(VietNamNet) - "Vừa qua, các vị đại biểu Quốc hội có nhận được một số ý kiến của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Úc và EU tại Việt Nam. Nội dung ba thư này có phản ánh rằng Luật đầu tư là thụt lùi, thậm chí nếu ban hành đẩy tiến trình đổi mới lùi lại và làm chậm bước tiến đổi mới của Việt Nam. Chúng tôi đang tổ chức làm việc với họ và trao đổi lại". Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc thông báo.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc. |
"Cuối cùng, khi trao đổi chúng tôi đã tập trung vào 4 vấn đề. Và tôi nghĩ không có vấn đề gì lớn cả!".
Bộ trưởng Phúc bắt đầu:Vấn đề bảo lãnh Chính phủ
Về vấn đề bảo lãnh Chính phủ. Bảo lãnh Chính phủ trong Điều 65 (dự thảo luật) đều thể hiện tất cả. Ở đây chỉ có một điều "họ phàn nàn ý tứ không rõ, bỏ quyền của Chính phủ không cho Chính phủ ký hợp đồng trực tiếp để bảo lãnh". Điều đó không phải, trong Điều 65 nói rất rõ do Chính phủ quyết định.
Vừa rồi Chính phủ có bảo lãnh cho Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 3, hai nhà máy điện sản xuất 800MKW, đầu tư nước ngoài theo dạng BOT. Chính phủ đã ký bảo lãnh về bảo lãnh vay vốn cho ngân hàng để họ làm. Vì đầu tư này là đầu tư cơ sở hạ tầng, không có khả năng xuất khẩu, không có khả năng thu đổi ngoại tệ, chỉ cung cấp điện trong nước.
Ý họ muốn ghi cụ thể hơn, tôi nghĩ điều này Quốc hội cho ý kiến thảo luận, có nên ghi cụ thể hơn quyền của Chính phủ không thì Quốc hội cho phép.
Vấn đề tranh chấp
Vấn đề thứ hai về tranh chấp. Vấn đề này cũng hiểu nhầm một ý. Thực ra chúng ta đã ký Hiệp định bảo hộ đầu tư với tất cả các nước, chỉ còn một số rất ít nước ở châu Phi, vùng Caribê và Nam Mỹ thì chưa ký và đang tiếp tục ký. Mặt khác ta chuẩn bị ký các thỏa thuận chung giữa Việt Nam với các nước thành viên WTO và cam kết của WTO với tổ chức giải quyết trọng tài quốc tế chung, ta chuẩn bị tham gia công ước đó.
Trong tất cả các hiệp định đã ký song phương, tranh chấp xử lý như thế nào, trọng tài quốc tế hay trọng tài Việt Nam ra sao, xử lý mối quan hệ giữa nhà đầu tư với các cơ quan quản lý Việt Nam đều có hết. Tôi nghĩ trong vấn đề này ta có thể xem xét để hoàn chỉnh thêm chứ không có vấn đề gì lớn!
Hệ thống đăng ký và cấp phép mới
Vấn đề thứ ba họ nêu là vấn đề hệ thống đăng ký và cấp phép mới. Hiện nay đối với nhà đầu tư nước ngoài ta làm rất chặt nhưng cũng chỉ là một giấy. Luật này mở ra rất nhiều, đúng theo lộ trình Việt Nam cam kết với Hoa Kỳ trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ BTA.
Ta đã cam kết trong đó là đối với các dự án đầu tư có quy mô dưới 20 triệu đô la thì thực hiện chế độ đăng ký cấp phép, trên 20 triệu đô la thẩm định và cấp phép. Cam kết như vậy, hiện nay ta đưa 300 tỷ đồng là 20 triệu đô la thì đăng ký cấp phép, trên 20 triệu đô là thẩm định cấp phép.
Ghi ưu đãi trên giấy phép đầu tư
Thứ tư là việc ghi ưu đãi trên giấy phép đầu tư. Hiện nay, tất cả các giấy ưu đãi đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đều được ghi trong giấy phép cho dù nhỏ hay lớn. Ban soan thảo ban đầu cũng định, đối với nước ngoài ghi hết vào giấy phép cho họ, nhưng khi bàn lại nó nhỏ quá, ghi rất phức tạp. Hơn nữa để áp dụng dần quy chế tự khai, hậu kiểm tốt hơn!
Nhưng khi tiếp cận với cơ quan thuế và tài chính, họ bảo rất khổ khi ưu đãi đầu tư: ''Nếu các vị ghi vào giấy phép, chúng tôi cũng theo đó là bao nhiêu thuế đất, bao nhiêu phần trăm doanh thu, cứ đúng mà nộp, tôi chẳng phải làm cái gì cả! Bây giờ hàng năm tôi lại đi xin năm nay 15%, năm sau 10%, rất cực''.
Hệ thống đăng ký đầu tư rất đơn giản nhưng hệ thống thuế, hải quan của mình rất phức tạp, họ nói như thế.
Các nhà đầu tư trong nước cũng muốn kê khai ngay từ đầu. Nhiều doanh nghiệp nói rằng: "Chúng tôi muốn những ưu đãi mà doanh nghiệp chúng tôi được hưởng phải xác định trên giấy đến cơ quan tài chính và cơ quan hải quan. Tôi chỉ việc đưa ra rồi đóng theo thu nhập của tôi năm nay là 15%, cả giấy phép là 15%. Chứ bây giờ tôi đi xin lại năm nay 15%, năm sau 17%, cực vô cùng!''. Họ rất ngại chỗ này, cho nên ưu đãi ghi như thế nào trong giấy phép thì họ nêu là có lý!
Chúng tôi cố gắng hết sức để tất cả các điều khoản rõ ràng, minh bạch bằng Nghị định. Chúng tôi đã dự thảo các Nghị định kèm theo. Giấy phép đầu tư nội dung như thế nào, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư cũng đã dự thảo. Trong này nêu rất cụ thể các nội dung của từng điều, từng khoản, từng phần phải kê khai. Ông Phúc giải trình.
- Văn Tiến
lược ghi
Ý kiến một "người trong cuộc" về Luật đầu tư
Dự Luật đầu tư vẫn được thông qua?