221
1682
Đối ngoại
doingoai
/chinhtri/doingoai/
774718
25 ngày giữa Trung Đông: Sống chung với đánh bom tự sát
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
25 ngày giữa Trung Đông: Sống chung với đánh bom tự sát
,

(VietNamNet) - "Đừng ngạc nhiên nếu khi đi dạo trên đường phố Israel bạn bắt gặp nhiều người dân mang súng". Lời dặn dò của Đại sứ Israel tại Hà Nội Effie Ben-Mattye, cùng những tin tức về nhiều vụ đánh bom tự sát xảy ra như cơm bữa khiến tôi bước chân lên máy bay đi Tel Aviv trong trạng thái như bước vào một cuộc chiến đầy căng thẳng.

Tường trình của phóng viên VietNamNet trong 25 ngày giữa điểm nóng Trung Đông:
Soạn: AM 727277 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Phóng viên Việt Lâm chụp cùng các nhân viên LHQ giám sát hòa bình ở biên giới Israel - Jordan.

Phóng viên VietNamNet đã có mặt tại Trung Đông để ghi nhận về một vùng đất đang là điểm nóng chiến sự với những vụ đánh bom tự sát đẫm máu, đồng thời cũng là "Miền đất Thánh", nơi chào đời của ba tôn giáo lớn trên thế giới.

Ở nơi đây, mỗi một viên đá cũng có thể kể với bạn một câu chuyện đầy mê hoặc và đậm màu huyền thoại...

Thấp thỏm

Soạn: AM 727255 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Những người dân ở Katsmen đang chuẩn bị cho lễ hội Purim. Ảnh: Việt Lâm.
Vì một sự cố nhầm lẫn giới tính trên vé máy bay, tôi bị nhân viên sân bay chặn lại, kiên quyết không cho bay sang Bangkok. Chuyến bay đành hoãn lại tới tối, đồng nghĩa với việc tôi chỉ có đúng 30 phút để nối chuyến sang Tel Aviv.

Sự khởi đầu không suôn sẻ, lại bay đến một vùng đất mà hễ nhắc đến tên, mọi người đều liên tưởng ngay tới đánh bom khủng bố khiến tôi không khỏi có cảm giác lo lắng.

Israel chào đón tôi bằng một loạt các thủ tục an ninh "rắc rối" ngay tại cổng lên máy bay tại sân bay Bangkok. Hành lý bị xáo tung. Những nhân viên an ninh có gương mặt lạnh lùng rà đi soi lại từng thứ đồ dùng bằng một dụng cụ giống bàn chải đánh răng.

Chai dầu gội đầu của tôi được đưa vào một cái máy đo nồng độ chất độc. Laptop, camera, máy ghi âm cũng được đưa vào máy soi nhằm kiểm tra xem có phải là thiết bị kích nổ hay không. Mọi thao tác được thực hiện như máy, không bỏ sót bất cứ một chi tiết nào.

"Cho dù đã đưa ra thư viết tay của Đại sứ quán Israel, trong đó nói rõ người này là khách mời của Bộ Ngoại giao Israel, sang dự một Hội thảo Quốc tế về truyền thông, tôi vẫn không được hưởng bất cứ một biệt lệ nào".

Một nhân viên an ninh vác ra một bản kiểm kê to đùng và bắt đầu hỏi tôi một loạt các câu hỏi: có quen ai ở Israel không? Đi theo chương trình nào? Trước khi đi có ai nhờ gửi đồ không? Có gặp ai ở Israel? Vân vân và vân vân...

Sự kiểm tra an ninh gắt gao này khiến cho những du khách lần đầu tới Israel cảm giác như con người ở đây lúc nào cũng thấp thỏm sợ hãi khủng bố.

Chỉ trong vòng vài năm từ khi phong trào intifada của người Palestine bùng phát năm 2000, hàng chục các vụ đánh bom tự sát đã xảy ra trên nhiều vùng của Israel, cướp đi sinh mạng hàng trăm người.

Bước chân vào các nhà hàng, quán cafe, siêu thị hay những nơi đông người luôn có một nhân viên bảo vệ kiểm tra túi xách của khách. Kể từ khi các vụ đánh bom tự sát diễn ra, các nhà hàng đều có ý thức tự thuê nhân viên từ các công ty tư nhân bảo vệ an toàn cho khách. Trên đường tới Jerusalem, thỉnh thoảng lại có một vài người lính trẻ măng trong bộ quân phục rằn ri bồng súng đi lại.

"An ninh đã trở thành một điều thật tự nhiên, là cuộc sống thường nhật của chúng tôi", bà Hava Karie, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Hợp tác Quốc tế, nơi diễn ra cuộc hội thảo dành cho các phóng viên nước ngoài giải thích.

Sống chung với đánh bom tự sát

Chiều bình yên trên bến cảng Haifa (Israel). Ảnh: Việt Lâm.

Nếu không có những thủ tục an ninh rắc rối tại sân bay hay sự hiện diện của những nhân viên đứng canh tại các nhà hàng, siêu thị với khẩu súng lấp ló, tôi đã ngỡ mình đang đến một thành phố châu Âu nào đó bởi không khí yên bình đến nao lòng ở Haifa, thành phố Cảng miền Bắc Israel.

Những thảm hoa dại vàng rực trong ánh nắng màu mật ong ngày cuối đông. Làn gió Địa Trung Hải mang theo hơi lạnh thổi qua những ngôi nhà lúp xúp trên đồi cao. Không người dân nào mang súng đi trên đường. Những nhà hàng vẫn tấp nập khách ra vào.

Haifa đón những người khách lạ bằng tất cả sự nhiệt tình và hiếu khách của mình.

Hai tiếng Việt Nam đã nhận được không ít thiện cảm từ những người Israel mà chúng tôi đã gặp. Erik Friedman, một thanh niên Do Thái 31 tuổi, khi biết tôi và cô bạn đồng nghiệp đến từ Hà Nội vồn vã mời chúng tôi đến nhà chơi và cùng anh đi dự tiệc sinh nhật anh rể mà không hề để ý đây chỉ là những khách lạ qua đường.

Erik đã từng rong ruổi khắp Việt Nam suốt ba tháng trời. Dù không được báo trước, gia đình chị gái Erik vẫn đón tiếp chúng tôi một cách niềm nở.

Trên bãi biển Haifa, một nhóm các cô gái vừa rời trường Đại học ríu rít chào chúng tôi. "Chào mừng các bạn đến với Israel (Welcome you to Israel)". Một cô gái hỏi: "Bạn là người Trung Quốc?", "Không, tôi đến từ Việt Nam". "Ồ, Việt Nam, tôi thích nơi đó lắm".

Tiếng cười trẻ trung như ngưng đọng lại trong một không gian thật thanh bình.

Chúng tôi bước chân lên xe buýt mà không gặp bất kỳ sự kiểm soát an ninh nào. Một người phụ nữ trung niên thấy người lạ mỉm cười. Ngay cạnh đó là một điểm tưởng niệm vụ đánh bom xe buýt năm 2003 đã cướp đi mạng sống của 17 người.

Đối với những gia đình có thân nhân bị giết trong các vụ đánh bom khủng bố, vượt qua được nỗi đau là cả một hành trình đầy khó khăn.

Đã 5 năm trôi qua kể từ ngày Malka Chana Roth ra đi nhưng cha mẹ cô, ông bà Arnold và Frimet vẫn không thể quên nổi hình ảnh của con gái mình.

Gương mặt tươi tắn lấp loá sau cặp kính trắng với nụ cười rộng mở, cô bé vĩnh viễn giã từ cuộc sống ở tuổi 15. Cùng với 149 người khác, cô bé là nạn nhân của vụ đánh bom đẫm máu tại Nhà hàng Sbarro, Jerusalem ngày 9/8/2001.

"Nếu lúc đó nó để ý tới người thanh niên đeo hộp đàn ghi ta sau lưng bước qua cánh cửa không có người bảo vệ và ngồi ngay gần chỗ nó đang nhắn tin trên máy di động, liệu Malki có nhận ra vẻ hận thù ánh lên trên khuôn mặt gã đó trước khi hắn nổ tung không?", Arnold day dứt.

Ngày Malki ra đi, mẹ cô bé thu dọn đồ đạc và thấy quyển nhật ký của em đầy những câu hỏi ám ảnh về chết chóc, thương vong hàng ngày.

"Làm thế nào mà những điều khủng khiếp như thế này lại có thể xảy đến với dân tộc tôi? Tại sao những đứa trẻ lại bị giết vì những người mà chúng tôi không hề có thù oán gì? Làm sao mà những thù hận cứ tồn tại trên cõi đời này?".

Arnold và con gái.

"Những dấu hỏi nhức nhối mà con gái tôi đã để lại cứ gào thét lên trong tôi mỗi ngày", Arnold kể.

Giờ đây, đứng trước các phóng viên nước ngoài, 5 năm sau cái chết của con gái, gương mặt người cha không còn ánh lên vẻ đau đớn. Arnold, cùng vợ đã thành lập Quỹ Keren Malki mang tên con gái mình, một tổ chức nhân đạo chuyên giúp đỡ các trẻ em tật nguyền. Họ miệt mài đi nhiều nơi, lập trang web kêu gọi mọi người góp tiền để mua thiết bị hỗ trợ tại gia cho những trẻ em tật nguyền. Với họ, đó là cách duy nhất để vượt qua tấn thảm kịch của gia đình mình.

Giống như Arnold Roth, Boaz Shabo đã mất vợ và ba con trai trong một vụ đánh bom ở Itamar. Người đàn ông này trở thành người nội trợ và người bảo vệ cho bốn đứa con còn lại.

Chìm đắm trong men say suốt một thời gian cho đến khi Shabo chợt nhận ra, mình phải tiếp tục sống vì bốn đứa con. Hiện nay, Shabo đang làm việc không biết mệt mỏi cho Hakav Hamached, một tổ chức giúp đỡ các trẻ em bị ung thư và các căn bệnh hiểm nghèo khác.

"Cuộc sống vẫn tiếp diễn"

"Chúng tôi đã sinh ra từ trong máu, từ trong khói lửa chiến tranh" (We were born in fire and blood). Yehoshua Erlich, một giáo viên tiếng Tây Ban Nha nói như một lời giải thích cho thắc mắc vì sao người Israel có thể sống một cách bình thản như vậy trước mối đe doạ chết chóc.

 

Những người phụ nữ trong 1 làng Arab tại Haifa tươi cười chào du khách lạ. Ảnh: Việt Lâm.

Chỉ cho chúng tôi xem một bức ảnh chụp đại gia đình mình trong những năm 20 ở Ba Lan, Yehoshua cho biết, quá nửa trong số này đều đã chết tại trại tập trung Auswitch, trong đó có hai người chú của ông.

Rất nhiều người ở lứa tuổi của Arnold là con cái của những nạn nhân đã sống sót trở về từ các trại tập trung. "Khi chào đời, hầu hết chúng tôi đều mất ông bà. Bạn bè tôi đều được đặt theo tên của những thành viên trong gia đình đã bỏ mạng ở các trại giết người của Đức Quốc xã".

"Mẹ tôi lớn lên ở Lodz, một thị trấn gần biên giới Ba Lan - Đức, nơi bị quân đội Nazi (Đức Quốc xã - NV) giày xéo trong ngày đầu tiên của cuộc chiến. Trong số những người đàn ông bị quân xâm lược vây bắt có bố của bà, người ông mà tôi đang mang tên.

Là một người cha, tôi đã phải hít hơi thở thật sâu để chịu đựng hình ảnh mẹ tôi quăng mình dưới chân một tên lính Đức Quốc xã, gào thét, van xin hắn cho bố tôi được sống. Vào cái ngày quân Nazi bắt đầu cuộc đại tàn sát người Do Thái ấy, mẹ tôi mới 15 tuổi", Arnold kể.

"Nếu bạn sắp xếp lại từ nỗi buồn trong tiếng Hebrew, bạn sẽ được từ cửa sổ, một nguồn ánh sáng. Trong đau thương, người ta có thể tìm thấy sự sáng suốt", Roi nói.

Lịch sử của dân tộc Do Thái được kể như một câu chuyện dài thương đau. Suốt hai thiên niên kỷ, người Babylon, người La Mã, người Persian, đế chế Ottoman, người Arab rồi lính Thập tự chinh phương Tây đã tiến hành hàng loạt cuộc chiến tranh đối với con cháu của vua Solomon và đẩy họ ra khỏi mảnh đất quê hương.

Cuộc sống lưu vong của người Do Thái là những chuỗi ngày hứng chịu sự kinh bỉ, rẻ rúng và xua đuổi của người bản địa. Hành trình cay đắng này chỉ kết thúc bằng một cuộc tàn sát kinh hoàng nhất trong lịch sử thế giới: 6 triệu người Do Thái bị giết trong các trại tập trung của phát xít Đức, để lại cho từ điển thế giới cái tên Holocaust.

"Lịch sử đau thương của dân tộc chúng tôi đã tạo nên sức chịu đựng với đau khổ và chết chóc", Yehoshua kết luận.

Đêm, Roi rủ chúng tôi đi vũ trường."Không sợ bị đánh bom sao?", tôi hỏi.

"Bố mẹ tôi đã trải qua quá nhiều cuộc tàn sát và giết chóc, và tôi luôn được dặn dò đừng bao giờ nhặt bất cứ vật lạ gì trên đường bởi chúng có thể nổ tung bất cứ lúc nào...Đó đã là một phần trong cuộc sống ở Israel. Nhưng dù thế nào, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn thôi", Roi nói.

  • Việt Lâm (từ Haifa,Israel)

Đón đọc: Vào điểm nóng Trung Đông: Khi cành ô liu nhuộm máu

Một tiếng nổ kinh hoàng. Khói cay xộc lên. Một mảng trần đổ sụp xuống. Máu. Tiếng người kêu rên vì đau đớn vang khắp nơi. Ba năm đã trôi qua, cụ Sharbel Mattar vẫn chưa thể quên những gì đã diễn ra trong cái ngày 4/10/2003 khủng khiếp tại tiệm ăn Maxim (Thành phố Haifa, Israel).

Vòng xoáy bạo lực "đánh bom tự sát - không kích trả đũa" tưởng chừng sẽ không bao giờ chấm dứt. Nhưng chúng tôi đã thấy xuất hiện những hạt mầm hy vọng Hoà bình...

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,