(VietNamNet) - Mặc dù Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thông báo trước QH đã tổ chức làm việc với các phòng Thương mại Châu Âu, Mỹ và Úc với kết quả khả quan, nhưng cả ba vị Chủ tịch của các Phòng Thương mại này đều khẳng định, từ đó đến nay, họ vẫn chưa được "làm việc" với đại diện Bộ KH-ĐT (MPI) về Luật đầu tư (?).
VietNamNet
đã có cuộc trao đổi với ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng thương mại Châu Âu (EuroCham), Tom O'Dore, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ (Amcham) tại Hà Nội và ông Joshua Magennis, Chủ tịch Phòng thương mại Úc (Auscham) về Luật đầu tư và tiếp tục nhận được cảnh báo: Nếu luật này được thông qua sẽ làm quy định về đầu tư "thụt lùi vào đúng thời điểm cần tiến lên mạnh mẽ" và là một thông điệp tiêu cực với giới đầu tư.Nhà đầu tư nước ngoài chưa nhận được phản hồi về thư kiến nghị
- Cho tới nay, các ông đã có buổi làm việc hay trao đổi với MPI về những vấn đề trong thư kiến nghị chưa?
Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc thông báo trước Quốc hội chiều 4/11: "Vừa qua, các vị ĐBQH có nhận được một số ý kiến của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Úc và EU tại Việt Nam. Nội dung ba thư này có phản ánh rằng Luật đầu tư là thụt lùi, thậm chí nếu ban hành đẩy tiến trình đổi mới lùi lại và làm chậm bước tiến đổi mới của Việt Nam. Chúng tôi đang tổ chức làm việc với họ và trao đổi lại. Cuối cùng, khi trao đổi chúng tôi đã tập trung vào 4 vấn đề. Và tôi nghĩ không có vấn đề gì lớn cả!". |
Alain Cany: Chúng tôi không hề có một cuộc thảo luận nào cả. Và tới nay, Eurocham vẫn giữ nguyên quan điểm của mình về dự Luật đầu tư.
Joshua Magennis: Cho tới nay, Phòng Thương mại Úc chưa nhận được bất kỳ lời mời nào tới làm việc hay trao đổi với những người có trách nhiệm về dự luật này. Và tôi cũng chưa thấy bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ gặp chúng tôi hay sẽ có phản hồi về lá thư kiến nghị của chúng tôi.
Tom O'Dore: Sau khi lá thư được gửi đi, chúng tôi có được mời đến gặp MPI.
Tuy nhiên, đó lại là cuộc họp đã được Sứ quán Mỹ lên lịch từ trước: phiên họp kinh tế. Vì thế, sự tham dự của chúng tôi trong phiên họp khá hạn chế và chúng tôi không có cơ hội nào để trình bày về những điểm kiến nghị của chúng tôi trong lá thư gửi Quốc hội.
Như thế, chúng tôi vẫn chưa đạt được sự đồng thuận nào đối với những điểm kiến nghị cụ thể cả.Có một điểm mà tôi muốn nhấn mạnh là thực chất, dự luật này sẽ tác động nghiêm trọng tới các nhà đầu tư trong nước. Vì thế, bất kỳ cuộc gặp nào cũng cần có sự hiện diện của các DN trong nước. Nhưng theo hiểu biết của tôi thì điều này cũng chưa xảy ra.
Sức ép WTO? Vẫn còn thời gian để sửa luật
- Có cảm giác rằng, các nhà soạn thảo luật đang bị sức ép thời gian khi phải thông qua dự luật này cho kịp với tiến trình gia nhập WTO?
"Đây là một cơ hội lớn để các ĐBQH đứng lên và nói: Hãy giải quyết những tranh cãi xung quanh dự luật. Chúng ta cần thêm thời gian để xem xét. Và chúng ta có thời gian để làm điều đó. Điều đó không chỉ tốt cho Quốc hội mà còn là một thông điệp cực kỳ tích cực với thế giới rằng: Quốc hội đang làm tốt trách nhiệm của mình". Tom O'Dore |
Tom O'Dore: VN phải thông qua rất nhiều luật mới để đáp ứng đòi hỏi của WTO. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ tạo ra sức ép với bất kỳ ai. Tôi hiểu rằng, nhiều bộ ngành của VN đang phải đối mặt với sức ép. Quốc hội cũng phải chịu sức ép.
Nhưng việc VN gia nhập WTO chắc chắn không diễn ra vào năm nay, vậy thì không cần thiết phải cố làm đến cùng để thúc đẩy thông qua dự luật Đầu tư.
Vì thế, Quốc hội không cần thiết phải cảm thấy sức ép thông qua dự luật này. Điều quan trọng hơn là VN thà thông qua chỉ một dự luật tốt còn hơn là thông qua rất nhiều luật không phù hợp chỉ để gia nhập WTO.
Tại sao không tận dụng thời gian còn lại để nói chuyện với các doanh nghiệp VN, doanh nghiệp Nhật, châu Âu, Mỹ,...để đạt được một sự ủng hộ? Rõ ràng, việc làm tốt và làm đúng ngay từ đầu sẽ tốt hơn rất nhiều là thông qua rồi sau đó lại chỉnh sửa. Quốc hội sẽ tốn công sức hơn vào việc này.
Khoảng trống cho người thi hành: chỉ tạo thêm cơ hội cho nhũng nhiễu!
- Liên quan đến ưu đãi đầu tư, một quan chức nói rằng, khoảng trống sẽ được dành cho người thi hành. Ngoài ra, một quan chức MPI nói rằng, theo thông lệ quốc tế, các ưu đãi đầu tư thường không được ghi trên giấy phép mà được cấp sau khi đã kiểm tra dự án. Các ông nghĩ sao?
Joshua Magennis:
Đúng là nhiều nước làm như vậy. Nhưng vấn đề ở chỗ là hệ thống thực thi của họ cởi mở và minh bạch hơn nhiều. Còn với VN, quy định như vậy sẽ chỉ tạo thêm càng nhiều khoảng trống để người thi hành làm theo ý mình và cơ hội nhiều hơn cho tham nhũng.Luật hiện tại liên quan đến hệ thống ưu đãi đầu tư cũng không hoạt động một cách hoàn hảo. Trong nhiều trường hợp, cơ quan thuế không tôn trọng ưu đãi đầu tư được ghi trên giấy phép. Thường thì các nhà đầu tư sẽ chìa ra giấy phép đầu tư của MPI, trên đó có ghi rõ những ưu đãi. Song, nhiều khi, rất khó để được Tổng cục Thuế thông qua. Trên cương vị là Chủ tịch Phòng Thương mại Úc, tôi đã nhận được khá nhiều phàn nàn từ các thành viên là họ đã gặp phải vấn đề này.
Alain Cany: Nên có những chỉ dẫn rõ ràng trong luật. Các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm sự ổn định pháp lý và không muốn phụ thuộc vào những quyết định tuỳ hứng của những người thi hành.
Việc không ghi rõ ưu đãi đầu tư sẽ dẫn tới chuyện các nhà đầu tư tranh cãi với cơ quan thuế về quyền lợi của họ.
Tom O'Dore: Tôi nghĩ rằng có khá nhiều ngành trong bộ máy xuất hiện hiện tượng: ý định ở cấp cao thì rất tốt. Họ nỗ lực thông qua một dự luật đầu tư tốt, khuyến khích cho đầu tư phát triển. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng khi xuống đến các cấp thực hiện, mọi việc vẫn hoàn hảo.
Đó là lý do mà chúng tôi muốn ưu đãi đầu tư được ghi ngay vào giấy phép nhằm hạn chế bớt khoảng trống tự do cho những người thi hành.
Khó thuyết phục VN là nền kinh tế thị trường!
- Vậy, điều gì khiến các nhà đầu tư cảm thấy bất cập nhất trong dự thảo lần này?
Joshua Magennis:
Mục đích của luật, theo những gì chúng tôi đã được nghe và những gì được viết ra trên giấy không giống nhau. Auscham cũng đã soạn thảo công phu kiến nghị thay đổi một số điểm của luật nhưng theo như tôi biết, chưa có một phản hồi nào.Tôi nghĩ rằng sẽ dự luật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc xếp loại VN có phải là nền kinh tế thị trường hay không. Một nền kinh tế thị trường thực sự không phải là nền kinh tế mà các lực lượng thị trường phải xin cấp phép trong một số giới hạn nào đó từ phía chính phủ.
Alain Cany: Có 1 số điểm trong dự thảo khiến các nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan ngại mà chúng tôi đã trình bày trong thư kiến nghị là: bảo lãnh chính phủ, giải quyết tranh chấp, hệ thống cấp phép, ưu đãi đầu tư,
Chẳng hạn, hệ thống cấp phép và đăng ký 2 bước, yêu cầu các nhà đầu tư phải đăng ký thành lập doanh nghiệp trước khi nhận được đăng ký/giấy phép đầu tư. Trước đây, các nhà đầu tư trong và ngoài nước chỉ mất 1 bước để thực hiện việc này.
Rõ ràng, đây là một bước thụt lùi và mâu thuẫn với mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài
Sự minh bạch của tiến trình cấp phép cũng là vấn đề. Dự luật không quy định một tiêu chuẩn nào về cấp phép. Như thế sẽ chỉ tạo cơ hội cho những người trong cuộc và không tạo ra một sân chơi công bằng.
Ngoài ra, còn vấn đề thế chấp. Tôi thấy rằng, có nhiều hạn chế đối với hoạt động ngân hàng ở VN. Hoạt động tài chính của nước ngoài sẽ thuận lợi hơn nếu ít nhất là không có ngăn cản nào đối với vấn đề cho phép các ngân hàng nước ngoài nhận thế chấp thông qua các chi nhánh VN. Thế chấp nên được cho phép ngay cả sau khi ngân sách dự án đã được lập.
Tom O'Dore: Tôi cũng muốn nói nhiều hơn tới hệ thống đăng ký và cấp phép. Hệ thống cấp phép cho thấy Nhà nước can dự khá nhiều, kể cả các dự án nhỏ cũng phải qua đăng ký.
Ngoài ra, hệ thống đăng ký và cấp phép sẽ gây nhiều khó khăn và phiền hà hơn cho các doanh nghiệp trong nước. VN sẽ mất nhiều thời gian hơn và nhiều lập luận hơn để có thể chứng tỏ với phần còn lại của thế giới rằng: VN là một nền kinh tế thị trường.
- Nhưng các nhà soạn thảo lập luận rằng dự luật lần này khá rộng mở với các nhà đầu tư nước ngoài?
Tom O'Dore: Tôi chắc rằng đó là ý định của ban soạn thảo và ý định đó thật tốt đẹp. Ban soạn thảo nỗ lực để tạo ra một môi trường bình đẳng hơn giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng vẫn có một số lĩnh vực cụ thể trong dự luật không phù hợp với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chúng tôi cảm kích và hết lòng ủng hộ tầm nhìn đúng đắn của dự luật, nhưng vẫn còn một số điểm cụ thể mà theo chúng tôi, cần phải thay đổi.
Joshua Magennis: Tôi không thấy điều đó. Ngay cả đối với các nhà đầu tư trong nước, mọi việc cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Việc kinh doanh của các nhà đầu tư trong nước, thậm chí còn khó hơn các nhà đầu tư nước ngoài.
Tôi không nghĩ rằng dự luật làm cho việc kinh doanh của các DN nước ngoài trở nên dễ dàng hơn. Trái lại, có nhiều thứ trở nên mập mờ hơn trước, nhiều khoảng trống dễ xảy ra tiêu cực hơn.
Tóm lại, đó là một mặt bằng chung tồi hơn cho cả 2 phía: nhà đầu tư trong và ngoài nước.
-
Việt Lâm
thực hiện
Tin liên quan:
VietNamNet:
Dự luật đầu tư có khả năng nảy sinh thêm nhũng nhiễu?
Luật đầu tư: "Không phải cứ vào lịch là thông qua!"
Dự Luật đầu tư: ''Nhất cử nhất động'' đều phải... đăng ký!
Dự Luật đầu tư vẫn được thông qua?
Bộ trưởng KH-ĐT: Vì sao sẽ thông qua Luật Đầu tư?
Tuổi trẻ:
Vì môi trường đầu tư thuận lợi
Xem lại dự Luật đầu tư
Luật đầu tư có khả năng đi ngược với thực tế
Dự thảo Luật đầu tư: “Cần dựa trên tư duy của người bỏ vốn”
Các chuyên gia nước ngoài cảnh báo
Dự thảo Luật Đầu tư chung: Thêm phiền hà