(VietNamNet) - Dự thảo Luật đầu tư trình ra QH chiều 21/11 đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hơn nhưng nhiều ĐB chưa hài lòng. QH quyết định dành 1 buổi để nghe ý kiến các ĐB hiện hoặc từng là doanh nghiệp và phát phiếu riêng lấy ý kiến của các ĐB này, trước khi xem xét, thông qua Luật đầu tư vào 29/11 tới.
Đừng để DN phải đăng ký "lắt nhắt"
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên đọc thẩm tra dự Luật đầu tư. |
Trước bức xúc của nhà đầu tư về ''nhất cử nhất động về đầu tư'' phải đăng ký, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách (thẩm tra Luật đầu tư) Nguyễn Đức Kiên cho biết đã tiếp thu. Dự án dưới 15 tỷ đồng trước đó quy định phải đăng ký thì nay không phải đăng ký; dự án 15 tỷ đồng đến 300 tỷ từ chứng nhận đầu tư thành chỉ cần đăng ký. Dự án trên 300 tỷ đồng vẫn giữ thẩm định đầu tư.
''Cơ sở nào chúng ta ấn định 15 tỷ đồng mà không phải là 10 hay 20 tỷ đồng? Trong khi Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) tiến tới dự án dưới 20 triệu USD, tương đương 300 tỷ đồng, không phải đăng ký'', ĐB Nguyễn Đức Dũng (Kom Tum) thắc mắc.
Chính vì vậy, theo ông, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, khảo sát lại, nâng mức vốn phải đăng ký lên, ''tránh bắt doanh nghiệp lắt nhắt, đăng ký đi, đăng ký lại''.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): |
Mong Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết giải toả những kiến kiến nghị của đại biểu, nhà đầu tư trong nước, đối tác nước ngoài, tránh nhiễu thông tin để đại biểu Quốc hội yên tâm.
Ngày 4/11, Bộ trưởng nói trước Quốc hội đã làm việc với các Phòng thương mại Mỹ, EU, Úc để tiếp thu ý kiến của họ nhưng ''ngày 17/11, phát biểu trên VietNamNet, họ nói chưa hề được hồi âm''. |
Cùng quan điểm, ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) cho rằng, ngày càng nhiều dự án trên 15 tỷ đồng ''mới dao động phải đăng ký''. Điều này làm cồng kềnh, phình bộ máy quản lý đầu tư nhưng thực tế không quản lý được, gây ra nhũng nhiễu.
''Dự án mới là ý tưởng trên giấy phải đăng ký, nhiều doanh nghiệp theo dõi thì khó cạnh tranh. Doanh nghiệp khác biết được, làm chặn đầu thì gây ra lãng phí'', ĐB Nguyễn Thành Long (TP.HCM), lên tiếng. Theo ông, dự án trong nước dưới 300 tỷ đồng không phải đăng ký.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Tôn Nữ Thị Ninh đã tiếp xúc cử tri ''nhóm chuyên gia kinh tế'' cho biết: ''Họ kiến nghị bỏ thủ tục đăng ký đầu tư. Có chế tài phạt rõ ràng nếu doanh nghiệp không báo cáo tài chính định kỳ theo Luật doanh nghiệp''.
Lo ngại Luật đầu tư phát sinh nhiều thủ tục
Thủ tục đầu tư trong dự thảo Luật vẫn là lo lắng của nhiều đại biểu. ĐB Đỗ Trọng Ngoạn đồng tình, thẩm tra đầu tư đã được rút gọn vào một số nội dung: sự phù hợp về quy hoạch, nhu cầu sử dụng đất, tiến độ dự án... Tuy nhiên, ông đề đạt: ''làm sao, thủ tục này chỉ một cửa''; đồng thời các tiêu chí thẩm tra phải đưa vào luật để tránh Bộ Kế hoạch và Đầu tư ''đẻ'' thêm thủ tục phiền hà.
ĐB Lê Huy Luyện (Bà Rịa - Vũng Tàu) yêu cầu phải tăng cường ''hậu kiểm'' theo dõi tiến độ dự án đầu tư. Ông dẫn chứng một số dự án treo, hoặc đầu tư nhỏ giọt để ''xí chỗ, cản trở nhà đầu tư đến sau''.
Thể hiện thái độ lo âu, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân (ĐB An Giang) thẳng thắn: ''Luật đầu tư thụt lùi chính là về thủ tục (trong Chương VI) dẫm chân lên Luật doanh nghiệp. Phát sinh thêm thủ tục, gây nhũng nhiễu và khó khăn cho doanh nghiệp''. Ông kiến nghị bỏ phần chống lấn này.
Qua tiếp xúc với Phòng thương mại EU, bà Tôn Nữ Thị Ninh chuyển tới Quốc hội thông điệp: ''Họ đã nhận được dự thảo mới nhất của Luật đầu tư và bày tỏ hài lòng chúng ta đã tiếp thu phần lớn kiến nghị của họ''. Tuy nhiên, theo bà Ninh, họ vẫn còn băn khoăn, quan ngại về thủ tục đầu tư.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng dẫn lời ''nhóm chuyên gia kinh tế'' phàn nàn, dự thảo luật mới nhất vẫn có chỗ trùng lắp, dẫm chân lên Luật doanh nghiệp; chưa giải quyết triệt để thủ tục hành chính phức tạp. Họ kiến nghị không gộp chung giấy phép kinh doanh và đầu tư, quy định rõ tiêu chí thẩm tra, không lập thanh tra đầu tư...
Chốt lại các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được cho biết, Quốc hội sẽ tổ chức riêng một buổi nghe ý kiến của những người trong cuộc là đại biểu Quốc hội hiện hoặc từng là doanh nghiệp.
Quốc hội sẽ phát phiếu riêng lấy ý kiến của các đại biểu này, trước khi lấy ý kiến toàn thể Quốc hội về những vấn đề lớn của Luật đầu tư, trước khi xem xét, thông qua Luật này vào 29/11 tới.
Cũng trong ngày 21/11, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật doanh nghiệp.
- Văn Tiến
Cơ quan soạn thảo Luật Đầu tư nói gì?
"Sửa luật đầu tư cho đúng: Chỉ mất 5 phút!"
Tiếp tục cảnh báo về sự "thụt lùi" của Luật đầu tư!
Dự luật đầu tư có khả năng nảy sinh thêm nhũng nhiễu?
Luật đầu tư: "Không phải cứ vào lịch là thông qua!"
Dự Luật đầu tư: ''Nhất cử nhất động'' đều phải... đăng ký!
Dự Luật đầu tư vẫn được thông qua?
Bộ trưởng KH-ĐT: Vì sao sẽ thông qua Luật Đầu tư?