản lý. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng có nơi làm không nhất quán, thiếu công khai, minh bạch, thậm chí tiêu cực, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Số đông lao động trước đây chủ yếu sống nhờ vào đất, nay không có việc làm. Người nông dân thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, đời sống khó khăn, nảy sinh nhiều tiêu cực...
Một số công chức lợi dụng chức quyền chiếm dụng đất công hoặc vụ lợi trong xử lý đất đai, gây thiệt hại lớn cho nhà nước.
Thị trường bất động sản chủ yếu hoạt động ngoài tầm kiểm soát của nhà nước, đầu cơ, gian lận mua đi bán lại trục lợi, gây bất bình trong nhân dân.
Còn duy trì cơ chế "xin - cho"
Về phân phối và sử dụng nguồn lực, mặc dù Nhà nước đã đổi mới cơ chế quản lý điều hành ngân sách, nhưng sử dụng nguồn lực và ngân quỹ còn lãng phí; duy trì và kéo dài cơ chế ''xin - cho'' dưới nhiều hình thức, tạo cơ hội cho tệ nạn cửa quyền, nhũng nhiễu tham ô.
Thu nhập của bộ phận lớn người lao động chưa phản ánh đúng kết quả lao động, chưa gắn với năng lực, trình độ, chất lượng công tác. Một phần thu nhập quốc dân vẫn được phân phối thiếu minh bạch thông qua các hành vi vụ lợi, lòng vòng hoặc cào bằng... Do đó, trên thực tế, tiền lương, thu nhập chưa trở thành động lực thực sự đối với người lao động,
Vấn đề bức xúc của xã hội chưa được quan tâm giải quyết. Một số tệ nạn xã hội vẫn diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Một bộ phận thanh thiếu niên sử dụng các chất gây nghiện, sống buông thả là rất đáng lo ngại.
''Tác động tiêu cực từ giá cả nhiều mặt hàng, dịch vụ tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nhiều người lao động, cùng với tình trạng tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân của một bộ phận công chức nhà nước đã tác động không nhỏ đến tâm trạng xã hội'', ông Kiên cảnh tỉnh.
Cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn 8%?
Trong kế hoạch năm 2006, Chính phủ dự kiến GDP tăng 8%. Theo đánh giá sáng nay của Thủ tướng, mức tăng trưởng này của VN tại châu Á chỉ đứng sau Trung Quốc. Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách cho rằng, để đạt được mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2006-2010, năm 2006 cần xem xét đặt mục tiêu cao hơn 8% để đặt Chính phủ vào tình thế chỉ đạo ráo riết hơn, quyết liệt hơn.
Bên cạnh các giải pháp của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách cho rằng cần xác định rõ trọng tâm là khâu đột phá cũng từng ngành để phát triển. Chẳng hạn, trong công nghiệp, cần thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao như năng lượng (điện, dầu khí), công nghiệp phần mềm, cơ khí chính xác, công nghiệp hoá dầu, công nghiệp ôtô, công nghiệp tàu thủy, luyện cán thép, chế biến và công nghệ sinh học...
Thủ tướng Phan Văn Khải sáng nay nói: ''Nếu để thiếu điện, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đời sống của dân là khuyết điểm của Chính phủ''.
Chia sẻ nỗi lo này, theo ông Nguyễn Đức Kiên, Chính phủ cần có giải pháp huy động nguồn lực để đầu tư điện, xử lý kịp thời những vướng mắc giữa nhà sản xuất điện với cung ứng điện, rà soát, điều chỉnh mức bán điện nhằm khuyến khích nhà đầu tư nước ngài, tổ chức kinh tế trong nước tham gia đầu tư...
Coi trọng khu vực kinh tế dân doanh
Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách kiến nghị tiếp tục đổi mới và đồng bộ hoá các giải pháp khuyến khích và phát huy tối đa tiềm năng của kinh tế dân doanh, đầu tư nước ngoài; tạo lập môi trường hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, nhanh chóng xoá bỏ độc quyền, xoá bỏ sự phân biệt đối xử bất lợi đối với kinh tế dân doanh ngay trong quy định của pháp luật, chính sách và trong tổ chức thực hiện.
Cụ thể, ngay từ cuối năm 2005, chủ động chuẩn bị cả về tổ chức bộ máy, văn bản hướng dẫn cụ thể hoá các điều kiện đảm bảo khác để triển khai thực hiện thông suốt ngay khi có hiệu lực của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đấu thầu...
Đặc biệt quan tâm đến quy định tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong đăng ký kinh doanh - đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, giải quyết mặt bằng kinh doanh và tiếp cận các ưu đãi của nhà nước. Áp dụng lộ trình nhưng càng sớm càng tốt chuyển chính sách ưu đãi trước đầu tư sang ưu đãi sau đầu tư.
Phải nhìn trước được sự biến động của giá cả
Không đồng tình với đề xuất của Chính phủ đặt chỉ tiêu giá cả ''định tính'' (dưới tốc độ tăng trưởng), ông Nguyễn Đức Kiên nêu lý do: Trên cơ sở phân tích sâu sắc quan hệ tăng giá, lạm phát với tăng trưởng kinh tế, suy cho cùng là cải thiện đời sống nhân dân, để xác định chỉ tiêu tăng giá bằng con số cụ thể, làm căn cứ để Chính phủ điều hành chủ động và kiên quyết hơn.
Hiện nay, giá cả trong nước và ngoài nước vẫn tiềm ẩn biến động phức tạp. Do đó, cần dự báo tốt, theo dõi và chỉ đạo sát sao, có những giải pháp kinh tế, hành chính và các biện pháp tình thế mạnh, kịp thời hạn chế sự tăng giá đột biến, dây chuyền, tác động bất lợi sản xuất và đời sống nhân dân.
Đồng thời cần nhìn nhận khách quan, đánh giá đúng mức độ tăng giá, các nhóm mặt hàng tăng giá mạnh, các lĩnh vực kinh tế, các nhóm dân cư chịu ảnh hướng lớn, để có sự sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư, cũng như cân đối vĩ mô theo mặt bằng giá mới.
- Văn Tiến