(VietNamNet) - "Nhà công vụ là công vụ, khi anh không làm nhiệm vụ nữa thì anh phải đi, anh không được mua, bất kể ở cương vị nào" - Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Hoài Thu khẳng định quan điểm trên của mình khi được hỏi về trường hợp xin mua nhà công vụ của nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên.
>> Biệt thự cả triệu đô la, bán dưới 1 tỷ đồng?!
>> "Ông Hoàng Văn Nghiên mua biệt thự là nguyện vọng cá nhân"
>> Nhà công vụ không thể biến thành "tư vụ"
Nếu bán là không công bằng
- Quan điểm của bà về trường hợp nhà công vụ ở 12 Nguyễn Chế Nghĩa mà ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội đang ở có thể được Hà Nội áp khung giá bán cho ông Nghiên chưa tới 1 tỷ đồng, trong khi giá trị thực của ngôi biệt thự này không dưới 1 triệu USD?
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: "Nhà công vụ là công vụ, khi anh không làm nhiệm vụ nữa thì anh phải đi, anh không được mua, bất kể ở cương vị nào" |
- QH vừa ban hành Luật Nhà ở, có phần nói về nhà công vụ. Theo tôi hiểu, nhà công vụ thuộc sở hữu của Nhà nước. Và nhà công vụ chỉ giải quyết cho những người chưa có nhà ở riêng hoặc có nhà ở riêng ở địa phương nào đó nhưng về Trung ương hoặc về Thủ đô công tác mà không có nhà ở thì được Nhà nước cho thuê ở nhà công vụ, phải trả tiền thuê. Tiền thuê tính trong lương cán bộ.
NĐ 61 CP của Chính phủ cho phép bán một số nhà thuộc diện sở hữu chủ là Nhà nước cho cán bộ công nhân viên chức của mình mà chưa có nhà ở thì được mua nhà theo NĐ61.
Tôi cũng được mua một căn nhà thuộc sở hữu Nhà nước ở tại địa phương. Trong đó ,người ta tính toán cho mình, trừ những cống hiến của mình bằng xương máu, tức phải có Huân chương kháng chiến...
Tôi nhớ không lầm thì trong quy định về nhà công vụ thuộc Luật Sở hữu Nhà ở, có quy định về diện tích nhất định là trong cái biệt thự đó anh được mua bao nhiêu theo giá quy định, còn lại nếu anh có yêu cầu, mà Nhà nước cũng xét là có thể bán được, thì phải mua diện tích còn lại với giá cao, tức áp theo giá thị trường.
Còn bây giờ trường hợp đó (ông Hoàng Văn Nghiên - PV), tôi cũng chưa nghe cụ thể, nhưng nếu quả thật như vậy thì nó nằm trong sự không công bằng. Không công bằng ở chỗ như tôi vừa nói trên. Bây giờ đồng chí nào đó, dù lãnh đạo ở cấp nào, có nhiều công hay ít thì phải căn cứ đúng NĐ 61.
Thuê dài hạn cũng bất hợp lý
- Hiện có tình trạng một số quan chức khi không còn đương chức, họ vẫn được thuê nhà công vụ đó dài hạn. Điều này có công bằng và hợp lý?
- Tôi cho rằng điều đó không hợp lý, mặc dù thuê của Nhà nước, nhưng trong trường hợp xuống cấp, chủ sở hữu vẫn phải sửa. Cuối cùng, bằng biện pháp thuê dài hạn, cái nhà đó không bao giờ được luân phiên sử dụng cho người khác. Và như thế là thiếu sự công bằng.
Theo tôi, đã hết công vụ rồi thì trả nhà công vụ và Nhà nước có chính sách cho vay mua nhà trả góp. Nếu cứ giải quyết theo kiểu bán hay cho thuê dài hạn thì sẽ không còn nhà công vụ cho những cán bộ kế nhiệm. Người sau lên kế tiếp chức vụ của anh mà người ta phải ở nhà công vụ nhỏ hơn anh là điều vô lý.
Vì thế, để thực hiện công bằng nên thực hiện chính sách cho cán bộ công chức của Nhà nước, kể cả lực lượng vũ trang được quyền vay tiền mua nhà của Nhà nước.
Với đồng lương như hiện nay mà Nhà nước không hỗ trợ, không cho vay, thì những người trung thực rất khó có thể tự mình xây được một cái nhà hay mua được cái nhà. Cho nên, nói chống tham nhũng có đôi khi người ta không muốn tham nhũng nhưng không có điều kiện sống, buộc người ta phải cách này hay cách khác móc ngoặc này kia.
Tôi cho rằng, công bằng nhất là bây giờ có một quỹ nhà ở bán cho công chức nói chung bất kể thu nhập thấp hay thu nhập cao. Nhà nước cho cán bộ vay tiền để mua trả góp trả chậm trong 20 năm, nếu là người trẻ mới vào làm việc thì trả trong 30 năm. Như thế, ai cũng có nhà ở, không phải mua nhà công vụ. Nhà công vụ là công vụ, khi anh không làm nhiệm vụ nữa thì anh phải đi, anh không được mua, bất kể ở cương vị nào.
"Giải quyết cho anh để lớp sau giải quyết cho tôi"
- Theo bà, làm thế nào để giải quyết thật công bằng giữa trường hợp người đi trước và người đi sau. Ví như trường hợp ông Hoàng Văn Nghiên, nếu không được giải quyết mà lãnh đạo trước đó lại được thì xử lý ra sao?
- Cái này là vấn đề rất khó, khó ở chỗ là phải mạnh dạn hay không thôi, dám làm hay không thôi. Còn không phải cho rằng các đồng chí lãnh đạo trước vì đã được giải quyết rồi nên lãnh đạo sau cũng vậy. Thế thì Nhà nước liệu có đủ điều kiện để giải quyết cho 100 năm nữa không?
- Theo bà, việc đề nghị được giải quyết mua nhà của lãnh đạo trước có phải là làm khó cho những người đương nhiệm hay không?
- Tôi nghĩ không phải khó cho người đương nhiệm mà người đương nhiệm nghĩ rằng, bây giờ tôi giải quyết cho anh thì sau này, lớp sau sẽ giải quyết cho tôi. Còn bây giờ tôi không giải quyết cho anh, sau này người ta cũng không giải quyết cho tôi.
· Hải Âu (ghi)
Quan điểm của quý độc giả: