(VietNamNet) - Sau nhiều lần được Ban soạn thảo gia công chỉnh sửa, vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 8, QH khóa 11, Luật Đầu tư đã được thông qua với 77,3% số đại biểu tán thành.
"Thoáng, thuận nhất cho nhà đầu tư"
Không hoàn toàn như quan ngại của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trước khi thông qua, bản dự thảo cuối của Luật Đầu tư đã được sửa đổi theo "nguyện vọng của các DN".
Cách đây ít ngày, trong cuộc trò chuyện riêng với PV VietNamNet về Luật Đầu tư, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách, ông Hoàng Thanh Phú, cho biết: "Ban soạn thảo và Uỷ ban thẩm tra đã xem xét tất cả những ý kiến của đại biểu Quốc hội, kể cả các ý kiến tham gia của các nhà doanh nghiệp và một số chuyên gia để tiếp thu, chỉnh sửa".
Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách Đặng Văn Thanh, người trực tiếp chủ trì thẩm tra dự án Luật Đầu tư cũng khẳng định: "Thủ tục đang ký đầu tư đã được giải quyết ở mức thoáng nhất, thuận lợi nhất đến mức có thể cho nhà đầu tư".
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Đặng Văn Thanh.
"Thủ tục thực hiện ưu đãi đầu tư được chỉnh sửa theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn của nhà đầu tư, giảm bớt thủ tục giấy tờ, đáp ứng nguyện vọng của nhà đầu tư" - theo nhận xét của Chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên.
Trước đó, nhận được những phản hồi gay gắt của độc giả là các doanh nghiệp và nhà đầu tư về những quy định bất hợp lý trong bản dự thảo cũ của Luật Đầu tư, VietNamNet đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài, đại diện Ban nghiên cứu của Thủ tướng, cơ quan soạn thảo Luật Đầu tư và nhiều quan chức khác, cũng như giới doanh nghiệp để tìm hướng giải quyết.
"Một giấy" hay "hai giấy: Theo nguyện vọng nhà đầu tư
Tiếp thu đáng kể các ý kiến đóng góp, Luật Đầu tư đã được Ban soạn thảo sửa đổi đáng kể từng vấn đề.
Ông Kiên cho biết, mong muốn của QH và cơ quan soạn thảo là thực hiện một cửa, một giấy nhằm cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Song, do các nhà đầu tư trong nước còn e dè về tính khả thi của một cửa, một giấy nên vẫn tha thiết đề nghị áp dụng 2 giấy (không ghép nội dung đầu tư và đăng ký kinh doanh vào một giấy).
Theo hướng này, Luật Đầu tư quy định 2 giấy cho nhà đầu tư trong nước. Ông Hoàng Thanh Phú cho biết, việc áp dụng quy định này sẽ không xảy ra tình trạng chồng lấn giữa thủ tục đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư, bởi "hai giấy này coi như riêng biệt".
Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Hoàng Thanh Phú.
"Đúng ra thiết kế một giấy thì anh vừa đầu tư nhưng đồng thời hình thành doanh nghiệp thì chỉ làm một lần, nay phải làm hai lần. Hồ sơ của anh dính đến đầu tư (trên 300 tỷ đồng hoặc có điều kiện) thì bây giờ anh phải tách ra làm hai giấy: đăng ký kinh doanh và chứng nhận đầu tư". Ông Phú giải thích.
Còn với nhà đầu tư nước ngoài, vẫn áp dụng chung một giấy như hiện hành.
Dự án đầu tư nước ngoài có vốn từ 15 tỷ đến dưới 300 tỷ chỉ cần đăng ký đầu tư.
Về thủ tục ghi ưu đãi đầu tư, Luật này quy định, đối với nhà đầu tư trong nước, nếu có yêu cầu xác nhận ưu đãi đầu tư thì làm thủ tục đăng ký để cơ quan quản lý ghi ưu đãi đầu tư vào Giấy chứng nhận đầu tư.
Với dự án đầu tư dưới 300 tỷ và dự án không có điều kiện của nhà đầu tư trong nước thì không cần ghi ưu đãi đầu tư trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chỉ cần đăng ký đầu tư.
Đối với dự án đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện được hưởng ưu đãi sẽ ghi ngay ưu đãi vào Giấy chứng nhận đầu tư.
Hiện, nội dung Luật quy định sẽ thực hiện một cửa trong đăng ký đầu tư. Nhưng, theo trả lời của Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách Đặng Văn Thanh, "một cửa mà thực chất vẫn qua nhiều cửa".
Chặng đường còn lại...
QH biểu quyết thông qua Luật Đầu tư |
Tuy nhiên, để Luật đi vào cuộc sống và phù hợp với thực tế, có thể sẽ là một chặng đường dài nữa.
Nói về trách nhiệm chính trị của các Bộ trưởng đối với nhiệm vụ ban hành luật, chính sách, tác giả Duy Thanh viết: "Là người đề xuất chính, nếu chính sách tốt thì Bộ trưởng phải được khen thưởng, còn nếu chính sách làm trì trệ nền kinh tế thì Bộ trưởng phải... chịu trách nhiệm.
...Trong trường hợp QH không nhất trí mà Bộ trưởng vẫn thuyết phục ĐB QH thông qua, thì QH sẽ thông qua nhưng nếu sau này phát sinh vấn đề thì Bộ trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm trước QH. Tất nhiên, khi đó QH cũng sẽ mất uy tín trước cử tri".
Kể từ 1/7/2006, Luật Đầu tư sẽ có hiệu lực thi hành...
- L.A