(VietNamNet) - Hôm nay (31/10), Quốc hội bàn thảo về thực hiện Luật phòng và chống tham nhũng. Một trong những công việc quan trọng thu hút sự chú ý của dư luận trong thực hiện Luật này là kê khai tài sản. VietNamNet đã ghi lại một vài ý kiến chuyên gia kinh tế về chủ trương này. Họ cho rằng " Kê khai tài sản là chủ trương đúng, giống như dùng nước để dập ngay đám cháy đang lan rộng".
Trước đó, trong một phỏng vấn trên VietNamNet, Tiến sỹ Lê Kiên Thành và một số doanh nghiệp, người dân cho rằng, kê khai tài sản để chống tham nhũng là biện pháp yếu, khó khả thi do không đủ công cụ. Theo ông Thành, đẩy mạnh dân chủ xã hội mới là biện pháp cốt lõi để chống tham nhũng hiệu quả.
Kê khai tài sản: khả thi đến đâu?
TS Lê Đăng Doanh. |
TS Lê Đăng Doanh:
Tôi tin làm được, và nên làm để ngăn chặn những thu nhập không rõ ràng ví như với vụ ông Giám đốc Kho bạc Hà Tây với khoản tiền khó lý giải mà báo đang đăng tải. Công việc này trên thế giới người ta đều làm cả.Quan trọng là phải tạo tiền đề để kê khai có căn cứ và có thể kiểm chứng. Việc này trước đây ta có làm, các vị được đề cử vào các chức vụ này khác đều kê khai nhưng không được công bố. Hơn nữa, cái kê khai đó cũng không được kiểm chứng, không có ai xác minh như thế nào cả.
Về cách thức, tôi cho rằng cần sớm trả lương công chức vào tài khoản, đồng thời khuyến khích các đối tượng khác trong xã hội cũng làm như vậy, ví như doanh nghiệp trả lương công nhân cũng nên bằng tải khoản. Nước ta có 84 triệu dân mà theo con số tôi có được thì mới có tối đa 6 triệu tài khoản cá nhân. Như vậy, việc sử dụng tài khoản tiền mặt hiện còn rất phổ biến.
Chuyên gia kinh tế Phước Bình: Chủ trương kê khai tài sản là đúng, cần thực hiện từ lâu. Vấn đề chưa làm được là do những lo ngại về kỹ thuật. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn không chỉ là kỹ thuật mà điều quan trọng khi cân nhắc thực hiện là triển khai có trọng điểm, kiên quyết, tránh tình trạng “nhờn với pháp luật”.
Ông Nguyễn Đình Cung, Thư ký tổ công tác thi hành luật doanh nghiệp. |
Ông Nguyễn Đình Cung, Thư ký Tổ công tác thi hành luật doanh nghiệp của Chính phủ:
Chủ trương này rất cần, là một trong những công cụ làm minh bạch hoá, từ đó, giúp giám sát hiệu quả những người có chức vụ, quyền hạn. Cách này cũng sẽ ngăn chặn những hành vi lạm dụng quyền lực trong khi thi hành công vụ. Công việc này nếu được thực hiện thì dù đạt được mức độ nào đó thì nó vẫn có ý nghĩa.GS Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức: Tham nhũng hiện được coi là quốc nạn, kê khai tài sản là góp phần chống tham nhũng. Chúng ta cần có biện pháp mạnh để chặn đứng ngay đã, giống như dùng nước để dập ngay đám cháy đang lan rộng.
Kê khai tài sản đến cấp nào?
TS Lê Đăng Doanh: Cần triển khai càng sớm, càng sâu rộng càng tốt. Kinh nghiệm cho thấy tham nhũng không chỉ ở cấp cao mà còn nhiều ở cấp xã. Ví dụ như vụ tham nhũng trong cấp đất ở Đồ Sơn thì nơi khác cũng có. Chỉ có điều khi làm, cần có sự chuẩn bị kỹ các tiền đề, phải có những quy định, giải thích rõ chứ không mỗi nơi làm mỗi kiểu, giống như đồng bào miền Nam vẫn nói: "nói vậy mà không phải vậy".
Ông Nguyễn Đình Cung: Đã làm thì phải làm đại trà, mọi người như nhau. Về mặt luật pháp thì nên làm bình đẳng, không phân biệt cao hay thấp, người có chức vụ thấp cũng vẫn lạm dụng quyền lực.
GS Chu Hảo (phải) tại lễ nhận Huân chương Quốc công của Pháp |
GS Chu Hảo
: Kê khai một cách nghiêm chỉnh từ cấp phó phòng ở huyện trở lên là công việc hết sức phức tạp và gian truân bởi nó không chỉ là cá nhân mà còn liên quan đến toàn xã hội.Nên chăng, để lấy lại lòng tin của dân, hãy kiểm kê tài sản của các cá nhân và gia đình các cán bộ của Đảng và Nhà nước từ TW uỷ viên trở lên và từ bộ trưởng và cấp tương đương trở lên. Không phải cấp dưới ít tham nhũng hơn nhưng nghiêm trị tham nhũng từ cấp trên (nếu có) sẽ có tác dụng mạnh.
Chuyên gia kinh tế Phước Bình: Chưa nên mở rộng mà tiến hành trên các đối tượng như hiện nay sau đó tổng kết rút kinh nghiệm. Vấn đề là mục đích của kê khai tài sản là chống tham nhũng.
Có nên xây dựng mới bộ máy giám sát?
Ông Nguyễn Đình Cung: Không việc gì phải làm như vậy mà bộ máy hiện có nên tổ chức thực hiện. Hơn thế, công việc này cần huy động nhiều lực lượng mà người dân là bộ phận quan trọng. Vì thế, cần chủ động cung cấp thông tin, tạo điều kiện để dân được trao đổi thảo luận thông tin với các cơ quan có chức năng. Ngoài ra trong nội bộ cũng cần có cơ chế giám sát nhau.
TS Lê Đăng Doanh: Không nhất thiết bởi chúng ta đã có bộ máy công chức. Bây giờ chúng ta lại có bộ máy bên ngân hàng, bên Bộ Tài chính cũng có các bộ phân chức năng, từ các bộ máy đó, chúng ta nối mạng, áp dụng công nghệ thông tin thì rõ ràng sẽ rất hiệu quả.
Kê khai tài sản có thể gây mất đoàn kết nội bộ?
TS Lê Đăng Doanh: Bất cứ việc gì cũng đều bị lợi dụng để làm điều xấu nên nếu sợ vậy mà không làm thì tự mình đã bó tay mình, chỉ có điều làm sao để hạn chế bớt và có những quy định để hạn chế những việc đó.
Nếu chúng ta có cơ chế rõ ràng thị mọi việc đều trôi chảy được. Chúng ta cần sửa những cơ chế sao cho các quy trình quyết định được thuận lợi hơn. Rồi những ai chịu trách nhiệm phải rất rõ ràng và được công khai cho toàn dân biết. Ví dụ như hiện ở quận I, thành phố Hồ Chí Minh, người ta làm được việc là hồ sơ đang được ai thụ lý, ngày nào thì có thể dùng điện thoại di động cập nhật và hỏi những chỗ ấy được...
Chuyên gia kinh tế Phước Bình: Không cần kê khai tài sản thì việc đấu đá nội bộ (nếu có) cũng đã xảy ra. Nếu “đấu đá” nội bộ mà loại trừ được những phần tử tham nhũng, nêu gương những người chí công vô tư, thay đổi nhận thức, củng cố niềm tin của nhân dân thì ‘TẠI SAO KHÔNG?”.
Quy định đã chỉ rõ đối tượng là công chức, vì vậy, không ngại động chạm đến các quyền cá nhân khác. Công chức là công dân đặc biệt, có nghĩa vụ và quyền hạn nhất định. Kê khai trung thực tài sản phải được coi là nghĩa vụ của công chức. Một người không muốn kê khai tài sản của mình vì lý do này khác thì có quyền từ chối không làm công chức.
-
Quang Vũ (thực hiện)