221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
860430
Luật thuế thu nhập cá nhân: Vẫn chỉ là tập dượt
1
Article
null
Luật thuế thu nhập cá nhân: Vẫn chỉ là tập dượt
,

(VietNamNet) - Bình luận về hiệu quả dự luật thuế thu nhập cá nhân trình ra QH hôm nay, 4/11, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của QH Dương Thu Hương cho rằng chưa nên đánh thuế thu nhập đối với lãi tiền gửi tiết kiệm. Bà cũng cho rằng luật này cũng mới là tập dượt, chỉ có hiệu quả trong vài năm .

Chưa nên đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm

Bà Dương Thu Hương: Mức thuế suất phải dựa trên thu nhập bình quân đầu người (Ảnh: Đỗ Minh)

* Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách (UB KT&NS) đã đưa ra 2 loại ý kiến trái ngược nhau về đánh thuế thu nhập đối với lãi tiền gửi tiết kiệm trong báo cáo thẩm tra dự Luật thuế thu nhập cá nhân. Bà ủng hộ quan điểm nào?

Theo tôi, chưa nên đánh thuế thu nhập đối với lãi tiền gửi tiết kiệm. Ở Việt Nam hiện nay, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chính cho nền kinh tế. Nếu đánh thuế lãi tiết kiệm, người dân không gửi tiết kiệm nữa thì ngân hàng huy động vốn ở đâu? Lúc đó, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

* Bộ Tài chính thì lại cho rằng, những khoản tiền đó nếu người dân không gửi tiết kiệm, thì họ cũng vẫn đầu tư vào nền kinh tế, chẳng ai dại gì đem tiền "gối đầu giường"?

Người ta không đem tiền "gối đầu giường", nhưng rất có thể họ sẽ mua vàng, ngoại tệ để cất giữ; hoặc đầu tư hiện vật, vào đất đai. Những trường hợp này thì rõ ràng là vốn đã "chết" ở một chỗ.

* Có ý kiến nói rằng, các nước khác có đánh thuế với lãi tiết kiệm, nên ở Việt Nam cũng cần áp dụng?

Bản chất tiền gửi tiết kiệm ở Việt Nam khác với các nước. Tôi đã đi khảo sát ở nhiều nước thấy rằng, tiền gửi tiết kiệm của họ là khoản tiền thừa ra, không dùng đến và tiết kiệm cũng là hình thức đầu tư. Mà đã là đầu tư thu lãi thì đóng thuế là hợp lý. Vì sao như vậy? Vì an sinh xã hội của họ tốt, người dân không phải lo lắng khi về hưu mình sẽ sống bằng gì, ốm đau có tiền chữa bệnh không? Còn ở Việt Nam, tiền gửi tiết kiệm là sự tích luỹ để đảm bảo cuộc sống trong tương lai, không phải là đầu tư sinh lời. Vì thế, chưa nên đánh thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm ở Việt Nam tại thời điểm này.

Đánh thuế khởi điểm 5% là không hợp lý

* So với pháp lệnh hiện hành, mức thuế suất đầu tiên trong biểu thuế luỹ tiến đã giảm xuống mức 5%. Như vậy có thoả đáng không?

Các nước khác Việt Nam ở chỗ, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của họ cao hơn ta gấp nhiều lần. Thu nhập của họ là 2.000 - 3.000 USD/người/năm nên thuế suất khởi điểm là 5%, còn ta thu nhập chỉ là 620 USD/người/năm mà cũng đánh thuế khởi điểm 5% là không hợp lý. Tôi đã xem một loạt biểu thuế thu nhập cá nhân của các nước, và thấy mức thuế suất khởi điểm đều đồng loạt là 5%, có nước là 1%. Ví dụ, Malaysia có thu nhập bình quân đầu người trên 2.000 USD/năm mà thuế suất khởi điểm là 1%. Vậy Việt Nam đưa ra mức 5% thì có quá cao không?

* Vậy có nên quy định mức thuế suất khởi điểm căn cứ theo thu nhập bình quân đầu người, chẳng hạn thu nhập đạt một ngưỡng nào đó thì mới áp dụng mức 5%?

Nên nghiên cứu đề ra mức thuế suất khởi điểm linh hoạt như vậy, kể cả mức giảm trừ gia cảnh cũng nên áp dụng phương thức này.

Dự luật còn phải điều chỉnh thường xuyên

* Phương án giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế mà Chính phủ trình ra Quốc hội là 4 triệu đồng/tháng, còn UB KT&NS lại muốn tăng lên 5 triệu đồng/tháng, vì sao vậy thưa bà?

Nếu bây giờ chúng ta cho mức 4 triệu đồng/tháng là thu nhập cao, thì đến năm 2009- thời điểm dự định luật bắt đầu có hiệu lực thì mức này lại là thu nhập thấp. Vì thế, tôi lựa chọn phương án giảm trừ 5 triệu đồng/tháng cho cá nhân người nộp thuế, và 2 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc phi nuôi dưỡng trong gia đình.Tôi còn muốn mức cao hơn, nhưng buộc phải chọn 5 triệu đồng vì không có lựa chọn khác. Mức 5 triệu đồng/tháng chưa chắc đã đủ nếu cộng các loại chi phí cho hiếu hỉ, ốm đau, và hàng loạt chi phí không tên khác.Theo tôi, ngoài mức giảm trừ cố định, dự luật cần có các quy định về giảm trừ đột xuất cho các tình huống rủi ro do nguyên nhân khách quan (sức khoẻ, tai nạn…).

* Bà muốn giảm mức thuế suất khởi điểm, đồng thời lại đề nghị giảm trừ gia cảnh nhiều hơn. Nếu như vậy, ngân sách sẽ chẳng thu được bao nhiêu từ thuế thu nhập?

Luật thuế thu nhập cá nhân lần này mới chỉ là bước tập dượt, không đặt nặng vấn đề thu ngân sách. Tôi nghĩ, bất cứ luật nào thì cũng phải phù hợp với mặt bằng xã hội, với đời sống của nhân dân. Nếu tôi không còn phải lo khi vào bệnh viện nộp nhiều viện phí, khi lương hưu đủ sống… thì tôi bảo đảm sẽ đóng thuế với mức cao nhất mà chẳng kêu ca gì. Nhưng bây giờ, những vấn đề an sinh xã hội như vậy chưa bảo đảm, tôi phải tự lo cho mình thì làm sao chấp nhận mức thuế cao.

* Để phát triển kinh tế, phải bỏ dần thuế gián thu để tập trung sang thuế trực thu. Thuế thu nhập cá nhân là một loại thuế trực thu nhưng lại không bảo đảm nguồn thu cho ngân sách thì có hợp lý không, thưa bà?

Như tôi đã nói, Luật thuế thu nhập cá nhân lần này vẫn chỉ là sự tập dượt. Ban hành luật này không phải là hằng trăm năm sau vẫn áp dụng, mà chỉ  được khoảng vài năm thôi. Tôi nghĩ, khi đi vào thực hiện, luật này sẽ phải thường xuyên điều chỉnh để phù hợp với mặt bằng đời sống xã hội.

  • Đỗ Minh (ghi)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,