221
1682
Đối ngoại
doingoai
/chinhtri/doingoai/
795166
Hoàn tất đàm phán Việt Nam - Hoa Kỳ về WTO
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Hoàn tất đàm phán Việt Nam - Hoa Kỳ về WTO
,

(VietNamNet) -  11h30 sáng 13/5 (10h30 tối giờ Hà Nội), VietNamNet liên lạc với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến và được xác nhận chính thức từ ông: Đàm phán Việt - Mỹ đã xong!

Trái với sự căng thẳng và gấp gáp thường ngày, Đại sứ Chiến tỏ ra khá vui vẻ và thoải mái khi tiếp chuyện với VietNamNet. Ông hóm hỉnh kể về thời tiết: Trời Washington đã hết mây rồi! Nắng đang lên!

Tuy nhiên, ông Chiến từ chối tiết lộ những thông tin cụ thể về thỏa thuận vừa đạt được. Ông cũng nói thêm rằng, tuy đàm phán đã kết thúc nhưng Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn phía trước, trong đó có việc vận động để Quốc hội Mỹ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam.

Soạn: AM 776427 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đường vào WTO đã rộng mở với Việt Nam sau phiên đàm phán căng thẳng với Hoa Kỳ.

Trước đó, lúc 4h sáng 13/5 (tức 15h chiều 13/5, giờ Hà Nội), VietNamNet nhận được thông báo từ một nguồn tin đáng tin cậy từ Washington D.C: sau những giờ đàm phán rất căng thẳng và quyết liệt, Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về vấn đề gia nhập WTO.

Mặc dù những chi tiết của bản thoả thuận này chưa được công bố, nhưng thông tin VietNamNet có được cho thấy, những khúc mắc cơ bản nhất cản trở việc tìm kiếm tiếng nói chung giữa Việt Nam và Mỹ đã được giải quyết.

Được biết, những chi tiết cụ thể của thỏa thuận chưa thể công bố vì hiện nay, hai phía mới bắt đầu tiến hành công việc soạn biên bản. Theo nguồn tin trên, việc này sẽ mất khá nhiều thời gian vì hai bên phải rà soát văn bản hàng nghìn dòng, với từng dấu chấm, phẩy.

Một nguồn tin khác cho biết, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển sẽ có tuyên bố chính thức về kết quả đàm phán với Thông tấn xã Việt Nam tại Washington.

Biên bản thoả thuận song phương Việt - Mỹ sẽ được chuẩn bị để ký kết tại TP. HCM nhân dịp bà Đại diện Thương mại Susan Schwab sang dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC.

(VietNamNet tường thuật những diễn biến đàm phán dưới đây theo giờ Washington, cách Hà Nội 13 tiếng đồng hồ theo giờ GMT)

Bộ trưởng Tuyển hủy chuyến bay vào giờ chót

Vòng đàm phán Việt - Mỹ thứ 12 về gia nhập WTO đã trải qua những giờ phút cam go nhất. Đến sáng 12/5, mọi dấu hiệu cho thấy đàm phán sẽ thất bại nhưng hai bên đã nối lại thương thảo và đi tới được thỏa thuận trong những phút cuối cùng.

Đến 1h sáng 13/5, đoàn đàm phán Việt Nam vẫn đang ngồi chờ kết quả từ cuộc hội ý giữa Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển và lãnh đạo cấp cao phái đoàn Mỹ. Cuộc hội thảo này được đặt rất nhiều hy vọng, khi trước đó, mọi thỏa thuận giữa phái đoàn 2 phía tưởng chừng như đã không thể tìm được tiếng nói chung, khi mọi vướng mắc về dệt may vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Thậm chí, lúc 10h tối 12/5, vẫn chưa thấy bất kỳ thành viên nào rời khỏi phòng đàm phán tại Trụ sở Đại diện Thương mại Mỹ. Hồi 8h tối, một người Mỹ mang các túi cơm hộp vào phòng họp.

Soạn: AM 776499 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Trương Đình Tuyến trong một cuộc đàm phán. Ảnh: Tân Hoa Xã.

9h tối ngày 12/5, liên lạc điện thoại với đại diện ngoại giao Việt Nam tại Washington, báo giới chỉ nhận được những câu trả lời chung chung về thời tiết: "Ttrời đầy mây nhưng cũng có thể có nắng...".

Một thành viên trong đoàn đàm phán cho biết cả hai phía đều bước vào cuộc đàm phán với nỗ lực và quyết tâm cao, hy vọng khi rời phòng đàm phán có thể "có cái gì cầm tay".

Tuy không ai tiết lộ chi tiết nào về phiên đàm phán nhưng giọng nói đều lộ vẻ căng thẳng và mệt mỏi. Cũng không có thành viên nào có thể dự đoán được khi nào phiên đàm phán cường độ cao này sẽ kết thúc.

Nguồn tin riêng của VietNamNet cho hay, đến thời điểm này, hầu như mọi thông tin đều đã bị phong toả. Ngay cả các phóng viên giỏi săn tin của Mỹ cũng không biết được gì thêm về diễn biến trên bàn đàm phán.

Cũng nguồn tin này cho biết lúc 11h sáng 12/5, phiên đàm phán bổ sung giữa Việt Nam và Mỹ về vấn đề gia nhập WTO bắt đầu. Cuộc đàm phán với Mỹ về WTO đã kéo dài hơn dự kiến 1 ngày.

Được biết, xe của Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã không rời sứ quán đúng 9h sáng để ra sân bay rời Washington đi Manila dự Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN như dự định. Điều đó cũng có nghĩa là Bộ trưởng Tuyển sẽ ở lại Washington để quyết định những thoả thuận quan trọng theo như nhiệm vụ được giao.

Thông tín viên VietNamNet cho hay, sau một cuộc điện thoại lúc 5h sáng với Hà Nội, ông Tuyển đã quyết định huỷ chuyến bay, ở lại để trực tiếp chỉ đạo cuộc đàm phán rất cam go này.

4h sáng 12/5 theo giờ Washington, các thành viên đoàn đàm phán mới rời trụ sở Đại diện Thương mại Mỹ để về khách sạn nghỉ ngơi.

Điều đó có nghĩa, đoàn đàm phán Việt Nam chỉ có 5 - 6 tiếng đồng hồ để ngủ sau 19 tiếng làm việc liên tục.

Cuộc đấu trí căng thẳng

Như vậy, cuộc đàm phán quan trọng nhất quyết định tấm thẻ hội viên cho Việt Nam vào WTO đã sang đến ngày thứ 4, kéo dài hơn dự kiến 1 ngày.

Lúc 12h đêm 11/5, phía Việt Nam mới nhận được phản hồi từ phía Mỹ với những đòi hỏi mà chính giới doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến thị trường Việt Nam cũng đã phải thốt lên là “không thể nào chấp nhận được”: Mỹ kéo dài thời gian tới 12 năm đối xử với Việt Nam như là một nước chưa có kinh tế thị trường; áp đặt chế độ hạn ngạch lên hàng dệt may bất cứ khi nào Việt Nam có dấu hiệu bao cấp, trợ giá...

Đoàn đàm phán Việt Nam đã kiên nhẫn thương lượng cho tới gần 4 giờ sáng nhưng kết quả chỉ là một tín hiệu: Đôi bên còn có thể gặp lại vào chiều hôm sau.

Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển - người theo các cuộc đàm phán Việt Mỹ từ nhiều năm nay. Ảnh: AFP

10h30 tối 11/5 (giờ Washington), VietNamNet đã liên hệ với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến. Thông tin từ Washington cho biết, ông đang cùng đoàn đàm phán Việt Nam ngồi tại Trụ sở Đại diện Thương mại Mỹ để chờ phản hồi từ phía Mỹ.

Vào 8h tối 11/5 (tức 9h sáng, giờ Hà Nội), Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Susan Schwab. Sau đó, bà Schwab cùng phái đoàn đàm phán của Mỹ đã rút vào phòng riêng hội ý.

Trước đó, hai bên đã có cuộc thảo luận cực kỳ căng thẳng suốt từ 9h sáng cho tới 8h tối ngày 11/5.

Thông tín viên đặc biệt của VietNamNet từ Washington cho biết, các thành viên đoàn đàm phán Việt Nam đã có một ngày làm việc vất vả. Hầu như chưa có ai kịp ăn tối và vẫn đang ngồi chờ đợi tại trụ sở của Đại diện Thương mại Mỹ.

"Gai góc" dệt may

Mức độ căng thẳng của cuộc thương thảo Việt - Mỹ lần này đã được dự báo trước bởi hai phía đang đi tới những điểm cuối cùng. Tuy nhiên, sự căng thẳng và khó khăn trên thực tế đã vượt ra ngoài dự đoán.

Theo nguồn tin riêng của VietNamNet, vấn đề "gai góc" nhất khiến tiến trình đàm phán Việt - Mỹ kéo dài hơn dự định lại xuất phát từ Quyết định 55 của Việt Nam về huy động nguồn vốn 4 tỉ USD hỗ trợ dệt may (được đăng tải trên một tờ báo của Việt Nam).

Ngay trước khi hai bên bước vào đàm phán, tại cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, phía Mỹ đã đưa ra cảnh báo gay gắt về kế hoạch này, xem đó như là trợ cấp Chính phủ đối với ngành dệt may.

Trong khi đó, theo thống kê thực tế của phía Việt Nam thì trợ cấp của chính phủ trong ngành này chỉ vào khoảng 300 triệu USD.

Bộ trưởng Tuyển đã giải thích với phía Mỹ: đây là chính sách định hướng cho nhân dân để huy động vốn phát triển hiệu quả ngành dệt may. Bộ trưởng Tuyển chứng minh: với nguồn thu của Chính phủ Việt Nam không thể đủ sức có 4 tỷ USD trợ cấp cho ngành này.

Theo nguồn tin riêng của VietNamNet, vấn đề này đã gây ra căng thẳng giữa hai bên ngay trước giờ vào bàn thương lượng, thậm chí suýt dẫn đến việc huỷ bỏ đàm phán.

Một chuyên gia người Mỹ phân tích: sở dĩ Mỹ "làm căng" với Việt Nam vì những kinh nghiệm "cay đắng" của người Mỹ với Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc vào WTO, dệt may của nước này đã ồ ạt tràn vào thị trường Mỹ, nuốt chửng những nhà sản xuất nội địa.

Nếu hiểu được nỗi "ám ảnh" này của người Mỹ về sự lớn mạnh Trung Hoa, sẽ thấy sự "gay gắt" của Mỹ với vấn đề trợ cấp dệt may của Việt Nam là có cơ sở, ông này nói.

Hơn nữa, đối với Mỹ, dệt may luôn là vấn đề hết sức nhạy cảm về chính trị. Các tập đoàn dệt may nội địa luôn có tiếng nói trọng lượng đối với Quốc hội Mỹ.

Vì thế, theo lời chuyên gia trên, Việt Nam cần làm rõ với phía Mỹ rằng Việt Nam không phải là Trung Quốc, không đủ lực để "đổ hàng" vào nước Mỹ và Việt Nam cũng có cách làm ăn hoàn toàn khác với Trung Quốc.

"Cửa" vào WTO đã mở

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một quan chức trong Chính phủ Mỹ nói rằng: “Vấn đề bao cấp hàng dệt may (đang được thảo luận căng thẳng trong đàm phán) chỉ là một phần trong khung bao cấp rộng lớn mà Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam sửa đổi”.

Phía Mỹ coi những khoản đầu tư thông qua các công ty của Nhà nước là một kênh bao cấp quan trọng. Những chính sách khuyến khích đầu tư trong một số ngành nông nghiệp giờ đây đôi bên cũng phải nhìn nhận là “bao cấp”.

Những khoản đầu tư của nhà nước được coi là bao cấp này sẽ trở thành tiêu chí để phía Mỹ công nhận Việt Nam có phải là một nền kinh tế thị trường hay không để từ đó áp dụng những chính sách (bao gồm cả thuế) có lợi hay bất lợi với Việt Nam.

Ngoài ra, phía Mỹ cũng tiếp tục đòi hỏi VN phải mở cửa thị trường thịt bò và các sản phẩm thịt bò, yêu cầu VN bỏ thuế đặc biệt đối với các loại rượu mạnh, đòi VN phải mở cửa hơn nữa lĩnh vực dịch vụ chuyển phát nhanh (EMS). Vấn đề nhập khẩu các ấn phẩm văn hóa, phim ảnh, xuất bản vào thị trường VN cũng được phía Mỹ nêu ra.

Trong khi đó, hai bên lại đạt được thoả thuận trong những lĩnh vực từng được coi là "nhạy cảm" và khó mở cửa với Việt Nam như viễn thông, tài chính, phân phối và năng lượng.

Trong những ngày qua, nếu như phía Việt Nam đã hạ quyết tâm kết thúc đàm phán với Mỹ ngay trong tháng 5 này để kịp gia nhập WTO thì phát biểu trên báo chí giới chức Mỹ lại nói cuộc thương lượng để VN vào WTO không nên "vội vàng" vì còn một số điểm chưa giải quyết như bảo hộ và khả năng tiếp cận thị trường của thiết bị xây dựng, xe hơi, môtô...

Hãng AFP dẫn lời một quan chức giấu tên nói Mỹ "thận trọng hơn một số nước khác... và quyền lợi cũng đa dạng hơn nhiều".

Quan chức này cho biết thêm Mỹ không muốn rơi vào tình huống mà "tin tốt là có được mức thuế rất thấp và tin xấu là sản phẩm vẫn bị cấm".

Việt Nam đã hạ quyết tâm gia nhập WTO trước thềm Hội nghị Cấp cao APEC diễn ra vào tháng 11 năm nay.

VietNamNet sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất về thỏa thuận vừa đạt được giữa Việt Nam và Mỹ, một kết quả có ý nghĩa quyết định tới tấm thẻ hội viên WTO của Việt Nam năm 2006.

  • Việt Lâm

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,