221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
851826
Bộ trưởng Tài chính: "Mức thuế thu nhập rất nhẹ"
1
Article
null
Bộ trưởng Tài chính: 'Mức thuế thu nhập rất nhẹ'
,

(VietNamNet)- Trả lời phỏng vấn bên lề phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bàn về dự Luật thuế thu nhập cá nhân, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã nói như vậy để minh chứng cách tính thuế thu nhập của Việt Nam ưu việt hơn so với các nước.

>>>Tiền lãi gửi tiết kiệm: chịu thuế hay không?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Dự Luật thuế thu nhập cá nhân đã tính đến sự trượt giá đến năm 2009.   (Ảnh: Đỗ Minh)

 * Dự luật thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam có điểm gì khác với các nước?

Về cơ bản là phù hợp với tất cả các nước, chỉ khác là các nước khởi điểm trừ gia cảnh thì thấp hơn chúng ta rất nhiều. Họ chỉ trừ mang tính chất tượng trưng, miễn là anh có thu nhập thì tôi đánh thuế. Ví như Trung Quốc họ chỉ trừ khoảng gần 100 USD. Còn chúng ta quan niệm "phải đủ ăn thì mới nộp thuế".

* Nhưng thực tế thu nhập của người Việt Nam khác xa với thế giới, so sánh thế liệu có khập khiễng?

Khi có điều kiện tôi sẽ cung cấp tỉ lệ so sánh giữa nộp thuế giảm trừ gia cảnh/bình quân GDP thì mới tổng quát được, tỉ lệ trừ của Việt Nam đã cao hơn các nước rất nhiều.

* Thưa ông, có một vấn đề là các nước đánh thuế thu nhập cá nhân thì có hoá đơn, nhưng ở Việt Nam thì lại chưa có hoá đơn cho người nộp thuế thu nhập cao?

Cái này phải nghiên cứu thêm, nếu thực sự cần thì làm.

Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách nhất trí phương án sau về giảm trừ gia cảnh: Mức khởi điểm chịu thuế sau khi giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế là 5 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc (mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng) là 2 triệu đồng/ tháng (bằng 40% mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế)

* Trong trường hợp người phụ thuộc là bố mẹ mà đã nghỉ hưu (có lương) thì mức giảm trừ gia cảnh thế nào?

Pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ thế nào là người nuôi dưỡng và thế nào là người cấp dưỡng rồi nên tôi không nhắc lại nữa. Hơn nữa dự luật này cũng đã thể hiện ý, mỗi người trong gia đình chỉ được trừ đi một lần, tuỳ anh chọn.

* Cụ thể hơn, một gia đình có 5 người con mà đều phải có nghĩa vụ với bố mẹ cả thì tính thế nào?

Tính một người thôi, không có chuyện 5 người cùng được trừ gia cảnh. Ai thì tuỳ gia đình đó chọn.

* Việc đánh thuế thu nhập cá nhân từ tiền lãi gửi tiết kiệm dường như không được nhiều ý kiến ủng hộ?

Chuyện này có mấy ý: Một là hiện nay xu hướng gửi lãi tiết kiệm lớn, chúng tôi bước đầu đưa vào "tập dượt" chuyện này thôi. Đánh rất thấp, chỉ 5% trên ngưỡng tiền lãi 5 triệu/tháng. Tôi tin không phải vì chuyện này mà nó ảnh hưởng đến việc huy động vốn, bởi một người nếu lãi 6 triệu đồng/ tháng thì chỉ phải đóng thuế có 50 nghìn đồng. Chắc không vì số tiền này mà người ta bỏ 5,95 triệu đồng còn lại. Chúng tôi đã thiết kế trong luật để không ảnh hưởng đến Luật ngân hàng, không phải công bố sổ tiết kiệm. Hiện nay chúng ta đang bị tâm lý: khai thu nhập là ngại, các nước thì tất cả đều phải kê khai hết.

* Quy định đánh thuế thu nhập cá nhân từ thừa kế, quà tặng dường như chưa rõ ràng?

Việc này thực ra rất khó, phức tạp. Chính vì thế chúng tôi mới kiến nghị hàng loạt các biện pháp đằng sau,  ví dụ đăng ký bất động sản chẳng hạn để anh chứng minh được thừa kế chỉ 1 căn nhà thôi, như vậy thì anh không phải nộp thuế.

* Có nghĩa là nếu chuyển nhượng bất động sản không vì mục đích thu lợi nhuận, chỉ phục vụ nhu cầu ở thôi thì không phải đóng thuế?

Đúng, cố gắng sẽ không thu thuế ở trường hợp này. Tôi cho là hợp lý, thực ra là nhắm chủ yếu là vào đối tượng đầu cơ, kinh doanh.

* Ngày 1/1/2009 Luật thuế thu nhập cá nhân mới có hiệu lực, chúng ta đã tính đến sự trượt giá tại thời điểm đó chưa, thưa ông?

Chúng tôi đã tính đến. Có 3 cách: Thứ nhất xét theo chính sách tiền lương của Nhà nước. Llương tối thiểu hiện là 450.000 đồng/tháng, cứ theo lộ trình cải cách tiền lương, đến năm 2009 thì sẽ đạt khoảng 700.000 đồng/tháng. Nhưng tôi cứ lấy hẳn mốc 1 triệu đồng/tháng (thực tế muốn đạt mốc này thì phải có một sự cố gắng rất lớn của Nhà nước). Lấy hệ số là 2,34 tính ra lúc đó bình quân khoảng 2,4 triệu đồng. Lương doanh nghiệp thì gấp đôi mức lương tối thiểu.

Cách thứ 2, tiếp cận từ điều tra xã hội học: Tổng cục thống kê công bố công khai, năm 2005, thu nhập của nhóm tương đối cao trong xã hội vào khoảng 1,5 triệu đồng. Tôi tính theo tốc độ tăng trưởng kinh tế (7,5) và trượt giá (8) cộng vào là 16%, nhân lên với 3 năm thì thu nhập bình quân của mức cao lúc bấy giờ vào quãng 2,5 triệu.

Cách tiếp cận thứ 3 là từ GDP, cũng khoảng 1,7 triệu. Từ 3 cách trên chúng tôi lấy mức bình quân cao lên là 4 triệu. Bốn triệu nếu so ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì không nhiều. Nhưng so với đại bộ phận (85%) là nông dân của cả nước, thì một hộ thu nhập 4 triệu/tháng không phải dễ. Hiện nay người nông dân phấn đấu 1 triệu đồng/hộ/ tháng vẫn khó.

Cũng cần phải xem đến mục tiêu của luật: đó là thuế thu nhập cá nhân chứ không phải đánh thuế thu nhập cao. Vì vậy mức ở mức khởi điểm chịu thuế chỉ đánh 5% chứ không phải 10% như trước nữa. Tức là khi ta hạ khởi điểm thu nhập chịu thuế xuống thì mức thuế cũng đánh rất nhẹ. Thậm chí giả dụ sau này chúng ta để mức đó mà không tính theo trượt giá có thể hạ xuống 3 hoặc 2% cũng được.

* Điểm mấu chốt của dự luật là phải quản lý được thu nhập của người chịu thuế. Ông có đánh giá gì về quản lý thu nhập?

Đúng vậy, muốn cho công bằng, bình đẳng, động viên hợp lý, điều tiết thu nhập... thì yêu cầu này cực kỳ quan trọng, nước nào người ta cũng làm chặt. Vì thế cho nên luật này mới kiến nghị Quốc hội để có đến gần 2 năm chuẩn bị thực hiện. Muốn làm được yêu cầu trên thì phải kiểm soát được người chi trả với người nộp.

Hiện nay chưa thanh toán qua ngân hàng được nhiều, nhưng sau này phải thực hiện việc này để làm điều kiện triển khai luật. Cũng cần phải có một chương trình tổng thể về hiện đại hoá công tác quản lý thuế, lúc đó có khả năng kiểm soát được thu nhập

* Xin cám ơn ông !

  • Đỗ Minh (ghi)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,