221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
720118
Mời đại biểu QH "nói hăng nhất" vào giám sát tham nhũng?
1
Article
null
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt:
Mời đại biểu QH 'nói hăng nhất' vào giám sát tham nhũng?
,

(VietNamNet) - Trong cuộc gặp gỡ với báo chí bên lề nghị trường, Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có ý kiến: "QH cần có một Uỷ ban giám sát tham nhũng. Có thể lựa đại biểu nào nói hăng nhất, mạnh mẽ nhất mời vào Uỷ ban này! Nên chọn lựa một số đồng chí tâm huyết như thế để chuyên trách giám sát những vụ việc nghiêm trọng".

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói:

Soạn: AM 589788 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Anh biết mà không kiên quyết xử lý, nghĩa là anh bao che".

"Anh đứng đầu bất kỳ một Bộ, một vụ hay đứng đầu địa phương không dính líu tham nhũng. Nhưng còn trách nhiệm của anh đối với con người hoặc bộ phận trực tiếp của anh. Có những ông rất tốt làm Bộ trưởng, ông ấy không có dính gì tham nhũng cả nhưng cả Bộ của anh tan nát hết, tiêu cực không biết bao nhiêu?! hư thế thì anh nên nghỉ đi! Những trường hợp như vậy Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm gì? Tôi hy vọng Quốc hội lần này phải chỉ rất rõ ràng cụ thể".

Luật đủ mà không kiên quyết - Đủ cũng vô nghĩa!

- Đương nhiên, để xảy ra các vụ tham nhũng, tiêu cực lớn, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm nhưng chịu trách đến đâu, đến mức nào?

- Đến đâu, đến bước nào là tuỳ theo sự nghiêm trọng. Còn anh tham nhũng trực thuộc mình, lộng hành đến mức kéo dài ra thì trước hết phải nói thế này: Anh không có đủ khả năng quản lý, anh nghỉ đi cái đã! Còn chuyện xem xét trong mối quan hệ đó, sai phạm đến chừng nào, còn phải căn cứ vào mức độ nghiêm trọng theo quy định của pháp luật để xử lý.

Vấn đề này không chỉ cá nhân chịu trách nhiệm mà còn tập thể đứng đầu. Trong mỗi Bộ có Ban cán sự Đảng. Trong ban cán sự không phải bình với nhau hết, người đứng đầu, anh vừa là Bộ trưởng, vừa là Bí thư. Trong một ngành nào đó, như giờ ngành dầu khí như thế, người đứng đầu ngành thế nào? Chủ tịch HĐQT làm gì? Tổng giám đốc làm gì? Anh bao che đã là sai nhưng anh buông xuôi để quân của anh ở dưới làm gì thì làm, như vậy anh quản lý cái gì?

- Vậy có phải chăng do mình thiếu luật, thiếu quy định để xử lý?

- Thiếu cũng có thiếu, đủ càng tốt. Đủ mà không không có kiên quyết, không dứt khoát, không nghiêm thì đủ đó cũng vô nghĩa!

- Thưa ông, chuyện xử lý trách nhiệm lâu nay như thế nào?

- Tôi thấy lâu nay xử lý trách nhiệm quá nhẹ. Có thể nói là không nghiêm, không đủ nghiêm! Các vụ việc vừa qua, chỉ có thể nói (xử lý) tương đối nghiêm chứ chưa thể hoàn toàn nghiêm, đó là vụ án Lã Thị Kim Oanh. Bộ trưởng, như anh Ngọ (Bộ trưởng NN&PTNT Lê Huy Ngọ-PV) phải ra toà (với tư cách nhân chứng-PV). Rồi một số thứ trưởng (2 thứ trưởng Bộ NN&PTNT ra toà với tư cách bị cáo-PV) cũng vậy. Cho nên ta cứ bình thường như thế! 

Phải dứt khoát, không để xảy ra chuyện như báo chí đôi khi thường nói mỉa là cứ làm rồi ''hạ cánh an toàn''. Thế không được đâu!

Làm ngơ không xử lý chính là "áo giáp" cho tiêu cực

- Dân thắc mắc có những chuyện trắng đen rõ ràng, nhưng ai là người đứng ra xử lý? Chẳng hạn, gần đây ở Bộ GTVT xảy ra vụ đổ tàu E1, sai phạm ở Cụm cảng hàng không Miền Trung… nhưng Bộ trưởng đâu có làm sao?

- Trước đây chúng ta cũng đã có những tiền lệ. (Các nước) xung quanh chúng ta cũng có rất nhiều tiền lệ thế này, một thiệt hại đối với dân như cầu bị sập thì Bộ trưởng bị cách chức. Còn ở mình có chuyện như thế là do quản lý nhà nước không nghiêm đối với những người có trách nhiệm. Rồi mỗi ngày, số người chết vì TNGT không kém hơn hồi chiến tranh: 20-30 người chết/ngày, rồi bao nhiêu bị thương tật. Báo chí cũng phản ánh chuyện này nhưng tất cả do người đi đường sai. Gần như không có ngành nào nhận trách nhiệm sai. Ai cấp giấy phép lái xe? Ai kiểm tra phương tiện, ai vạch ra tuyến đường đi lại...?

- Trong việc xử lý trách nhiệm không nghiêm, có trách nhiệm của người điều hành?

- Cái đó liên quan thế này: Anh xử lý nghiêm về kỷ luật hành chính, hai là kỷ luật về đảng. Thì đấy là phòng, là ngăn chặn.

- Ông nhận thấy quyết tâm của Đảng thế nào, đã quyết tâm thật sự chưa?

- Cái đó mỗi cấp Đảng đều phải coi lại, có nghiêm không? Kỷ luật về đảng có, tại sao không xử lý? Có hạn chế gì đâu! Từ cảnh cáo đến đuổi ra khỏi Đảng, hạ cấp, giáng chức anh. Làm như thế là nghiêm chứ sao không nghiêm! Kỷ luật hành chính cũng rất nghiêm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức. Tất cả các vụ vụ việc xảy ra đó, tất cả mức kỷ luật đó trong phạm vi của người có đủ thẩm quyền.

- Nghĩa là chúng ta chưa quyết tâm?

- Nói quyết tâm thì cũng còn nhẹ quá!

- Bác Hồ từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nhưng tại sao chúng ta không phát động phong trào “Toàn dân chống tham nhũng”?

- Nói dân cũng đúng nhưng nói ''dân'' hẹp lại một chút, tức là hệ thống chính trị của mình: Trong một xã, 70-80% người từ 18 cho đến 60 tuổi, đều trong hệ thống hành chính. Trong các cơ quan, 100% vào trong tổ chức hết! Nhưng tại sao một vụ việc tiêu cực, sai phạm xảy ra, một anh đảng viên là cán bộ tham ô, tất cả hệ thống chính trị đứng ngoài? Bây giờ có 2 vấn đề: Một là anh phải phát huy hết mức hệ thống chính trị để giám sát, trước tiên là đại đa số quần chúng. Hai, nếu không nghiêm, bỏ qua, tổ chức chính trị làm ngơ thì trở thành áo giáp cho bọn tham nhũng, trở thành thứ bao che.

Người đứng đầu phải sử dụng quyền "phê bình"

- ''Tại sao chúng ta chưa kiên quyết xử lý trách nhiệm'' vẫn là một câu hỏi lớn, người dân đặt ra hàng ngày, thưa ông?

- Tại sao? Đảng cũng có Điều lệ Đảng, luật cũng có kỷ luật nghiêm, về mặt quản lý hành chính nhà nước, người đứng đầu cũng có quyền nghiêm với người dưới quyền trực tiếp quản lý của mình. Các đồng chí biết, “phê bình” là hình thức cảnh báo trước để anh tránh; đến khiển trách; cảnh cáo, cách chức anh, rồi đuổi ra khỏi ngành là quyền của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu không làm hết nhiệm vụ đó, thì chính người đó có khi là vô tích sự, họ không dám làm gì cả. Bây giờ hỏi anh có biết vụ đó không? Nói không biết - tức là anh không làm gì cả. Thế anh nghĩ anh làm gì? Còn anh biết mà không kiên quyết xử lý, nghĩa là anh bao che.

- Thưa ông, Quốc hội có quyền lực rất lớn trong việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu thông qua hình thức bỏ phiếu tín nhiệm. Vậy tại sao trong rất nhiều Bộ có nhiều vấn đề bức xúc nhưng mới chỉ có nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ chịu hình thức này?

- Đấy là điều đòi hỏi Quốc hội tại kỳ họp này phải có Nghị quyết về vấn đề đó. Báo chí phải đòi hỏi Quốc hội phải sử dụng hết quyền hạn của mình.

Nên quy định các thành viên CP được bỏ phiếu tín nhiệm 

- Nhưng quy định 20% đại biểu Quốc hội có đề nghị mới thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm là rất khó...

- Đây cũng là sự tự giới hạn quyền lực của Quốc hội, tự mình bó tay mình. Tại sao lại phải có bao nhiêu phần trăm? Trách nhiệm của anh (Bộ trưởng) như thế, nên việc bỏ phiếu tín nhiệm lấy đa số làm cơ sở quyết định của Quốc hội. Đây anh tự hạn chế anh, có nghĩa trong đó vẫn còn cái gì cũng còn nể nang nhau. Phải sử dụng hết quyền lực của nhân dân!

- Cũng có ý kiến cho rằng nên để tất cả thành viên Chính phủ đều phải được bỏ phiếu tín nhiệm. Người có phiếu cao cũng là động viên khích lệ họ trong công tác, người có số phiếu thấp thì chúng ta cần xem xét lại?

- Nếu chúng ta thật sự kiên quyết như tất cả các ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo thì điều đó phải làm thật rõ ràng, không có gì phải hạn chế cả. Bây giờ Quốc hội phê chuẩn các thành viên Chính phủ. Quá trình Quốc hội giám sát hoạt động của Chính phủ thì Quốc hội cũng phải có trách nhiệm xem xét sự tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ. Cái đó hoàn toàn hợp lý, đương nhiên.

UB chống tham nhũng của CP không nên làm thay cho các Bộ

- Quốc hội có ý tưởng thành lập một Uỷ ban Giám sát việc chống tham nhũng, ông có kỳ vọng nhiều về một ủy ban như vậy?

- Hiện chúng ta đã có một số cơ quan có chức năng chống tham nhũng. Với tình hình tham nhũng thế này, theo tôi, chúng ta cũng cần có một Uỷ ban giám sát. Có thể lựa trong Quốc hội, đại biểu nào nói hăng nhất, thẳng nhất, mạnh mẽ nhất mời vào Uỷ ban giám sát tham nhũng! Và không phải chỉ nói suông, nói mà không có trách nhiệm gì thì cũng vô nghĩa! Uỷ ban nên chọn lựa một số đồng chí tâm huyết như thế để chuyên trách giám sát những vụ việc nghiêm trọng.

- Khi ông còn làm Thủ tướng, Chính phủ cũng đã từng có một Ban chống tham nhũng. Thời điểm hiện nay thành lập Uỷ ban phòng chống tham nhũng cần lưu ý vấn đề gì?

- Anh Phiêu (nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu-PV) đã có một bài nói về cái đó, sau đó chúng tôi giải tán Ban này. Vì không thể trong Chính phủ lại có một ủy ban chống tham nhũng, làm thay cho tất cả các Bộ, ngành. Các Bộ, các ngành phải làm chuyện đó! Và để làm sao Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội mỗi tháng họp với nhau một lần với tất cả các cơ quan bảo vệ pháp luật để theo dõi (vụ việc tham nhũng). Những vụ án lớn cần có sự hợp tác chặt chẽ từ đầu để làm dứt điểm, làm cho nhanh.

Còn Chính phủ hiện nay phải xác định rõ, không nên để Ban đó làm thay cho tất cả các Bộ, ban, ngành. Cứ đứng đầu là phải chịu trách nhiệm đến cùng. Nếu thấy tình hình nghiêm trọng quá, không đủ sức giải quyết thì anh xin nghỉ để làm việc khác. Còn làm thì phải đương đầu với tiêu cực, tham nhũng trong ngành mình. Anh phải làm trong sạch nó, còn không anh nghỉ!

- Trong các cuộc lấy ý kiến cho Luật phòng, chống tham nhũng thì đại đa số đều cho rằng cần thành lập một Uỷ ban quốc gia về chống tham nhũng chứ không phải một Ban chỉ đạo mang tính chất kiêm nhiệm?

- Cái đó cũng hay, nhưng trước hết phải xem cơ cấu ủy ban đó thế nào? Nhiều ủy ban rất to nhưng chẳng có quyền gì cả...

  • Văn Tiến
    ghi

Ý kiến của độc giả:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,