221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
734017
Sẽ ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân vào năm 2006
1
Article
null
Sẽ ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân vào năm 2006
,

(VietNamNet) - Quốc hội đã nhất trí để Chính phủ trình Luật thuế thu nhập cá nhân vào kỳ họp thứ 10 cuối năm 2006 để có sự chuẩn bị kỹ hơn trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực hiện Pháp lệnh thuế thu nhập cao.

>> Chờ thu nhập của người dân cao hơn mới ra luật?

Trình Luật trưng cầu ý dân vào cuối năm 2006

Quốc hội chiều 19/11 đã thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006 với 71,86% đại biểu tán thành.

Soạn: AM 624267 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết.

Theo đó, kỳ họp thứ 9 tháng 5/2006. Quốc hội sẽ thông qua 11 dự án luật (trong đó sửa Luật tổ chức Quốc hội), 1 nghị quyết (về tiêu chuẩn các công trình quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư). Cho ý kiến 13 dự án luật, đáng chú ý là Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Luật về hội; Luật quản lý thuế, Luật cư trú. Luật đăng ký bất động sản.

Kỳ họp thứ 10 cuối năm 2006, Quốc hội thông qua 14 dự án luật, cho ý kiến về 12 dự án luật. Trong đó, một số dự án quan trọng được cho ý kiến là Luật thuế thu nhập cá nhân, sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Chính phủ, Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình; Luật trưng cầu ý dân, Luật công vụ, Luật các vùng biển Việt Nam, Luật khiếu nại và giải quyết khiếu nại, Luật tố cáo và giải quyết tố cáo.

Chuyển Luật thuế thu nhập cá nhân vào cuối năm 2006 (dự kiến tháng 5/2006), theo giải trình của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh, là để chuẩn bị kỹ hơn trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thực hiện Pháp lệnh thuế thu nhập cao. Như vậy, Luật này theo trình tự sẽ được xem xét, thông qua vào kỳ họp đầu năm 2007.

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng có ý kiến: “Quốc hội muốn sớm ban hành luật này để kiểm soát thu nhập cá nhân, chống tham nhũng nhưng nếu tính khả thi không cao thì dân phản đối. Theo tôi, luật này thực hiện vào năm 2009 thì tốt hơn”.

Bộ luật thi hành án, mặc dù đã cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 nhưng còn nhiều tranh cãi nên cũng được chuyển xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Trong 11 dự án pháp lệnh sẽ ban hành năm 2006, đáng chú ý Nghị quyết của UBTVQH về giao dịch dân sự nhà ở có yếu tố nước ngoài được xác lập trước 1/7/1991, Pháp lệnh công nghệ cao, Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở.

Quốc hội cũng đưa vào chương trình chuẩn bị năm 2006 các dự án: Luật kế hoạch hoá, Luật đặc xá, Luật bồi thường nhà nước, Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, Luật dân tộc; Luật đầu tư xây dựng cơ bản; Luật thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản của cá nhân, tổ chức, Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng...

Sau khi cân nhắc, Quốc hội đã rút dự án Pháp lệnh quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khỏi chương trình 2006 để giao Chính phủ quy định cụ thể trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp.

Quốc hội sẽ giám sát tối cao về đất đai

Chiều 19/11, Quốc hội cũng đã thông qua chương trình hoạt động giám sát năm 2006 với 72,06% đại biểu tán thành.

Quốc hội lần lượt các kỳ 9 và 10 sẽ giám sát tối cao về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật đất đai; việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lần lượt các kỳ 9 và 10 giám sát: việc các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật tố tụng dân sự; việc thực hiện cổ phần hoá DN nhà nước.

Năm 2006, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội giám sát 8 chuyên đề  thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho họ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; việc chấp hành pháp luật trong thi hành án hình sự; tình hình thực thực hiện Pháp lệnh dân quân tự vệ và Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên; về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề; tình hình thực hiện pháp luật về dân số, người cao tuổi, người tàn tật; việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; việc thực hiện các hiệp định về biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng.

Quốc hội cũng nhất trí với đề nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, không đưa nội dung giám sát kết quả 1 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng (dự kiến có hiệu lực từ 1/6/2006) vào kỳ họp thứ 10 vì thời gian quá ngắn. Thay vào đó, yêu cầu Chính phủ báo cáo với Quốc hội tình hình thực hiện phòng, chống tham nhũng từ sau kỳ họp thứ 8 đến kỳ họp thứ 10.

Cũng trong ngày 19/11, Quốc hội đã thông qua Luật sở hữu trí tuệ và Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Hai luật này đều có hiệu lực từ 1/7/2006.

  • Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,