221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
853292
Kê khai tài sản để chống tham nhũng: Khó khả thi!
1
Article
null
Kê khai tài sản để chống tham nhũng: Khó khả thi!
,

(VietNamNet)- Kiểm soát thu nhập của người có chức quyền, kê khai tài sản, giải trình nguồn gốc tài sản đối với đảng viên đang là một trong những nội dung “nóng” mà Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương đưa ra. Theo Tiến sĩ Khoa học Lê Kiên Thành, Tổng giám đốc công ty TNHH Thiên Minh, con trai cựu Tổng bí thư Lê Duẩn, đây sẽ là một công việc đồ sộ, đòi hỏi nghiên cứu thấu đáo, để có thể phòng chống tận gốc tệ nạn tham nhũng.

>>>Sẽ kiểm soát thu nhập của người có chức quyền

Kê khai tài sản? Biện pháp và khả năng thực thi yếu

TS Lê Kiên Thành: "Điều quan trọng hơn là phải để cho sự kiểm soát không phải chỉ từ cơ quan chức năng mà từ nhiều phía của xã hội".

Theo anh, dựa trên những đặc thù kinh tế-xã hội của Việt Nam,  liệu chúng ta có đi đến tận cùng trong việc yêu cầu đảng viên, người có chức quyền kê khai trung thực tài sản hay không?

Đa số các nước trên thế giới đều đã áp dụng chính sách thuế tương đối hoàn chỉnh từ lâu nên trong một thời gian dài, dường như mọi nguồn thu nhập của người ta đều được phản ánh qua thuế. Dù vẫn có chuyện lách luật, nhưng nói chung việc kê khai đó là chính xác.

Còn quá trình phát triển của xã hội ta có đặc thù riêng nên  việc hình thành tài sản của mỗi người lại có "lịch sử" riêng. Ví dụ như thế này, cách đây mươi năm,  nếu gia đình  nào đó có một người "đi" làm  tàu viễn dưong, lúc về mua một xe máy bãi rác rất rẻ,  bán đi được vài chỉ vàng là có thể mua được vài trăm mét đất ruộng rau muống ở đâu đó (có thể gần Hồ Tây). Chỉ sau ít năm,  ví dụ như đất ở đó  lên tới 7 cây/m2, thì lập tức có hàng ngàn cây vàng. Vậy chúng ta có cách nào để truy ngược trở lại nguồn gốc tài sản đó hay không? Có thể thấy ngay là rất khó truy ngược lại. Vậy  khi công bố tài sản đó ra để nói người đó giàu hay nghèo thì cũng rất vô nghĩa.

Hay là chúng ta  "xem xét" một quan chức thì chỉ tính tài sản kể từ khi anh ta nhậm chức mà không truy hồi tài sản đã có từ trước. Nhưng liệc việc phân chia thời kỳ đó như thế nào để khỏi "oan" hoặc ăn gian thì không phải dễ!

Chống tham nhũng, điều quan trọng hơn là phải đẩy mạnh toàn bộ nền dân chủ, để cho sự kiểm soát không phải từ cơ quan chức năng mà từ rất nhiều phía khác nhau của cả xã hội.

Thứ hai là xét đối tượng nào phải kê khai?  Nếu chúng ta chỉ nhắm vào cán bộ chủ chốt thôi thì chưa chính xác - bởi những thu nhập nổi và chìm lại nằm ở rất nhiều những cán bộ thực thi ở dưới-  từ anh cảnh sát giao thông đến người nhấn viên thu thuế,  từ một bà hiệu trưởng  trường mầm non... Vậy phải xác định người từ vị trí nào thì phải kê khai. Một cán bộ thu thuế nhiều khi chả có chức vụ gì cả nhưng họ vẫn có cơ hội để có thu nhập không chính đáng.

Quay trở lại vấn đề chúng ta muốn đặt ra, tôi nghĩ chúng ta phải có một giải pháp rất thông minh, rất khoa học, được cân nhắc rất kỹ ở mục đích của mình. Đừng vì thấy nước nào làm chuyện quy định quan chức phải kê khai thì chúng ta cũng phải làm như thế... Cá nhân tôi thấy cả tính thuyết phục và khả năng thực thi của những biện pháp đưa ra đều còn rất yếu. Nếu chúng ta máy móc áp dụng tràn lan thì rất dễ đến việc là rất nhiều người sẽ lợi dụng việc chống tham nhũng để đấu đá nội bộ.

Mặt khác, cần thấy rằng kể cả khi xác định được mình bắt đầu từ đâu - ví dụ như kê khai từ một anh cán bộ dưới chẳng hạn thì bao nhiêu người phải làm thống kê, bao nhiêu người theo dõi, kiểm soát. Như vậy sẽ đẻ ra một lượng người làm chuyện này lớn khủng khiếp. Theo tôi, có điểm gì đó không ổn trong tất cả những vấn đề này.

Kê khai đúng và đủ? Khó kiểm chứng! 

Bà Lưu Thị Minh Hải, cán bộ Học viện Chính trị Quân sự

Tôi nghĩ là khó mà bắt được cán bộ có chức quyền kê khai đúng tài sản họ có. Vì ai cũng biết là tiền bạc họ có gắn liền với chức quyền, nếu vì khai hết của cải mà mất chức thì làm gì còn tiền nữa. Một điều nữa là người có chức quyền xây nhà hàng tỷ đồng, trong khi lương cao nhất của những công chức làm ở những ngành nghề “màu mỡ” nhất như hàng không, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông... cũng chỉ 5-7 triệu. Vậy thì tiền ấy ở đâu ra?

Để né tránh pháp luật, tôi nghĩ là họ thừa thông minh để nhờ con cái, họ hàng... đứng tên tài sản, tài khoản ngân hàng. Tóm lại, tôi thấy chính sách của chúng ta chưa đủ “mạnh” để thực hiện tốt việc minh bạch thu nhập của cán bộ đâu.

Ngoài ra, một trong những yêu cầu để đảm bảo ý nghĩa của việc kê khai tài sản là tính xác thực. Theo anh, chúng ta có khả năng kiểm tra mức độ trung thực của cán bộ, đảng viên trong việc này không? 

Ở Việt Nam, đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người không riêng rẽ mà có tính "tập thể" gia đình, cụ thể hơn là việc sở hữu tài sản có tính độc lập rất thấp.  Ví dụ,  ở nước ngoài, tài sản của bộ mẹ là của bố mẹ, con cái là của con cái. Nhưng ở nước ta, bố mẹ có thể đứng tên tài sản của con, thậm chí cả anh em họ hàng cũng có thể làm việc này. Chúng ta có câu “Một người làm quan, cả họ được nhờ“. 

Ở nước ngoài, người ta không làm như vậy, vì "gửi" tài sản khó mà đòi lại được. Còn ở Việt Nam,  đôi khi những ràng buộc của gia tộc, làng xã đôi khi còn cao hơn những quy định có tính pháp lý. Trên thực thế, người ta có thể tin tưởng được những người họ hàng xa lắc xa lơ ở đâu đó để nhờ đứng tên những tài sản khổng lồ và không bị lấy mất...

Chính vì thế, khó mà đưa ra được quy định giới hạn kê khai tài sản của người thân đến mức nào.

Ban chống tham nhũng: Dập lửa mà chưa ngăn được đám cháy

Vậy theo anh, đâu là cốt lõi của vấn đề?

Theo tôi, chúng ta đừng đặt vấn đề là cứ kê khai tài sản ra là chống được tham nhũng. Nếu đặt vấn đề như thế thì sẽ cảm thấy bế tắc, mà chúng ta phải làm những việc khác nữa. Tôi nghĩ điều quan trọng hơn là phải đẩy mạnh toàn bộ nền dân chủ, để cho sự kiểm soát không phải từ cơ quan chức năng mà từ rất nhiều phía khác nhau của cả xã hội.

Cả xã hội phải ý thức được rằng mất mát do tham nhũng là của chính họ chứ không phải là của một Nhà nước chung chung nào. Khi đó, chúng ta sẽ đi đến việc chống tham nhũng hiệu quả hơn. Ví dụ như câu chuyện vừa rồi ở Đồ Sơn chẳng hạn, quần chúng đã làm được những chuyện lớn lao là đưa ra ánh sáng toàn bộ một đường dây tham nhũng đất đai... Tôi nghĩ quan trọng là "anh" có muốn khơi dậy nền dân chủ trong quần chúng hay không.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc Công ty Du lịch Dã ngoại Lửa Việt- TP Hồ Chí Minh

Tôi nghĩ điều quan trọng trong nghị định công khai tài sản của các quan chức là chúng ta có quyết tâm và có chịu làm đến cùng hay không. Nếu không có quyết tâm thì mười ban chống tham nhũng cũng chẳng có ý nghĩa gì. Liệu chính phủ có đủ sức đi ngược lại cả một dòng chảy của xã hội, nơi tham nhũng đã ăn sâu vào từng hơi thở của cuộc sống hay không?

Tôi nói đơn giản thế này, với đồng lương cán bộ nhà nước, dù là cán bộ cấp cao thì thử hỏi liệu các vị quan chức có thể sắm nhà lầu, biệt thự, có thể gửi con đi học nước ngoài được hay không? Hai vợ chồng chúng tôi đều là giám đốc doanh nghiệp, vậy mà chật vật lắm mới có thể lo nổi cho con đi học ở Singapore với học bổng bán phần. Vì vậy, tôi không hiểu sao các quan chức lại có thể dễ dàng gửi con cái họ đi Mỹ, Úc, Anh như vậy.

Việc ra đời Ban chống tham nhũng khiến xã hội thêm yên tâm về quyết tâm chống tham nhũng của Chính phủ. Nhưng tôi vẫn có cảm giác là có vẻ người ta đang đi trên bề mặt của sự việc chứ chưa động đến được bản chất của sự việc. Chúng ta lập ra một Ban chống tham nhũng dường như là để đi xử lý những vụ tham nhũng đã bị phát giác hoặc đi phát giác các vụ tham nhũng. 

Và cho dù chúng ta có trao cho Ban đó quyền gì chăng nữa, Ban đó có lẽ không làm được điều rất quan trọng là triệt tiêu nguyên nhân tham nhũng.

Tôi lấy ví dụ thế này: tham nhũng là do rất nhiều cơ chế chồng chéo và bất hợp lý gây ra và để cho những người điều hành lợi dụng để tham nhũng thì liệu Ban chống tham nhũng đó cách nào để thay đổi những chính sách đó hay không. Ban chống tham nhũng đó có thể tác động để tạo nên thu nhập hợp lý cho những ai "tham nhũng để tồn tại vì lương không đủ sống" không?  Hoăc họ có thể tác động đến đức của CBCNV hay không. Chúng ta hình như đang chỉ chú ý xử lý  phần hậu quả chứ chưa đặt ra được những giải pháp để giải quyết căn nguyên của vấn đề.

Tôi nghĩ rằng dường như chúng ta lập ra Ban đó như là lập ra một đội lính cứu hoả, lửa ở đâu thì chúng ta phi đến dập. Có thể xưa chúng ta dập kiểu khác, bây giờ dập  một cách chuyên nghiệp hơn, cũng có thể sẽ tốt hơn. Ví dụ như hồi xưa rất khó dập cháy ở nhà cao tầng vì không có phương tiện, bây giờ ta đã có đội chữa cháy có cầu thang cao hơn để có thể dập lửa ở những toà nhà cao hơn. Nhưng nói cho cùng đó chỉ là phương tiện.

Nếu chúng ta vẫn không làm những việc để đám cháy khỏi bùng phát thì với một lực lượng như vậy, chúng ta không thể dập hết được. Đã chắc gì đám cháy không xảy ra ở chính trong lòng đội chữa cháy đó. Ai sẽ là người kiểm soát nó, nếu chúng ta không tìm cách ngăn chặn ngọn lửa từ đầu.

"Hi vọng mình đủ bản lĩnh để trong sạch..."

Theo anh, để giải quyết tham nhũng đến tận gốc và đi vào bản chất, phải đẩy mạnh dân chủ?

Chắc chắn là như vậy. Đẩy mạnh dân chủ và trong chừng mực nào đó, như tôi đã từng nói trên VietNamNet, chúng ta phải chấp nhận hy sinh, phải chấp nhận loại bỏ hơn một nửa CBCNV. Bộ máy càng tinh giản thì càng dễ phát hiện các vụ việc, càng cồng kềnh thì càng khó phát hiện và càng khó giải quyết.

Nếu đang làm ở một cơ quan Nhà nước thì anh có dám nói những điều này không?

Nếu tôi không tham nhũng thì tôi tin là vẫn có thể nói những điều này. Hy vọng rằng mình đủ bản lĩnh để nếu ở cơ quan nhà nước, mình không tham nhũng.

Anh chỉ hy vọng thôi sao?

Tôi chỉ hy vọng bởi vì những  ai khi vào Đảng thì đều tuyên thệ là tuyệt đối trung thành, nhưng nếu chưa một lần vào tù ra tội thì liệu có biết chắc là  mình có khai hay không khi bị địch tra tấn... Cái đó khó lắm. Tôi cũng là đảng viên và tôi hy vọng lúc bị tra tấn, mình có đủ nghị lực để không khai báo.

Cách đây ít ngày, tôi có trò chuyện với anh Quân -  Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh. Anh kể lại thời hoạt động bí mật: cũng chỉ cố gắng sống với những gì mình có. Rủi mà mình bị bắt, nhỡ đâu mình không chịu đựng được thì sẽ rất  ảnh hưởng đến những người từng chăm nuôi mình...

Theo anh, có thể giáo dục đạo đức cho đảng viên, công chức được không?

Chắc chắn làm đuợc. Điều đầu tiên là làm sao cho mọi người đều thương yêu đất nước mình, dân tộc mình. Những người tham nhũng là những người chỉ yêu mỗi gia đình họ chứ không yêu nổi đất nước.

-  Xin cám ơn anh !

  • Vân Anh (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,