221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
728564
Đừng để " cổ phần hoá" biến thành... "tư nhân hoá"!
1
Article
null
Đừng để ' cổ phần hoá' biến thành... 'tư nhân hoá'!
,

(VietNamNet) - "Tư nhân hoá" ở đây được hiểu là một số lãnh đạo và quan chức khi cổ phần hoá DNNN cố tình đánh giá thấp tài sản của Nhà nước để mua, thâu tóm doanh nghiệp tay mình, thực chất là chiếm đoạt tiền và tài sản của Nhà nước. 

Soạn: AM 611037 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Nguyễn Đình Cung: Chủ sở hữu Nhà nước bán giá đúng như giá thị trường, chứ đừng có bán rẻ! 

Ý kiến này của ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban chính sách KT Trung ương, Viện nghiên cứu KT chiến lược Trung ương và là thành viên Ban soạn thảo Luật doanh nghiệp.

Lạm dụng quyền lực để... "tư nhân hoá"

- Thưa ông, một thực trạng trong quá trình cổ phần hoá được người ta nhắc nhiều đến là một số lãnh đạo DNNN và quan chức cố tình đánh giá rất thấp tài sản nhà nước để mua, thâu tóm doanh nghiệp vào tay mình. Hoặc coi công ty như của riêng mình, không tôn trọng các quyền của cổ đông. Theo ông, làm thế nào để khắc phục tình trạng này? 

- Những người quản lý DNNN ở cương vị nào cũng chỉ là người được uỷ quyền. Nhưng họ bao giờ cũng có thông tin đầy đủ hơn về tài sản, giá trị, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Những người trong cuộc biết rất rõ. Còn với tư cách Nhà nước, thông tin không có, mù mờ, là chủ sở hữu mà không biết giá trị tài sản doanh nghiệp là bao nhiêu. 

Trong khi đó, cơ chế cổ phần hoá của mình như người ta nói là cơ chế khép kín, mua bán nội bộ. Cơ chế khép kín như thế, rõ ràng những người định giá, thực hiện, mua thấp hơn so với giá thực tế. Một là người ta mua theo chế độ, hai là người ta mua lại của những cán bộ, công nhân viên. 

Thực ra mà nói, công nhân viên không biết giá trị đích thực tài sản này là bao nhiêu. Khi những cán bộ, công nhân viên đã được mua theo chế độ, sau đó bán với giá gấp 2-3 lần đã thấy sướng lắm! Nhưng thực chất giá có thể cao hơn nhiều! Cuối cùng người ta hoàn tất việc thâu tóm một doanh nghiệp hoặc một tài sản của nhà nước về tay mình. Lúc đó, cổ phần hoá đã biến thành "tư nhân hoá" rồi!? 

Sắp tới, khi chúng ta thực hiện chuyển đổi sang công ty cổ phần mà không thiết lập được cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu một cách đích thực mà Nhà nước thông qua hàng loạt các cấp đại diện thì vấn đề này còn trở nên nghiêm trọng hơn. Những người được uỷ quyền có nguy cơ lạm dụng quyền lực vì người ta có thông tin. 

- Tức là do cơ chế cổ phần hoá thiếu công khai, minh bạch, thưa ông? 

- Luật quy định rất rõ cơ chế công khai, minh bạch. Vấn đề chỉ là tổ chức thực hiện. 

Áp lực "cổ phần hoá" sẽ khiến "tư nhân hoá" mạnh hơn?

- Có một vấn đề "hậu" cổ phần hoá: Các bộ, tổng công ty, địa phương đại diện phần vốn của Nhà nước chỉ là một cổ đông nhưng vẫn áp đặt cách quản lý như đối với DNNN? 

- Không thể có chuyện đó! Bởi vì thiết chế công ty là một thiết chế dân chủ theo đồng vốn. Ai nhiều vốn người đó có quyền quyết định chứ không phải một thiết chế hành chính, tôi có quyền này, anh không có quyền kia. Nếu như vậy trái với nguyên tắc hoạt động của công ty. 

- Nhưng một đại biểu Quốc hội đã phản ánh chuyện ở DNNN đã cổ phần hoá: tổng công ty thay giám đốc mà không đợi ý kiến của Hội đồng quản trị? 

- Quyết định đó không hợp pháp! Không hợp pháp thì không tuân theo! 

- Thủ tướng Phan Văn Khải có lần nói " để chậm cổ phần hoá, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm". Thực ra cổ phần hoá đã rất chậm rồi nhưng có chưa có ai bị xử lý? 

- Quan điểm của tôi khác! Cổ phần hoá chỉ là công cụ nâng cao hiệu quả của DNNN. Nó chỉ là công cụ, không phải là mục tiêu. Cho nên mình phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện để cổ phần hoá, đừng để tài sản của nhà nước biến thành của tư nhân vì áp lực phải cổ phần hoá. 

Bình thường cứ chần chừ không làm, đến lúc kế hoạch phải làm mà không chuẩn bị đầy đủ thì có nguy cơ dẫn tới "tư nhân hoá". Phải chuẩn bị kỹ các điều kiện, đánh giá tài sản… 

Chủ sở hữu Nhà nước bán giá đúng như giá thị trường, chứ đừng có bán rẻ! 

Siêu bộ quản lý, kinh doanh vốn Nhà nước? 

- Một đầu mối quản lý và kinh doanh vốn của Nhà nước trong doanh nghiệp, theo ông, nên giao cho một bộ hay lập một tổng công ty? 

- Theo tôi nên thành lập một cơ quan riêng biệt, độc lập tương đương một bộ thuộc Chính phủ. Không phải là cơ quan quản lý hành chính nhà nước mà được thiết chế như một cơ quan kinh doanh. 

- Như vậy liệu có mập mờ giữa quản lý hành chính nhà nước và kinh doanh của doanh nghiệp? 

- Phải tách ra hai việc. Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp là quản lý hành chính nhà nước. Tất cả các doanh nghiệp đều được quản lý như nhau. Ví dụ về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động… Còn thực hiện quyền chủ sở hữu, bổ nhiệm Hội đồng quản trị, anh có quyền can thiệp trực tiếp vào Hội đồng quản trị, thậm chí can thiệp gián tiếp xuống cả giám đốc điều hành. 

Hội đồng quản trị mà phát hiện những điều không phù hợp có thể nhắc nhở giám đốc điều hành… Chuyện thực hiện quyền chủ sở hữu, anh đặt mục tiêu thế nào thì can thiệp thế ấy. 

- Nhiều ý kiến cho rằng, đó phải là một cơ quan siêu bộ, bởi vì phần vốn đầu tư của Nhà nước rất lớn…? 

- Đó là tư duy theo lối giá trị theo cấp bậc hành chính. Vấn đề là mình giao quyền cho họ nhưng cũng phải có cơ chế giám sát họ đạt được mục tiêu mình mong muốn. Chứ không phải so sánh siêu bộ hay không siêu bộ! 

Người ta làm được - mình cũng sẽ làm được

- Có nghĩa là một bộ có thể đủ sức làm công việc này, thưa ông? 

- Có đủ sức không có mấy vấn đề. Một là có giao cho anh đúng quyền hay không? Hai là có bố trí đủ người, đủ năng lực thực hiện quyền đó? Ba là thực hiện chế giám sát như thế nào chứ đừng nghĩ bộ to hay nhỏ. 

Các công ty của mình chỉ mười mấy tỷ đôla, đối với nước mình là lớn nhưng so với nước ngoài chỉ bằng một tập đoàn bình thường. Người ta làm được không có lý do gì mình không làm được! 

- Vậy cơ chế giám sát phải như thế nào để đồng vốn của nhà nước được bảo toàn và sinh lợi? 

- Cứ tưởng tượng một công ty đa quốc gia, tài sản của họ có thể đến hơn 100 tỷ đôla, đầu tư trên toàn cầu khoảng 4.000-5.000 công ty con. Họ quản lý thế nào thì ta quản lý thế đó. Mọi sự đều phải cơ chế luôn tách biệt quyền chủ sở hữu và quyền quản lý cho nên trình tự, thủ tục hoạt động luôn có cơ cấu giám sát. 

Nghĩa là trong suốt quá trình anh làm bất cứ người nào cũng bị giám sát, giám sát nội bộ hay giám sát từ bên ngoài. 

Bất kỳ công việc gì cũng luôn luôn bị đánh giá theo kết quả. Ví dụ một công ty con đặt một kế hoạch tài chính năm nay là 10 tỷ xuất khẩu, hàng tháng anh phải đánh giá xem tiến độ thực hiện thế nào. Nếu không được thì anh cũng phân tích tại sao không được, lý do thế nào, trách nhiệm của ai? Nếu được anh cũng phân tích tại sao, ai được thưởng? Những thông tin như thế anh phải tổng hợp lại và chuyển về hội sở trung tâm. 

Ở ta, người giám sát cuối cùng là Quốc hội. Hàng năm Chính phủ phải báo cáo ra Quốc hội kết quả quản lý và kinh doanh vốn nhà nước đã được kiểm toán. Chuyện đấy phải làm!

Thiếu "chủ sở hữu đích thực", cổ phần hoá thành "tư nhân hoá" sẽ nghiêm trọng hơn! 

4 năm chạy đua

- Dự thảo Luật doanh nghiệp (chung) đưa ra lộ trình 4 năm kể từ khi Luật này có hiệu lực (dự kiến từ 1/7/2006) để chuyển đổi DNNN thành công ty cổ phần và công ty TNHH một thành viên. Có đại biểu Quốc hội băn khoăn, 10 năm qua chúng ta cổ phần hoá không được bao nhiêu, bây giờ đưa ra lộ trình 4 năm khó thực hiện được? 

- Trong khoảng 10 năm chúng ta mới cổ phần hoá được 8-9% số vốn, mà đó là những doanh nghiệp nhỏ. Bây giờ 4 năm làm sao làm được 90% còn lại? Băn khoăn đó có lý! Nhưng làm Luật (doanh nghiệp) là nhìn về tương lai chứ không phải nhìn lại quá khứ. 

Hơn nữa, nhìn về tương lai có mấy yếu tố mới. Một là chưa bao giờ tôi thấy thảo luận tại Quốc hội nêu được một cách gay gắt, thể hiện một ý rất rõ và dứt khoát về việc chuyển đổi, cải cách DNNN. Thứ hai là những Nghị quyết của Đảng gần đây nói về vấn đề này đậm nét, cụ thể, thể hiện quyết tâm chính trị và định hướng rõ ràng hơn trước. Thứ ba là đòi hỏi của hội nhập kinh tế quốc tế. 

Lúc này không phải anh muốn nữa mà thực chất DNNN phải chuyển đổi để trở thành một đối tác bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Đây chính là những yếu tố mới đòi hỏi thời hạn 4 năm phải hoàn thành chuyển đổi DNNN. 

- Vậy có nghĩa chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành cổ phần hoá DNNN chỉ trong 4 năm, thưa ông?

- Trả lời " thực hiện được" không có một chữ "nếu". Tôi cho rằng cần phải thay đổi một cách căn bản cơ chế, thể chế và phương thực quyền chủ sở hữu nhà nước đối với tài sản của nhà nước trong các doanh nghiệp đúng như một cổ đông từ Trung ương đến địa phương. 

Mình nhìn vào ‘chaebol’ (tập đoàn) ở Hàn Quốc như Daewoo, Samsung, đứng đầu là một gia đình chỉ đạo suốt một nhóm công ty. Hình dung DNNN của mình như một nhóm công ty như thế. Chính phủ phải thực hiện tập trung thống nhất quyền chủ sở hữu của mình giống như một gia đình thâu tóm thì lúc đó mới thực hiện được. Bất cứ hoạt động dưới này, dù công ty cấp 2, 3, 4, 5… thì cũng có một hệ thống thông tin thông suốt. Lúc nào chủ sở hữu cũng cập nhật được những diễn biến của quá trình kinh doanh bên dưới để biết tài sản của mình đang đầu tư ở chỗ nào, nằm ở đâu, hoạt động ở ngành nào, sinh lợi được bao nhiêu… 

Tất cả những cái đó phải đánh giá cập nhật được. Tất nhiên một ngày, một đêm, một tháng, một năm không làm được mà phải kéo dài chắc vài năm. Nhưng phải có thời điểm bắt đầu, "nếu" càng nhanh bao nhiêu thì quá trình chuyển đổi đúng như cam kết càng sớm bấy nhiêu! 

- Xin cảm ơn ông! 

  •   Văn Tiến 
    thực hiện

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,