(VietNamNet) - Xử lý trách nhiệm người đứng đầu, thành lập cơ quan chống tham nhũng, báo chí tham gia chống tham nhũng và bảo vệ người tố cáo là những chủ đề nóng tại thảo luận sáng 25/10 của Quốc hội về dự thảo Luật phòng chống tham nhũng.
Báo chí đã góp phần phanh phui nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng. |
ĐB chưa mặn mà với Ban chỉ đạo chống tham nhũng
Không tán thành lập Ban chỉ đạo này, ĐB Đặng Thị Phượng (Tây Ninh) nêu lý do: "Thủ tướng làm trưởng ban, nếu thành viên Chính phủ dính đến tham nhũng, thành ra nan giải "vừa đá bóng vừa thổi còi". Theo bà, nên lập cơ quan chống tham nhũng thuộc Quốc hội.
ĐB Lâm Văn Kỷ (Sóc Trăng) bổ sung: "Chủ tịch Quốc hội làm trưởng ban chống tham nhũng, thành viên là các Uỷ ban của Quốc hội".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhắc ngay đại biểu: "Phải lý lẽ Chủ tịch Quốc hội làm trưởng ban thì ai giám sát? Ta ngồi ôtô, xe máy phải có chân ga, chân phanh. Chủ tịch Quốc hội làm trưởng ban, mà Quốc hội lại lập ủy ban giám sát phòng chống tham nhũng có phải "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
Bám sát chức năng, Chủ tịch Nguyễn Văn An quán triệt, Đảng không làm thay công việc của Nhà nước. "Bộ Chính trị vừa bàn kỷ luật một bí thư tỉnh uỷ ký văn bản thay cơ quan hành chính nhà nước", ông cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, dự kiến của Uỷ Thường vụ Quốc hội thì Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng sẽ có bộ phận thường trực làm việc chuyên trách.
Không mặn mà với Ban chỉ đạo, ĐB Lê Huy Luyện (Bà Rịa – Vũng Tàu) mạnh dạn hiến kế lập cơ quan chuyên trách như Cục điều tra chống tham nhũng thuộc Chính phủ. Cơ quan này vừa cơ động, kịp thời nhưng không làm thay các cơ quan có chức chống tham nhũng hiện nay.
Chống tham nhũng chưa hiệu quả, ĐB Huỳnh Văn Tí cho rằng: "Thiếu không phải vì tổ chức (Ban chỉ đạo) mà thiếu công khai, minh bạch, xử lý trách nhiệm người đứng đầu thiếu kiên quyết, nghiêm minh…".
Đa số đại biểu phát biểu tán thành lập Uỷ ban Tư pháp thuộc Quốc hội để giám sát phòng chống tham nhũng.
Người đứng đầu chịu trách nhiệm là ai?
Đề cập tránh nhiệm người đứng đầu, ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) đặt lên bàn Quốc hội: "Sai phạm lắp đặt điện kế điện tử ở TP.HCM, lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực có chịu trách nhiệm gì không? Vụ thanh tra ở ngành dầu khí, Thanh tra Chính phủ có bị liên đới?""
Ông tiếp tục: "Trên bình diện cả nước, Chính phủ, Thủ tướng không có biện pháp phòng chống tham nhũng hữu hiệu thì có xem xét trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng không?".
Ông đề nghị bổ sung, không chỉ truy xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà còn cả "tư lệnh lĩnh vực, tư lệnh vùng" (bộ trưởng, chủ tịch tỉnh - NV) để xảy ra tham nhũng.
ĐB Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ (Quảng Trị) muốn làm rõ người đứng đầu là ai: "ở địa phương, là bí thư hay chủ tịch tỉnh? Các tổng công ty, là Chủ tịch HĐQT hay Tổng giám đốc?".
Dự thảo luật quy định, người đứng đầu không phải chịu trách nhiệm nếu không thể biết được vụ việc tham nhũng. "Người đứng đầu nói không biết được nhưng Thanh tra cho rằng người đứng đầu biết được thì sao?", ĐB Huỳnh Văn Tí băn khoăn.
ĐB Huỳnh Văn Tí (Bình Thuận) cũng cho rằng, yêu cầu công khai, minh bạch trong dự luật còn bỏ sót nhiều lĩnh vực như tiền cứu trợ, xoá đói giảm nghèo… "Tất cả những chính sách, quyền lợi liên quan đến dân đều phải được công khai", ông kiến nghị.
Để đảm bảo việc công khai, minh bạch được thực hiện, theo ĐB Vũ Ngọc Cừ (Lào Cai), cần chế tài xử lý nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị không cung cấp thông tin theo yêu cầu chính đáng.
"Báo chí đã làm được nhiều việc, phát hiện, điều tra, tạo áp lực xử lý vụ việc tham nhũng. Tôi thấy luật chưa nhận thấy hết vai trò của báo chí, vẫn còn e dè…", ĐB Lê Huy Luyện thẳng thắn. Ông trích lời Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời báo chí, đại ý: "80-90% cán bộ ở các ngành, các cấp là Đảng viên, 100% là cán bộ, công chức nhưng phần nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng đều do nhân dân, báo chí phát hiện phanh phui".
Luật nên quy định báo chí là "một trong những lực lượng chủ chốt chống tham nhũng" chứ không chỉ là đội quân góp phần chống tham nhũng. Và theo ông, nên động viên, bảo vệ báo chí thay vì chỉ "nhắc nhở"…
ĐB ĐặngThị Phượng đề nghị bố trí ngân sách, cấp kinh phí cho báo chí phòng chống tham nhũng. Phổ biến pháp luật phòng chống tham nhũng như Chương trình Tôi yêu VN về an toàn giao thông trên truyền hình…
Khuyến khích tố cáo tham nhũng, tiêu cực, ĐB Huỳnh Văn Tí (Bình Thuận) đề xuất thưởng 5-10% giá trị tài sản tham nhũng cho người tố cáo. Nhưng nhiều đại biểu khác cho rằng, quan trọng hơn là bảo vệ an toàn, tính mạng cho người tố cáo và gia đình họ. ĐB Đặng Thị Phương đề xuất: "Người tiết lộ tên người tố cáo, trả trù, trù dập người tố cáo phải chịu trách nhiệm hình sự".
"Đơn thư tố cáo nặc danh cũng nên xem xét. Vì kẻ tham nhũng, tiêu cực có nhiều thủ đoạn, người đi tố cáo có khi rước vạ vào thân, bị quy chụp…" ĐB Huỳnh Thị Hường (Quảng Nam) cân nhắc.
Kết thúc thảo luận sáng 25/10, có 24 đại biểu phát biểu góp ý cho Luật phòng, chống tham nhũng, còn 17 ý kiến đăng ký nhưng hết thời gian.
Luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 28/11, dự kiến có hiệu lực từ 1/4/2006
-
Văn Tiến