221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
728194
Dự luật đầu tư có khả năng nảy sinh thêm nhũng nhiễu?
1
Article
null
Dự luật đầu tư có khả năng nảy sinh thêm nhũng nhiễu?
,

(VietNamNet) - Đó là lo ngại của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) về dự thảo Luật đầu tư. Chúng tôi coi đây là đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

VietNamNet xin đăng tải bài phát biểu của ông Vũ Tiến Lộc và phân tích của Tổng thư ký Hiệp hội VAFI. 

Bất lợi cho nhà đầu tư trong nước chứ không phải nước ngoài

Soạn: AM 609643 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Vũ Tiến Lộc:  Những tín hiệu phát đi từ Việt Nam sẽ là tín hiệu quan trọng nhất đối với việc nhà đầu tư nước ngoài có vào Việt Nam hay không trong thời gian tới.

Bước lùi của Luật đầu tư chính là ở điểm này chứ không phải ở ưu đãi hay bảo hộ, khuyến khích đầu tư. Nhưng điểm lùi này là đối với các nhà đầu tư, kinh doanh trong nước chứ không phải với nhà đầu tư nước ngoài. 

Thủ tục đối với nhà đầu tư nước ngoài được thiết kế trong dự thảo này, về căn bản đã kế thừa và thuận lợi hơn so với những điều kiện về thủ tục trong Luật đầu tư nước ngoài hiện nay. Đối với nhà đầu tư kinh doanh nước ngoài khi vào Việt Nam đầu tư thì họ phải đăng ký. Nước nào cũng làm như vậy và Luật đầu tư cũ của chúng ta cũng như vậy. 

Tôi nghĩ trong dự thảo lần này chúng ta đề cập đến thủ tục đối với nhà đầu tư nước ngoài thì không còn vấn đề nhiều để bàn. Nhưng với nhà đầu tư, kinh doanh trong nước có sự khác biệt tương đối lớn. Vì theo Luật doanh nghiệp hiện hành và theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước thì các nhà đầu tư kinh doanh trong nước không phải đăng ký đầu tư, họ chỉ thực hiện đăng ký kinh doanh. 

Trong phạm vi đăng ký kinh doanh họ được tiến hành các hoạt động đầu tư mà không phải đăng ký ở cơ quan đầu tư. Thế nhưng theo yêu cầu của luật này, ngoài đăng ký kinh doanh, nhà đầu tư phải đăng ký đầu tư với 3 mức độ khác nhau: đăng ký đầu tư, đăng ký đầu tư có chứng nhận và mức độ đăng ký đầu tư có thẩm định. 

Dự án trong nước dưới 300 tỷ đồng không phải đăng ký? 

Về đăng ký đầu tư có thẩm định, ý kiến chung là nhất trí. Bởi vì đối với những dự án quan trọng, có quy mô lớn, dự án có điều kiện đầu tư cần đảm bảo thì không có vấn đề gì cả. 

Tuy nhiên, đối với dự án thuộc nhóm 1, nhóm 2 (có nghĩa là đăng ký đầu tư, đăng ký đầu tư có chứng nhận) thì còn có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng trên cơ sở những ý kiến mà chúng tôi tiếp nhận được, nói chung, kiến nghị với Quốc hội cho phép thực hiện quy định hiện hành đối với đầu tư trong nước đối với dự án đầu tư thuộc nhóm 1, 2. Có nghĩa là không phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư mà chỉ thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh và tiến hành các hoạt động kinh doanh, đầu tư. 

Tất nhiên, Ban soạn thảo có nêu ra lý do muốn làm cho quá trình đầu tư được thực hiện minh bạch hơn, rõ ràng hơn và tạo ra cơ sở quản lý tốt hơn, tạo ra thông tin cho nhà đầu tư và khách hàng… Nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi, không nên đặt cho Luật đầu tư và cơ quan quản lý đầu tư chức năng quá phạm vi của họ. 

Việc đảm bảo cho hoạt động kinh doanh ở Việt Nam được tiến hành một cách minh bạch, đúng pháp luật, được bảo đảm bởi cả hệ thống pháp luật liên quan kinh tế và tất cả các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến doanh nghiệp, chứ không phải chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tất cả những hoạt động diễn ra trong lĩnh vực đầu tư, nếu nói rằng trách nhiệm của cơ quan đầu tư, thuộc trách nhiệm của Luật đầu tư thì tôi cho rằng điều đó không chính xác. Cho nên Luật đầu tư, như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, mục tiêu chủ yếu là tạo ra những điều kiện để khuyến khích, bảo hộ, ưu đãi đầu tư. Cũng có đại biểu đề nghị, nên đặt tên là Luật đầu tư hay là Luật khuyến khích, bảo hộ, ưu đãi đầu tư. 

Nhũng nhiễu có thể xảy ở nơi minh bạch nhất

Soạn: AM 609661 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Những người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp chưa hài lòng với bản dự thảo lần này của Luật đầu tư.

Như trên tôi đã nói, riêng với nhà đầu tư nước ngoài cần có quy định riêng về thủ tục đầu tư. Điều này trong quá trình hội nhập quốc tế chúng ta cũng không phải lo lắng vì cái nguyên tắc về đối xử quốc gia không yêu cầu các nhà đầu tư kinh doanh trong và ngoài nước phải bình đẳng về thủ tục đầu tư mà chỉ bình đẳng về ưu đãi, biện pháp bảo đảm đầu tư về thuế, giá… 

Cho nên, tôi nghĩ cần phải thực hiện hệ thống thủ tục đầu tư khác biệt giữa nhà đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước. Nếu theo tinh thần như vậy, các quy định đặt ra đối với dự án đầu tư trong nước, căn bản giữ theo các quy định hiện hành. Nếu chúng ta thực hiện hình thức đăng ký đầu tư, một cách tự động hay có chứng nhận, đó là biện pháp, theo tôi, mang tính hình thức, không đạt được hiệu quả quản lý. 

Bởi vì các dự án đầu tư chỉ là ý định của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư có thể đăng ký rất nhiều dự án nhưng có thể thực hiện được rất ít do những thay đổi môi trường kinh doanh, do ý định của họ thay đổi… Nếu như thông tin đó giúp cho công tác quy hoạch, định hướng cho nhà đầu tư thì điều đó theo tôi cũng không mang lại tác dụng. 

Bởi lẽ, thông tin này cũng không đáng tin cậy nếu chỉ là thông tin đăng ký đầu tư mà có xác nhận, thẩm tra. Việc đăng ký đầu tư với nhóm 1, với 98% các dự án đầu tư hiện nay sẽ gây tốn kém rất nhiều về chi phí, mất thời gian, thậm chí cả tiền của của doanh nghiệp. Nhà nước phải bỏ ra ngân sách khá lớn để vận hành bộ máy phục vụ cho việc tiếp nhận, xử lý, lưu trữ các mẫu đăng ký đầu tư với hàng triệu dự án đầu tư. Mà cái đó không có tác dụng thiết thực bao nhiêu! 

Thứ ba là nó rất dễ phát sinh những tiêu cực, nhũng nhiễu. Mặc dù nhiều quy định pháp luật của chúng ta rất rõ ràng, đương nhiên, nhưng trong quá trình doanh nghiệp và công dân tiếp cận với cơ quan chính quyền không phải bao giờ cũng được đối xử như vậy. Và sự nhũng nhiễu có thể xảy ra ngay cả những chỗ pháp luật minh bạch nhất. 

Do đó, bất cứ thủ tục gì sinh ra dù là đơn giản cũng có nguy cơ gây ra sự sách nhiễu, tiêu cực trong hoạt động hàng ngày của cơ quan công quyền liên quan đến doanh nghiệp. 

Nên biết tiếp thu 

Còn kiến nghị của cộng đồng kinh doanh ngoài nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc có thông báo là không có vấn đề gì lớn. Chúng tôi đề nghị nếu thực sự không có vấn đề gì lớn trong ý kiến của cộng đồng kinh doanh ngoài nước với ý kiến của Ban soạn thảo thì chúng ta nên chấp nhận tiếp thu. 

Bởi vì đối với chúng ta trong thời gian tới, việc tăng cường thu hút đầu tư từ các thị trường công nghệ nguồn như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ có tính chất quyết định đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tiếng nói của các Phòng thương mại Mỹ, Australia, EU chính là tiếng nói đại diện cho các cộng đồng kinh doanh đó. 

Nếu tiếp thu mà không ảnh hưởng đến quan điểm, đến vấn đề lớn trong chiến lược của chúng ta thì nên tiếp thu và thông báo cho họ. Còn họ hiểu nhầm thì ta cũng cần gặp gỡ, trao đổi cho rõ. Mỗi tín hiệu phát ra từ các cộng đồng kinh doanh này đều có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. 

Chúng ta đã vất vả rất nhiều trong việc thuyết phục, động viên, vận động họ đầu tư vào Việt Nam. Những tín hiệu phát đi từ Việt Nam sẽ là tín hiệu quan trọng nhất đối với việc nhà đầu tư nước ngoài có vào Việt Nam hay không trong thời gian tới.

Dự thảo Luật đầu tư có khả năng khuyến khích tiêu cực?

Trao đổi với VietNamNet, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, với việc tạo ra nhiều giấy phép con, dự thảo Luật đầu tư có nguy cơ ‘bóp chết’ bất kỳ dự án đầu tư nào của những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá và khuyến khích tiêu cực.

Hàng ngàn DN sẽ bị ách tắc vốn đầu tư!

Soạn: AM 607757 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tổng thư ký VAFI Nguyễn Hoàng Hải.

"Hàng ngàn doanh nghiệp cổ phần hoá mà nhà nước nắm giữ 30% cổ phần trở lên sẽ phải chịu thêm nhiều giấy phép con khi toàn bộ các dự án đầu tư của doanh nghiệp phải trình lên bộ, UBND tỉnh, tổng công ty để tổ chức và quyết định. Đồng thời, họ còn phải mất những khoản tiền phi lý để thuê những tổ chức ‘chân gỗ’ đóng vai trò thẩm định, sẽ không tránh khỏi tình trạng nhiều doanh nghiệp tư vấn có quan hệ ‘ruột’ với cơ quan nhà nước…". Ông Nguyễn Hoàng Hải cảnh báo.

Theo ông Hải, "quy định như vậy là quay trở về cách quản lý DNNN, không có gì mới mà chỉ khuyến khích quan liêu, tham nhũng!".

Ông cho rằng: "Nếu không sửa đổi những quy định này, hàng ngàn doanh nghiệp cổ phần hoá sẽ bị ách tắc vốn đầu tư. Một dự án đầu tư chỉ vài chục triệu đồng có khi phải chờ vài tháng hoặc hàng năm trời.

Quy định này tạo ra nguy cơ ‘bóp chết’ bất kỳ dự án đầu tư nào của những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá.

Các nhà đầu tư tài chính, nhà đầu tư chiến lược cũng sẽ rất ngần ngại khi đầu tư cổ phiếu vào các doanh nghiệp cổ phần hoá vì có quá nhiều rủi ro về thủ tục hành chính và nạn tham nhũng. Nếu như vậy thì thị trường vốn Việt Nam sẽ rất khó phát triển vì hiện nay cổ phiếu các doanh nghiệp cổ phần hoá đang là những hàng hoá nòng cốt".

Để quản lý đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, ông Hải cho biết VAFI thống nhất kiến nghị: ‘Vốn của Nhà nước đầu tư vào tổ chức kinh tế được thực hiện qua Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Tổng công ty này hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp nhà nước và có luật có liên quan, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước’.

Mập mờ và rắc rối

Điểm 2, Khoản 2, Điều 67 của dự luật này quy định: "Các dự án nhà nước có vốn góp chi phối, cổ phần chi phối sau khi được chấp thuận đầu tư, chủ đầu tư phải thẩm định để quyết định đầu tư".

"Quy định này hết sức mập mờ, khó hiểu và rắc rối! Thế nào là dự án nhà nước có vốn góp chi phối, cổ phần chi phối? Phải chăng là một dự án đầu tư gắn với thành lập doanh nghiệp mà nhà nước nắm cổ phần chi phối? Cũng có thể hiểu là một dự án hợp tác giữa công ty tư nhân và công ty nhà nước, trong đó vốn nhà nước chi phối? Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn đề cập tới là tất cả dự án đầu tư không phân biệt quy mô vốn tại các doanh nghiệp mà cổ phần nhà nước ở mức chi phối", ông Nguyễn Hoàng Hải lo lắng.

Theo ông, tại các tập đoàn đa quốc gia có vốn hàng trăm tỷ đôla, một nhà đầu tư nắm 5% trở lên được coi là giữ cổ phần chi phối. Tại Việt Nam, một công ty đại chúng, nhà đầu tư nắm trên 20% được coi là chi phối. Nếu vậy không nên dùng khái niệm cổ phần chi phối mà nên quy định "nhà nước nắm giữ 51% cổ phần trở lên".

Điểm 3, Điều 67 quy định ‘báo cáo quyết toán vốn đầu tư của dự án có sử dụng vốn nhà nước phải được kiểm toán’ Nếu vậy thì có những dự án chỉ vào trăm triệu đồng cũng phải kiểm toán sao? Trong khi có thể doanh nghiệp có 51% nhà nước không chịu nghĩa vụ kiểm toán? 

"Vì vậy cần quy định, báo cáo quyết roán vốn đầu tư của dự án trên 5 tỷ đồng của doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 51%/vốn điều lệ phải được kiểm toán", ông Hải kiến nghị.

Ai là người có thẩm quyền quyết định đầu tư? 

Theo điểm 2 Điều 72 thì ‘tổ chức được giao làm đại diện cổ phần chi phối của nhà nước sẽ là người có thẩm quyền quyết định đầu tư và tổ chức thẩm định…’. Ông Hải cho rằng, quy định như thế này là trái với Luật doanh nghiệp, trái với quy chế quản lý phần vốn nhà nước trong công ty cổ phần.

Vì trong công ty cổ phần, nhà nước chỉ là một cổ đông, cho dù là cổ đông đa số. Mọi hoạt động trong công ty cổ phần phải tuân thủ Điều lệ công ty, phải có sự bàn bạc dân chủ tại Đại hội cổ đông cũng như Hội đồng quản trị. Chủ đầu tư của công ty cổ phần chính là các cổ đông. Mọi vấn đề về góp ý, giám sát đầu tư, thẩm định do Điều lệ doanh nghiệp quy định. Cơ quan đại diện cổ phần nhà nước muốn can thiệp thì phải thông qua người đại diện của mình trong công ty cổ phần.

Tương tự, Điều 74, dự thảo Luật đầu tư quy định ‘dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên thì phải đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ… Quy trình và thủ tục lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu’ là quá áp đặt về quyền quản trị kinh doanh của doanh nghiệp. 

Ông Hải đưa ra 2 phương án: Một là khuyến khích thực hiện đấu thầu; hai là chỉ dự án đầu tư của doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ từ 51%/vốn điều lệ (trừ dự án thuộc bí mật quốc gia) mới phải đấu thầu để chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hoá, xây lắp cho dự án.

  • Văn Tiến

Luật đầu tư: "Không phải cứ vào lịch là thông qua!"
Dự Luật đầu tư: ''Nhất cử nhất động'' đều phải... đăng ký!
Dự Luật đầu tư vẫn được thông qua?
Bộ trưởng KH-ĐT: Vì sao sẽ thông qua Luật Đầu tư?
Ý kiến một "người trong cuộc" về Luật đầu tư

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,